Liên Hợp Quốc kêu gọi đưa công nghệ số đến nửa dân số thế giới

Hoàng Linh| 13/06/2019 11:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Một diễn đàn độc lập của Liên Hợp Quốc vừa kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn nữa để đưa công nghệ số đến gần một nửa dân số trên thế giới.

Một lãnh đạo cao cấp của Google cho biết điện thoại di động có thể truy cập Internet đang được sản xuất với giá khoảng 20 USD có thể giúp điều này trở nên khả thi.

Jack Ma, Chủ tịch điều hành Alibaba và bà Melinda Gates tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (Ảnh: AP)

Cụ thể, Phó chủ tịch Google, Vinton Cerf, cho biết tại một cuộc họp báo “sẽ phải dành nhiều tiền của” để thu hẹp khoảng cách số.

Nhưng nếu không giảm giá thành những chiếc điện thoại và cước liên lạc, “chúng ta sẽ không thể thành công khi muốn có thêm 4,5 tỷ người được truy cập mạng”.

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch của Google cũng rất lạc quan: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến những đầu tư được thúc đẩy chủ yếu từ phía doanh nghiệp và nhu cầu về phía người dùng”.

Ông cũng nhận định những chiếc điện thoại di động mới rẻ hơn sẽ không có tất cả các tính năng như của điện thoại thông minh 1000 USD, “nhưng chúng đủ hữu ích - cho phép truy cập Internet và các ứng dụng”.

Cerf là 1 trong 20 thành viên của Diễn đàn do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thành lập vào tháng 7/2018 nhằm thúc đẩy đối thoại toàn cầu về cách thế giới có thể cùng nhau hiện thực hoá tiềm năng của các công nghệ số nhằm nâng cao phúc lợi, đồng thời giảm các rủi ro cho tất cả mọi người.

Diễn đàn do bà Melinda Gates, đồng chủ tịch của Quỹ Bill & Melinda Gates và Jack Ma, Chủ tịch điều hành của Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc chủ trì.

Jack Ma cho biết: “Chúng ta đang sống trong buổi bình minh của kỷ nguyên số mới. Cần có sự hợp tác toàn cầu giữa các bên - khu vực tư nhân, chính phủ, công dân, học giả và xã hội dân sự - để sử dụng công nghệ làm cho mọi người được hưởng lợi từ sự thịnh vượng hơn nữa, mang lại nhiều cơ hội và sự tin cậy hơn cho tất cả mọi người trên khắp thế giới”.

Vinton Cerf, Phó Chủ tịch và người truyền giáo Internet của Google trả lời câu hỏi tại buổi họp báo tại Liên Hợp Quốc mới đây

Cerf, cũng là “nhà truyền giáo Internet” hàng đầu của Google, cho biết phần lớn những nơi chưa thể tiếp cận công nghệ số là các khu vực nông thôn không chỉ tại các quốc gia ở châu Phi mà còn ở cả Hoa Kỳ, nơi khoảng 10% đến 15% dân số chưa thể truy cập Internet tin cậy.

Bên cạnh chi phí, ông cho biết, các ứng dụng Internet hữu ích cũng là một vấn đề. Sẽ không hữu ích nếu khi lên web, “bạn có thể tìm được một thợ sửa ống nước ở New York nhưng bạn không thể tìm được ở thủ đô Bogota, Colombia”, và bạn không thể tìm được nhiều thông tin bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, Cerf nói.

Nikolai Astrup, Bộ trưởng Số hóa của Na Uy, cũng là thành viên của Diễn đàn, cho biết ông tin tưởng mạnh mẽ các công nghệ mới có thể giúp các nước đang phát triển tạo ra “những bước nhảy vọt mang tính đột phá” để đạt được các mục tiêu của Liên Hợp Quốc vào năm 2030, bao gồm chấm dứt nghèo đói cùng cực, đồng thời bảo vệ môi trường.

“Công nghệ số không còn là một thứ xa xỉ. Đây là điều cần thiết cho sự phát triển, cũng là cho một quốc gia phát triển như Na Uy”.

Dù chi phí là bao nhiêu, Bộ trưởng Astrup cho biết, nó sẽ bị lu mờ bởi những lợi ích của việc cải thiện cuộc sống của con người, giải quyết một số thách thức lớn trên toàn cầu và sử dụng dữ liệu lớn, ví dụ, để dự báo và ngăn chặn nạn đói.

Tuy nhiên, Gates trong một tuyên bố đã cho biết “các công nghệ số có thể giúp những người nghèo nhất thế giới thay đổi cuộc sống của họ, nhưng chỉ khả thi nếu chúng ta sẵn sàng giải quyết bất bình đẳng đã khiến họ không thể tham gia đầy đủ vào đời sống kinh tế và xã hội của đất nước họ”.

Báo cáo của Diễn đàn khuyến nghị rằng mỗi người trưởng thành trên thế giới đều có quyền truy cập với chi phí hợp lý vào các mạng, các dịch vụ tài chính và y tế số vào năm 2030.

Nhưng Diễn đàn cũng cảnh báo rằng các cơ hội phát triển từ các công nghệ số “sẽ song hành với những hành động xấu và hậu quả không lường trước được”. Đây là kết quả của những nội dung độc hại trên truyền thông xã hội và thách thức đối với quyền riêng tư, và kêu gọi cần có hành động hiệu quả hơn để ngăn chặn sự xói mòn lòng tin bởi sự phổ biến của việc sử dụng vô trách nhiệm các khả năng của mạng.

Diễn đàn cũng kêu gọi Tổng thư ký Guterres tiến hành đánh giá toàn cầu về quyền con người trong việc ứng dụng các công nghệ số. Nanjira Sambuli, thành viên Diễn đàn từ Kenya, cũng là người quản lý chính sách cao cấp của tổ chức World Wide Web, chia sẻ một khuyến nghị quan trọng là các công ty công nghệ “nên chỉ tham khảo ý kiến về yếu tố nhân quyền sau khi đã tư duy chín muồi”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cho biết mỗi ngày ông đều chứng kiến công nghệ số có thể thúc đẩy sứ mệnh của Liên Hợp Quốc nhằm đạt được hòa bình, nhân quyền và phát triển trên toàn thế giới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Liên Hợp Quốc kêu gọi đưa công nghệ số đến nửa dân số thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO