Truyền thông

Mã số vùng trồng: “Tấm vé thông hành” giúp nông sản Việt Nam vươn tầm quốc tế

Quỳnh Trang 07:09 28/08/2024

Việc xây dựng mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam xuất khẩu theo đường chính ngạch; không chỉ đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế mà còn giúp nâng cao uy tín và thương hiệu của nông sản Việt trên thị trường toàn cầu.

Cấp “hộ chiếu” cho nông sản Việt

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các loại nông sản trên thị trường quốc tế, việc cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc cho nông sản đạt tiêu chuẩn toàn cầu đã trở thành yêu cầu cấp bách đối với ngành trồng trọt. Mã số vùng trồng, đóng vai trò như một tấm vé thông hành quan trọng, giúp nông sản Việt Nam tiếp cận các thị trường xuất khẩu. Do đó, việc xây dựng mã số vùng trồng là điều vô cùng cần thiết để tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng bằng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo; không chỉ phục vụ nhu cầu thị trường mà còn góp phần đưa nông sản Việt Nam vươn xa trên thế giới.

Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thông qua việc tuân thủ quy trình sản xuất kiểm soát dịch hại và đảm bảo an toàn thực phẩm, mà còn nâng cao nhận thức của nông dân về mối liên hệ chặt chẽ giữa quy trình sản xuất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Đây được xem là “chìa khóa” để xây dựng lòng tin về chất lượng và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho rằng, việc thiết lập và được cấp mã số quản lý vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế. Các thị trường nhập khẩu yêu cầu sản phẩm phải đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc thông qua chương trình kiểm soát chặt chẽ, với hồ sơ ghi chép đầy đủ và trung thực mọi khâu trong chuỗi sản xuất. Mỗi vùng trồng và cơ sở đóng gói đều phải có mã số riêng biệt, nhằm đảm bảo truy xuất rõ nguồn gốc khi có vi phạm xảy ra. Chính vì vậy, dù sản lượng nông sản lớn, việc không có mã số vùng trồng sẽ hạn chế khả năng xuất khẩu và làm giảm hiệu quả kinh tế. Mã số vùng trồng không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu mà còn giúp nâng cao giá trị và hiệu quả của sản phẩm.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, lúa, và sầu riêng. Các thị trường nhập khẩu lớn của nông sản Việt Nam như Trung Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand và Australia là những nơi có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất.

Việc quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đã thúc đẩy người nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp hiện đại. Điều này góp phần quan trọng trong cuộc cách mạng phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn và bền vững, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái. Nhờ đó, các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung được hình thành, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khi chất lượng sản phẩm được nâng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nông sản của địa phương có cơ hội vươn xa sang các thị trường quốc tế, từ đó gia tăng giá trị kinh tế. Hơn nữa, việc quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài tỉnh liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với nông dân, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp địa phương.

Mã số vùng trồng: “Chìa khóa vàng” mở đường cho nông sản Việt vươn tầm thế giới.

Xây dựng niềm tin, nâng tầm thương hiệu

Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã cấp 876 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc, trong đó có 708 mã số vùng trồng và phần còn lại là mã số cơ sở đóng gói. Sầu riêng Việt Nam có lợi thế lớn với sản lượng dồi dào và khả năng thu hoạch quanh năm, đặc biệt là khi vào vụ sầu riêng ở Tây Nguyên, không phải cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Thêm vào đó, thời gian vận chuyển nhanh cũng là một điểm mạnh khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.

Năm 2023 là một năm bội thu cho ngành rau quả xuất khẩu, với tổng trị giá đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% (tương đương tăng 2,24 tỷ USD) so với năm trước. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này phần lớn nhờ vào sự gia tăng đột biến trong xuất khẩu sầu riêng (mã HS 0810.60.00). Trong năm 2023, xuất khẩu quả sầu riêng đạt 2,1 tỷ USD, tăng 1,82 tỷ USD so với con số 288 triệu USD của năm trước. Đặc biệt, sầu riêng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, đạt 2,03 tỷ USD, chiếm 99,4% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2023, xuất khẩu rau quả trong hai tháng đầu năm nay tiếp tục đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, với giá trị đạt 970 triệu USD, tăng hơn 70%. Các mặt hàng chủ lực bao gồm dừa tươi, thanh long, bưởi, chuối, chanh dây, xoài và sầu riêng, trong đó sầu riêng vẫn là mặt hàng nổi bật nhất. Rau quả Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt các tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.

Hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đang hoàn tất các thủ tục để mở cửa thị trường cho trái dừa và sầu riêng đông lạnh. Khi các mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch, dự kiến tổng giá trị xuất khẩu rau quả có thể đạt 6,5 tỷ USD trong năm 2024 và tính riêng dung lượng thị trường nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc dự báo có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, đây là cơ hội lớn xuất khẩu trái sầu riêng của Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới

Thị trường Trung Quốc mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.

Tại tỉnh Bình Phước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh vừa được cấp thêm 27 mã số vùng trồng sầu riêng bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nâng tổng số mã vùng trồng của tỉnh lên 65, xếp thứ tư toàn quốc về số lượng mã số vùng trồng sầu riêng. Theo đó, 27 mã số vùng trồng sầu riêng Bình Phước vừa được cấp phép, với diện tích 701,5 ha và sản lượng dự kiến 14.030 tấn. Tổng số mã vùng trồng sầu riêng của tỉnh đã nâng lên 65 mã số, phủ rộng trên diện tích 2.412 ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, tổng diện tích trồng sầu riêng hiện nay trên địa bàn tỉnh là 5.300 ha, với sản lượng đạt 14.800 tấn. Các huyện có diện tích trồng sầu riêng lớn bao gồm Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, và Lộc Ninh. Trong đó, giống sầu riêng Dona chiếm 61%, Ri6 31%, Chín Hóa 5%, và các giống khác 4,3%.

Hiện tại, tỉnh Bình Phước thực hiện giám sát và quản lý mã số xuất khẩu định kỳ 6 tháng/ lần và báo cáo về Cục Bảo vệ Thực vật để thông tin cho các nước nhập khẩu, nhằm duy trì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Khoảng 95% sản lượng sầu riêng tươi của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong khi phần còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Tỉnh Bình Phước đã phát triển 31 chuỗi liên kết trồng sầu riêng, với sự tham gia của 20 doanh nghiệp hợp tác cùng 29 hợp tác xã để xây dựng mã số vùng trồng. Tỉnh đang hướng đến việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng lên 8.000 - 10.000 ha, tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng chuỗi cung ứng phục vụ xuất khẩu.

Để quản lý và cấp mã số vùng trồng hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hướng dẫn quy trình cấp mã số cho các tổ chức và cá nhân, đồng thời chỉ đạo kiểm tra và giám sát việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng.

Hiện nay, Bình Phước có 457.000 ha đất nông nghiệp, trong đó bao gồm hơn 27.600 ha cây hàng năm và 429.800 ha cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng

Hiện nay, nhiều quốc gia yêu cầu trái cây tươi và một số nông sản khác từ Việt Nam phải có mã số vùng trồng để đủ điều kiện nhập khẩu. Mã số này giúp theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật gây hại, vệ sinh an toàn thực phẩm, và truy xuất nguồn gốc. Nhiều nước nhập khẩu đã tăng cường giám sát mã vùng trồng và cơ sở đóng gói theo định kỳ hàng tuần.

Để bảo vệ và duy trì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, ngoài việc cơ quan quản lý giám sát, các doanh nghiệp và nông dân cần coi mã số như tài sản quý giá và chủ động bảo vệ. Nếu phát hiện hành vi sai phạm, cần kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để bảo vệ mã số. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh tập huấn và tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương và cơ sở về quy trình xây dựng mã số vùng trồng để phục vụ tiêu thụ nội địa. Khi đã hình thành chuỗi liên kết và tìm được thị trường, có thể mở rộng xuất khẩu.

Tiếp tục tham mưu; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng mã số vùng trồng. Đồng thời, tăng cường tổ chức liên kết sản xuất cho nông dân tại các vùng trồng được cấp mã xuất khẩu, chủ động thực hiện tốt công tác vệ sinh vườn trồng, ghi chép đầy đủ hồ sơ, theo dõi và xử lý sinh vật gây hại, và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng cách.

Các địa phương cần tăng cường thanh tra và kiểm tra sau khi cấp mã số, nếu như phát hiện phải ngay lập tức xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc tái phạm nhiều lần. Đối với các lô hàng không tuân thủ quy định, tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và cung cấp thông tin về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, phục vụ kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc. Cục Bảo vệ thực vật cần chủ trì và phối hợp với các địa phương để hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho nông dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về quy định của các nước nhập khẩu, nhằm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Để quản lý tốt mã vùng trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, sửa đổi các quy định đối với vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng, do các yêu cầu hiện nay giống với các điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gây khó khăn cho quá trình thực hiện và quản lý vùng sau khi được cấp. Cùng với đó, cần xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu Quốc gia về thông tin sản lượng sản phẩm xuất khẩu và mã số vùng trồng. Việc đối chiếu và giám sát chặt chẽ giữa sản lượng thu mua và sản lượng xuất khẩu là cần thiết để hạn chế mạo danh mã số vùng trồng và tăng cường minh bạch thông tin xuất khẩu theo quy định./.

Bài liên quan
  • Chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong năm 2024
    Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Để chủ động ứng phó và giảm thiểu tối đa thiệt hại; đặc biệt, trước những tác động ngày càng khốc liệt và khó lường của biến đổi khí hậu rất cần một chiến lược dài hạn, tầm nhìn vĩ mô, và sự chung tay của cả hệ thống chính trị.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mã số vùng trồng: “Tấm vé thông hành” giúp nông sản Việt Nam vươn tầm quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO