Luôn theo đuổi phương châm "gần dân, trong dân"để phù hợp với thời đại số
Đưa thông tin về chính sách của nhà nước đến được với người dân để làm tốt hiệu quả truyền thông “Dân được biết, dân làm và dân được kiểm tra” là mục tiêu ưu tiên của công tác truyền thông chính sách trong giai đoạn hiện nay.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Hiện nay trong thực tiễn triển khai cho thấy nhiều vấn đề nảy sinh trong cách thức tổ chức bộ máy và đầu tư nguồn lực cho công tác này, dẫn đến nhiều tình huống bị động, lúng túng trong việc chủ động cung cấp thông tin chính sách hoặc thực hiện công việc này chưa thật sự hiệu quả.
Cùng với sự bùng nổ thông tin như hiện nay công tác truyền thông chính sách trở nên phức tạp, đa dạng hơn trước rất nhiều, đặc biệt là từ khi xuất hiện các phương thức truyền thông mới trên không gian mạng, thậm chí có lúc các nguồn thông tin không chính thống có xu hướng lấn át các kênh thông tin chính thống từ cơ quan nhà nước, đòi hỏi chúng ta phải đánh giá lại cách thức tổ chức và thực hiện công tác truyền thông chính sách trong tình hình mới, trên cơ sở phát huy ưu thế sẵn có và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để đạt sự đồng thuận về nhận thức, hành động và nguồn lực cho công tác này.
Truyền thông chính sách giờ đây cũng được coi là phương thức quan trọng để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước: Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” là một nỗ lực thể hiện sự thay đổi lớn trong việc đưa công tác truyền thông chính sách tham gia từ những công đoạn đầu tiên của việc xây dựng pháp luật, trong đó đặt trọng tâm là đánh giá đầy đủ tác động truyền thông, tác động xã hội của việc hoạch định chính sách pháp luật.
Và điều đáng nói nữa là, phương châm "gần dân, trong dân" mà chính quyền luôn theo đuổi phải được cập nhật để phù hợp với thời đại số. Dân ở đâu thì chính quyền phải ở đó. Dân ở trên mạng xã hội thì chính quyền cũng phải sẵn sàng định vị mình trên mạng xã hội để dân khi cần thì tìm đến, để chính quyền khi muốn thì có thể nghe được tiếng nói của người dân.