Miền cổ tích

Minh Thiện| 24/01/2020 17:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Núi Thủng soi mình bên 36 cái hồ trong xanh, liên thông nhau, cùng cạn, cùng đầy đúng là kỳ quan của tạo hóa

Xứ thần tiên

Nắng vàng như mật ong. Mặt hồ như tấm gương xanh mơ màng. Bóng ngư phủ chèo thuyền gõ mái cành cạch. Con thuyền lá tre bé xíu như sắp bị nuốt chửng bởi “con mắt thần núi” khổng lồ in hình nơi đáy nước.

Núi Thủng soi mình bên 36 cái hồ trong xanh, liên thông nhau, cùng cạn, cùng đầy trong “nháy mắt”, đúng là kỳ quan của tạo hóa. Bao quanh khu vực điệp trùng núi - hồ là không gian làng bản, những mái nhà sàn, bờ rào đá, cây xanh, hoa thắm, cỏ mượt. Cảnh vật như vừa được một vị thần hóa phép ra từ nguyên mẫu trong truyện cổ tích.

Núi có lỗ đường kính 50m, tròn, treo ở lưng chừng trời và lửng lơ trên hồ nước xanh đã là chuyện lạ và đẹp. Nhưng cái đẹp không kém là không gian nguyên sơ của bản Tày ềm ệp khói bếp củi, ngói âm dương nâu xám giữa rừng xanh nguyên sinh.

Các loài hoa dại rực rỡ sắc màu đua chen cùng bạt ngàn màu đỏ thẫm của hoa dong, màu vàng ươm hoa ngô trên cánh đồng và sườn núi. Các thung lũng trải dài tít tắp xanh mướt màu của lúa và rau. Những đỉnh núi san sát, muôn hình vạn trạng, tắm mình trong bảng lảng sương trắng, nắng vàng... Ai lần đầu đến đây hẳn sẽ ngây người trước bức tranh thiên nhiên hoàn mĩ, tâm hồn lâng lâng quên đi bao nhiêu bức bối, ganh đua nơi phố thị.

Đá ở nơi này được xếp như tác phẩm nghệ thuật, dài nhiều cây số dọc ruộng nương và vắt cả lên lưng núi. Những bờ rào đá uốn lượn, cái màu xám thời gian đến nao lòng. Vài lọn khói phất phơ bay lên khỏi mái nhà lợp ngói máng âm dương nâu trầm gội nước thời gian. Những ruộng lúa trải hun hút về phía thung xa.

Con đường đi qua xóm Bản Danh, xã Quốc Toản để vào núi Thủngtắm mình trong bảng lảng sương trắng, nắng vàng

Những người dân tộc Tày gùi ngô lúa, cõng cỏ, làm nương… đi lui cui bên sườn núi, gặp khách lạ họ cởi mở hỏi chuyện và chưa bao giờ nghĩ mình cần phải trục lợi từ đoàn du khách đến thưởng lãm quê mình. Những gương mặt chất phác, họ đón khách bằng cả tấm tình của người sơn cước. Đi bộ qua những phom nhà sàn, những mó nước trong vắt mát ngọt chảy ra từ vách núi. Đàn trâu bò thung thăng đi lại ven các bờ rào đá.

Người Tày chia đường làm hai nhanh: nhánh cho trâu bò đi, thậm thụp ven ruộng rẫy, nhánh người đi bộ thì thấp thểnh đá men theo các triền bờ rào đá. Lạc vào các bản làng kiểu này, làm cho du khách quên mất cảm giác chờ đợi ngắm kỳ quan Núi Thủng.

Núi Thủng, hồ Thang Hen đã trở thành một trong những điểm đến khiến giới trẻ yêu thích du lịch khám phá phải ngỡ ngàng sửng sốt và liên tục được chia sẻ trên các trang mạng xã hội thời gian gần đây. Dân “phượt” đặt cho nơi này cái tên mỹ miều “Tuyệt tình cốc”.

Đầy ắp bí ẩn và truyền thuyết

Truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) của người Tày (tỉnh Cao Bằng) kể rằng: Thục Phán cùng chín chúa giao ước là mỗi người tự mình làm công việc mà mình cảm thấy giỏi nhất và sẽ làm tốt nhất. Cuộc thi giới hạn trong 3 ngày 3 đêm, trước gà gáy sáng canh năm, ai làm tốt nhất, nhanh nhất thì sẽ được nhường ngôi. Cuối cùng không ai hoàn thành công việc của mình như đã giao ước trong cuộc thi.

Quần thể hồ có 36 hồ tự nhiên

Chúa Nông Quang Thạc ở Háng Mường - chúa vùng Bảo Lâm - Bảo Lạc - Cao Bằng ngày nay, thì giao ước sẽ đi sang vùng Trung Quốc lấy trống đồng. Khi ông mang trống đồng về đến đèo Cao Bắc, do mệt quá nên đã ngủ thiếp đi, để trống lăn xuống dốc núi. Trống lăn kêu vang cả một vùng. Các chúa khác nghe tiếng trống rất to nên đã tưởng chúa Nông Quang Thạc thắng cuộc và tất cả đều bỏ dở cuộc thi. Do đó, cuối cùng thì Thục Phán vẫn ngự trị ngai vàng.

Trong 9 chúa dự thi thì chúa Trương Thiết Vận ở mường Háng Khà - chúa vùng Quảng Uyên, Cao Bằng ngày nay, giỏi nghề rèn nên giao ước làm cái kim, mài lưỡi cày thành kim. Mặc dù cái kim đã làm xong nhưng chưa kịp khoan lỗ để xâu chỉ. Người dân Cao Bằng còn kể thêm rằng, chúa Trương Thiết Vận nghe tiếng trống, ngỡ là mình đã thua cuộc, tức quá bèn ném cây kim làm dở của minh đi. Cây kim đã xuyên qua một ngọn núi và tạo nên Núi Thủng ngày nay.

Một truyền thuyết dân gian phổ biến khác ở Cao Bằng lại kể: Ngày xưa ở Cao Bằng có một chàng trai tên là Sung, thông minh tuấn tú. Chàng thi đỗ làm quan và được vua ban thưởng 7 ngày vinh quy bái tổ. Về quê, chàng kết hôn cùng nàng Boóc xinh đẹp. Mải quyến luyến bên người vợ xinh đẹp mới cưới, chàng quên mất ngày trở về kinh. Đến đêm thứ 7, chàng mới sực nhớ, vội chia tay vợ và bố mẹ chạy về kinh. Giữa đêm tối trong rừng hoang, chàng chạy được 36 bước chân thì ngã đầu đập vào núi rồi chết.

36 bước chân của chàng ngày nay là 36 cái hồ lớn nhỏ với những tên gọi khác nhau của tiếng địa phương thuộc huyện Trà Lĩnh. Tương truyền rằng nơi chàng nằm xuống chính là hồ Thang Hen ngày nay. Còn những cái hang là ngón chân của chàng Sung khi đi đã chọc thủng vách đá tạo thành. Khi ngã xuống, chàng Sung vẫn quyến luyến vợ, với tay về hướng người vợ. Ngón tay của chàng đã vô tình chọc thủng quả núi, tạo ra Núi Thủng ngày nay. 

Khu vực núi Thủng mùa nước lên

Tên của hồ Thang Hen theo nghĩa tiếng Tày là “đuôi ong”, bởi vì từ trên cao nhìn xuống hồ có hình tựa như đuôi con ong. Người dân nơi đây cho biết, từ đỉnh núi phóng tầm mắt xuống lòng hồ có thể thấy những đám mây lướt qua hệt như những dải lụa trắng tung bay trong gió.

Quần thể hồ có 36 hồ tự nhiên, mỗi hồ cách nhau vài chục hoặc vài trăm mét. Các hồ xung quanh Thang Hen là hồ Thang Vạt, Nà Ma, Thang Loỏng, Thang Hoi…, trong đó, Thang Hen là một hồ nước ngọt rộng nhất. Các hồ đều có bờ ngăn riêng, thông nhau bởi các hang động ngầm dưới lòng đất, nằm giữa những dãy núi bao quanh với mặt nước xanh ngát, uốn vòng theo lòng thung lũng mấp mô những mỏm đá ngầm. Không kể mùa lũ hay mùa khô, trong khi các hồ khác cùng khu vực đỏ ngầu vì bùn đất, nhưng hồ Thang Hen luôn có màu xanh ngọc bích. Mỗi ngày hồ Thang Hen đều có 2 đợt thủy triều lên và xuống.

Cách hồ Thang Hen khoảng 2km là Núi Thủng và thác Nặm Trá nằm trong thung lũng thuộc xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Nếu tính cả vùng hồ bao quanh núi Thủng thì vị trí này là giao điểm của 3 xã: Lưu Ngọc, Cao Xương và xã Quốc Toản, nên có nhiều con đường theo các hướng khác nhau đi đến đây để ngắm núi.  Theo tiếng của bà con người Tày bản xứ, núi có tên địa phương là “Phja Piót”, dịch ra là Núi Thủng. Gần đỉnh núi bị thủng một lỗ, dùi xuyên qua như để gió lùa thông thống bên nọ sang bên kia. Núi Thủng nằm ở hướng phía sau của một con hồ phụ, trong quần thể 36 hồ Thang Hen. Du khách và các nhà khoa học thường gọi núi này là núi “Mắt thần”.

Nét độc đáo của hệ thống hồ Thang Hen là các hồ liên thông với nhau thông qua các dòng chảy mặt hoặc dòng chảy ngầm. Vì thế, mực nước các hồ có thể thay đổi theo mùa, đôi khi rất đột ngột. Du khách đến đây vào mùa khô (tháng 9 đến tháng 10) sẽ được chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu khi nước hồ Thang Hen bị rút cạn chỉ trong vài ba giờ.

Người dân nơi đây thường xuyên chứng kiến cảnh “ào ào” tiếng nước như sôi lên giống bị đun sủi từ dưới đáy hồ. Rồi nước gào thét rủ nhau biến mất trong lòng đất, dường như chúng chui xuống đáy hồ bí ẩn, để lại một bình nguyên cỏ mượt vốn là đáy hồ Nậm Trá rộng 15ha kia. Khi đó, người dân có thể chăn thả gia súc trên đồng cỏ vốn là đáy hồ.

Khi nước rút để lại cả một bình nguyên cỏ mượt

Gìn giữ và phát triển sinh kế

Kỳ quan thiên nhiên cùng cuộc sống thôn dã, trong ngần, nhiều màu sắc xung quanh đó, đã trở thành một tổ hợp hút du khách đổ về huyện Trà Lĩnh.

Chị Chu Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Lĩnh cho biết: Đường đi bộ theo lũ trâu bò thấp thểnh vất vả quá, nhiều doanh nghiệp xin mở đường đón khách. Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã cấm làm đường bê tông, đường nhựa vào thăm Núi Thủng. Các kỹ sư và nhà chuyên môn đã khảo sát để nguyên các bờ rào đá cổ, được xếp kỳ công qua nhiều thế hệ bà con người Tày ở Nậm Trá. Đường mở bằng cách xếp đá, rải đá ngay tại hiện trường. Sau đó, địa phương tổ chức đội xe trâu, xe ngựa kẽo kẹt đưa khách vào thưởng lãm không gian bản làng dài mấy cây số và thắng cảnh Núi Thủng. Cả một không gian, một quần thể các giá trị thiên nhiên, văn hóa, tộc người... đậm chất núi rừng đang được đánh thức, dậy hương sắc đón khách muôn phương.

Du khách đên nơi này sẽ được thưởng thức các món ăn được chế biến từ sản vật vùng hồ Thang Hen như cá dầm xanh om trám, tôm núi kho me hay gà đồi, lợn quay, rau bò khai thơm ngon có tiếng… cùng hương vị rượu nồng ấm được chưng cất từ ngô và men lá theo phương pháp cổ truyền của người Tày.

Cảnh đẹp bình yên trong bản người Tày

Khu vực hồ Hang Then, Núi Thủng của huyện Trà Lĩnh nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng trải rộng 9 huyện với 250.000 dân. Một giá trị căn bản của công viên địa chất toàn cầu là mang lại giá trị sinh kế, tốt đẹp cho người dân, mà vẫn giữ gìn văn hóa bản địa nên vai trò của người dân rất là quan trọng.

Thiên nhiên nơi đây đẹp như truyện cổ tích, nhưng người dân nơi đây vẫn còn nghèo lắm, cũng nghèo như trong truyện cổ tích vậy! Hầu hết các hộ dân đều thuần nông. Thu nhập chỉ trông chờ vào ruộng nương. Mặc dù quần thể hồ Hang Then, Núi Thủng là địa điểm nổi bật của Công viên địa chất non nước Cao Bằng nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch vẫn chỉ ở dạng tiềm năng, bắt đầu được lên kế hoạch phát triển.

Anh Nông Xuân Kiên, Bí thư Đoàn huyện Trà Lĩnh, cho biết: Sau khi địa điểm này được UNESCO công nhận nằm trong Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, huyện Đoàn đã chỉ đạo các chi Đoàn trực tiếp trên địa bàn phụ trách thu dọn vệ sinh, thu gom rác và bảo vệ cảnh quan tự nhiên trong khu vực .

Ông Ngân Hàng Giáo, dân tộc Tày, say sưa kể truyền thuyết của bà con dân tộc nơi đây

Tình cờ tôi gặp ông cụ tên là Ngân Hàng Giáo, dân tộc Tày, năm nay ông đã 65 tuổi là người dân bản địa (xóm Bản Danh, xã Quốc Toản). Ông hào hứng chỉ các ruộng, nương xung quanh và bảo: Đất ở đây trồng cây gì lên cũng xanh tốt. Mùa màng thu hoạch khá giúp người dân cũng đủ ăn. Các gia đình ở đây chỉ làm nông nghiệp chứ chưa có nguồn thu nào khác vì du lịch nơi đây chưa phát triển, chưa có bất cứ một dịch vụ du lịch nào được tổ chức khai thác.

Hiện nay, bên cạnh định hướng phát triển du lịch, chính quyền địa phương đang giúp người dân chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn và như: cây chanh leo (đã trồng được gần 200 ha), cây quýt (vốn là đặc sản nổi tiếng của huyện Trà Lĩnh).   

Các hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này khiến cho khu vực Núi Thủng đầy hang hốc và cửa biến, cửa hiện bí ẩn này lại càng khiến cho vùng cao phía Bắc miền biên cương Cao Bằng thêm mời gọi.

Trời đất ban cho xứ sở thần tiên này các kỳ quan từ hàng trăm triệu năm trước, bây giờ là lúc vẻ đẹp ấy giúp bà con xóa đói giảm nghèo, làm ngành “công nghiệp không khói”: Phát triển du lịch. Không chỉ là việc có thu nhập chính đáng từ bán nông thủy sản, dịch vụ du lịch, mà hơn thế, bà con còn được giao lưu, mở rộng hiểu biết, nâng cao lòng tự hào về các giá trị muôn một của miền đất thần tiên mà tổ tông mình truyền lại...

Bài viết đăng trên Tạp chí Thông tin và Truyền thông - Toàn cảnh Sự kiện Dư luận - Kỳ 2 tháng 12/2019

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Miền cổ tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO