Theo đó, Đề án số hóa, 15 tỉnh Nhóm IV gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất và chuyển đổi sang phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2020.
Để đảm bảo đúng mục tiêu kế hoạch, đến thời điểm này, Đài PT&TH Lào Cai đã cơ bản thực hiện xong công tác lắp đặt, vận hành các thiết bị chuyển đổi số có công nghệ tiên tiến, hiện đại và đã kết thúc các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất (DVB-T2).
Việc chuyển đổi từ truyền hình analog sang số hóa truyền hình mặt đất đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, tăng chất lượng âm thanh, hình ảnh, cung cấp thêm nhiều kênh thông tin văn hóa, thể thao, giải trí… giúp người dân không chỉ thu xem được kênh truyền hình của địa phương nơi cư trú mà còn có thể xem được kênh truyền hình của các tỉnh, thành khác trong cùng khu vực.
Hiện nay Đài PT&TH Lào Cai phát sóng, vận hành ổn định hơn 10 kênh tín hiệu số chất lượng, người dân có thể thu, xem qua điện thoại di động ổn định. Đài cũng đang hướng mạnh vào mục tiêu phát triển OTT, cải tiến trang Web, xây dựng App, tăng cường livestream và tương tác, cung cấp các nội dung phát thanh, truyền hình qua giao thức Internet…
Đặc biệt Đài PT&TH Lào Cai đang thực hiện phát sóng 1 kênh truyền hình với tổng thời lượng 18 tiếng/ngày. Trong đó, tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương, góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân và hình ảnh của Lào Cai tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020", các hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình chính sách sẽ được hỗ trợ đầu thu truyền hình số trước khi kết thúc phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển sang truyền hình số theo lộ trình đề ra.
Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai cũng đã triển khai rà soát để hỗ trợ đầu thu vệ tinh hoặc bộ giải mã cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách để người dân có thể xem được truyền hình. Còn đối với những hộ không xem được truyền hình số mặt đất thì có thể xem qua truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, MyTV hoặc internet…
Như vậy, việc số hóa truyền hình mặt đất đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình. Tuy nhiên ngoài việc như chất lượng cao về hình ảnh, âm thanh, tăng số lượng kênh truyền hình được truyền… Người dân trên địa bàn tỉnh đang rất mong chờ và kỳ vọng với việc thay đổi hình thức truyền dẫn, phát sóng sẽ giúp bà con tiếp cận được với các kênh truyền hình của Trung ương có chất lượng tốt hơn.
"Xem bằng đầu thu vệ tinh của Trung Quốc tín hiệu rất kém, những lúc mưa gió thời tiết xấu thì đều không xem được. Chúng tôi rất mong muốn có hệ thống mới để có thể xem các chương trình về văn hóa, phát triển kinh tế", chị Triệu Thị Phương, thôn Khe Quạt, xã Tân An, huyện Văn Bàn chia sẻ.
Với việc được chuyển đổi hình thức phát sóng từ analog sang truyền hình số mặt đất sẽ là bước chuyển mang tính đột phá nhằm góp phần nâng cao chất lượng vùng phủ sóng đối với các chương trình truyền hình trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật, nội dung, Đài PT&TT Lào Cai phấn đấu thực hiện việc chuyển đổi số hóa truyền hình mặt đất theo đúng thời gian quy định của Chính Phủ, Trung ương.