Truyền thông

Hà Giang tăng cường công tác bảo tồn di sản văn hóa các DTTS để phát triển du lịch bền vững

Nguyễn Khải 08:55 11/12/2024

Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thời gian tới, Hà Giang xác định tăng cường tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, từng bước tham gia quản lý, khai thác các lợi ích kinh tế từ du lịch.

Hà Giang là một tỉnh miền núi nằm ở cực Bắc của Việt Nam, nơi sinh sống của 19 dân tộc thiểu số (DTTS) với những nét văn hóa đặc sắc và đa dạng. Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Giang (2021), dân số toàn tỉnh là 854.679 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 87,7%. Sự phong phú về văn hóa của các dân tộc thiểu số không chỉ là tài sản quý báu cần được gìn giữ mà còn là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Tỉnh Hà Giang được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch, giữ vị trí là cầu nối du lịch giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc, tiếp giáp với thị trường du lịch Vân Nam (Trung Quốc). Những năm gần đây, Hà Giang trở thành điểm sáng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc.

Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số

Nhận thức sâu sắc giá trị to lớn của các di sản văn hóa, Hà Giang luôn coi trọng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.700 di tích, trong đó có 227 di tích được xếp hạng (3 di tích quốc gia đặc biệt, 79 di tích cấp quốc gia). Bên cạnh đó là hàng trăm lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, tri thức bản địa... với những nét văn hóa đặc sắc.

Hiện nay, các di tích xếp hạng đã được trùng tu, tu bổ và tôn tạo. Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh.

Để bảo tồn các di sản, Hà Giang đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng và đưa vào sinh hoạt cộng đồng. Nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo như Cột cờ Lũng Cũ, Dinh thự Vua Mèo, chợ tình Khâu Vai, chợ phiên Đồng Văn... trở thành những điểm đến hấp dẫn. Những năm qua, tỉnh tổ chức trùng tu hàng chục di tích với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Các lễ hội văn hóa truyền thống tiêu biểu được phục dựng và tổ chức thường niên như: Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Khèn Mông, Lễ cấp sắc...

dthg.png
Điệu múa khèn của người Mông

Đặc biệt, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, lưu truyền qua các thế hệ như hát Then của người Tày, Nùng, Dao; hát Sli, Lượn của người Nùng; Hát Páo dung của người Dao... Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan văn nghệ được tổ chức góp phần quảng bá, khích lệ phong trào văn hóa, văn nghệ tại cơ sở.

Một hoạt động nổi bật là việc bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Toàn tỉnh có 45 làng nghề được công nhận, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như dệt thổ cẩm Lùng Tám, làm bánh Tam Sơn, rèn Thông Nguyên... Du lịch cộng đồng ở các làng nghề đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, đồng thời lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống ra bên ngoài.

Giáo dục văn hóa truyền thống trong trường học cũng được coi trọng. Nhiều nội dung về văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc được đưa vào giảng dạy, trải nghiệm như làm đồ thổ cẩm, trình diễn dân ca, múa dân vũ, lễ hội cầu mùa... Các nghệ nhân dân gian được mời đến truyền dạy trực tiếp, gắn kết mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong bảo tồn văn hóa.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Hà Giang cũng gặp không ít khó khăn do kinh phí đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Một số di tích bị xuống cấp, nguy cơ mai một; nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại. Trong bối cảnh hội nhập, giao lưu văn hóa, việc giữ gìn bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức. Do vậy, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống cần được đẩy mạnh hơn nữa trên cơ sở huy động sự tham gia của cộng đồng và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Nền tảng văn hóa dân tộc trong phát triển du lịch bền vững

Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thời gian tới, Hà Giang xác định tăng cường tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, từng bước tham gia quản lý, khai thác các lợi ích kinh tế từ du lịch. Hà Giang chú trọng đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; nghiên cứu phục dựng lễ hội, hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, định hướng chọn lọc một số lễ hội xây dựng thành lễ hội tiêu biểu của vùng để thu hút du khách.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng để góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, xóa đói giảm nghèo cho người dân đồng thời xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo thêm trải nghiệm.

Vốn là mảnh đất với nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch, từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh…, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn đã và đang góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang, đặc biệt là phát triển du lịch. Tỉnh đã tập trung nguồn lực tổ chức trùng tu, tôn tạo nhiều khu di tích, phục dựng các lễ hội truyền thống để gắn với phát triển du lịch.

Dưới sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch có sự chuyển biến đáng kể. Nhiều lễ hội truyền thống gắn với các sự kiện thường niên từng bước trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang, điển hình như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội Khèn Mông… Lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo tồn, phục dựng như Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông.

Có thể thấy rằng, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là trong bối cảnh nhu cầu khám phá của du khách tìm hiểu về văn hóa vùng, miền ngày càng nhiều. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cũng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Trong thời gian tới, Hà Giang đã xây dựng các chính sách phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, đầu tư về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính nhằm hoàn thiện các thể chế, thiết chế văn hóa phục vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Cùng với đó, quan tâm, đầu tư phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự bền vững của các giá trị văn hóa và bản sắc riêng cho mỗi dân tộc; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu và xây dựng nếp sống văn minh ở cơ sở.

Đặc biệt là làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, tiến hành bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc ngay chính trong đời sống cộng đồng, phát huy giá trị di sản văn hóa tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Nâng cao chất lượng các làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với việc giữ gìn văn hoá, tín ngưỡng truyền thống./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang tăng cường công tác bảo tồn di sản văn hóa các DTTS để phát triển du lịch bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO