Manus cung cấp gói dịch vụ AI Agent với giá 39 USD
Theo trang web của công ty, gói đăng ký nâng cao cho phép người dùng chạy tối đa 5 tác vụ cùng lúc và cung cấp nhiều năng lực tính toán hơn.

Ra mắt ngày 6/3, Manus được nhiều phương tiện truyền thông gọi là "khoảnh khắc DeepSeek thứ hai", ám chỉ việc tác nhân AI này có thể tạo đột phá mới giống như DeepSeek đã làm được hồi đầu năm.
Trong video đăng trên X thu hút hơn 200.000 lượt xem sau khi ra mắt, Manus được giới thiệu là "tác nhân AI đa năng kết nối tâm trí và hành động, không chỉ suy nghĩ, mà còn mang lại kết quả".
Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh này đã chính thức cung cấp gói đăng ký dịch vụ với mức giá 39 USD một tháng và tùy chọn nâng cấp là 199 USD. Đây là mức giá cạnh tranh cho một dịch vụ vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Tuy nhiên, Manus đã thu hút được sự chú ý đáng kể của cộng đồng công nghệ với tuyên bố có thể xử lý các tác vụ phức tạp trong thế giới thực thay vì chỉ phản hồi lời nhắc.
Manus tự định nghĩa mình là "một tác nhân thông minh". Người dùng chỉ cần đưa ra lệnh và nó có thể tự động hoàn thành các tác vụ phức tạp. Ví dụ, người dùng đưa ra yêu cầu Manus cung cấp cho họ hướng dẫn du lịch đến Nhật Bản và những lưu ý chi tiết cho chuyến đi. Sau đó, Manus sẽ thu thập thông tin và sắp xếp để phản hồi cho người dùng giống như một nhân viên đại lý du lịch chuyên nghiệp
Theo trang web của công ty, gói đăng ký nâng cao cho phép người dùng chạy tối đa 5 tác vụ cùng lúc và cung cấp cho họ nhiều năng lực tính toán hơn. Công ty cho biết Manus vẫn sẽ có phiên bản miễn phí nhưng bị giới hạn về quyền truy cập. Công cụ này được xây dựng trên các mô hình ngôn ngữ lớn hiện có, bao gồm cả Claude của Anthropic.
Sự xuất hiện của Manus là ví dụ mới nhất trong cơn sốt AI đang quét qua Trung Quốc từ tháng 1 năm nay, khi DeepSeek - startup AI đình đám nhất nước này thời điểm đó - gây chấn động với mô hình mạnh mẽ và mức chi phí huấn luyện chỉ bằng phần nhỏ so với các đối thủ khác đến từ phương Tây.
Động thái kiếm tiền từ tác nhân AI Manus ngay sau khi ra mắt trái ngược với cuộc cạnh tranh toàn diện nhằm thu hút người dùng ở Trung Quốc. Sự ra mắt của DeepSeek R1 vào tháng 1 đã thúc đẩy cuộc chiến về giá vốn diễn ra tại quốc gia 1,4 tỷ dân này và các gã khổng lồ như Alibaba và Tencent cũng đã công bố một loạt các dịch vụ AI mới để bắt kịp. Baidu đã cung cấp Ernie Bot miễn phí vào tháng 2.
Butterfly Effect, công ty mẹ của Manus, đang đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng để huy động vốn với mức định giá ít nhất là 500 triệu USD, The Information đưa tin vào tuần trước. Những người dẫn đầu vòng gọi vốn hiện tại của Butterfly Effect bao gồm ZhenFund và HSG, trước đây gọi là Sequoia China./.