Truyền thông

Làm phim về đồng bào DTTS: Phải thay đổi định kiến về văn hóa, tập tục

Cẩm Anh 09:27 15/12/2024

Năm 2024 bộ phim truyền hình dài tập “Đi giữa trời rực rỡ” đề tài về đồng bào dân tộc thiểu số thu hút sự chú ý của khán giả. Nhưng tiếc thay, đó cũng là bộ phim gây ra sự phản ứng dữ dội của các chuyên gia văn hóa và dân tộc học. Đặc biệt là cộng đồng người dân tộc Dao. Bài học từ bộ phim này cho thấy, làm phim về đồng bào dân tộc thiểu số không thể bằng những hiểu biết hời hợt.

Tranh cãi quanh phim Đi giữa trời rực rỡ: Đừng nghĩ cứ khoác trang phục dân tộc vào là hiểu họ- Ảnh 1.
Trang phục nhân vật nữ mặc đi chăn trâu gây phản ứng dữ dội.

Sai lệch văn hóa đồng bào

Những phản ứng rõ nhất đối với bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ” là các chi tiết trong phim ngay từ những tập đầu tiên đã không đúng với văn hóa của người Dao. Có thể kể đến phản ứng của bà Dương Thị Thanh - một nhà nghiên cứu về người Dao quốc tế: Người Dao rất chú ý trong vấn đề trang phục. Người Dao chỉ mặc lễ phục trong những dịp đặc biệt như ma chay, cưới hỏi hoặc các nghi lễ đời người. Không ai mặc khi đi chăn trâu như nhân vật Pu trong phim cả.

Quan điểm này, hồi đó cũng giống với ý kiến TS. Bàn Tuấn Năng - một người Dao sống và làm việc tại Hà Nội: "Việc sử dụng lễ phục Dao đỏ trong phim làm khán giả hiểu lầm về trang phục và văn hóa của người Dao, gây phản cảm trong cộng đồng". TS Bàn Tuấn Năng thậm chí đã đặt một câu hỏi rất gay gắt: "Người Kinh bây giờ có mặc áo dài khi đi chăn trâu không?".

Trang phục được cho là không phù hợp với cuộc sống người Dao hàng ngày.

Một chi tiết khác trong phim khiến các nhà nghiên cứu phản ứng dữ dội là việc để cho nhân vật nữ chính trong phim mặc chiếc yếm - một biểu tượng văn hóa liên quan đến truyền thuyết về việc thờ cúng của người Dao.

Truyền thuyết người Dao kể xưa kia phụ nữ được giao việc thờ cúng. Song một lần phụ nữ sinh con ngay gian giữa, làm bẩn khu thờ cúng. Từ đó người Dao mới để nam cúng với điều kiện khi cúng đàn ông phải mặc áo phụ nữ với ý chỉ là làm thay phụ nữ. Cũng từ đó, phụ nữ không được ngồi gian giữa nhà nữa…

Theo bà Thanh, chi tiết người phụ nữ ngồi quay mông với phía bàn thờ được xem là tối kị - Ảnh chụp màn hình
Nhân vật ngồi quay lưng vào bàn thờ.

Tuy nhiên, các nhà làm phim đã để nhân vật nữ chính trong phim là Chải “mặc cái yếm đó suốt ngày, ngồi ngay giữa gian nhà, quay mông vào bàn thờ” - toàn những điều tối kỵ đối với văn hóa và tín ngưỡng của người Dao.

Văn hóa tộc người không phải điều hời hợt

Thực tế trong những năm qua, những bộ phim, nhất là phim truyện, về đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không nhiều. Cho đến nay, thành công nhất vẫn là "Vợ chồng A Phủ" và "Chuyện của Pao". Đặc biệt là sự thành công của bộ phim "Chuyện của Pao" (đạo diễn Ngô Quang Hải, chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng khèn môi bên bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy) đã mang đến sản phẩm du lịch cho tỉnh Hà Giang.

Ngoài ra, đã vừa thiếu về số lượng, nhiều bộ phim còn mắc các lỗi khiến các nhà nghiên cứu cho rằng đã “xúc phạm” đồng bào DTTS như “Đi dưới trời rực rỡ”. Theo bà Dương Thị Thanh, "văn hóa tộc người không phải là một vấn đề hời hợt, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ càng". Còn TS. Bàn Tuấn Năng đã nói: “Đừng nghĩ chỉ cần vài chữ "A lú, A lú" rồi khoác vào người trang phục dân tộc thì cứ nghĩ mình đã thạo về dân tộc họ. Không đúng đâu".

Làm phim đề tài dân tộc: Ê-kíp ngồi máy lạnh, than rằng kinh phí ít? - 2
Cảnh phim Chuyện của Pao - một bộ phim thành công về đề tài dân tộc miền núi.

Trước bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ”, đã có những bộ phim khác về đề tài DTTS bị phản đối, thậm chí đã phải ngừng phát sóng, như các phim "Tình thắm Sa Pa", "Chiếc vòng bạc", "Chim phí bay về nguồn cội", "Đỉnh núi mờ sương"... Năm 2011, bộ phim dài 30 tập “Hãy cùng em điệu Sarikakeo về cuộc sống và văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ đã phải ngưng phát sóng ngay sau khi phát sóng tập đầu tiên, trên khung giờ vàng VTV1. Lý do là do bộ phim đã có nhiều hình ảnh phản ánh không chân thực đời sống và tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Cần thay đổi định kiến về hình ảnh nhân vật người DTTS trên phim ảnh

Lỗi dễ mắc phải nhất của các nhà làm phim đề tài DTTS là xây dựng hình ảnh nhân vật nói năng, suy nghĩ ngây thơ, thậm chí là ngây ngô. Đây là một định kiến mà nói như PGS. TS. Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) là nó rất nguy hiểm vì công chúng vốn hay mặc định những điều trên phim ảnh là thật, khiến những sản phẩm như phim truyền hình sẽ trở thành thứ phổ biến rộng rãi một sản phẩm giải trí phản ánh thiếu chính xác, thậm chí sai lệch về văn hóa.

“Không chỉ làm mất dần bản sắc mà còn gây ly tán, nghi ngờ hoặc mâu thuẫn giữa các tộc người với nhau", ông Đính nhận định.

Theo ông Đính, một số hiện tượng tồn tại trên các sản phẩm giải trí cũng như truyền thông về đồng bào DTTS những năm qua bao gồm: khai thác những yếu tố dị biệt để cường điệu nhằm mục đích giật gân, câu khách; thi vị hóa, làm đẹp hơn văn hóa của đồng bào hoặc xúc phạm, coi thường đồng bào; nhìn văn hóa của các dân tộc đó dưới góc độ của người làm phim, không phải người trong cuộc. Hoặc lấy góc nhìn của người Kinh (tộc người đa số) làm chuẩn để so sánh, phán xét các yếu tố văn hóa của các tộc người thiểu số.

Làm phim đề tài dân tộc: Ê-kíp ngồi máy lạnh, than rằng kinh phí ít? - 3
Bối cảnh quay phim "Chuyện của Pao" đã trở thành một sản phẩm du lịch của Hà Giang.

Đây cũng là quan điểm của bà Dương Thị Thanh đối với bộ phim “Đi dưới trời rực rỡ” khi bà Thanh lưu ý người Dao là một dân tộc tiến bộ và văn minh. Họ có chữ viết, giỏi về nghề thuốc, họ cũng có một cộng đồng kết nối rất mạnh trên thế giới. Họ không lạc hậu như cách các nhà làm phim áp đặt.

Theo ông Chu Triều Đương - nguyên Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Cao Bằng, người Dao hiện nay cũng rất văn minh, họ cũng không có tư duy "ghét người giàu" như trong phim. Phim nói đến việc này là hơi lỗi thời và chưa phù hợp với văn hóa của người Dao.

Như vậy, có thể thấy, làm phim về đề tài DTTS không thể hời hợt. Theo các nhà nghiên cứu, nếu những người làm phim không có kiến thức dân tộc học, văn hóa học của người Việt cũng như các tộc người thì cần phải có sự tư vấn của các chuyên gia văn hóa và dân tộc học.

Theo đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, làm phim về đề tài DTTS khó ở chỗ phải làm thật, phải phù hợp với tâm sinh lý, tập tục, văn hóa của bà con vùng cao. Để làm được điều này, đòi hỏi người đạo diễn phải có kinh nghiệm, sự trải nghiệm, phải sống và gần gũi với đời sống của bà con dân tộc thiểu số.
Vị đạo diễn này dẫn chứng, mới đây, đạo diễn Hà Lệ Diễm cũng thành công với phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” nhờ cô ấy đã sống cùng, làm người bạn đồng hành cùng bà con dân tộc mấy năm liền. Nếu không tiếp cận, không ở cùng bà con sẽ khó có tinh thần của phim về đề tài dân tộc miền núi.

Là một chuyên gia bày tỏ sự phẫn nộ khi bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ", phát sóng, TS. Trần Hữu Sơn - Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian cho rằng, điểm yếu của các nhà làm phim là tư tưởng coi thường người miền núi. Điều đó thể hiện ở ngôn ngữ, trang phục.

Họ vẫn có ấn tượng người miền núi là lạc hậu, người miền núi phải nói ngọng. “Ngay xuất phát điểm về mặt nhận thức, nhà làm phim đã đặt văn hóa của nơi khác vào người miền núi. Điều này khiến phim không có được cách cảm, cách nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số” – ông Sơn nói.

Bà Triệu Mùi Say, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc - Uỷ Ban Dân tộc, một người dân tộc Dao cũng đồng quan điểm: “Không loại bỏ được tư duy và cách tiếp cận ban đầu kiểu như vậy thì không bao giờ làm tốt được đề tài DTTS"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Làm phim về đồng bào DTTS: Phải thay đổi định kiến về văn hóa, tập tục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO