An toàn thông tin

Mô hình Phòng tin học Xanh đảm bảo an toàn sử dụng mạng cho trẻ em

Nhật Minh 28/06/2024 06:15

Bảo vệ trẻ em trên môi trường số chính là việc làm cấp bách, quan trọng để giúp trẻ không bị tổn thương, gia tăng lợi ích an toàn, tạo môi trường số an toàn, văn minh, công bằng, bền vững.

Vì điều này, thời gian qua, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) công nghệ đã nỗ lực thực hiện vai trò, trách nhiệm xã hội xây dựng môi trường số Việt Nam theo đúng các định hướng, mục tiêu, yêu cầu từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng như thực hiện các quy định của văn bản pháp luật ban hành.

Cần gắn với công tác tổng kết, đánh giá

Chia sẻ mới đây tại hội thảo "Xây dựng hệ sinh thái sản phẩm - dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức, bà Trần Hoàng Ngọc Trâm, Trung tâm công tác xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho rằng, để công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiệu quả, ngoài vai trò, trách nhiệm, sự tâm huyết của người lớn thì chính ý thức, nhận thức, sự chung tay của chính trẻ em đối với công tác này là quan trọng, cần được đẩy mạnh, thực hiện.

Để làm được này, cũng như muốn phát huy hiệu quả, các tổ chức đơn vị có khả năng dễ tiếp cận đến các em (Đoàn thanh niên, Đội nhà trường…) cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp phổ biến kiến thức, sinh hoạt định kỳ, thường xuyên cho công tác này.

Đặc biệt, cần xây dựng các nội dung, kiến thức chuyên sâu, đa dạng, có lồng ghép các vấn đề liên quan đến các sự kiện “hot trend” (xu hướng nóng) xuất hiện ở từng thời điểm để giúp trẻ em trong quá trình sử dụng mạng hiểu, tự bảo vệ an toàn.

“Cần đẩy mạnh việc áp dụng các phương pháp học tập gắn với thực hành, vui chơi, có khảo sát, có lắng nghe ý kiến, mong muốn và có tổng kết, đánh giá trong công tác này”, bà Trần Hoàng Ngọc Trâm nêu quan điểm.

Cũng theo bà Trần Hoàng Ngọc Trâm, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, do độ tuổi nhận thức còn hạn chế, cho nên muốn công tác này thực sự phát huy hiệu quả mạnh mẽ, chúng ta cần quan tâm hơn đến các em. Cụ thể, chính phụ huynh, gia đình, người thân, nhà trường… cần giám sát, nhắc nhở, phân tích, giải thích để các em hiểu, thực hiện, tránh trở thành nạn nhân của tình trạng mất an toàn trên không gian mạng.

7-loi-ich-cua-internet-mang-lai-cho-con-nguoi-trong-doi-9-.jpg
Các công ty, DN công nghệ cần đẩy mạnh việc ra đời các sản phẩm số, ứng dụng số dành riêng cho trẻ em.

Hơn nữa, ở trường hợp vô tình trẻ em là công cụ truyền tải các thông tin gây mất an toàn trên không gian mạng (bị kẻ xấu lợi dụng) thì cần nghiêm túc nhìn nhận đây là một phần lỗi từ chính người lớn. Và nhất quyết xem xét, nhìn nhận các em chỉ là nạn nhân của các tình huống xấu đang xảy ra, từ đó đồng hành, hỗ trợ, bảo vệ các em nhanh chóng vượt qua khó khăn.

Hơn nữa, chúng ta cũng cần tăng cường việc hỗ trợ các nhóm đối tượng trẻ em có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, nhóm yếu thế, để từ đó giúp các em có thêm nhiều cơ hội, điều kiện tốt nhất để dễ dàng tiếp cận, sử dụng các công nghệ số mới an toàn.

Cùng với đó, các công ty, DN công nghệ cần đẩy mạnh việc ra đời các sản phẩm số, ứng dụng số dành riêng cho trẻ em; sớm xây dựng, hình thành, sử dụng hệ sinh thái số bảo vệ trẻ em toàn diện, an toàn trên môi trường số…”, bà Trần Hoàng Ngọc Trâm đề xuất.

Có thể sử dụng mô hình Phòng tin học Xanh

Khi nói về việc đảm bảo an toàn sử dụng mạng cho trẻ em, nhất là các em học sinh, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình cho rằng, trong môi trường học đường, các trường có thể sử mô hình Phòng tin học Xanh.

Đây là mô phòng học ra đời từ năm 2019, Hoà Bình đã áp dụng và thu được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, mô hình Phòng tin học Xanh hoạt động dựa trên 3 trụ cột: Không gian (sinh động, hấp dẫn, thân thiện với môi trường), năng lượng (sử dụng các thiết bị thông minh hỗ trợ máy tính để giúp tiết kiệm điện), nội dung (sử dụng các gói kết nối Internet an toàn, và phần mềm quản lý nội dung truy cập).

Hơn nữa, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, về phía nhà trường cần giao cho các thầy, cô giáo, người phụ trách công nghệ tập hợp, tài liệu, giáo án về cách thức sử dụng mạng an toàn; tổ chức mời các chuyên gia đến nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm về an toàn mạng; đầu tư sử dụng các gói, dịch vụ Internet an toàn của các nhà mạng viễn thông uy tín…

Đặc biệt, các nhà trường hướng đến việc sử dụng các phần mềm giám sát các nội dung, đường link truy cập của học sinh khi tham gia học tập, thực hành trên máy tính… Và điều quan trọng chính là quyết tâm của người đứng đầu nhà trường trong triển khai an toàn mạng, từ đó sẽ thúc đẩy hoạt động này ngày một hiệu quả, thực chất.

Cần giải pháp tổng thể

Đại diện các công ty công nghệ chuyên cung cấp về phần mềm an toàn mạng cho rằng, muốn công tác này hiệu quả, cần cho ra đời nhiều hơn các giải pháp có khả năng đối phó với mọi tình huống xấu, bởi khi chúng ta tiếp cận hướng đi này sẽ tạo ra những giải pháp tổng thể có sức mạnh bảo vệ trẻ em.

Cùng với đó, cần tiếp cận các giải pháp an toàn trên thiết bị di động, gắn với các yêu cầu có giám sát, kiểm soát người dùng (trẻ em dưới 18 tuổi); sử dụng công nghệ AI để phân tích hành vi, nội dung truy cập; sử dụng các camera sử dụng AI; công nghệ nén video để chuyển dữ liệu báo cáo ngay tại thời điểm tức thì khi có sự cố…

Đặc biệt, cần hướng đến phát triển các sản phẩm phần mềm kỹ thuật để sử dụng máy tính; các phần mềm chuyên biệt khi học thì không thể cùng lúc sử dụng các nền tảng mạng xã hội khác.

Các sản phẩm an toàn mạng cho người dùng cần có thêm các tính năng, công cụ, bộ lọc về các nội dung liên quan đến thông tin xấu, độc, hại… Cần thiết có thể sử dụng việc kết nối nhóm với phụ huynh, nhà trường để từ đó đưa ra những cánh báo, điều chỉnh phù hợp.

Như vậy, có thể nói công nghệ đang tạo ra nhiều thuận lợi, lợi ích to lớn, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tích cực mà trong đó đang đan xen cả những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, để hạn chế tối thiểu những nhược điểm, mặt trái mà công nghệ tạo ra cũng như ngày một nâng cao công tác bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng, điều quan trọng cần làm chính là chúng ta phải không ngừng quyết tâm, nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật kết hợp với nâng cao nhận thức người dùng.

Và chỉ khi chúng ta làm tốt những điều trên, việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng mới vươn đến mục tiêu an toàn gắn với những từ khoá: Thiết thực, thoải mái, bảo vệ, nội dung sạch, không bị xâm hại, an toàn, tin tưởng…/.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mô hình Phòng tin học Xanh đảm bảo an toàn sử dụng mạng cho trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO