Truyền thông

Chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong năm 2024

Quỳnh Trang 08:15 19/08/2024

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Để chủ động ứng phó và giảm thiểu tối đa thiệt hại; đặc biệt, trước những tác động ngày càng khốc liệt và khó lường của biến đổi khí hậu rất cần một chiến lược dài hạn, tầm nhìn vĩ mô, và sự chung tay của cả hệ thống chính trị.

Thiên tai liên tục diễn biến bất thường, khó dự báo

Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 - 1,5 độ C. Đặc biệt, trong tháng 4/2024, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ghi nhận mức tăng nhiệt vượt trội, cao hơn từ 3,1 - 3,6 độ C so với TBNN. Đáng chú ý, 110/186 trạm quan trắc trên toàn quốc đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày vượt qua các kỷ lục lịch sử. Riêng tại Đông Hà (Quảng Trị), ngày 28/4/2024, nhiệt độ đạt tới 44 độ C, mức cao nhất kể từ năm 1976 đến nay tại địa phương này. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng chứng kiến tình trạng nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài trong suốt tháng 4/2024.

Ngoài ra, mưa dông kèm mưa đá đã xảy ra với tần suất đáng kể. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã trải qua 72 trận mưa đá, trong đó Nghệ An là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 11 trận. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, lốc sét và gió giật mạnh đã gây thiệt hại đáng kể về kinh tế, xã hội và môi trường. Dòng chảy trên các sông, hồ chứa tại Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 30-60%, trong đó sông Thao và sông Lô thiếu hụt nghiêm trọng từ 50-60%.

Tương tự, các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên cũng ghi nhận mức thiếu hụt dòng chảy từ 25-50% so với TBNN. Tại khu vực Nam Bộ, tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024 đến sớm và diễn biến gay gắt hơn so với TBNN và năm 2022-2023, gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ tại một số khu vực ven biển chưa được tiếp cận với nguồn cấp nước tập trung.

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 104 người, với phần lớn các trường hợp tử vong và mất tích là do sạt lở đất và lũ cuốn. Về vật chất, thiệt hại ước tính lên đến khoảng 2.000 tỷ đồng, gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế và đời sống của người dân.

Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà Nước và nhân dân.

Những thành tựu đáng ghi nhận trong việc phòng, chống thiên tai tại một số tỉnh, địa phương

Trước tình hình thời tiết ngày càng cực đoan và khó lường, thiên tai liên tiếp gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân, cấp ủy và chính quyền các cấp tại Yên Bái đã nhanh chóng triển khai các phương án phòng chống với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng,” đảm bảo sự chủ động trong ứng phó với mọi tình huống. Phương châm “4 tại chỗ” bao gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ, và “3 sẵn sàng” bao gồm: phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Trong đó, công tác chuẩn bị lực lượng cùng với việc huy động vật tư, phương tiện tại các địa phương được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái xác định là trọng tâm, nhằm đảm bảo ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với thiên tai, cũng như định hướng rõ ràng cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của Yên Bái, Trạm Tấu hàng năm thường phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gió lốc, và dông sét với tần suất cao hơn các địa phương khác. Để ứng phó hiệu quả, huyện đã sẵn sàng huy động lực lượng từ các cơ quan, ban, ngành với sự tham gia của 100-150 người mỗi đơn vị, cùng gần 1.000 người thuộc lực lượng xung kích cấp xã. Ngay từ đầu năm 2024, xã Trạm Tấu đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đội cơ động, tổ tuần tra, tổ thông tin liên lạc, và bố trí lực lượng ứng trực 24/24 tại các thôn bản.

Trên toàn tỉnh Yên Bái, 173/173 đơn vị hành chính cấp xã đã thành lập lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với hơn 13.000 người tham gia, và lực lượng dự bị trên 62.000 người sẵn sàng ứng phó khi cần thiết. Tỉnh cũng đã xây dựng phương án huy động nhân lực từ các đơn vị công an, quân đội, cùng lực lượng y tế và công nhân các doanh nghiệp trên địa bàn. Tỉnh Yên Bái hiện có 2.326 điểm trượt lở và hơn 1.300 hộ dân cần sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 48 trạm đo mưa, 5 trạm đo thủy văn, 2 hệ thống cảnh báo sớm lũ quét, cùng 18 dự án di dân tập trung. Hơn 300 nhà bạt, 145 máy phát điện, 80 máy bơm, 3.000 áo phao và nhiều thiết bị hỗ trợ khác đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Ngoài ra, tỉnh đã huy động hơn 1.200 ô tô, 21 xe cứu thương, 275 máy xúc, máy ủi, và gần 600 tàu, xuồng, thuyền máy để đảm bảo an toàn giao thông. Phương án “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” đã được triển khai cụ thể đến từng thôn bản, với sự chuẩn bị chi tiết về con người, vật tư, máy móc và nơi ăn ở tạm thời cho người dân di dời khẩn cấp. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các địa phương và sự chủ động của người dân, Yên Bái quyết tâm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Tỉnh Yên Bái luôn sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả ngay khi thiên tai xảy ra.

Vừa qua, UBND TP. Hà Nội cũng vừa ban hành Công điện khẩn, yêu cầu các đơn vị trên địa bàn chủ động trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Theo Công điện số 08, do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký, từ đầu năm 2024 đến nay, thời tiết trên địa bàn thành phố diễn biến bất thường và khó lường. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, và đơn vị trên địa bàn phải sẵn sàng triển khai quyết liệt, kịp thời và hiệu quả các phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ". Các quận, huyện, thị xã cần nhanh chóng rà soát, bổ sung và hoàn thiện kế hoạch ứng phó cho từng loại thiên tai, đặc biệt là bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, và ngập úng cục bộ.

Đồng thời, cần xác định rõ các khu vực trọng điểm, có nguy cơ cao để chuẩn bị kịch bản bố trí lực lượng và phương tiện cứu hộ khi cần thiết. Việc rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu dân cư ven sông, suối, và khu vực trũng thấp, phải được thực hiện để chủ động sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Những nơi chưa thể di dời ngay cần có phương án sơ tán khẩn cấp khi xảy ra thiên tai.

Các địa phương cần giám sát chặt chẽ công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão và huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua. Địa phương cũng phải đảm bảo không để người dân thiếu chỗ ở, thiếu đói, hoặc thiếu các vật dụng thiết yếu, và ngăn chặn dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau thiên tai. Ngoài ra, cần phổ biến và hướng dẫn người dân cách nhận biết và ứng phó với các loại thiên tai thường gặp, bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi, và đảm bảo an toàn tính mạng.

Phòng, chống thiên tai phải luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục

Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ ngành và UBND các địa phương tiếp tục rà soát và kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng lực lượng vũ trang cần được ưu tiên hàng đầu vì đây là lực lượng nhanh chóng, mạnh mẽ và hiệu quả nhất trong ứng phó với thiên tai và các tình huống khẩn cấp.

Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng, chống thiên tai để tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai các hoạt động ứng phó thực tiễn."Một số cơ chế chính sách cần được xây dựng mới phải làm mới chứ không chỉ sửa cái cũ" – Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp Bộ ngành và cộng đồng, đặc biệt qua các phương tiện thông tin mới như tin nhắn và mạng xã hội. Đồng thời, cần đẩy mạnh kiểm tra và giám sát trước mùa mưa lũ. Các địa phương cần phải rà soát kỹ lưỡng kịch bản phòng chống thiên tai để xây dựng phương án ứng phó phù hợp với thực tiễn.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo nâng cao chất lượng dự báo để đảm bảo thông tin kịp thời và chính xác. Ông yêu cầu các Bộ ngành và địa phương cải thiện năng lực điều hành, đặc biệt là khi thiên tai xảy ra, người đứng đầu địa phương cần trực tiếp chỉ huy để đưa ra quyết định sáng suốt và hợp lý dựa trên nguyên tắc chung. Ngoài ra, việc huy động nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả cũng cần được tăng cường. Kêu gọi sự hợp tác của các tổ chức quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, đào tạo cán bộ, và tài trợ cho công tác dự báo để giúp Việt Nam chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại./.

Bài liên quan
  • Tiếp tục tăng cường các giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
    Nhằm xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ Nhân dân, Nhà nước đã triển khai các Chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước qua từng giai đoạn: 2001-2010, 2011-2020, và 2021-2030 hướng tới mục tiêu môi trường hành chính hiệu quả, minh bạch, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO