ASEAN đối phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo thương mại toàn cầu sẽ giảm từ 13 - 32% trên tất cả các khu vực và lĩnh vực vào năm 2020. Triển vọng đầu tư cũng không mấy sáng sủa với việc Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 40% so với giá trị năm 2019 là 1,5 nghìn tỷ USD.
Trước thực tế khó khăn này, trong Bản tóm tắt chính sách lần thứ ba được ban hành vào đầu tháng 7, Ban Thư ký ASEAN đã xem xét cách 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội đối phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra và các biện pháp đã thực hiện để đảm bảo nhu cầu hàng hóa thiết yếu trong nội khối được đáp ứng.
Bản tóm tắt nêu rõ, ASEAN không đơn độc trong việc áp dụng những biện pháp để chống lại các tác động tiêu cực của COVID-19. Theo một nghiên cứu của WTO, hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thực hiện một số hành động để đảm bảo những hàng hóa có nhu cầu cao như thuốc men, thực phẩm và vật tư y tế sẽ tiếp tục được cung cấp tới công dân của họ. Theo đó, những biện pháp được chia thành hai loại chính: thắt chặt xuất khẩu và nới lỏng nhập khẩu.
Việc thực hiện những biện pháp như vậy là hợp lý bởi sự cần thiết phải ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này lâu dài cũng được cảnh báo có thể gây thiệt hại cho các quốc gia nhỏ hơn phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực thực phẩm. Đồng thời, Ban Thư ký ASEAN cũng không đồng tình việc biến những chính sách tạm thời này thành những rào cản thương mại vĩnh viễn.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), tổng cộng có 295 biện pháp liên quan đến thương mại đã được thực hiện bởi 139 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đáng chú ý là trong số 295 biện pháp, có 156 biện pháp hạn chế và 139 tự do hóa với 132 biện pháp tập trung vào xuất khẩu và 163 biện pháp liên quan đến nhập khẩu; Phần lớn các biện pháp xuất khẩu (127/132) bị hạn chế với 89 biện pháp đặc biệt hạn chế hoặc cấm xuất khẩu dưới hình thức này hay hình thức khác.
Mặt khác, các biện pháp nhập khẩu chủ yếu là tự do hóa (134/163 biện pháp) và gồm các vấn đề giảm thuế cũng như các biện pháp thuận lợi hóa thương mại như đơn giản hóa các yêu cầu về chứng nhận.
ASEAN là một trong những nhà xuất khẩu PPE lớn nhất thế giới. (Ảnh: AP)
ASEAN đại diện cho khoảng 10% trong tổng số 28 biện pháp được ITC đưa ra với sự kết hợp cân bằng của 15 biện pháp tự do hóa và 13 biện pháp hạn chế. Indonesia, Việt Nam và Thái Lan là những quốc gia ban hành nhiều biện pháp nhất (5 biện pháp), tiếp theo là Malaysia (3), Singapore, Campuchia, Myanmar và Philippines (2) và Lào (1).
Các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, thuốc men và các sản phẩm y tế (vật tư y tế, thiết bị bảo hộ cá nhân - PPE) là mục tiêu chính của các hành động hạn chế xuất khẩu và không đáng ngạc nhiên khi những lĩnh vực này chiếm phần lớn các biện pháp tự do hóa nhập khẩu.
Giá trị thương mại thiết bị bảo hộ cá nhân của các nước ASEAN năm 2019. (Nguồn: World Integrated Trade Solution)
Theo dữ liệu của WTO, tổng giá trị thương mại các sản phẩm y tế là 597 tỷ USD, tương đương 1,7% tổng thương mại thế giới, vào năm 2019. Các quốc gia thành viên ASEAN, với giá trị xuất khẩu 7,5 tỷ USD, là một trong những nhà xuất khẩu PPE lớn nhất với gần 24% tổng giao dịch PPE năm 2019. Malaysia dẫn đầu với 14,2%, theo sau là Thái Lan với 4,8% và Việt Nam là 3,2%. Nhiều quốc gia đã ưu tiên cho việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước trước khi cho phép xuất khẩu những sản phẩm này ra nước ngoài.
Cung ứng thực phẩm là một lĩnh vực đáng quan tâm khác. Mặc dù đại dịch không tạo ra những thách thức mới, nhưng cũng đặt ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn nếu cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất và phân phối thực phẩm trong thời gian dài.
Từ tháng 6, WTO đã cho thấy một số hạn chế tạm thời đối với nhập khẩu hay xuất khẩu lương thực, trong đó ITC ghi nhận là dưới 20 biện pháp. Hầu hết các biện pháp như việc đình chỉ giấy phép xuất khẩu gạo, đều nhằm mục đích là đảm bảo nguồn cung trong nước, trong khi một số biện pháp khác như lệnh cấm nhập khẩu động vật sống từ một số quốc gia đã được thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Giai đoạn khẩn cấp ban đầu đã kết thúc, Bản tóm tắt chính sách lần thứ ba cũng đưa ra cách thức làm thế nào để các chính sách thương mại có thể đóng vai trò nòng cốt trong việc ngăn chặn COVID-19 và trong quá trình phục hồi sau đại dịch.
Theo đó, các nhà hoạch định chính sách khu vực đã nhận ra rằng các chính sách thương mại có cấu trúc tốt là điều cần thiết để giảm bớt tác động của đại dịch cũng như bất kỳ sự gián đoạn tiềm ẩn nào khác trong tương lai.
Giảm thiểu sự gián đoạn
Hợp tác và hội nhập khu vực là chìa khóa để giảm thiểu sự gián đoạn do các vấn đề không lường trước được xảy ra. Ngày 15/4/2020, Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN đã ban hành một tuyên bố trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì mở các chuỗi cung ứng thực phẩm trong khu vực và hạn chế áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Vấn đề này đã được khẳng định trong Hội nghị ngày 4/6 với việc thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội. Kế hoạch kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN chia sẻ thông tin về các hạn chế xuất khẩu một cách kịp thời, hạn chế áp dụng các biện pháp phi thuế quan không cần thiết và tận dụng các nền tảng hiện có để xây dựng một chuỗi dịch vụ và hàng hóa ổn định trên toàn khu vực.
Hơn nữa, hiện nay, khi hầu hết các dòng thuế đã được loại bỏ, ASEAN muốn tiếp tục hướng tới các mục tiêu chung là tạo thuận lợi thương mại để đảm bảo rằng các nền kinh tế thành viên và các đối tác thương mại vẫn mở ngay cả trong các tình huống như đại dịch.
Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang đẩy mạnh nỗ lực số hóa để thực hiện các giải pháp điện tử nhằm giảm chi phí giao dịch và đơn giản hóa các thủ tục hải quan.
Trong thời gian tới, vai trò của khu vực tư nhân cũng sẽ được đánh giá lại và sẽ đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ và vật tư thiết yếu cũng như cung cấp các khuyến nghị cho các cơ quan hoạch định chính sách về các bước để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.