Truyền thông

Tiếp tục tăng cường các giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Quỳnh Trang 14/08/2024 10:49

Nhằm xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ Nhân dân, Nhà nước đã triển khai các Chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước qua từng giai đoạn: 2001-2010, 2011-2020, và 2021-2030 hướng tới mục tiêu môi trường hành chính hiệu quả, minh bạch, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách các thủ tục hành chính (TTHC) được ưu tiên quan trọng trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính hiện nay. Việc chuyển đổi sang môi trường điện tử, sử dụng Cổng dịch vụ quốc gia và các cơ sở dữ liệu nền tảng như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp, đang được thúc đẩy để nâng cao hiệu quả và thuận tiện trong thực hiện TTHC. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã thực hiện rà soát và điều chỉnh các TTHC để giảm bớt, phân quyền, phân cấp, công khai, và xác định rõ về thời gian, không gian và chi phí thực hiện.

Những kết quả tích cực đạt được trong cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính

Ngày 5/8/2024, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 362/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác tại Phiên họp thứ năm của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác cải cách TTHC có nhiều kết quả nổi bật: Đã cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; nhiều TTHC đã được phân cấp giải quyết từ trung ương đến địa phương; việc đơn giản hóa TTHC nội bộ đã được các Bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện; việc triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế đạt kết quả đáng ghi nhận;

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) được triển khai hiệu quả mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo việc tổ chức triển khai mô hình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh, thời gian thí điểm từ tháng 9 năm 2024 đến hết tháng 11 năm 2025.

Thời gian qua, Hà Nội đã ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật trong việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ, với mục tiêu đặt người dân làm trung tâm và tạo bước đột phá trong phát triển. Đến nay, hơn 6,5 triệu công dân Thủ đô đã được cấp căn cước công dân (CCCD) và thông tin của họ đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư. Hơn 5,2 triệu công dân đã có tài khoản định danh mức độ 2, và 19 trong số 30 quận, huyện, thị xã của Thành phố đã thực hiện số hóa hồ sơ dữ liệu hộ tịch điện tử. Các nhóm dữ liệu như hội, đoàn thể, và an sinh xã hội đang được triển khai và tiếp tục mở rộng, hướng tới việc xây dựng một hệ thống CSDL chung cho toàn thành phố, tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư để nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng.

Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trên toàn quốc trong việc tham mưu, báo cáo và trình Hội đồng Nhân dân Thành phố xem xét hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi thực hiện qua ứng dụng VNeID. Ngân sách Thành phố đã dành khoảng 9,7 tỷ đồng để hỗ trợ chi phí này cho đến hết ngày 31/12/2024.

Việc giảm thiểu các yếu tố như điện, nước, không gian, cơ sở vật chất, giấy tờ, in ấn, nhân lực và thời gian lao động đã giúp các cơ quan nhà nước tiết kiệm được ước tính hơn 10 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 hồ sơ lý lịch tư pháp được nộp qua ứng dụng VNeID, góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiệu quả hành chính và tiết kiệm chi phí cho Thành phố.

Thành phố Hà Nội đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính.

Hà Nội cũng đã đồng bộ hóa dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời hoàn thiện chính sách và triển khai các giải pháp đăng ký, kê khai và nộp thuế điện tử. Thành phố cũng áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung kết nối liên thông và chia sẻ thông tin với các ngành liên quan. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã thu về hơn 2.500 tỷ đồng từ thuế các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, thành phố thí điểm xây dựng Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử, cho phép kết nối và chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân thông qua ứng dụng "Công dân Thủ đô số". Hiện tại, khoảng 1,77 triệu dữ liệu sức khỏe đã sẵn sàng và tiếp tục được cập nhật, giúp người dân dễ dàng tra cứu các chỉ số, yếu tố nguy cơ và kết quả khám chữa bệnh trước đó.

Một số kết quả đáng chú ý khác: Trong 21 ngày từ 10/5 đến 31/5, tỷ lệ người đăng ký nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) qua tài khoản cá nhân đã đạt 93,29%, gấp đôi so với tỷ lệ trước đó, khoảng 45% và duy trì ổn định qua các năm. Việc này giúp người dân thuộc diện nhận trợ cấp an sinh xã hội, lương hưu, và BHXH có thể nhanh chóng, thuận tiện nhận tiền qua tài khoản mà không cần đến các điểm giao dịch hay trụ sở UBND cấp xã, giảm thời gian đi lại và bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người dân, tiết kiệm khoảng 51 tỷ đồng mỗi năm.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố Kế hoạch số 136/KH-UBND, nhằm rà soát và xây dựng phương án đơn giản hóa cũng như ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính nội bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố Hà Nội cho năm 2024. Thành phố sẽ tiếp tục công bố và công khai bổ sung các thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố trên Cổng thông tin điện tử thành phố (https://www.hanoi.gov.vn), cũng như trên các trang thông tin điện tử của các Sở, ngành và các cơ quan tương đương. Đặc biệt, UBND thành phố đặt mục tiêu rà soát cắt giảm ít nhất 20% TTHC nội bộ và giảm 20% chi phí tuân thủ các thủ tục này; phấn đấu ủy quyền giải quyết ít nhất 20% số thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố.

Tiếp tục tăng cường cắt giảm và đơn giản hóa TTHC ở các Bộ, ngành địa phương

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác - nhận định rằng công tác cải cách thủ tục hành chính còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị vẫn chưa thực sự chú trọng, quyết liệt chỉ đạo và dành nguồn lực ưu tiên cho việc cải cách. Nhiều quy định và thủ tục hành chính vẫn còn chồng chéo, phức tạp chưa được phát hiện và điều chỉnh kịp thời. Quá trình đánh giá tác động chính sách và chi phí tuân thủ tại một số cơ quan còn chưa được thực hiện nghiêm túc. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương vẫn còn hạn chế, và công tác truyền thông về cải cách thủ tục hành chính chưa chú trọng đúng mức.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã yêu cầu các Bộ, ngành, và địa phương tập trung và ưu tiên nguồn lực để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội. Điều này cũng cần phải được thực hiện đồng bộ với các Chương trình, Chiến lược, Kế hoạch, Đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như chỉ đạo tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 về việc đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu quản lý thuận tiện, nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp.

Các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính đã được phê duyệt cần được thực thi ngay lập tức. Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản pháp luật, đánh giá tác động chính sách, và đánh giá tác động của thủ tục hành chính. Đồng thời, cần tăng cường hiệu quả của quá trình tham vấn, đặc biệt là thông qua môi trường điện tử, và thực hiện nghiêm ngặt việc thẩm định và thẩm tra các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Cuối cùng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương.... phải phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để triển khai thí điểm thành công mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các thành viên Hội đồng tư vấn cũng cần chủ động theo dõi, cung cấp thông tin chi tiết và rõ ràng về các khó khăn và vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính, để Tổ công tác có thể kịp thời xử lý./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục tăng cường các giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO