Từ thực tế đó, Malaysia đã triển khai nhiều chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng một "rào chắn" giúp trẻ có thể tham gia không gian mạng một cách lành mạnh và an toàn.
Theo đó, CyberSecurity Malaysia, cơ quan trực thuộc Bộ Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia, đã liên tục đẩy mạnh việc xây dựng một môi trường Internet an toàn cho trẻ em. Thông qua sáng kiến CyberSAFE, CyberSecurity Malaysia đã thực hiện một số giải pháp và chương trình nhằm nâng cao kiến thức về an toàn mạng cho trẻ em và thanh thiếu niên.
CyberSAFE là sáng kiến nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về an toàn, an ninh mạng, đưa ra các phương pháp sử dụng CNTT-TT tốt nhất, nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề công nghệ và xã hội mà người dùng Internet phải đối mặt khi trực tuyến.
Đánh giá mức độ nhận thức về ATTTM
Nghiên cứu cơ bản quốc gia về mức độ nhận thức an toàn thông tin mạng (ATTTM) của học sinh và phụ huynh 2021-2022 là một trong những chương trình được thực hiện bởi CyberSecurity Malaysia.
Theo đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định mức độ nhận thức của học sinh, sinh viên (độ tuổi từ 7 - 19 tuổi) về các vấn đề ATTTM như đe dọa trực tuyến, bắt nạt trên mạng, đánh cắp danh tính, tấn công mạng; đồng thời phân tích mức độ nhận thức và các biện pháp kiểm soát của các cha mẹ đối với các mối đe dọa ATTTM.
Nghiên cứu cung cấp các phân tích tương quan giữa nhận thức về không gian mạng và các cuộc tấn công mạng, từ đó có thể đưa ra được những đánh giá chính xác để có được những giải pháp đảm bảo ATTTM hiệu quả nhất.
Tạo "rào chắn" và nâng cao "sức đề kháng" giúp trẻ an toàn hơn trên không gian mạng
Một trong những chương trình nổi bật nhất của sáng kiến CyberSAFE đó là Đối thoại An ninh CNTT-TT quốc gia - CyberSAFE Challenge Trophy. Đây là chương trình đối thoại đầu tiên trong trường học về ATTTM quốc gia của Malaysia do CyberSecurity Malaysia phối hợp với Bộ Giáo dục Malaysia (MOE) khởi xướng và tổ chức hàng năm.
Giám đốc điều hành CyberSecurity Malaysia, ông Amirudin Abdul Wahab cho biết, được triển khai từ năm 2013, chương trình đã đạt được thành công với mục tiêu trở thành một giải pháp phổ biến kiến thức về ATTTM theo những cách hấp dẫn, tạo hứng thú cho học sinh và giáo viên.
Mục tiêu chính của chương trình là khuyến khích tư duy sáng tạo và phản biện của những người tham gia khi họ thảo luận về các vấn đề công nghệ và Internet toàn cầu hiện nay; đồng thời xác định các cách để giảm thiểu rủi ro và thách thức trực tuyến. Quá trình này sẽ giúp giáo viên và học sinh trở thành những người sử dụng Internet thông minh và có đạo đức.
Ngoài ra, CyberSecurity Malaysia cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thảo luận nâng cao nhận thức về ATTTM cho các nhóm tuổi và nhân khẩu học khác nhau, chẳng hạn như trẻ em, học sinh, sinh viên đại học cũng như khu vực tư nhân và chính phủ.
Trong khi đó, Sáng kiến Đạo đức mạng quốc gia (NCEI) là một chương trình khác được triển khai như một nỗ lực phối hợp nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ một cách phù hợp và có trách nhiệm để phát triển thói quen tự giám sát nhằm duy trì và cải thiện cộng đồng kỹ thuật số an toàn và lành mạnh.
Theo ông Amirudin, trong những năm vừa qua, các cuộc tọa đàm, thảo luận, chương trình về nâng cao nhận thức ATTTM của Malaysia hàng năm đã tăng lên rõ rệt. Điều này đã phần nào giúp người dân nâng cao hiểu biết trong các lĩnh vực khác nhau của ATTTM, giảm nguy cơ trở thành nạn nhân của không gian mạng.
Cũng nằm trong sáng kiến CyberSAFE, Mô-đun nâng cao nhận thức về ATTTM quốc gia là một chương trình học tập và giảng dạy về ATTTM được phối hợp thực hiện bởi Ban Công nghệ và Tài nguyên Giáo dục (BSTP), MOE và CyberSecurity Malaysia.
Amirudin cho biết Mô-đun này triển khai dựa trên nghiên cứu cơ bản về nhận thức ATTTM quốc gia do CyberSecurity Malaysia phối hợp với MOE thực hiện để xác định mức độ nhận thức về an toàn mạng của học sinh tiểu học và trung học trên khắp Malaysia.
Mô-đun nhằm mục đích trở thành một phương tiện giảng dạy và học tập về các chủ đề ATTTM; nâng cao trình độ nhận thức về ATTTM; nuôi dưỡng văn hóa sử dụng Internet một cách thận trọng và có đạo đức.
Bên cạnh đó, CyberSecurity Malaysia cũng hợp tác với các đơn vị truyền thông địa phương để truyền tải các thông điệp tích cực về ATTTM và phúc lợi chung của Internet thông qua các thông báo dịch vụ công.
Nhiều thông điệp về đảm bảo ATTTM đã được truyền đi hàng ngày như các khuyến nghị về các vấn đề lừa đảo trực tuyến, tin tức giả mạo, bắt nạt trực tuyến, mẹo nuôi dạy con cái trên mạng, cũng như một số video giúp nâng cao kỹ năng, nhận thức về không gian mạng cho thanh thiếu niên và trẻ em.
Amirudin cho biết các sáng kiến này giúp phổ biến thông tin cho xã hội một cách hiệu quả và giúp công chúng hiểu được tầm quan trọng của ATTTM, nâng cao nhận thức khi tham gia Internet cũng như chia sẻ các phương pháp sử dụng Internet an toàn, văn minh, đặc biệt là với lứa tuổi trẻ em, thanh thiếu niên.
Đặc biệt, theo ông Amirudin Abdul Wahab, từ năm 2010, CyberSecurity Malaysia đã phối hợp với nhiều cơ quan khác nhau như Hiệp hội Internet Malaysia, Hội đồng quốc gia của các tổ chức phụ nữ Malaysia, Công ty Viễn thông Digi, Google, Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia, cùng với các bộ, ngành và tổ chức phi chính phủ khác đã tổ chức Ngày Internet an toàn hơn tại Malaysia.
Theo đó, CyberSecurity Malaysia đã cùng với các đối tác chiến lược tổ chức một loạt các chương trình và hoạt động về ATTTM và an toàn Internet ở Malaysia.
Các sáng kiến này cực kỳ quan trọng vì trẻ em đặc biệt có nguy cơ gặp rủi ro vì chúng thường sử dụng các thiết bị điện tử mà không được giám sát, do đó, có nhiều trẻ chưa đủ khả năng nhận thức bị lôi kéo tham gia vào các cuộc thảo luận trực tuyến về tình bạn, mối quan hệ hoặc hoạt động không lành mạnh.
"Thông qua các sáng kiến, chúng tôi muốn trẻ em hiểu rằng hành vi và hành động trên không gian mạng cũng sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân các em cũng như bạn bè và gia đình ở thế giới thực. Vì vậy, các em phải học cách có trách nhiệm và cư xử có đạo đức khi tham gia không gian mạng để tránh bị tổn hại hoặc gây tổn hại cho người khác", ông Amirudin nhấn mạnh.
Ông Amirudin cũng cho biết thêm cách tốt nhất đảm bảo an toàn cho trẻ em khi trực tuyến là cha mẹ nên cùng tham gia và giám sát các hoạt động của con cái vì sẽ không có bất cứ phần mềm hoặc ứng dụng nào có thể đảm bảo hoàn toàn sự an toàn cho trẻ nhỏ.
Do đó, tốt nhất là cha mẹ nên thiết lập các tài khoản mạng xã hội, chơi các trò chơi và ứng dụng mà con mình đang chơi để có thể biết được các nền tảng đó hoạt động như thế nào và hiểu được những nguy cơ tiềm ẩn, từ đó có thể giúp con tránh được những điều không mong muốn, đồng thời cha mẹ cũng có thể cập nhật được những kiến thức về cách nuôi dạy con cái trên mạng.
"Cha mẹ hãy trở thành một người bạn, một người hướng dẫn - giúp trẻ hình thành văn hóa tham gia trực tuyến một cách thận trọng và an toàn", ông Amirudin nhấn mạnh./.