Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài
Chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012.
Nhiều điều khoản thu hút nhân tài trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Theo đánh giá, trước đây, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, qua một quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Kết quả trên cho thấy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của Thành phố chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn.
Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”.
Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, Điều 17 Dự thảo Luật Thủ đô đã thiết kế 2 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.
Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như: Được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND thành phố Hà Nội quy định. Được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.
Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Thành phố để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học. Đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô. Bên cạnh đó là việc hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao...phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài. Đây có thể xem là các nội dung rất quan trọng, nhằm tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô.
Để quy định có tính khả thi hơn, nhiều ý kiến cho rằng cần trao quyền cho HĐND TP ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.
Cần xây dựng cơ chế đặc thù
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhận định, chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012.
Cũng theo ông Mai, để thu hút và giữ chân được người tài, cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau.
“Một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài. Được tôn trọng và trọng dụng là điều quan trọng hơn cả đối với nhân tài, thậm chí còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ, lương bổng”, đại biểu nói.
Trong khi đó, đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) cũng bày tỏ tán thành với quy định về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được nêu trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng, để phát huy hết “nguyên khí” của “hiền tài”, phát triển Thủ đô trở thành Thành phố “văn hiến - văn minh - hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, phải xây dựng cơ chế đặc thù tương xứng, cụ thể và khả thi trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô.
Dẫn câu chuyện một nhà khoa học không đủ khả năng để chi trả cuộc sống nên bán “chất xám” để kiếm sống, đại biểu cho rằng đã đến lúc cần xem xét rất nghiêm túc về vấn đề này.
“Nếu chỉ dừng lại ở những ưu đãi nhất định trong tương quan của khu vực công lập như quy định tại dự thảo Luật hiện nay sẽ rất khó cạnh tranh và giữ chân người hiền tài gắn bó với khu vực công”, đại biểu nói.
Về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô, theo đại biểu, so với các quy định tại Luật Thủ đô hiện hành, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những bước tiến lớn.
Khẳng định vai trò giáo dục là quốc sách hàng đầu, đại biểu Vương Quốc Thắng nhận định, muốn Thủ đô là đầu tàu của cả nước về kinh tế - xã hội thì trước hết và quan trọng nhất phải xây dựng Thủ đô thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao./.