Metaverse sẽ phát triển ra sao và phải được quản lý như thế nào?
Ngày 20/8/2022, Gartner đưa ra dự báo rất đáng chú ý: Metaverse (Vũ trụ ảo) có triển vọng phát triển và trở thành xu hướng chủ đạo trong 5 đến 10 năm tới, con đường đến với Metaverse vẫn còn rất dài và phức tạp, vì nó đòi hỏi nhiều sự gián đoạn công nghệ, cộng với sự chấp nhận của xã hội.
Tóm tắt:
- Metaverse có thể sẽ xâm nhập mọi lĩnh vực trong 5 năm đến
10 năm tới.- Các vấn đề rủi ro pháp lý trong Metaverse: Sở hữu trí tuệ; xác thực danh tính; dữ liệu; quyền sở hữu tài sản số; pháp lý xung quanh bản sao số; sử dụng Ảnh đại diện; đạo đức, hành vi ứng xử vi phạm luật pháp.
- Chưa quốc gia nào ban hành một đạo luật riêng biệt điều chỉnh Metaverse.
- Đề xuất cho Việt Nam: Xây dựng hành lang pháp lý; giáo dục người dùng; thúc đẩy khởi nghiệp; xây dựng chiến lược Metaverse.
Triển vọng thị trường Metaverse
Theo báo cáo nghiên cứu của JP Morgan, ngân hàng lớn nhất của Mỹ, công bố ngày 15/2/2022 đưa ra khái niệm: Metaverse là sự hội tụ liền mạch giữa cuộc sống vật chất và kỹ thuật số của chúng ta, tạo ra một cộng đồng ảo, thống nhất, nơi chúng ta có thể làm việc, vui chơi, thư giãn, giao dịch và giao lưu. Báo cáo đánh giá Metaverse có thể sẽ xâm nhập vào mọi lĩnh vực theo các cách khác nhau trong những năm tới, nên mọi công ty có sự hiện diện của Internet đều muốn tham gia, có thể hưởng lợi từ Metaverse, tiêu biểu các công ty hoạt động trong các lĩnh vực như: Truyền thông xã hội; Thương mại điện tử; Thanh toán; Thực tế tăng cường (AR)/thực tế ảo (VR); Trò chơi điện tử/giải trí tương tác; Phần cứng/cơ sở hạ tầng mà Metaverse chạy trên đó.
Với phạm vi lĩnh vực tham gia rộng, mọi công ty và lĩnh vực đều có khả năng tham gia vào thị trường nhiều tiềm năng. Trong thời gian qua, không chỉ các công ty công nghệ lớn của Mỹ như: Facebook (Meta) (đã đầu tư 10 tỷ USD năm 2021), Google, Microsoft, Roblox đầu tư vào Metaverse, mà các công ty công nghệ lớn của châu Á như: Trung Quốc (Tencent, Baidu, ByteDance, và Alibaba Group ) hay Hàn Quốc (Electronic Arts, Samsung) cũng đang đầu tư và tham gia xây dựng vào các phiên bản Metaverse.
Theo báo cáo nghiên cứu của Grayscale công bố tháng 11/2021, người dùng thế giới ảo Web 3.0 Metaverse đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây (đạt con số khoảng 50.000 người dùng cuối năm 2021). Grayscale dự báo quy mô thị trường Metaverse sẽ đạt 800 tỷ USD vào năm 2024 (khoảng 46 tỷ USD năm 2020). JP Morgan dự báo quy mô thị trường Metaverse sẽ trị giá 1 nghìn tỷ USD (không đưa ra khung thời gian). Goldman Sach, ngân hàng đầu tư toàn cầu có trụ sở tại New York được gọi là “Nhà giao dịch Số 1 Phố Wall”, đánh giá rất cao tiềm năng của Metaverse, đưa ra dự báo quy mô thị trường Metaverse sẽ trị giá 1-12 nghìn tỷ USD (không đưa ra khung thời gian).
Ngoài ra, dự báo Metaverse đang phát triển trong một số lĩnh vực như: Thị trường game toàn cầu sẽ đạt giá trị là 400 tỷ USD vào năm 2025 (180 tỷ USD năm 2020; Thị trường thực tế tăng cường toàn cầu (AR), thực tế ảo (VR) và thực tế hỗn hợp (MR) đạt 30,7 tỷ USD vào năm 2021, tăng lên gần 300 tỷ USD vào năm 2024.
Với các con số dự báo trên, Metaverse được đánh giá có thể sẽ xâm nhập vào mọi lĩnh vực theo các cách khác nhau trong 5 năm đến 10 năm tới và các công ty thuộc mọi lĩnh vực và quy mô đều muốn tham gia vào thị trường Metaverse theo những cách khác nhau.
Rủi ro pháp lý khi phát triển Metaverse
Metaverse là một lĩnh vực ảo, nơi nhiều hành động trong thế giới thực được mô phỏng, chẳng hạn như mua tài sản hoặc thanh toán hàng hóa. Metaverse đầy hứa hẹn cũng như nhiều công nghệ tiến bộ khác, nhưng đi kèm với những thách thức riêng, đặc biệt những rủi ro pháp lý do Metaverse tạo ra trong các lĩnh vực như: Sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng, các vấn đề về nhãn hiệu trong Metaverse, trách nhiệm pháp lý của các nhà điều hành nền tảng Metaverse, tài sản ảo, những thách thức và ý nghĩa pháp lý xung quanh bản sao số (digital twins), các vấn đề về bản quyền liên quan đến các tác phẩm do AI tạo ra, tội sử dụng Ảnh đại diện và các quy định nền tảng trong Metaverse.
Ngoài ra, còn có các vấn đề liên quan đến đạo đức, hành vi ứng xử vi phạm luật pháp, thuần phong mỹ tục như: Lạm dụng tình dục và quấy rối tình dục trong Metaverse với trẻ vị thành niên. Sau đây là một số minh chứng cho rủi ro pháp lý đặt ra trong Metaverse.
(i) Vấn đề sở hữu trí tuệ: Vấn đề pháp lý có thể phát sinh là quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Nếu các tác phẩm được tạo ra bởi AI, chúng có thể không được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vì để một tác phẩm được coi là có bản quyền, tác phẩm đó phải có nguồn gốc từ con người. Người tạo nội dung trên Metaverse cũng có thể gặp khó khăn trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của họ, do khó theo dõi các trường hợp vi phạm bản quyền trong lĩnh vực ảo.
(ii) Vấn đề xác thực danh tính: Trong Metaverse, có những câu hỏi như “Bạn có phải là hình đại diện của bạn không?” hoặc “Làm thế nào bạn có thể chứng minh bạn là chính mình?”. Như vậy, thách thức đặt ra liên quan đến xác thực hoặc xác minh danh tính khi tham gia.
(iii) Vấn đề dữ liệu: Dữ liệu của người dùng được sử dụng như thế nào trong Metaverse, đây là vấn đề được người dùng đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh dữ liệu là “dầu mỏ”. Sự hoài nghi đặt ra Metaverse có phải chỉ là chiến lược thông minh khác của những gã khổng lồ công nghệ để lấy thêm dữ liệu? Người dùng lo ngại về cách thế giới ảo có thể tạo ra một môi trường mà ở đó việc lạm dụng dữ liệu và thông tin sai lệch sẽ tràn lan. Ngoài ra, còn có vấn đề về cách kiểm soát dữ liệu có thể giúp một số công ty kiểm soát thị trường. Hơn nữa, liệu các hệ thống bảo mật hiện tại có thể theo kịp dữ liệu và các vấn đề bảo mật trong Metaverse không?
(iv) Vấn đề quyền sở hữu tài sản số: Hầu hết mọi người đều được tự do mua và sở hữu tài sản số trong Metaverse, nhưng hai thách thức lớn nảy sinh: thứ nhất, cách cấp quyền sở hữu cho người tạo tài sản số và thứ hai, là cách xác minh quyền sở hữu tài sản số trong Metaverse.
(v) Vấn đề pháp lý xung quanh bản sao số (digital twins): Các vấn đề pháp lý xung quanh bản sao số rất phức tạp vì cần xem xét dưới nhiều khía cạnh bao gồm: Quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng dữ liệu, quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu, an ninh mạng, trách nhiệm về chất lượng dữ liệu…
(vi) Vấn đề liên quan đến sử dụng Ảnh đại diện (avatar): Trong thế giới thực, chúng ta có luật bảo vệ quyền hình ảnh cá nhân, vấn đề pháp lý đặt ra, avatar có được luật pháp bảo vệ và người dùng có thể kiện nếu avatar của bản thân bị xâm phạm trên Metaverse.
(vii) Các vấn đề liên quan đến đạo đức, hành vi ứng xử vi phạm luật pháp: Nếu như trên mạng xã hội chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng của hành vi quấy rối trên mạng, Metaverse có thể là thiên đường cho các hành vi bạo lực ảo, hành vi tấn công tình dục, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm lý của người dùng thật.
Từ những phân tích trên cho thấy, Metaverse là một vùng xám, không hẳn là điều tốt hay điều xấu. Metaverse nằm trong một phổ mà nó có khả năng hữu ích hoặc có hại cho những người tham gia vào nó. Hiện nay, chưa có luật hay văn bản pháp lý cụ thể nào quản lý Metaverse, trong khi có không ít nguy cơ đặt ra với người dùng.
Kinh nghiệm quốc tế về chính sách quản lý Metaverse
Về mặt tổng thể, các khuôn khổ, hệ thống pháp luật quốc gia về quản lý Metaverse trên thế giới còn sơ khai, các quốc gia đã bắt đầu thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng các khuôn khổ, phương pháp quản trị phù hợp với điều kiện, mục tiêu và tầm nhìn riêng.
Trung Quốc đã thông qua một số bộ luật quan trọng: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Bảo mật dữ liệu năm 2021, cùng với Luật An ninh mạng năm 2016, đã hoàn thành bộ ba cơ chế quản lý dữ liệu, mở ra một kỷ nguyên mới về tuân thủ dữ liệu cho các công ty công nghệ, đồng thời nhằm tạo ra cơ chế quản lý Internet của Trung Quốc trong tương lai. Năm 2022, Trung Quốc ban hành luật chống độc quyền mới (sửa đổi, bổ sung luật chống độc quyền năm 2008). Việc ban hành luật mới nhằm mục đích kiểm soát tốt hơn lĩnh vực số đang phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc. Một trong những điểm quan trọng của luật sửa đổi mới quy định cạnh tranh không được giới hạn thông qua việc lạm dụng các thuật toán, dữ liệu, công nghệ, lợi thế về vốn hoặc các quy tắc nền tảng.
Như vậy, Trung Quốc chưa ban hành một đạo luật riêng biệt nào quản lý Metaverse. Tuy nhiên, các nhà lập pháp cho biết những quy định hiện hành có thể sẽ được sử dụng để điều chỉnh các ứng dụng Metaverse. Mỗi ứng dụng cụ thể sẽ nhận được bộ quy định riêng, cụ thể hơn, được xây dựng dựa trên luật pháp hiện có để quản lý Metaverse. Ví dụ, Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2021 quy định cắt giảm thời lượng trẻ em dưới 18 tuổi được phép chơi trò chơi trực tuyến, quy định nay có thể được áp dụng trong Metaverse.
Hàn Quốc, về mặt lập pháp, Chính phủ nước này đang chuẩn bị một dự luật về phát triển và hỗ trợ Metaverse. Dự luật có một khái niệm “tiêu chuẩn tạm thời” có thể tạm thời áp dụng theo đề xuất của các nhà cung cấp dịch vụ Metaverse trong trường hợp không có hoặc không chắc chắn về luật và các quy định liên quan đến việc phát triển, sản xuất, phát hành, bán và phân phối các dịch vụ Metaverse. Hiện nay, cơ quan chức năng của Hàn Quốc cũng chưa có quy định nào cụ thể trên Metaverse. Tuy nhiên, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc đang nghiên cứu để đưa ra một mô hình quy định mới để xây dựng xã hội số công bằng và đáng tin cậy trên Metaverse. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát các tài sản giao dịch mới, bao gồm cả các mã thông báo không thể thay thế (NFT).
Mỹ, các nhà lập pháp nước này cho rằng, quản lý thứ được gọi là sự phát triển tiếp theo của Internet, Metaverse có thể áp dụng thông qua cải cách một số đạo luật như: Luật bảo mật dữ liệu, luật này có tác động mạnh mẽ đối với việc sử dụng công nghệ AR, VR và Metaverse. Luật cải cách chống độc quyền, luật này có tác động tăng khả năng tương tác giữa các nền tảng như Meta và các bên thứ ba.
Singapore, dưới góc độ của Chính phủ chưa đưa ra chính sách hay chiến lược cụ thể nào trong lĩnh vực Metaverse. Hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu các đặc điểm và rủi ro của công nghệ trong giai đoạn đầu này, để tìm cách cân bằng giữa thúc đẩy sức sống kinh tế, duy trì sự ổn định xã hội và bảo vệ an ninh công cộng trong lĩnh vực số.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên cho thấy, hiện nay cơ bản chưa quốc gia nào ban hành một đạo luật riêng biệt điều chỉnh Metaverse. Việc quản trị lĩnh vực này chủ yếu được xem xét trên cơ sở luật pháp quốc gia hiện hành như: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Bảo mật dữ liệu; Luật an ninh mạng; Luật chống độc quyền.
Riêng Hàn Quốc đang xem xét ban hành bộ luật riêng biệt để quản lý Metaverse. Ngoài ra, quốc gia khác như Singapore đang có cách tiếp cận rất thận trọng đối với Metaverse và cũng đang xem xét, cập nhật và bổ sung chính sách nhằm bắt kịp với xu hướng phát triển của Metaverse trong thời gian tới, đặc biệt các vấn đề pháp lý liên quan đến bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng.
Đề xuất hàm ý chính sách cho Việt Nam
Qua nghiên cứu các số liệu thực trạng và xu hướng phát triển Metaverse, cơ hội phát triển, tình hình tham gia của các hãng công nghệ lớn, thách thức pháp lý đặt ra và kinh nghiệm quốc tế quản lý Metaverse, báo cáo xin đề xuất một số hàm ý chính sách cho Việt Nam:
Thứ nhất, xây dựng hành lang pháp lý: Hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp thực tế phát triển hiện nay, đó là vấn đề tồn tại nhiều năm đặc biệt đặt trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh theo cấp số nhân, mô hình công nghệ mới đang mang đến những mô hình kinh doanh mới. Việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo tiền đề cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ mới, là một trong những hạ tầng thể chế cần được ưu tiên xây dựng để thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số.
Quản lý một thế giới ảo như Metaverse là một thách thức lớn đối với mọi chính phủ, do vậy, Việt Nam cần có cách tiếp cận thận trọng và từng bước sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành hoặc quy định mới để củng cố khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thúc đẩy phát triển. Ngoài ra, sự tác động lẫn nhau của các vấn đề về quyền riêng tư, sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu tài sản, thuế và quản trị đặt ra những thách thức mới trong quản lý, yêu cầu một cách tiếp cận hợp tác, liên ngành để phát triển và thực hiện các giải pháp pháp lý xuyên suốt và toàn diện.
Thứ hai, giáo dục người dùng: Tội phạm, kể cả tội phạm mạng, rất đổi mới và có xu hướng đi trước các cơ quan quản lý và công ty một bước trong nỗ lực bảo vệ dữ liệu. Do đó, việc giáo dục người dùng về các bước họ có thể thực hiện để bảo vệ danh tính và tài sản của họ trong Metaverse và các biện pháp phòng ngừa mà họ có thể thực hiện sẽ đóng một vai trò quan trọng.
Thứ ba, hướng nghiên cứu và phát triển (R&D): Cần xem xét thành lập nhóm công tác chuyên biệt hoặc Liên minh có sự tham gia của các doanh nghiệp số và chuyên gia hàng đầu trong nước để nghiên cứu “đi tắt đón đầu” về Metaverse theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập Ủy ban chuyên trách, Liên minh Metaverse như Trung Quốc, Hàn Quốc…
Thứ tư, thúc đẩy khởi nghiệp (startup): Để mở rộng cơ sở hạ tầng, mạng lưới Metaverse, cần xem xét nghiên cứu thành lập một trung tâm Metaverse để cung cấp không gian và cơ sở vật chất hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Việc phát triển thị trường Metaverse sẽ được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân, Chính phủ chủ yếu tập trung vào xây dựng hành lang pháp lý để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Thứ năm, tổ chức các cuộc thi sáng tạo Metaverse cho sinh viên toàn quốc: Tổ chức các cuộc thi sáng tạo cho sinh viên toàn quốc phát triển Metaverse trên cơ sở ứng dụng các công nghệ Make in Vietnam như kinh nghiệm của Hàn Quốc là bước đi cần thiết để phát hiện sớm, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng nhân tài, chuyên gia về Metaverse cho đất nước.
Thứ sáu, xây dựng chiến lược Metaverse: Cần xem xét xây dựng Chiến lược phát triển Metaverse quốc gia, tập trung vào các nội dung: xây dựng hệ sinh thái nền tảng Metaverse, nuôi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực Metaverse (đào tạo), nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp chuyên, thiết lập các quy tắc đạo đức trong môi trường Metaverse để ngăn chặn các hành vi phi đạo đức và bất hợp pháp, đồng thời bảo vệ tài sản kỹ thuật số và quyền sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần triển khai các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích nghiên cứu và phát triển để từng bước khám phá tiềm năng và rủi ro trong Metaverse, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội số, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn những hệ lụy phát sinh, hướng tới một cuộc sống số thứ hai “Second Life” phát triển bền vững và lành mạnh./.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của Gartner công bố tháng 8/2022; The metaverse enters the Gartner hype cycle (but with a 10+ years outlook) - The Ghost Howls (skarredghost.com).
2. Báo cáo nghiên cứu của JP Morgan, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, công bố ngày 15/2/2022, https://wealthmanagement. bnpparibas/asia/en/expert-voices/us-equity-outlook-december-2021.html.
3. https://www.cnbc.com/2021/02/0....
4. https://english.seoul.go.kr/se....
5. https://www.cnbc.com/2021/02/0....
6. https://english.seoul.go.kr/se....
7. https://www.blockchain-council....
8. https://www2.deloitte.com/cont....
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2023)