Lý do nhiều DN tại Việt Nam không thể phát huy hết hiệu quả chuyển đổi số

Thế Phương| 09/10/2022 09:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo đại diện Novaon, sau 5 năm nữa, nếu doanh nghiệp (DN) sản xuất vẫn chậm chân trong chuyển đổi số (CĐS) thì sẽ đứng trước nguy cơ bị "xoá sổ". Xu hướng nhân công giá rẻ cũng sẽ chuyển dịch sang nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, DN cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngay từ hiện tại.

Gần 80% DN chưa CĐS hoặc thực hiện một phần

Theo Báo cáo thực trạng CĐS ngành gỗ do Novaon Tech thực hiện mới đây cùng sự đồng hành của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), hiện có 4 bài toán CĐS mà ngành đang phải đối mặt. Đầu tiên là vấn đề nhân sự, với sự thiết hụt và cạnh tranh nhân sự, trải nghiệm nhân sự chưa tốt, xây dựng, phát triển đội ngũ. Tiếp theo là năng suất lao động chưa cao do có nhiều hoạt động thủ công, động lực của đội ngũ không cao do thiếu hệ thống đánh giá và việc giao KPI thủ công, thiếu dữ liệu để có thể đưa ra các quyết định kịp thời.

Bài toán thứ 3 là năng lực cạnh tranh: Cạnh tranh về giá, tiêu chuẩn nhân sự, chất lượng sản phẩm; Chưa kiểm soát được tiến độ triển khai; Chưa nhận định được tình hình sản xuất.

Cuối cùng là nguồn lực khách hàng như việc xây dựng thương hiệu, thu hút khách hàng, trải nghiệm khách hàng chưa tối ưu cũng như dữ liệu khách hàng còn phân tán.

Cũng theo báo cáo, đối với các DN sản xuất và kinh doanh gỗ, tư duy về CĐS không phải là rào cản, bởi không có công ty nào cho rằng việc đó là không cần thiết và không cần áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Chưa kể 21% đơn vị cho rằng đây là mục tiêu chiến lược, rất cần thiết và hiệu quả, phải làm ngay, ưu tiên nguồn lực ở mức độ cao; 47,9% công ty cho rằng CĐS rất cần thiết nhưng cần làm thí điểm, đánh giá hiệu quả rồi nhân bản; 29,2% đánh giá là cần làm, nhưng vẫn sẽ ưu tiên hoạt động SXKD hơn.

Về mục tiêu trong CĐS DN, 3 mục tiêu là các đơn vị ưu tiên tập trung: Tối ưu chi phí (81,3%); Tăng hiệu suất lao động (58,3%); Xây dựng thương hiệu/tăng doanh thu và tăng trải nghiệm khách hàng (43,8%).

Báo cáo cũng chỉ ra một trong số những lý do khiến CĐS trong DN gặp khó khăn, đó là bởi vì phần lớn (58,3% đơn vị) vẫn chưa có chiến lược cụ thể và dài hạn, và chỉ có 8,3% công ty có bản quy hoạch chiến lược CĐS trong 3 - 5 năm tới. Đồng thời, vẫn có tới 22,9% DN cho rằng CĐS dù có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh cốt lõi của mình nhưng không quá nhiều, và 2,5% DN khẳng định CĐS không ảnh hưởng đến việc cạnh tranh trong 1 - 5 năm tới.

Điều này sẽ khiến rất nhiều DN gặp bất lợi trong hoạt động kinh doanh của mình. Nhất là trong bối cảnh CĐS đã đem lại những kết quả tích cực, khi mà 2 năm qua, dù dịch COVID-19 khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn nhưng với các công ty đã CĐS, họ không chỉ vượt qua khó khăn mà còn mang đến một mức tăng trưởng nhất định. "CĐS đã giúp tối ưu khoảng 10% chi phí cho phần lớn DN, giúp họ tăng trưởng từ 10-20% doanh thu, năng suất lao động tăng đến hơn 20%", báo cáo của Novaon Tech khẳng định.

Báo cáo của Novaon Tech cho thấy, mức độ CĐS của ngành gỗ hiện đang ở mức trung bình, nhiều DN chưa thực sự chú trọng đến quá trình này, khi chỉ CĐS một phần (chiếm 56,3% DN), hay chưa hề thực hiện CĐS ở bất kì hạng mục nào (20,8%). Các DN trong ngành cũng gặp rất nhiều khó khăn khi CĐS, trong đó: 68,8% đang thiếu đối tác chuyên nghiệp, có năng lực tư vấn, giải pháp tốt, cạnh tranh cao; 79,2% lo ngại chi phí ban đầu bỏ ra quá lớn; 60,4% cho rằng kỹ năng, năng lực công nghệ và đội ngũ đang là vấn đề mà họ gặp phải…

Theo đánh giá từ các DN tham gia, mức ngân sách dành cho ứng dụng CĐS trong năm 2022 và các năm tới (gồm cả phần cứng, phần mềm) chủ yếu từ 1 - 2% năm (chiếm 50%) và chỉ có 8,3% sẽ dành hơn 3% doanh thu cho CĐS. Trong đó, ERP, HRM (phần mềm quản trị nhân sự), CRM (phần mềm quản trị khách hàng) là 3 phần mềm được nhiều đơn vị lựa chọn sử dụng nhất.

Phần lớn (75%) có sử dụng phương án thuê ngoài để CĐS, nhưng chỉ có 16,7% là dùng hoàn toàn nguồn lực bên ngoài, còn đa phần sẽ kết hợp cả nội bộ. Gần 70% số đơn vị được hỏi cũng ưu tiên sử dụng kết hợp cả việc lưu trữ dữ liệu tại chỗ - tại máy chủ của DN cùng với hình thức đám mây trên hạ tầng của nhà cung cấp.

Để CĐS hiệu quả, các DN sản xuất cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - Ảnh 1.

Các công ty ngành gỗ chưa CĐS toàn diện, khi có đến hơn 56% DN chỉ CĐS được một phần hoặc một công đoạn trong hoạt động của DN

Hiện tượng "nghẽn cổ chai" kéo lùi hiệu quả CĐS của DN

Trước khi thực hiện báo cáo cho ngành gỗ, Novaon cũng đã thực hiện báo cáo cho ngành Dệt may vào tháng 9/2022. Chia sẻ về lý do làm báo cáo CĐS cho 2 ngành truyền thống này, ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Novaon khẳng định, do đây là 2 ngành sản xuất mũi nhọn thế mạnh của Việt Nam. Chưa kể, gỗ và dệt may có một đặc thù là dù lãnh đạo các DN khá quan tâm đến CĐS, nhưng  tỷ lệ CĐS và ứng dụng công nghệ chưa cao, các công đoạn trong sản xuất, vận hành, kinh doanh vẫn còn mang tính thủ công. 

"Novaon nghiên cứu và xây dựng báo cáo này với mong muốn tìm hiểu được vấn đề mà ngành đang gặp phải, khó khăn mà DN đang gặp phải, từ đó phân tích và xây dựng giải pháp để giải quyết các vấn đề đó", ông Quý cho biết thêm.

Sắp tới, Novaon vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào các ngành hàng thuần sản xuất tại Việt Nam và có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Bởì vì, đây là những ngành đang có nhu cầu CĐS cao và đang gặp nhiều rào cản trong tiến trình thực hiện CĐS. Ngoài ra, sắp tới Novaon cũng tập trung vào các ngành có doanh thu lớn, và chiếm tỷ trọng cao trong ngành kinh tế là bán lẻ, tiêu dùng. Việc xây dựng được giải pháp hoàn chỉnh cho các ngành này sẽ có tác động lớn làm thay đổi bức tranh toàn cảnh về CĐS tại Việt Nam.

Với việc hơn 80% DN ngành gỗ lo ngại chi phí đầu tư quá lớn và khó khăn trong việc tìm kiếm các đối tác phù hợp, ông Quý cho rằng, đây là vấn đề mà tất cả khách hàng Novaon đã và đang triển khai đều gặp phải. Tuy nhiên, Chủ tịch Novaon đánh giá vấn đề chi phí không phải quá đáng lo dành cho DN. Do đây là chi phí đầu tư mang tính chất dài hạn, DN sẽ được nhiều hơn mất. 

"Báo cáo CĐS ngành gỗ do Novaon nghiên cứu đã cho thấy những con số CĐS bước đầu. Đây là những kết quả mà mà theo tôi nghĩ  khá xứng đáng để đầu tư khi chi phí bỏ ra để thực hiện CĐS chỉ chiếm khoảng 3% doanh thu của DN", ông Quý khẳng định.

Còn việc tìm kiếm đối tác phù hợp sẽ dựa trên 3 tiêu chí để đánh giá bao gồm: Kinh nghiệm triển khai các DN cùng ngành, mô hình, quy mô; Giá cả cạnh tranh; Chính sách bảo hành, đồng hành, hỗ trợ. Chỉ cần dựa vào 3 yếu tố này, DN hoàn toàn có thể tìm kiếm một đơn vị cung cấp giải pháp CĐS chất lượng. Vì về chất lượng sản xuất và ứng dụng phần mềm các DN cung cấp CĐS hoàn toàn không hề thua kém các đối tác quốc tế.

Trước câu hỏi vì sao nhiều DN ngành gỗ đã ứng dụng phần mềm nhưng hiệu quả chưa cao, ông Quý cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến việc này, trong đó chủ yếu đến từ việc các công ty chưa CĐS toàn diện, khi có đến hơn 56% DN chỉ CĐS được một phần hoặc một công đoạn trong hoạt động của DN. Chỉ 12% DN CĐS được 70% quy trình hoạt động. Điều này dẫn đến một hiện tượng "nghẽn cổ chai" (bottleneck) trong công nghệ. Đây là hiện tượng khi một quy trình của DN hoạt động chậm hơn các quy trình khác, khiến kéo lùi hiệu suất tổng thể của cả DN đó. Chính vì vậy để phát huy được hiệu quả của các phần mềm CĐS, DN cần thực hiện CĐS một cách toàn diện.

Ngoài ra, mỗi DN có những sản phẩm, quy trình hoạt động, quản lý và vận hành khác nhau. Chính vì vậy, các phần mềm, ứng dụng cũng sẽ phải được xây dựng theo mô hình hoạt động phù hợp với DN thì mới mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

Đối với những khó khăn khi CĐS của DN ngành gỗ nói riêng và các ngành sản xuất truyền thống nói chung, ông Quý cho rằng, rào cản duy nhất nằm ở lãnh đạo các DN, vì tư duy và định hướng của lãnh đạo sẽ định hướng luôn mục tiêu CĐS của DN. Thêm vào đó, tư tưởng CĐS của lãnh đạo rành mạch rõ ràng, đường lối rõ nét thì nhân sự cấp dưới mới có thể đồng lòng. Điều này thể hiện ở việc có đến gần 60% DN chưa có bản quy hoạch chiến lược CĐS từ 3 - 5 năm tới. Các DN có quan tâm, có hiểu biết về CĐS nhưng chưa chú trọng đến CĐS. 

"Đây là lý do mà nhiều DN tại Việt Nam, không chỉ riêng ngành gỗ đang không thể phát huy hết hiệu quả của CĐS", ông Quý lý giải.

Thời điểm hiện tại, nếu DN chưa CĐS, thì cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng chỉ 5 năm nữa nếu DN nào không CĐS, thì chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh được với các DN khác tại Việt Nam chứ chưa nói đến việc cạnh tranh được tại thị trường quốc tế.

Về lời khuyên cho các DN sản xuất truyền thống, theo ông Quý, các công ty cần tập trung vào đào tạo, nâng cao vào chất lượng nguồn nhân lực. Khi mà xu hướng chung của Việt Nam không còn tập trung vào nhân công giá rẻ mà sẽ chuyển dịch sang nguồn nhân lực chất lượng cao. Các quy trình thủ công cũng sẽ được thay thế bằng phần mềm, máy móc, tinh giảm các quy trình giấy tờ phức tạp. 

"Chính vì vậy, để CĐS thực sự hiệu quả thì việc đào tạo nhân sự cũng sẽ phải song hành với nó", ông Quý kết luận.

Báo cáo thực trạng CĐS ngành gỗ do Novaon Tech thực hiện mới đây cùng sự đồng hành của VIA, khảo sát dựa trên 50 DN đang hoạt động SXKD và chế biến gỗ tại Việt Nam; 70% số người tham gia khảo sát đang nắm giữ chức vụ chủ tịch/CEO/CIO; 50% số DN tham gia có doanh thu trên 300 tỷ/năm; Hơn 80% DN khảo sát có số lượng nhân sự từ 200 người trở lên; Hơn 60% DN có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu trên 50%./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lý do nhiều DN tại Việt Nam không thể phát huy hết hiệu quả chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO