Truyền thông

Làm gì để kinh doanh đa cấp về đúng bản chất bán lẻ hàng hoá

Hoàng Anh 21/11/2024 16:34

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, tích cực thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, phát hiện và xử lý kịp thời các doanh nghiệp hoạt động biến tướng.

Khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp chưa chú trọng bán lẻ

Theo số liệu của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công thương, trên cả nước, hiện có 19 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động, giảm 48 doanh nghiệp so với năm 2016.

1(3).jpg
Tại một số doanh nghiệp, chế độ hoa hồng chủ yếu tập trung vào hoa hồng đội nhóm, hoa hồng hệ thống chứ không dành cho nỗ lực bán hàng của từng cá nhân.

Tính riêng năm 2023, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp là hơn 768.000 người, tăng gần 61.000 người so với năm 2017 (707.330 người), tức tăng hơn 8%. Trong năm 2023, tổng doanh thu bán hàng đa cấp đạt hơn 16.866 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022 là 21.110 tỷ đồng. Khoảng 90% doanh thu bán hàng đa cấp đến từ việc kinh doanh thực phẩm chức năng. Với doanh thu này, tổng số thuế các doanh nghiệp đa cấp nộp ngân sách khoảng 2.255 tỷ đồng.

Tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp vào khoảng 5.846 tỷ đồng trong năm 2023. Theo đó, thu nhập bình quân của mỗi cá nhân bán hàng đa cấp đạt khoảng 7,6 triệu đồng/năm. Tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước khoảng 2.255 tỷ đồng.

Mặc dù thị trường đa cấp đã có thời điểm đạt đến số lượng hàng trăm doanh nghiệp, nhưng cho đến nay, chỉ có một số nhãn hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến như: Amway, Oriflame hay Herbalife. Đa số các sản phẩm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được khách hàng biết đến. Điều đó cho thấy sản phẩm của ngành bán hàng đa cấp chủ yếu được tiêu thụ nội bộ trong hệ thống, bởi chính những người tham gia bán hàng đa cấp.

Hiện tại các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chưa có cơ chế khuyến khích người tham gia bán lẻ hàng hóa ra thị trường. Tại một số doanh nghiệp, chế độ hoa hồng chủ yếu tập trung vào hoa hồng đội nhóm, hoa hồng hệ thống chứ không dành cho nỗ lực bán hàng của từng cá nhân. Hàng hóa của doanh nghiệp được mua chủ yếu bởi chính người tham gia trong hệ thống của doanh nghiệp.

Cụ thể, để người tham gia nhanh chóng đạt được cấp bậc, các doanh nghiệp thiết kế những gói sản phẩm gộp nhiều sản phẩm, có giá lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để người tham gia mua trong 1 lần mua, trong 1 đơn hàng hay trong một kì tính thưởng mà không quan tâm đến việc người mua có nhu cầu sử dụng hay không, có thể bán được hàng hay không. Hoạt động bán hàng không còn được chú trọng, mà hoạt động đầu tư, đầu cơ có xu hướng phát triển.

Để hoạt động bán hàng đa cấp phát triển đúng bản chất

Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, việc hàng hóa không được bán ra thị trường mà chỉ được mua chủ yếu bởi chính những người tham gia trong hệ thống sẽ làm nảy sinh nhiều hệ lụy không mong muốn cho chính doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp như: Người tham gia mua nhiều hàng để đạt cấp bậc nhưng không sử dụng hết, hay nói cách khác là nhu cầu tiêu dùng thấp hơn so với lượng hàng mua về, khiến hàng hóa không được “tiêu dùng”.

Đối với một số loại sản phẩm có nhãn hiệu, thị trường có nhu cầu tiêu dùng, thì người tham gia mua số lượng lớn để đạt chuẩn theo kế hoạch trả thưởng nhằm hưởng các khoản hoa hồng, tiền thưởng, sau đó bán hàng ra thị trường với giá thấp hơn nhiều giá mua từ công ty. “Điều này khiến những người tham gia khác không thể bán được hàng, và dẫn đến mâu thuẫn trong bản thân hệ thống bán hàng đa cấp của một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đã có nhiều phản ánh về tình trạng bán phá giá tràn lan trên các sàn thương mại điện tử” - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin.

Cùng đó, những hệ thống có xu hướng tiêu dùng nội bộ sẽ không bền vững. Những doanh nghiệp tồn tại bền vững là những doanh nghiệp có được nguồn tài chính từ thị trường, từ người tiêu dùng tiêu dùng sản phẩm thường xuyên, là nguồn tài chính bền vững, lâu dài, xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường. Đối với các doanh nghiệp chỉ tiêu dùng nội bộ, về lâu dài, khi người tham gia không còn đủ khả năng tài chính để mua nhiều hàng, không còn kêu gọi được người tham gia mới đầu tư các đơn hàng lớn, thì hệ thống bán hàng đa cấp của doanh nghiệp sẽ có nguy cơ bị sụp đổ. Những người tham gia sau, ở các tầng dưới cùng, đã bỏ nhiều tiền mua hàng mà không bán được sẽ chịu thiệt hại bởi hoa hồng họ nhận được chưa đủ bù đắp lại khoản tiền đã bỏ ra.

Từ những bất cập này, những năm vừa qua, Bộ Công thương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp từ Trung ương đến địa phương.

Việc rà soát, hoàn thiện pháp luật quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được Bộ Công thương thực hiện thường xuyên, liên tục, trên cơ sở đó đã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật giúp quản lý ngày càng chặt chẽ, hiệu quả đối với hoạt động bán hàng đa cấp. Năm 2023, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó đã luật hóa các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Năm 2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có các quy định về quản lý bán hàng đa cấp. Song song đó, công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện thường xuyên, qua đó phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của hơn 20 doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, tích cực thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, phát hiện và xử lý kịp thời các doanh nghiệp hoạt động biến tướng. Đồng thời, thúc đẩy ngành bán hàng đa cấp phát triển theo đúng bản chất của hoạt động bán lẻ, đưa hàng hóa của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đến tay người tiêu dùng cuối cùng, triệt tiêu các hoạt động mang tính chất đầu cơ, thúc đẩy ngành bán hàng đa cấp phát triển bền vững.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để kinh doanh đa cấp về đúng bản chất bán lẻ hàng hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO