Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch
Việt Nam nổi bật với sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, kết hợp hài hòa với văn hóa đặc sắc và độc đáo của các dân tộc thiểu số (DTTS). Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Lợi thế lớn từ việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS), kết hợp với phát triển du lịch đã trở thành một chủ trương quan trọng được các địa phương chú trọng trong thời gian qua nhằm nâng cao đời sống cho người dân vùng DTTS. Đây cũng là một phần trong Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện. Với mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị... nhằm nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Vùng đồng bào DTTS ở nước ta đang sở hữu hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng - một nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, mang lại lợi thế cạnh tranh cho phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch di sản đặc sắc.
Du lịch di sản không chỉ tạo sức bật cho kinh tế - xã hội mà còn góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc qua việc tham gia vào chuỗi du lịch. Loại hình du lịch này gắn liền với đời sống thường nhật của người dân địa phương, cho phép du khách trải nghiệm thực tế mà không đòi hỏi người dân phải thay đổi nếp sống để phục vụ du khách.
Đây là cách làm du lịch vừa bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa độc đáo của các tộc người, vừa coi trọng vai trò của cộng đồng, tránh được tình trạng mai một giá trị truyền thống. Nhờ phát triển du lịch, nhiều di sản văn hóa từng bị lãng quên nay đã được phục hồi, như nghề làm thuốc của người Dao, nghề thêu dệt thổ cẩm của người Thái, và nhiều giá trị văn hóa khác. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch là điều thiết yếu thúc đẩy sự phát triển bền vững; mang lại lợi ích to lớn cho kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và đảm bảo rằng người dân được hưởng lợi từ chính di sản văn hóa của cộng đồng mình.
Những nỗ lực của các địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn liền với phát triển du lịch
UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (triển khai vào năm 2024-2025). Theo đó, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tổ chức các lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS như Lễ hội đình Lục Nà (huyện Bình Liêu), Lễ hội truyền thống đền Cửa Ông, Lễ hội đình Cẩm Hải, Lễ hội đình Cộng Hòa và Lễ hội Bàn Vương, kết hợp với hoạt động phát triển du lịch.
Cùng với đó, Quảng Ninh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc bảo tồn và phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận. Các lớp tập huấn chuyên môn và truyền dạy văn hóa phi vật thể cũng sẽ được tổ chức. Xây dựng tủ sách cộng đồng tại các xã vùng đồng bào DTTS, đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao, cùng trang thiết bị cho các thôn thuộc vùng miền núi. Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, cụ thể như bảo tồn nghi lễ Then của người Tày, tổ chức Lễ hội Cầu May của người Dao tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tại xã Bình Dân, huyện Vân Đồn.
Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung đầu tư xây dựng các điểm đến du lịch tiêu biểu ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, như nhà trưng bày không gian văn hóa của người Dao Thanh Y tại xã Thượng Yên Công (TP.Uông Bí). Lắp đặt biển chỉ dẫn du lịch đối với những điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi đối với với điểm du lịch đã được công nhận và cả những điểm chưa được công nhận nhưng có tiềm năng phát triển kinh tế địa phương (mà chưa có biển). Các hoạt động thi đấu thể thao truyền thống và trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số cũng sẽ được tổ chức trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu với mục đích bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các DTTS.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, bản sắc văn hóa truyền thống tại huyện Mường Tè (Lai Châu) đã được bảo tồn và phát huy đáng kể. Các bộ trang phục truyền thống, những câu hát, điệu múa được duy trì và phát triển, với 5/5 bản (100%) đều có đội văn nghệ hoạt động thường xuyên.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng. Hệ thống thiết chế văn hóa, như nhà văn hóa và khu sinh hoạt cộng đồng đã được chú trọng xây dựng. Một số nhà văn hóa thôn bản phát huy hiệu quả tích cực, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ và phổ biến, hướng dẫn cho bà con tổ chức xây dựng các hoạt động du lịch cộng đồng và quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.
Địa phương cũng duy trì, phục dựng và nâng cấp hàng năm từ một đến hai lễ hội (ở cấp xã, thôn bản), góp phần bảo tồn nét văn hóa dân tộc Si La gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái lòng hồ gắn với các hoạt động trải nghiệm như Lễ nghi thức lên nương, Lễ Mừng cơm mới của người Si La và Lễ cúng bản của người Hà Nhì.
Công tác phát triển du lịch được thường xuyên củng cố, tập trung rà soát, đánh giá và bổ sung quy hoạch cho các khu, điểm du lịch trọng tâm, định hướng đến năm 2030 nhằm khuyến khích phát huy các sản phẩm du lịch tại các bản Seo Hai, Nậm Lọ và Sì Thâu Chải. Đồng thời, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đẩy mạnh công tác xúc tiến và quảng bá du lịch, cũng như thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực cho sự xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch.
Cần có sự hài hòa, nhất quán hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống với phát triển du lịch.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống cần triển khai một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát các quy định chưa phù hợp, thiếu rõ ràng hoặc chưa thống nhất để tiến hành điều chỉnh và sửa đổi cho phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc và phân công trách nhiệm cho việc kiểm tra, hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo kịp thời cho các Bộ, ngành và địa phương trong việc giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đã được phân bổ cho chương trình.
Thứ hai, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án, quy hoạch và dự án liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân DTTS đã được Đảng và Nhà nước ban hành. Cần quan tâm nghiên cứu và đánh giá một cách đầy đủ và chính xác tiềm năng, lợi thế cũng như các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS hiện có. Đề xuất các kế hoạch chiến lược nhằm trùng tu, tôn tạo, phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, gắn với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng một cách phù hợp và bền vững.
Thứ ba, đẩy mạnh việc liên kết và hợp tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trong nội vùng, trên cả nước và quốc tế. Cần đầu tư vào các sản phẩm du lịch liên vùng; chuỗi giá trị các địa phương theo điểm đến để tham gia vào chuỗi giá trị cả nước cũng như khu vực và quốc tế.
Thứ tư, cần nâng cao vai trò của nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS. Các địa phương nên tạo ra môi trường và điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng như người dân tham gia khai thác các giá trị văn hóa phục vụ phát triển dịch vụ du lịch. Xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý có tâm huyết, trình độ chuyên môn và năng lực nghiệp vụ trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch là rất cần thiết. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực văn hóa và dịch vụ du lịch, nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ cho du khách.
Cuối cùng, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao, truyền thông, vận tải, cũng như doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế để tuyên truyền và quảng bá hình ảnh du lịch của từng địa phương đến khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời, cần xây dựng các tour, tuyến và chương trình du lịch hấp dẫn nhằm tăng cường thu hút khách tham quan và nghỉ dưỡng tại vùng đồng bào DTTS. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong hoạt động tuyên truyền và quảng bá du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các DTTS cũng là điều cần thiết./.