LẮNG NGHE NGƯỜI DÂN HIẾN KẾ: Ưu tiên chuyển đổi số trong giáo dục

Mai Thị Nhung| 24/11/2021 14:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Với vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng để phát triển đất nước, giáo dục sẽ là lĩnh vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi số. TP HCM đang có cơ hội rất lớn để hiện thực hóa việc này

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy - học tập từ truyền thống sang phương pháp tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả cao.

Hiểu đúng về chuyển đổi số trong giáo dục

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang triển khai các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Nội dung chuyển đổi số rất rộng và đa dạng nhưng có chung một số nội dung chính, gồm: Chính phủ số (như dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở), kinh tế số (như tài chính số, thương mại điện tử), xã hội số (như giáo dục, y tế, văn hóa) và chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm (nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông).

Khi dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) không là ngoại lệ. Tại TP HCM, nhiều cơ sở giáo dục và các trường học đã, đang áp dụng giảng dạy online và gặp thách thức về công nghệ, cách đánh giá năng lực người dạy lẫn người học... Tuy nhiên, với xu thế phát triển công nghệ hiện nay, việc tiếp cận công nghệ vào giảng dạy và học tập trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Sự phát triển của các ứng dụng trên nền tảng di động, mạng xã hội giúp người dùng dễ dàng tương tác mọi lúc - mọi nơi, đã tạo điều kiện cho giáo dục trực tuyến phát triển lên bậc cao hơn.

Nền tảng cơ bản của chuyển đổi số trong giáo dục dựa vào cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành, đường lối, chủ trương, chính sách và đội ngũ lãnh đạo, cán bộ viên chức, giảng viên, giáo viên, người học.

Chuyển đổi số trong ngành giáo dục nghĩa là việc áp dụng công nghệ, dựa vào mục đích, cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục và được ứng dụng dưới 3 hình thức chính: Ứng dụng công nghệ trong lớp học: cơ sở vật chất lớp học, công cụ giảng dạy; ứng dụng công nghệ trong phương pháp dạy học: áp dụng các xu hướng giáo dục công nghệ như lớp học thông minh, game hóa (gamification), lập trình… vào giảng dạy; ứng dụng công nghệ trong quản lý: công cụ quản lý và vận hành.

Chuyển đổi số trong GD-ĐT ở TP HCM cần tập trung vào 2 nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy - học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học.

LẮNG NGHE NGƯỜI DÂN HIẾN KẾ: Ưu tiên chuyển đổi số trong giáo dục - Ảnh 1.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đa số học sinh TP HCM hiện vẫn phải học trực tuyến. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Đón đầu chuyển đổi số trong giáo dục

Theo những thông tin chính thức, UBND thành phố phê duyệt, đồng ý giao Sở GD-ĐT TP HCM chủ trì xây dựng và vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC - Intelligent Operation Center) nhằm xây dựng một trung tâm kết nối, tích hợp các giải pháp và ứng dụng chuyển đổi số trong ngành GD-ĐT như: Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của ngành GD-ĐT thành phố; các hệ thống học và thi trực tuyến; học liệu điện tử; hội nghị truyền hình trực tuyến... Đặc biệt là hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp thống nhất trong nội bộ ngành GD-ĐT thành phố từ Sở GD-ĐT đến Phòng GD-ĐT các quận, huyện và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

TP HCM cần triển khai nhiều ứng dụng trực tuyến trên môi trường internet, đặc biệt là ứng dụng học tập - thực hành cho học sinh - sinh viên, cũng như hệ thống phần mềm thông tin điều hành tác nghiệp trên các thiết bị di động cho giáo viên.

Ứng dụng, phần mềm kết nối trong giáo dục phải lấy người học làm trung tâm trong việc chuyển đổi số, không phân biệt lứa tuổi vì học tập phải mang tính suốt đời. Trong đó, người học sẽ được đa dạng các hình thức, giải pháp tiếp cận nhu cầu "cần gì học nấy", "học mọi lúc - mọi nơi".

Phải đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành GD-ĐT của TP HCM phải ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị (từ quản lý học sinh, giáo viên, cán bộ đến quá trình học tập, thời khóa biểu, cơ sở vật chất, thu học phí không dùng tiền mặt...) đồng bộ với hệ thống dữ liệu của ngành 100%.

Bên cạnh đó, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục được kết nối đường truyền băng thông rộng đủ để triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến trên môi trường internet. 100% học sinh - sinh viên thành phố được tiếp cận internet và kho học liệu trực tuyến (giáo trình, bài giảng, học liệu số) và hệ thống dạy - học trực tuyến dành cho các trường phổ thông trên địa bàn TP HCM.

Song song đó, ngành GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, kết hợp học trên lớp và học trực tuyến), kiểm tra - đánh giá; tập trung chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục, hoàn thiện hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, xây dựng nền quản trị giáo dục thông minh góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Dữ liệu ngành GD-ĐT hướng tới việc cung cấp dữ liệu mở cũng như kết nối đến cổng dữ liệu mở của thành phố, bảo đảm tính linh hoạt và thích ứng cao.

Ngoài ra, toàn ngành GD-ĐT TP HCM sẽ triển khai hệ thống chữ ký số, chữ ký điện tử, phát triển các nền tảng siêu ứng dụng di động trong việc cung cấp các dịch vụ giáo dục, hướng tới mạng xã hội dịch vụ giáo dục.

Mời gửi bài dự thi

Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?

Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.

Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.

Bài liên quan
  • Cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực
    Ước tính ngành bán dẫn toàn cầu sẽ cần thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Tại Việt Nam, hiện có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động, trong đó có những cái tên đáng chú ý như: Intel, Amkor, Hana Micron, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo, Lam Research, Coherent.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
LẮNG NGHE NGƯỜI DÂN HIẾN KẾ: Ưu tiên chuyển đổi số trong giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO