Thực tế cho thấy, cho dù được Nhà nước quan tâm và ưu tiên phát triển, nhưng trình độ công nghệ, năng lực làm chủ, sáng tạo công nghệ trong lĩnh vực cơ khí còn có những hạn chế nhất định, điều này không những có ảnh hưởng tới vị thế, năng lực cạnh tranh của ngành cơ khí mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của quốc gia. Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng năng lực làm chủ công nghệ trong lĩnh vực cơ khí, bài viết đề xuất các giải pháp chính sách nhằm nâng cao năng lực làm chủ công nghệ trong ngành cơ khí phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong bối cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.
Thực trạng năng lực và làm chủ công nghệ trong ngành Cơ khí thông qua chuyển giao công nghệ
Theo Tổng cục Thống kê (2019), số lượng doanh nghiệp cơ khí hoạt động có hiệu quả kinh doanh chiếm khoảng 30,5% trong tổng số doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động trên phạm vi cả nước (khoảng 25,5 nghìn doanh nghiệp), với doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt gần 1,5 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu lao động; giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành cơ khí khoảng 17% giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí trong năm 2018 đạt trên 13,5 tỷ USD (chủ yếu là thiết bị gia dụng, phụ tùng, linh kiện xe ô tô, xe máy), hiện ngành cơ khí đáp ứng được hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.
Theo Bộ Công thương (2019), lĩnh vực cơ khí của Việt Nam hiện có ba phân ngành chính có thế mạnh (xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô) và ba phân ngành này chiếm khoảng 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành cơ khí cả nước. Cùng với đó, nhờ các chính sách ưu đãi của nhà nước về hỗ trợ nghiên nghiên cứu, triển khai công nghệ trong nước, khuyến khích chuyên giao công nghệ, đến nay ngành cơ khí Việt Nam đã chế tạo, sản xuất được một số sản phẩm có chất lượng tốt như thiết bị thủy công phục vụ cho xây dựng dự án thủy điện, đã lắp ráp được một loại ô tô tải, ô tô bus, đã đóng mới được một số loại tàu thủy có trọng tải lớn, đã thích nghi, chế tạo và sản xuất được một số loại thiết bị điện, thiết bị cho nhà máy xi măng lò quay, bước đầu làm chủ được công nghệ thiết kế thiết bị siêu trường, siêu trọng, sản xuất thiết bị phụ trợ để cung cấp cho các hãng cơ khí, điện tử có uy tín trên thế giới như NEC, LG, Samsung. Hơn nữa, năng lực trong các doanh nghiệp cơ khí có xu hướng được cải thiện trong những năm gần đây, theo Bộ Công thương (2019), hiện Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất đạt khoảng 680.000 xe/năm, tỷ lệ nội địa hoá các loại xe gắn máy đạt 85-95%.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành cơ khí Việt Nam còn tồn tại những hạn chế nhất định cần khắc phục, cụ thể:
Thứ nhất, khả năng tìm kiếm, đánh giá công nghệ và nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp cơ khí còn hạn chế, nên chưa lựa chọn được các công nghệ lõi, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao để nhập khẩu, khả năng đàm phán hợp đồng thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài còn nhiều bất cập. Một trong các nguyên nhân trên là do năng lực, trình độ của các doanh nghiệp cơ khí còn thấp, chưa có nhiều doanh nghiệp cơ khí có tầm ảnh hưởng quốc tế nên các hoạt động nghiên cứu, triển khai, cải tiến, đổi mới công nghệ còn phải phụ thuộc nhiều vào chuyên gia nước ngoài, thậm chí bị các hãng sản xuất nước ngoài dẫn dắt, chi phối. Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực cơ khí, nguyên công thiết kế mới đạt được mức độ trung bình tiên tiến so với khu vực, nguyên công chế tạo phôi, nguyên công gia công, xử lý bề mặt, nguyên công lắp ráp hoàn chỉnh, nguyên công kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu và sản phẩm đã có những cải tiến trong những năm gần đây nhưng vẫn còn tương đối lạc hậu so với trên thế giới. Do đó, các doanh nghiệp cơ khí chưa đáp ứng được các yêu cầu cần thiết để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu.
Thứ hai, mặc dù ngành cơ khí (ví như cơ khí chế tạo ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế) là một trong các nội dung được ưu tiên trong chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam theo Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án "Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Tuy nhiên, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do khả năng tiếp nhận, làm chủ công nghệ, thể hiện ở việc chủ trì dự án chuyển giao, đào tạo nhân lực chất lượng cao, xác định thị trường mới cho sản phẩm đầu ra, cũng như duy trì yếu tố đầu vào công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, sự phát triển ngành cơ khí chưa có sự nhất quán, đồng bộ cao nên các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam chưa có tính bao trùm cho sự phát triển bền vững, chưa thực sự nhận được sự ủng hộ tích cực, cần thiết, xuyên suốt của các cấp, các ngành trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ theo chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất từ nghiên cứu tới hoàn thiện sản phẩm và đưa ra thị trường, các hoạt động hỗ trợ ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong lĩnh vực cơ khí còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, khả năng nghiên cứu, cải tiến, giải mã và đổi mới sáng tạo trong quá của các doanh nghiệp cơ khí còn hạn chế. Nguyên nhân là do việc Việt Nam chưa xây dựng được ngân hàng chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực cơ khí có khả năng đánh giá công nghệ, hỗ trợ định giá công nghệ, tư vấn, phương thức chuyển giao công nghệ từ nước ngoài phù hợp, chưa đa dạng được loại hình chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam, hiện vẫn chủ yếu là sự dịch chuyển công nghệ giữa công ty mẹ ở nước ngoài và các chi nhánh tại Việt Nam thông qua dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hơn nữa, chưa có nhiều chuyên gia có khả năng tìm kiếm công nghệ, xây dựng hồ sơ công nghệ trên cơ sở phân tích, đánh giá xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới trong lĩnh vực cơ khí; đồng thời chưa hình thành được mạng lưới chuyên gia tìm kiếm, đánh giá công nghệ chuyên nghiệp tại các quốc gia phát triển trong lĩnh vực cơ khí để hỗ trợ quá trình tiếp nhận, thích nghi, đồng hóa công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.
Thứ tư, các hoạt động tiếp nhận công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí diễn ra còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chưa có nhiều kết quả nghiên cứu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, chưa có nhiều tổ chức trung gian hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, có khoảng hơn 8-10% doanh nghiệp bộ phận nghiên cứu và phát triển công nghệ tại doanh nghiệp, còn lại nhiều doanh nghiệp cơ khí có hoạt động tiếp nhận công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài nhưng không có bộ phận nghiên cứu và phát triển công nghệ. Điều này làm ảnh hưởng tới quá trình nghiên cứu, tiếp thu, cải tiến công nghệ nhập và sáng tạo ra sản phẩm mới, qui trình mới sau khi tiếp nhận công nghệ. Ngoài ra, chưa có nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ làm chủ công nghệ thông qua việc thử nghiệm, kiểm định chất lượng sản phẩm, hỗ trợ tổ chức hội thảo chuyên sâu, trình diễn triển lãm công nghệ, tư vấn giải mã sáng chế, ứng dụng giải pháp hữu ích trong lĩnh vực cơ khí.
Thứ năm, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển ngành cơ khí, các sản phẩm cơ khí trọng điểm còn chưa thực sự thuận lợi, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng được chuỗi sản xuất, lắp ráp sản phẩm cơ khí trong nước, nên còn bị động trong việc tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, giá trị giao dịch các sản phẩm cơ khí, công nghệ cơ khí trên thị trường còn hạn chế, chưa tạo tiền đề tốt cho ngành cơ khí tiếp cận, sử dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến, chưa hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp cơ khí mua thiết kế, mua và áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích phục vụ đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Khuyến nghị giải pháp chính sách nhằm nâng cao năng lực làm chủ công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ trong trong lĩnh vực Cơ khí
Cơ khí là ngành công nghiệp quan trọng của một quốc gia, có ý nghĩa then chốt, là động lực để các ngành công nghiệp khác phát triển, qua đó góp phần ổn định kinh tế, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, nâng cao năng suất, hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa. Do đó, phát triển ngành Cơ khí phải đi đôi với việc nâng cao năng lực nội sinh, làm chủ công nghệ, đặc biệt là nâng cao năng lực tiếp nhận, hấp thụ, vận hành, đổi mới và sáng tạo công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Để làm tốt điều này, trong thời gian tới chúng ta cần:
- Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường thể chế trong việc ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, đặc biệt cần có chính sách ưu đãi sử dụng các sản phẩm, các công nghệ cơ khí mà trong nước tạo ra đạt yêu cầu về kỹ thuật, đặc biệt cần hình thành các chế tài, hành lang pháp lý để bảo hộ các sản phẩm, công nghệ cơ khí trong nước đã sản xuất được phù hợp cam kết quốc tế, có thể chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, là tạo tiền đề cho các doanh nghiệp cơ khí nâng cao trình độ công nghệ, năng lực nghiên cứu, cải tiến, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực chế tạo, sản xuất thông qua việc sử dụng hiệu quả các ưu đãi, hỗ trợ từ các quỹ khoa học và công nghệ, từ các chính sách hỗ trợ thông tin công nghệ, nhân lực, tín dụng, bảo lãnh vốn vay nhằm từng bước nâng cao hoạt động tìm kiếm, lựa chọn công nghệ thích hợp, hạn chế sự lệ thuộc nhiều vào chuyên gia nước ngoài trong quá trình chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ phù hợp với nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp cơ khí.
- Hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí hiểu rõ quy trình, các hình thức chuyển giao và có đủ khả năng triển khai các hoạt động trong quá trình tiếp nhận, làm chủ công nghệ thông qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thị trường sản phẩm đầu ra của công nghệ, chủ trì dự án công nghệ. Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ, hạ tầng nghiên cứu cho các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là tổ chức mạnh về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để phục vụ hoạt động cải tiến, giải mã công nghệ từ nước ngoài, đồng thời hướng dẫn sử dụng và tạo điều kiện về thủ tục, quy trình để doanh nghiệp cơ khí tiếp cận, sử dụng các chính sách ưu đãi một cách thuận lợi trong việc nâng cao năng lực hấp thụ, năng lực thích nghi, đồng hóa công nghệ. Hơn nữa, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động hỗ trợ đến 100% kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho việc làm chủ, giải mã, phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến theo chuỗi giá trị như nghiên cứu để thích nghi, đồng hóa công nghệ nhập khẩu, hoàn thiện công nghệ, khai thác sáng chế, sáng tạo ra sản phẩm mới, quy trình mới trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.
- Xây dựng, hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu công nghệ, cơ sở dữ liệu chuyên gia đánh giá công nghệ, trong đó có lĩnh vực Cơ khí để bảo rằng việc tiếp nhận, đánh giá và lựa chọn công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ từ nước ngoài đáp ứng tốt được các yêu cầu của doanh nghiệp, cũng như các quy định hiện hành về chuyển giao công nghệ quốc tế. Cơ sở dữ liệu này cần được cập nhật thường xuyên, liên tục một cách tự động, đảm bảo hoạt động ổn địnhm đặc biệt, cần thường xuyên bổ sung các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của nước ngoài vào cơ sở dữ liệu công nghệ; đồng thời cập nhật và mời các nhà khoa học, nhà công nghệ đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, kể cả các nhà khoa học Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài vào cơ sở dữ liệu chuyên gia đánh giá công nghệ. Qua đó sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp cơ khí trong hoạt động nghiên cứu, đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ, hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ, từ đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài với hoạt động triển khai trong quá trình sản xuất, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp.
- Đẩy nhanh hỗ trợ thủ tục, quy trình, hành lang pháp lý để doanh nghiệp Cơ khí hình thành bộ phận nghiên cứu và phát triển công nghệ, đồng thời hỗ trợ việc thành lập, vận hành quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Việc hình thành bộ phận nghiên cứu và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp là cần thiết và giữ vai trò quan trọng trong việc nhận dạng các rủi ro, các cơ hội trong hoạt động tiếp nhận và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, bộ phận này có thể hoạt động độc lập, hoặc hợp tác, liên kết với các tổ chức, cá nhân từ bên ngoài với nguồn kinh phí lấy từ doanh nghiệp, hoặc thông qua quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp hình thành được quỹ này. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được hình thành sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động kết nối, phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức khoa học và các nhà khoa học có thế mạnh về cơ khí ở trong và ngoài nước trong quá trình nghiên cứu, tìm kiếm, tiếp nhận và làm chủ công nghệ nhập từ nước ngoài. Ngoài ra, cần cụ thể hóa các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí trong việc xây dựng thương hiệu, mua thiết kế, áp dụng công nghệ mới và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cơ khí có tiềm năng xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
- Triển khai các hoạt động tư vấn, kết nối cho doanh nghiệp cơ khí, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí xây dựng lộ trình công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ trong từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ), Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020 (Quyết định số 1069/QĐ- TTg ngày 14 tháng 07 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ), Đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó nhấn mạnh tới nghiên cứu và dự báo sự phát công nghệ, sản phẩm cơ khí, hỗ trợ việc thiết lập mục tiêu và các phương án tiếp nhận công nghệ, hỗ trợ xây dựng mạng lưới chuyên gia tìm kiếm công nghệ và thực hiện các hoạt động tìm kiếm công nghệ, hỗ trợ việc lập dự án và thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ từ nước ngoài trong lĩnh vực Cơ khí. n
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Công thương (2019), Kỷ yếu hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam, 9/2019, Hà Nội.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2018), Kết quả điều tra đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
3. Tổng cục Thống kê (2016, 2017, 2018), Niên giám Thống kê, Nhà xuất bản Thống kê.
4. Tổng cục Thống kê (2019), Số liệu thông kê chủ yếu, Hà Nội.
5. Nguyễn Hữu Xuyên, Nguyễn Đình Bình (2015), Đổi mới công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
6. Nguyễn Hữu Xuyên (2019), Giải pháp thúc đẩy chuyển giao, khai thác sáng chế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia, NEU, 4/2019.
7. Trần Thị Minh Hằng (2018), Ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nganh-cong-nghiep-co-khi-viet-nam-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-301443.html
http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban: Tra các các Luật,
8. Nghị định, Quyết định, Thông tư, các văn bản liên quan tới chuyển giao công nghệ.
(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 4/2020)