Long An xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa

Đỗ Thêu| 22/11/2022 06:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Tính đến tháng 5/2022, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Long An là 29.341,9 ha, kế hoạch đến năm 2025 là 60.000 ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An, thực hiện Đề án "Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025", tỉnh đã xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo chuỗi giá trị.

Tỉnh đã thực hiện công tác khảo nghiệm giống lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022; Tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác với Đài Loan: Xây dựng nhà màng tại Trại nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Phú; Hỗ trợ giống và thuê thiết bị bay để gieo sạ, phun thuốc cho hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phát Lộc, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh; HTX Nông nghiệp Long Thuận - Thủ Thừa, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa và HTX dịch vụ sản xuất thương mại Nông nghiệp 4.0, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa…

Tỉnh cũng đã xây dựng mô hình điểm hỗ trợ mô hình VietGAP và mô hình điểm ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ tại Kiến Tường và Mộc Hóa vụ Đông Xuân năm 2020 – 2021; Thực hiện nhân rộng mô hình do các huyện triển khai xây dựng mô hình nhân rộng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

Tính đến tháng 5/2022, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao vùng Đề án là 29.341,9 ha, kế hoạch đến năm 2025 là 60.000 ha.

Tiêu biểu như ở Tân Thạnh vụ Đông Xuân 2020-2021 thực hiện 06 mô hình, với diện tích 390,5 ha với 168 hộ dân tham gia. Các mô hình đều đạt năng suất cao (8-8,5 tấn/ha lúa tươi). Vụ Hè Thu 2021, thực hiện 10 mô hình, diện tích 526,4 ha với 212 hộ dân tham gia. Năng suất lúa đạt 55-60 tạ/ha. Vụ Thu Đông 2021, thực hiện 21 mô hình, diện tích 1.133 ha với 437 hộ dân tham gia. Năng suất lúa đạt 60-65 tạ/ha.

Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, hiện Long An là địa phương đứng thứ tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm. Long An đã có gần 30.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao (kế hoạch là 60.000ha), trong đó, trên 11.500ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến.

Qua triển khai xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, người dân thấy được hiệu quả của việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch… đã góp phần giảm chi phí sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn hiện nay, nhất là vào mùa thu hoạch lúa./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Long An xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO