Metaverse là ghép từ "meta" - có nghĩa là "after" hay "beyond" (hậu, sau, bên ngoài, bên kia, vượt khỏi), khi làm tiếp đầu ngữ thì "meta" mang ý nghĩa "toàn diện hơn" hoặc "có tính chất chuyển tiếp", và "universe" - vũ trụ; "metaverse" có thể được hiểu là một vũ trụ toàn diện, là chuyển tiếp của vũ trụ hiện hữu.
Vừa qua, trong năm 2021, các lãnh đạo của Microsoft, Epic Games và Facebook đã bắt đầu nói nhiều về sự phát triển của metaverse của họ. Và mỗi công ty lại nhìn nhận theo cách riêng của mình về hình ảnh vũ trụ ảo trong tương lai. Vậy, metaverse là gì, các công ty ICT đang tạo ra nó ra sao và liệu nó có thể xuất hiện trong tương lai gần hay không? Bản thân các công ty của Zuckerberg, Nadella và Sweeney đang muốn nhìn thấy những thế giới ảo mà trong đó mọi công nghệ và thiết bị hiện hữu là được liên hợp lại. Điều đó dường như có vẻ giống với những mô tả lấy ra từ sách vở về viễn tưởng.
Metaverse là từ đâu mà ra?
Trong hình dung của các nhà viễn tưởng thì Metaverse đó là một vũ trụ ảo không tưởng, được "khai phóng" khỏi những vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị của thực tại, hay còn gọi là "hầm trú ẩn" ảo. Thuật ngữ "metaverse" là do nhà văn khoa học viễn tưởng Neal Stephenson đặt ra lần đầu tiên vào năm 1992 trong tiểu thuyết "Snow Crash" của mình. Metaverse theo Stephenson – đó là giai đoạn phát triển tiếp theo của Internet: một thế giới số chia sẻ chung, kết hợp giữa thực tại "vật lý", thực tại ảo (VR – Virtual Reality) và thực tại tăng cường (AR – Augmented Reality). Mọi người có thể truy cập tới nó dưới dạng avatar (hình đại diện) và làm mọi thứ như trong thế giới thực: tìm kiếm thông tin, giao tiếp, mua sắm và làm việc - nhưng đồng thời tách rời khỏi thực tại và sống trong một vũ trụ ảo. Avatar của con người trong metaverse có thể là bất kỳ là ai mà anh ta muốn và sở hữu bất cứ thứ gì, còn chết không có nghĩa như là cái chết trong thế giới thực.
Những thế giới số hoàn toàn tương tự như vậy là được giới thiệu trong bộ tam tập phim Matrix và tiểu thuyết Ready Player One của Ernest Cline, nơi mà trò chơi trực tuyến nhiều người yêu thích OASIS đã trở thành một thế giới tương tự như một metaverse (1).
Metaverse khác gì với Internet và trò chơi trực tuyến?
Nhà đầu tư mạo hiểm Matthew Ball, đồng thời là nhà tư tưởng về metaverse hiện đại đã xác định 7 nét đặc trưng chính (2) của metaverse:
Sự tồn tại vô tận: nó không bao giờ bị đặt lại, tạm dừng hoặc kết thúc.
Nó vận hành trong chế độ thời gian thực và không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, mặc dù các nhà phát triển có thể tạo ra và lập kế hoạch cho những sự kiện trong metaverse.
Không giới hạn quy mô đối tượng và số lượng người dùng đồng thời: mỗi người bất cứ lúc nào cũng có thể truy cập vào metaverse và tham gia vào đời sống của nó hoàn toàn bình đẳng với những ai còn lại.
Cần phải có một nền kinh tế vận hành đầy đủ: mọi người và các công ty có thể nhận được phần thưởng nhất định (tương tự tiền tệ) cho "công việc" mang lại "giá trị" được người khác thừa nhận, chi tiêu nó (phần thưởng như tiền) và hoạt động đầu tư.
Metaverse liên hiệp các thế giới vật lý và thế giới số, các nền tảng mở và dạng đóng, các mạng riêng và mạng công cộng: đó là "tổng thể số thống nhất".
Cần phải có sự tương thích của dữ liệu, các đối tượng, các tài sản, nội dung vốn được được chuyển giao giữa những thế giới số. Chẳng hạn, người dùng cần được có thể chuyển xe hơi từ GTA Online sang Need for Speed hoặc tặng cho bạn bè trên Facebook.
Phải nên chứa đầy "nội dung và trải nghiệm" do chính người dùng của nó tạo ra: những cá nhân độc lập, các nhóm hoặc các doanh nghiệp.
Các đại gia ICT kia đã tự nói gì về metaverse?
Fortnite có thể trở thành metaverse
Vào tháng 4/2021, Epic Games đã huy động được 1 tỷ USD đầu tư để "hỗ trợ tầm nhìn dài hạn về metaverse". Công ty này đang định vị trò chơi Fortnite của mình không phải như là một trò chơi giải trí tương tác, mà là một "metaverse" tập trung vào những chức năng mạng xã hội.
Fortnite đã trở thành một hiện tượng văn hóa và đã được biến thành sân chơi để mọi người ghé vào trò chuyện với bạn bè thay vì dùng những mạng xã hội khác. Theo Matthew Ball thì các thương hiệu đã sử dụng trò chơi này cho những dự án của mình:
• Tháng 4/2020, rapper Travis Scott đã tổ chức buổi biểu diễn trên Fortnite và được hơn 12 triệu người chơi theo dõi cùng lúc.
• Tháng 12/2019, Disney đã công chiếu trích đoạn từ Tập 9 "Chiến tranh giữa các vì sao", cũng như đã thực hiện cuộc phỏng vấn trực tiếp với đạo diễn phim là J.J. Abrams. Bản thân chính sự kiện này cũng đã được đề cập trong phim này (3).
• Ban nhạc Weezer đã tạo ra một hòn đảo mà những người chơi có thể nghe riêng album mới.
• Epic Games tổ chức bên trong Fornite những sự kiện có hạn chế về thời gian có gắn liền với các bản phát hành trong thế giới thực. Bản đồ trò chơi được chuyển đổi thành một thế giới ảo, vốn làm thay đổi phong cách và những đối tượng trong trò chơi với sự hợp tác cùng các thương hiệu: DC, Nike, Lionsgate, Marvel, Microsoft, Sony và nhiều thương hiệu khác. Đây là cách mà Fortnite đã trở thành nơi mà các vũ trụ khác nhau giao lưu với nhau: người chơi có thể mặc trang phục nhân vật Marvel bên trong Gotham theo đúng nghĩa đen khi trò chuyện với một người bạn trong bộ đồng phục được NFL cấp phép.
• Người chơi còn có cơ hội tạo nội dung của riêng mình thông qua chế độ sáng tạo trong Fortnite, cũng như kiếm được tiền từ nó. Đó có thể là cảm xúc, trang phục, cơ chế trò chơi và thế giới. Về bản chất, Fortnite Creative – đó là một "proto-metaverse", theo Ball, nơi mà người chơi có thể tải Fortnite-avatar độc đáo của mình lên sảnh chờ (lobby) và lựa chọn từ hàng nghìn thế giới khác do những người chơi khác tạo ra.
Epic Games đã tuyên bố mục tiêu của công ty – đó là tạo ra một metaverse, nơi mà bất kỳ thương hiệu nào và sở hữu trí tuệ của chúng là có thể chung sống cùng nhau và phản ứng với những sự kiện khác nhau (4).
"Metaverse cần phải giải quyết vấn đề của bất kỳ nền tảng giải trí nào - để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất, hơn hẳn mọi thứ còn lại mà đang hiện diện trong cuộc đời bạn. Nó cần phải tốt hơn Fortnite, Netflix, Roblox và những thứ khác.
Fortnite đang tiến hóa từng bước, metaverse sẽ không phải là sự kiện giật cục đột ngột. Đây sẽ là nơi dành cho mọi đối tượng và những ai sáng tạo, bao gồm cả các thương hiệu. Mỗi công ty sẽ có mặt ở đó vào một thời điểm nào đấy. Nếu bạn sản xuất xe hơi thì sự hiện diện thương hiệu của bạn trong metaverse sẽ không phải là quảng cáo. Nó sẽ trở thành một nơi mà mọi người sẽ lái xe và cảm nhận những chiếc xe của bạn, sử dụng chúng trong trò chơi.
Chúng ta cần chuyển từ các nền kinh tế dạng đóng như Fortnite, Minecraft, Roblox và hàng chục nghìn trò chơi khác sang không gian chia sẻ chung.
Chúng tôi đang nỗ lực phát triển theo hướng này với độ mở ngày càng tăng, và cuối cùng chúng tôi sẽ mở cửa nền kinh tế. Và các trò chơi khác cũng sẽ làm như vậy thôi. Và tôi hy vọng rằng trong 10 năm nữa, chúng tôi sẽ có thể làm được việc để sao cho mọi người chơi chơi Roblox, Fortnite và Minecraft là ở trong cùng một thế giới và với cùng những kết nối xã hội". - Tim Sweeney.
Ngoài Fortnite, Epic Games còn có các dự án và công cụ khác để phát triển metaverse. Chẳng hạn, game engine Unreal đang dần bắt đầu được sử dụng trong ngành điện ảnh: Sê-ri truyền hình "The Mandalorian" ("Người Mandalore") của Disney đã được quay một phần và dựng hình trên Unreal, nơi đạo diễn tạo khung hình và bố trí các nhân vật. Hãng Disney đã có thể sử dụng những đối tượng tương tự như vậy để tương tác với người xem - bằng cách gửi họ đi "du hành" qua chúng cũng trong chính Fortnite (5).
Epic Games cũng có những cơ sở hạ tầng mạng và dịch vụ trực tuyến của riêng mình, cho phép các nhà phát triển hiện thực hóa trò chơi xuyên nền tảng trên những thiết bị của Microsoft, Nintendo, Sony, Apple và Android. Và họ cũng có cửa hàng riêng và hệ thống thanh toán - đó cũng là những thành tố cần thiết để tạo ra metaverse.
"Trong metaverse, bạn và bạn bè có thể di chuyển từ thế giới này sang thế giới khác, bảo toàn diện mạo bên ngoài và các đối tượng, nhận được những ấn tượng khác nhau từ các sự kiện, trong khi vẫn kết nối xã hội với nhau. Metaverse sẽ yêu cầu mô hình lập trình mới, giống như một nền tảng phát triển mở và sống động, nơi hàng triệu người dùng di chuyển liên tục từ thế giới này sang thế giới khác. Hiện thì vẫn chưa có mô hình nào làm được như vậy". – Tim Sweeney
"Corporate Metaverse" của Microsoft
Ngày 25/5/2021, tại hội nghị Ignite, CEO của Microsoft là Satya Nadella đã thông báo rằng công ty đang tạo ra "corporate metaverse" (6) thông qua các dịch vụ đám mây Azure. Ngày 26/5/2021, Microsoft cũng đã công bố tầm nhìn của mình về metaverse.
"Một khi thế giới thực và ảo hội tụ xích lại gần nhau, metaverse vốn bao gồm những song sinh số (digital twins), những môi trường giả lập và thực tại hỗn hợp (MR – Mixed Reality) sẽ trở thành một nền tảng hạng nhất. Với metaverse thì toàn bộ thế giới sẽ trở thành khung khổ cho các ứng dụng của bạn.
Nhờ Azure Digital Twins, bạn có thể mô hình hóa bất kỳ đối tượng, địa điểm nào - bằng cách sử dụng Azure IoT, cũng như duy trì và đồng bộ hóa các song sinh số. Công cụ phân tích Synapse sẽ theo dõi lịch sử của các song sinh số và dự báo trạng thái trong tương lai của chúng, và nhờ Azure thì bạn có thể tạo ra những hệ thống tự trị, vốn liên tục được học hỏi và cải thiện.
Nền tảng Power cho phép các nhà phát triển miền có thể mở rộng thông tin về các song sinh số và tương tác với dữ liệu thông qua các dịch vụ lowcode và nocode. Còn Microsoft Mesh và Hololens sẽ đảm bảo công việc hợp tác ở chế độ thời gian thực". - Satya Nadella.
Ví dụ về một phần metaverse là nền tảng Microsoft Mesh đã được công bố trước đây để giao tiếp và làm việc trong thực tại hỗn hợp (MR) (7). Microsoft Mesh cho phép làm việc cùng nhau trong một không gian ảo, được chồng lên thế giới thực. Mọi người có thể giao tiếp, tương tác và làm việc nhờ những mô hình 3D ảo, mà trên thực tế là đang ở những nơi khác nhau - thông qua các avatars ảo. Có thể kết nối với Mesh thông qua bộ VR, điện thoại thông minh, PC và bộ AR HoloLens 2 của Microsoft.
Facebook muốn tạo ra metaverse của riêng mình trong 5 năm tới
Vào tháng 7/2021, CEO của Facebook là Mark Zuckerberg đã công bố kế hoạch tạo ra metaverse của riêng mình (8). Đó là một thế giới ảo hoàn chỉnh dành cho công việc, giải trí và giao tiếp, mà trong đó người dùng có thể cảm nhận được sự hiện diện vật lý của nhau.
Đây sẽ là bước tiến lớn tiếp theo sau khi đã có mạng xã hội và các dự án VR Oculus. Mark Zuckerberg lập luận rằng bản thân Facebook cần nên được chuyển đổi từ công ty - mạng xã hội thành công ty - metaverse. Theo lời Zuckerberg, metaverse sẽ hoạt động trên các bộ VR, các thiết bị di động và các bảng điều khiển trò chơi.
"Tầm nhìn của metaverse bao trùm toàn bộ ngành, bạn có thể coi đó là sự kế thừa của Internet di động, là việc "hiện thực hóa trên Internet", nơi thay vì duyệt xem nội dung thì bạn sống luôn ở trong đó.
Bạn cảm thấy sự hiện diện của những người khác, như thể bạn đang ở những nơi khác nhau, trải nghiệm những cảm giác không sẵn có nếu như chỉ nhờ các ứng dụng 2D hoặc các trang web – chẳng hạn như khiêu vũ hoặc thể dục thể hình.
Nhiều người cho rằng metaverse đó là thực tại ảo, mà theo tôi nghĩ thì nó sẽ là một phần quan trọng trong đấy. Và đó là phần mà chúng tôi đang đầu tư nhiều nhất - công nghệ VR đảm bảo hình thức đồ sộ nhất về sự hiện diện của con người. Nhưng metaverse – đó không chỉ là thực tế ảo. Nó sẽ có sẵn trên mọi nền tảng AR và VR của chúng tôi, cũng như PC, thiết bị di động và bảng điều khiển trò chơi.
Nhiều người cũng hay liên kết metaverse trước hết là với các trò chơi - nhưng tôi không nghĩ rằng chỉ có mỗi mình chúng mà thôi, mặc dù giải trí cũng sẽ trở thành một phần quan trọng của quá trình.
Tôi hình dung metaverse là một môi trường đồng bộ và lâu dài, nơi mà chúng ta có thể hiện diện cùng nhau - đó là một loại kết hợp giữa các nền tảng xã hội, nhưng mà bạn lại sẽ có thể "sống" ở bên trong môi trường đó". - Mark Zuckerberg.
Vào ngày 27/7/2021, người đứng đầu Reality Labs của Facebook là Andrew Bosworth đã thông báo về việc tuyển dụng một nhóm lớn các nhà phát triển cho "metaverse". Đội ngũ này sẽ trở thành một phần của bộ phận phát triển AR và VR và sẽ làm việc để hợp nhất các "không gian số" của hệ sinh thái Facebook vào một địa điểm ảo.
Một trong những dự án VR then chốt của Facebook có thể trở thành nền tảng của metaverse chính là môi trường xã hội Horizon. Trong số những đặc tính của Horizon - đó là theo dõi mắt, khuôn mặt và chuyển động của con người - nhờ đó mà các VR-avatars sẽ chuyển động trơn tru hơn và có thể thể hiện các biểu cảm trên khuôn mặt (9).
Vào tháng 9/2020, Facebook đã giới thiệu dự án Infinite Office - văn phòng ảo để làm việc tại nhà thông qua bộ Oculus Quest 2 (10). Theo biên tập viên Sam Machkovech của Ars Technica, các lãnh đạo hàng đầu của Facebook và Oculus từ lâu đã cân nhắc ý tưởng tạo ra metaverse và không hề có chút đùa cợt nào khi trích dẫn đến khái niệm có từ "Snow Crash" của Stephenson (11). Facebook đã thâu tóm Oculus là chỉ để phát triển metaverse - Microsoft cho rằng VR sẽ là công nghệ đỉnh cao tiếp theo, nơi mà nó có thể đánh bại những đối thủ cạnh tranh.
Việc đăng nhập Facebook - đó là cách để kết nối mọi người, doanh nghiệp và dịch vụ vào metaverse của mình. Do đó, công ty đang rất tích cực chuyển các đối tượng từ Instagram, WhatsApp và Oculus vào nền tảng Facebook. Mục tiêu quan trọng đối với công ty này là phát hành kính thực tại tăng cường (AR) – họ "rất muốn mọi người mang đeo chúng ở bất cứ đâu".
Những gì cần phải có để Metaverse có thể được xuất hiện?
Theo Matthew Ball, những thế giới số hiện đại là độc lập và không kết nối với nhau - Internet được cấu trúc xung quanh các máy chủ riêng biệt, chúng chỉ tương tác với nhau khi cần thiết. Chẳng hạn, iPhone chạy trên hệ điều hành iOS đóng, nhưng các ứng dụng có thể được truy cập thông qua tài khoản Facebook, về phần mình tài khoản này sẽ được đăng ký thông qua tài khoản Gmail. Nhưng các giao dịch mua bán trò chơi và ứng dụng trong App Store lại không cho phép tải chúng xuống đối với Android trong Google Play Store. Theo quan điểm của nhà đầu tư mạo hiểm này thì các thế giới ảo, các sân chơi theo chủ đề, các trò chơi, các dự án VR, các cửa hàng ứng dụng và các nền tảng UGC không thể được gọi là metaverse. Chúng chỉ sở hữu một số khía cạnh của nó và có thể tạo thành một phần của metaverse trong tương lai.
"Metaverse phụ thuộc vào nhiều thứ hơn nữa. Có những lý do tại sao chúng ta không thể nói rằng Facebook và Google là Internet. Đây là những hướng đi và hệ sinh thái trên Internet, có thể truy cập được thông qua trình duyệt và điện thoại thông minh - chúng cung cấp quyền truy cập vào "phần còn lại" của Internet.
Roblox và Fortnite hiện thực hóa được nhiều nét, công nghệ và xu hướng của metaverse, cũng giống như iPhone khác với bất kỳ thứ gì đã có trước đây. Nhưng liệu chúng có không là đại diện cho metaverse được chăng?" - Matthew Ball.
Theo Matthew Ball, metaverse lý tưởng là sẽ xuất hiện chỉ sau nhiều thập niên nữa - điều đó đòi hỏi sự phát triển đồng thời trong nhiều lĩnh vực ICT. Nó có thể được coi là "người kế nhiệm" của Internet di động: người dùng sẽ có những thiết bị và nền tảng mà thông qua đó họ tương tác với metaverse.
Matthew Ball đã viết: "Sự xuất hiện của nó có thể dựa trên tám hướng chính trong công nghệ và tư duy". Vào tháng 7/2021, ông đã biên soạn "giáo khoa về metaverse" (12), trong đó mô tả chi tiết sự phát triển của từng hướng.
Phần cứng (Hardware). Mua bán và hỗ trợ các công nghệ và thiết bị để truy cập, tương tác và phát triển metaverse. Điều này bao gồm thiết bị cho người dùng (bộ VR, điện thoại thông minh, găng tay xúc giác), thiết bị tổ hợp để tạo môi trường ảo hoặc AR: camera công nghiệp, hệ thống chiếu, cảm biến. Máy chủ và thiết bị mạng không được bao gồm trong danh mục này.
Mạng (Networking). Việc đảm bảo hoạt động liên tục của metaverse trong chế độ thời gian thực sẽ yêu cầu băng thông cao và truyền dữ liệu phi tập trung.
Tính toán (Compute). Để hỗ trợ metaverse thì đòi hỏi phải có những hệ thống mạnh, có năng lực xử lý các chức năng được yêu cầu. Chằng hạn, xử lý thuộc tính vật lý của các đối tượng, kết xuất, điều phối và đồng bộ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, phép chiếu, bắt chụp chuyển động và dịch thuật.
Các nền tảng ảo (Virtual Platforms). Ở đây gồm phát triển và duy trì các mô phỏng, môi trường và thế giới nhập vai số 3D. Tại đó, mọi người và các công ty sẽ có thể sáng tạo, giao tiếp và tham gia vào những sự kiện khác nhau - từ đua xe hơi và học tập cho đến nghe nhạc và vẽ tranh. Hoạt động kinh tế sẽ có ảnh hưởng lớn: khác với các trò chơi trực tuyến thông thường, metaverse có một hệ sinh thái lớn gồm các nhà phát triển và người sáng tạo nội dung vốn sẽ kiếm tiền trong metaverse.
Những công cụ và tiêu chuẩn mới để trao đổi dữ liệu (Interchange Tools and Standards).Các định dạng, dịch vụ, giao thức, động cơ và các cơ chế khác để tương tác giữa con người, cũng như việc tạo lập, khai thác và phát triển liên tục của metaverse. Chúng phải hỗ trợ tác quyền, xuất và nhập dữ liệu với nhau, công nghệ kết xuất, AI và vật lý.
Thanh toán (Payment Services). Hỗ trợ các dịch vụ thanh toán và các nền tảng số để trao đổi tiền tệ số và tiền pháp định và những dịch vụ tài chính khác.
Nội dung, tài sản và dịch vụ (Metaverse Content, Services and Assets). Việc phát triển, mua bán, mua đi bán lại, lưu trữ, bảo vệ và quản lý các tài sản số vốn được tạo ra trong metaverse.
Hành vi của người dùng (User Behaviors). Quan sát những thay đổi trong hành vi của mọi người và doanh nghiệp, vốn có liên quan trực tiếp đến metaverse, hoặc đóng góp vào sự phát triển của nó hoặc phản ánh những nguyên tắc và triết lý của nó. Những mô hình hành vi này ban đầu có thể là kỳ quặc khi chúng mới vừa xuất hiện, nhưng sau đó thể hiện mối quan hệ xã hội lâu dài và sâu sắc.
Matthew Ball lưu ý rằng mỗi điểm nói trên đều rất quan trọng đối với sự phát triển của metaverse và mỗi điểm đều hàm chứa giới hạn nhất định mà công nghệ hoặc tư duy cần phải vượt qua được.
Song, không thể đưa ra dự báo chính xác rằng các công nghệ sẽ phát triển như thế nào và metaverse thực sự sẽ diễn ra như thế nào - đã có lúc các nhà phân tích không thể dự đoán được tác động và sự phát triển của Internet và cũng như cách nó sẽ thay đổi thế giới và ngành ICT vậy. Chẳng hạn, Bitcoin, TikTok hoặc Twitch vốn không từng được dự đoán là sẽ xuất hiện ở dạng thực hiện hữu của chúng, mặc dù từng rất rõ ràng là các trò chơi trực tuyến và giao dịch số rồi cũng sẽ phải xuất hiện.
Theo Matthew Ball, ngay từ bây giờ chúng ta cũng có thể dự báo được rằng metaverse sẽ cách mạng hóa hầu như mọi lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe và thanh toán cho đến hàng hóa, giải trí, trả công lao động và các dịch vụ tình dục. Và đối với tương lai mới thì rồi nhiều ngành, thị trường và nguồn lực, kỹ năng và nghề nghiệp mới cũng sẽ được tạo ra – chi phí phải trả cho những thay đổi này ước tính sẽ là hàng nghìn tỷ USD./.
Tài liệu tham khảo:
1. Clip giới thiệu bộ phim chuyển thể Ready Player One về metaverse tại: https://www. youtube.com/watch?v=QCGrtguzfQs&t=1s.
2. "The Metaverse: What It Is, Where to Find it, Who Will Build It, and Fortnite": https://www. matthewball.vc/all/themetaverse
3. Phỏng vấn ảo với J.J. Abrams trên Fornite tại: https://www.youtube.com/ watch?v=Z8M72aZsI2E&t=6s.
4. https://www.washingtonpost.com/video-games/2020/04/17/fortnite-metaverse-new-internet/
5. Tham khảo về nền tảng Unreal của Epic Games tại: https://www.youtube.com/ watch?v=bErPsq5kPzE&t=1s.
6. https://redmondmag.com/articles/2021/11/04/nadella-embraces-metaverse-in-ignite.aspx
7. Clip giới thiệu về Microdoft Mesh tại: https://www.youtube.com/watch?v=Jd2GK0qDtRg
8. https://www.theverge.com/22588022/mark-zuckerberg-facebook-ceo-metaverse-interview
9. Giới thiệu về dự án Horizon tại: https://www.youtube.com/watch?v=HudX4oUdpwE&t=22s
10. Giới thiệu về dự án Infinite Office tại: https://www.youtube.com/watch?v=5_bVkbG1ZC o&t=1s
11. https://arstechnica.com/tech-policy/2021/07/facebooks-metaverse-gambit-is-a-distraction - from-its-deep-seated-problems/
12. Lời giới thiệu sách "The Metaverse": https://www.matthewball.vc/all/forwardtothemetaverseprimer
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 2 tháng 2/2022)