Truyền thông

Lạng Sơn: Chuyển đổi số là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội

Đỗ Thêu 10:51 19/06/2024

Xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực.

anh-1.2.jpg
Tỉnh Lạng Sơn tập trung nguồn lực để đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lạng Sơn, kết thúc năm 2023, địa phương đã hoàn thành 21/30 chỉ tiêu theo mục tiêu đến năm 2025 mà Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra về chuyển đổi số.

Đối với việc xây dựng chính quyền số, 100% cơ quan hành chính Nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã ở Lạng Sơn duy trì, sử dụng hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice) để xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.

Kinh tế số được đẩy mạnh và triển khai rộng khắp tất cả các lĩnh vực. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số – DTI, Lạng Sơn luôn nằm trong tốp những địa phương dẫn đầu. Đặc biệt, Lạng Sơn là 1 trong 7 cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” vào năm 2023 với nền tảng trợ lý ảo giải pháp tự động trả lời về thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

anh-1.1.jpg
Những năm qua, Lạng Sơn luôn nằm trong tốp những địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số.

Để công tác chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và có chiều sâu, các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn luôn chú trọng vào việc phát triển hạ tầng số.

Giai đoạn 2023-2025, Lạng Sơn tăng cường nâng cao chất lượng phủ sóng di động 4G, từng bước triển khai phủ sóng mạng di động 5G, phổ cập Internet băng rộng như một tiện ích thiết yếu, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Hiện toàn tỉnh Lạng Sơn đang duy trì vận hành 27 phần mềm, hệ thống thông tin cơ bản tại các cơ quan nhà nước. Hệ thống phần mềm được duy trì hoạt động ổn định, cung cấp, cập nhật số liệu thường xuyên, theo thời gian thực trên 9 lĩnh vực như: Giám sát điều hành kinh tế - xã hội, giám sát điều hành lĩnh vực y tế, cửa khẩu số, giám sát điều hành văn bản điện tử, giám sát điều hành giáo dục, giám sát lĩnh vực hành chính công, hệ thống camera giám sát, giám sát điều hành phản ánh kiến nghị và hệ thống giám sát mạng xã hội...

Hướng tới những mục tiêu xa hơn

Để tiếp tục hướng tới những mục tiêu xa hơn, Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 233/KH-UBND về Chuyển đổi số năm 2024.

Kế hoạch đề ra 5 mục tiêu cụ thể: Phát triển chính quyền số hoạt động an toàn, có mô hình được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

Từng bước hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 49- NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cửa khẩu số, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các Chương trình, Chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số.

Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước một cách an toàn, linh hoạt, ổn định, hiệu quả.

Tiếp tục phấn đấu, duy trì chỉ số DTI nằm trong top 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số, tiếp tục triển khai đô thị thông minh tại tỉnh.

Kế thừa nền tảng đã có, quý I/2024, công tác chuyển đổi số tiếp tục được các cấp, các ngành của tỉnh Lạng Sơn tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, qua đó đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Tiêu biểu, trong quý I đã cấp mới 225 chứng thư số, lũy kế đến thời điểm hiện tại đã cấp được hơn 25.000 chứng thư số, chữ ký số cho tổ chức và cá nhân. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã tiếp nhận trên 77.174 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến (giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 98,7%.).

Hiện nay 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Nền tảng cửa khẩu số tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng gặp những khó khăn trong quá trình triển khai như: Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng. Việc kết nối chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương còn hạn chế. Hạ tầng số ở một số thôn vùng sâu, vùng xa chưa được phủ sóng di động 3G/4G, người dân không sử dụng được điện thoại thông minh, do đó khó khăn trong việc triển khai các nền tảng số…

Nói về công tác chuyển đổi số, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được.

Thời gian tới, ông Thiệu đề nghị các cấp, ngành tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung phát triển kinh tế số với 4 trụ cột chính theo chỉ đạo của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia là công nghiệp, công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế và quản trị số, dữ liệu số.

Cùng với đó, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng, hệ thống an ninh cơ sở, bảo vệ giữ liệu cá nhân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện chuyển đổi số, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong công tác chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về chuyển đổi số.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Chuyển đổi số là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO