Lần đầu tiên triển khai nền tảng công nghệ dùng chung quốc gia chống dịch Covid-19

Duy Vũ| 20/07/2021 21:31
Theo dõi ICTVietnam trên

Nền tảng quản lý tiêm chủng là nền tảng dùng chung quốc gia đầu tiên hỗ trợ nhiều bộ, ngành địa phương và các bên liên quan cùng tham gia hiệp đồng, hợp tác chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid.

Tập trung hoàn thành mục tiêu chiến dịch tiêm chủng

Chiều ngày 20/7/2021, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp cùng Bộ Y tế và Tập đoàn Viettel tổ chức tập huấn toàn quốc Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chủ trì hội nghị tại điểm cầu TP.HCM, cùng với sự tham dự của hơn 600 cán bộ y tế tại 63 tỉnh/thành phố qua cầu truyền hình.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò của việc ứng dụng công nghệ trong chiến lược phòng, chống dịch Covid-19, trong bối cảnh dịch bệnh đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Bộ Y tế và Bộ TT&TT đã đồng hành triển khai các nền tảng công nghệ để phòng chống dịch bệnh Covid-19 thông qua việc thiết lập và vận hành hoạt động của Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia.

Thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng các nền tảng công nghệ hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, Bộ TT&TT đã triển khai trọn bộ 6 nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm: Nền tảng khai báo y tế và quản lý vào ra bằng QR Code; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng quản lý lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm; Nền tảng hỗ trợ truy vết, nền tảng giám sát cách ly; Nền tảng phân tích số liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.

Lần đầu tiên triển khai nền tảng công nghệ dùng chung quốc gia chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chủ trì hội nghị tập huấn. Ảnh: Phạm Duy Linh

Đối với nền tảng quản lý tiêm chủng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết: “Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai tổ chức một nền tảng dùng chung quốc gia hỗ trợ nhiều bộ, ngành địa phương và các bên liên quan cùng tham gia hiệp đồng, hợp tác chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.

Theo đại diện đơn vị xây dựng và phát triển, Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia bao gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.

Thứ trưởng Bộ TT&TT đánh giá, Nền tảng quản lý tiêm chủng được thiết kế và xây dựng theo hướng toàn trình. Nền tảng này có nghĩa là có khả năng quản lý vắc xin từ khi về đến khi nhập kho, xuất kho, phân bổ, vận chuyển và tiêm; cho phép quản lý đến từng liều, từng lô, từng loại vắc xin ở từng cơ sở tiêm chủng. “Công nghệ sẽ giúp chúng ta triển khai hoạt động tiêm chủng nhanh hơn, thuận tiện hơn, góp phần hoàn thành các mục tiêu mà chiến dịch tiêm chủng đã đặt ra”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.

Chương trình phổ biến triển khai Nền tảng quản lý tiêm chủng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của các cán bộ Sở TT&TT và Sở Y tế tỉnh, thành phố với mục tiêu đưa nền tảng này xuống đến tận từng cơ sở để hỗ trợ các đơn vị có thể triển khai thuận lợi chiến dịch tiêm chủng sắp tới.

“Tôi mong rằng với cách tiếp cận mới, với cách làm quyết liệt, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 sẽ ngày một hoàn thiện, tiếp thu các ý kiến góp ý để trở nên đơn giản, dễ sử dụng”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói thêm.

Địa phương có vai trò quan trọng để triển khai Nền tảng quản lý tiêm chủng

Lần đầu tiên triển khai nền tảng công nghệ dùng chung quốc gia chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Hội nghị có 65 điểm cầu trực tuyến với sự tham dự của hơn 600 cán bộ y tế tại 63 tỉnh/thành phố

Hệ thống quản lý tiêm chủng được vận hành sẽ được triển khai theo 5 bước, đảm bảo công tác từ khi đăng ký tiêm chủng đến khi theo dõi sau tiêm đều được quản lý hiệu quả. Theo đó, sau khi người dân thực hiện đăng ký thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, các Sở y tế thực hiện duyệt, phân bổ đối tượng tiêm chủng Covid-19 đến các Trung tâm Y tế Quận/Huyện.

Các Trung tâm Y tế thực hiện lập kế hoạch và cấp phát vắc xin về cơ sở tiêm chủng. Tại đây, các cơ sở tiêm chủng thực hiện tiêm chủng Covid-19 theo quy trình tiêm 4 bước của Bộ Y tế. Sau khi tiêm thành công, người dân có thể thực hiện tra cứu kết quả, chứng nhận tiêm chủng Covid-19 thông qua Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.

Toàn bộ các thông tin này sẽ được quản lý tập trung tại nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia. Hỗ trợ Ban chỉ đạo tiêm chủng Quốc gia truy cập để theo dõi báo cáo kết quả tiêm chủng, điều hành toàn bộ chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc.

Là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, với mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm năm 2021 và trên 70% dân số được tiêm hết Quý I/2022 với khoảng 150 triệu mũi tiêm. Việc ứng dụng CNTT sẽ giúp công khai, minh bạch thông tin, hỗ trợ quản lý mũi tiêm đến từng cá nhân, cập nhật các phản ứng sau tiêm nhanh chóng. Đặc biệt, hệ thống sẽ giúp giảm thiểu các hoạt động báo cáo thủ công, hỗ trợ dự báo và phân tích nhanh chóng các số liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo Quốc gia về tiêm chủng Covid-19.

Theo ông Đỗ Trường Duy, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trong kế hoạch tiêm chủng mới của Chính phủ nhấn mạnh đến việc ứng dụng toàn trình CNTT để có thể hỗ trợ chiến dịch thành công. Tuy nhiên, ông Đỗ Trường Duy cũng lưu ý rằng, để ứng dụng CNTT trong chiến dịch thì các địa phương có vai trò rất lớn, nhất là trong việc lập kế hoạch cũng như công tác nhập dữ liệu đầy đủ. “Các địa phương cần nhập dữ liệu đầy đủ, bởi nếu ứng dụng CNTT nhưng địa phương không nhập dữ liệu lên hệ thống thì chúng ta sẽ thiếu thông tin để điều hành”, ông Đỗ Trường Duy nói.

Lần đầu tiên triển khai nền tảng công nghệ dùng chung quốc gia chống dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT tại hội thảo tập huấn. Ảnh: Phạm Duy Linh

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cũng đề nghị các địa phương thành lập Tổ công tác có sự tham gia của Sở TT&TT, Y tế, Trung tâm CDC và các đơn vị liên quan. Tổ công tác này có các đầu mối làm việc đến tận cấp xã.

“Tận dụng cơ hội này để chúng ta thực hiện thật nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và nhiều lĩnh vực liên quan. Cụ thể: Mỗi một người dân có 1 QR code, mỗi người dân có một Hồ sơ sức khỏe điện tử. QR code của người dân không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân trong dịch bệnh mà nó sẽ phục vụ rất nhiều cho các dịch vụ liên quan đến chính phủ số, kinh tế số và xã hội số sau này”, ông Đỗ Công Anh nói.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên triển khai nền tảng công nghệ dùng chung quốc gia chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO