Liên tục ra mắt các giải pháp công nghệ hỗ trợ miền Trung vượt qua bão lũ

PV| 10/11/2020 11:13
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh thiên tai bão lũ đang hoành hoành tại các tỉnh miền Trung, Zalo và dự án iNhandao thuộc Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đã có hàng loạt các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Hơn 10.000 trường hợp "cần giúp đỡ" trên Zalo

Theo đó, từ cuối tháng 9 đầu tháng 10, Zalo đã phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung và Tổng Cục phòng chống thiên tai cập nhật tình hình và hướng dẫn cho người dân qua điện thoại, với mục tiêu cung cấp thông tin chính thống nhất và nhanh nhất đến người Việt để chủ động ứng phó với bão lũ.

Nhưng nỗ lực đó vẫn chưa đủ để phản ứng với sự khắc nghiệt không ngờ của thiên nhiên. Nước lên quá nhanh và sự kêu cứu bất lực trong đêm lũ lịch sử ở Quảng Bình đã khiến các kỹ sư Zalo cảm thấy cần phải làm một cái gì đó khác với những gì đang làm.

Liên tục ra mắt các giải pháp công nghệ hỗ trợ, đồng hành cùng miền Trung vượt qua bão lũ - Ảnh 1.

Những lời kêu cứu của người dân Quảng Bình khiến các kỹ sư Zalo càng ý thức hơn trách nhiệm của họ với xã hội.

Theo chia sẻ đội ngũ Zalo, trong những tình huống như nước lũ lên nhanh khiến một khu vực nào đó bị cô lập, hoặc sạt lở gây chia cắt giao thông, các hoạt động cứu hộ chưa thể tiếp cận thì việc tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp từ cộng đồng là vô cùng quan trọng.

Dựa trên ý tưởng đó, ngày 23/10, phiên bản đầu tiên của tính năng SOS ra đời để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm hỗ trợ trong vòng kết nối là gia đình, người thân, bạn bè. Tuy nhiên, phiên bản đó theo đánh giá của chính đội ngũ phát triển Zalo là chỉ dừng lại ở "tạm dùng được" khi chỉ dựa trên việc tối ưu hoạt động cập nhật nhật ký. Lúc này, tính năng SOS vẫn chưa thể cung cấp tọa độ chính xác để hỗ trợ công tác cứu hộ và hướng dẫn tóm tắt thông tin để người dùng làm theo một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Động lực lớn nhất của đội ngũ làm sản phẩm là niềm tin vào sức mạnh công nghệ và sức mạnh kết nối của Zalo có thể giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai gây ra cho đồng bào mình.

Đến tối ngày 26/10, phiên bản hoàn thiện "tính năng SOS" đã ra đời trong sự thở phào của đội ngũ làm sản phẩm. Điểm nổi bật của tính năng này là có đính kèm tọa độ chính xác hỗ trợ cứu hộ. Ngay trong đêm, tính năng này chính thức cập nhật đến 15 tỉnh thành dự báo là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Molave là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum và 4 tỉnh thành chịu tác động của trận lũ lịch sử.

Trong bối cảnh đó, đã có hơn 10.000 trường hợp "cần giúp đỡ" được chia sẻ trên Zalo. Tính năng SOS đã phát huy được vai trò kịp thời của nó. Hiện nay, rất nhiều thông báo "Tôi cần được giúp đỡ" vẫn tiếp tục được cập nhật mỗi ngày trên Zalo.

Trước đó, đồng hành cùng người dân miền Trung vượt qua bão lũ, tính từ ngày 21/10 đến 30/10, trang "Thời tiết" của Zalo đã gửi ra khoảng 92 triệu tin nhắn đến cho 15 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đội ngũ vận hành và tìm kiếm thông tin của Zalo cũng đã làm việc 24/7 để có thể cập nhật tin tức thời tiết, bão lũ đến người dân của các vùng bị ảnh hưởng một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Liên tục ra mắt các giải pháp công nghệ hỗ trợ, đồng hành cùng miền Trung vượt qua bão lũ - Ảnh 2.

Thông tin trên trang Zalo "Thời tiết" được cập nhật liên tục 24/7.

Bên cạnh đó, với hỗ trợ không quản ngày đêm của các kỹ sư Zalo, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã thông qua trang Zalo chính thức để cập nhật nhanh tình hình thời tiết, mưa lũ, cảnh báo khẩn cấp, trang bị kiến thức cho người dân để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Mỗi thông tin, bài viết đều được trang Zalo "Phòng chống thiên tai" gửi đến gần 10 triệu người dùng, và nhận được hàng triệu lượt xem.

Bên cạnh đó, thêm 24 triệu lượt tin nhắn gửi đi từ các trang Zalo chính thức của địa phương như: Trang Zalo "Tổng đài 1022 Đà Nẵng", trang Zalo " Trung tâm HueIOC"…

Cổng iNhandao và BĐVN cũng đưa ra các giải pháp công nghệ hỗ trợ

Trước những khó khăn của đồng bào các tỉnh miền Trung, đầu tháng 11/2020 văn phòng đề án Hệ tri thức Việt số hóa đã phát động chiến dịch xã hội "Hỗ trợ người cứu trợ - Hướng về khúc ruột miền Trung".

Liên tục ra mắt các giải pháp công nghệ hỗ trợ, đồng hành cùng miền Trung vượt qua bão lũ - Ảnh 3.

Thông tin người cần cứu trợ sẽ có trên website của iNhandao.

Đến thời điểm này, người dân trên cả nước có thể truy cập vào địa chỉ website: hotronguoicuutro.inhandao.vn. Kết thúc giai đoạn 1, triển khai từ ngày 24/10/2020 đến 31/10/2020, hệ thống đã cung cấp các công cụ hỗ trợ cập nhật, xác minh thông tin địa chỉ cần cứu trợ lên bản đồ cho phép người cứu trợ tra cứu nhận thông tin và có thể ủng hộ trực tiếp đến từng hộ dân.

Cụ thể, 3 chức năng đã được hoàn thiện trên hệ thống hỗ trợ người cứu trợ vùng lũ miền Trung (https://hotronguoicuutro.inhandao.vn) gồm: Bản đồ các hộ dân cần cứu trợ (bước đầu đã có 3.000 hộ dân), mỗi hộ dân có kèm hình ảnh và thông tin đầu mối liên lạc, những thông tin ban đầu về nhu cầu cần cứu trợ; Công cụ để mọi người có thể đưa thông tin cần cứu trợ lên hệ thống, sau đó dự án sẽ xác mình nhằm bảo đảm thông tin chính xác; Công cụ ủng hộ trực tiếp tiền mặt và hàng hóa.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2 kéo dài đến 8/11/2020, dự án đặt mục tiêu tiếp tục nhập và xác minh các hộ dân cần cứu trợ, đồng thời có thêm chức năng bản đồ cứu trợ nhằm hỗ trợ kết nối các nhóm cứu trợ đến với các địa phương. Sau giai đoạn 2, dự án sẽ tiếp tục tìm hiểu nhu cầu của hai bên người cứu trợ và người cần cứu trợ để bổ sung những chức năng cần thiết.

Trước đó, theo Tổng Công ty BĐVN, đơn vị phát triển nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode, để nhu yếu phẩm, hàng hóa cứu trợ nhanh chóng đến nơi, người dân vùng lũ có thể sử dụng mã địa chỉ Vpostcode để chia sẻ chính xác vị trí nơi mình cần cứu trợ qua nhiều kênh khác nhau như tin nhắn SMS, Facebook, Zalo, Viber…

Liên tục ra mắt các giải pháp công nghệ hỗ trợ, đồng hành cùng miền Trung vượt qua bão lũ - Ảnh 4.

Cụ thể, sau khi nhận được mã địa chỉ Vpostcode, lực lượng cứu trợ sẽ mở tin nhắn SMS hoặc Facebook, Zalo, Viber... để chọn vào đường dẫn mà người dân chia sẻ. Khi đó, thiết bị tự động mở nền tảng mã địa chỉ Vpostcode với địa chỉ vừa tìm kiếm, đồng thời chọn nút chỉ đường để nhanh chóng định vị và tìm kiếm được địa điểm.

Thay vì tìm kiếm địa chỉ cụ thể của người cần cứu trợ, các lực lượng cứu hộ, tổ chức cá nhân tham gia cứu trợ có thể sử dụng mã địa chỉ Vpostcode để biết được chính xác vị trí, đường đi đến nơi người dân vùng lũ sinh sống.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Liên tục ra mắt các giải pháp công nghệ hỗ trợ miền Trung vượt qua bão lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO