MobiFone không được chần chừ trong triển khai IPv6

Lan Phương| 14/11/2018 15:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã chỉ đạo MobiFone cần tập trung và không được chần chừ trong triển khai IPv6 nhất là từ nay đến cuối năm 2018 và trong năm 2019.

Ngày 14/11/2018, tại Hà Nội, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã có buổi làm việc với Tổng công ty Viễn thông MobiFone về triển khai IPv6. Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải đã tham dự và chỉ đạo buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có đơn vị thường trực Ban Công tác là Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), đại diện các đơn vị thuộc Bộ TTTT gồm Cục Tin học hóa, Cục Bưu điện Trung ương, Cục Viễn thông…

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải chủ trì buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết số lượng địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt, không còn đủ cho sự phát triển các dịch vụ, ứng dụng mạng Internet trong tương lai. Triển khai IPv6 đáp ứng số lượng địa chỉ Internet ngày càng lớn. Các quốc gia trên thế giới đều đã đẩy mạnh sử dụng IPv6. Với sự phát triển của Internet, các dịch vụ mạng thế hệ mới, việc đẩy mạnh triển khai IPv6 sẽ có những thuận lợi. Triển khai IPv6 mất nhiều công sức, thời gian, tuy nhiên, về lâu dài chuyển sang IPv6 là cần thiết.

Theo công bố của Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) và Cisco, tính đến tháng 11/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Internet Việt Nam đạt 21%, cao hơn mức trung bình của khu vực và trong toàn cầu, đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 7 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan và Canada), vượt qua Úc và New Zealand xếp ở vị trí thứ 20 trên toàn thế giới với hơn 11.000.000 người sử dụng IPv6. Xét về chỉ tiêu chung, tỷ lệ sử dụng IPv6 đã đạt được mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 tại thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai IPv6 tại Việt Nam còn một số điểm hạn chế, cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa nhằm hướng tới kết quả toàn diện theo mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Trong đó, cần phải chú trọng các dịch vụ công nghệ IPv6 cho di động 3G/4G LTE. Hiện tại, số lượng thuê bao di động khả thi IPv6 của Việt Nam còn thấp so với xu thế toàn cầu, đặc biệt số lượng thuê bao di động khả thi với IPv6 của MobiFone thấp. Trong khi đó, việc triển khai IPv6 là xu thế triển khai mặc định cho dịch vụ 4G LTE ở các nước tiên tiến trên thế giới (như tại Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc ...) bởi nhà mạng có vai trò rất quan trọng để thông qua hạ tầng của nhà mạng để thúc đẩy ứng dụng IPv6 trên toàn quốc gia.

Theo MobiFone, trong năm 2018, Tổng Công ty đã tiến hành triển khai IPv6 cho mạng 3G/4G, đồng thời cũng nhận thấy việc triển khai cho cả mạng 2G cũng khả thi để đảm bảo sự chuyển tiếp (handover) giữa các hệ thống. Ưu điểm triển khai IPv6 trên cả các mạng 2G/3G/4G là cung cấp dịch vụ đến toàn bộ vùng phủ sóng của MobiFone, cung cấp dịch vụ IPv6 cho thiết bị máy tới máy (M2M) chỉ hỗ trợ sóng 2G. Trong triển khai IPv6 năm 2018, MobiFone cũng đồng thời nâng cấp hệ thống.

Tính đến ngày 31/8/2018, MobiFone đã sẵn sàng toàn bộ mạng lưới, khai báo các thuê bao nội bộ MobiFone (4000 thuê bao). Vào ngày 15/11, MobiFone khai báo toàn bộ thuê bao trên mạng. Mobifone có hợp tác cung cấp dịch vụ chuyển vùng (roaming) với 500 nhà mạng trên thế giới, đáng kể là chuyển vùng về dữ liệu (data) nên phải đảm bảo triển khai IPv6.

MobiFone khẳng định triển khai IPv6 là cần thiết, cung cấp địa chỉ đích thực cho khách hàng, quản trị cho khách hàng tốt hơn khi khách hàng sử dụng dịch vụ ngày càng nhiều hơn tránh bị tắc nghẽn, đặc biệt là đáp ứng các dịch vụ mới, IoT sắp tới (tháng 9/2018 đã có 950.000 thuê bao IoT). Cuối năm, Tổng Công ty sẽ đưa vào một số dịch vụ để hỗ trợ IPv6 đầy đủ, đồng thời sẽ thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ nội dung hợp tác với MobiFone cũng phải ứng dụng IPv6.

Tại buổi làm việc, MobiFone đã đề xuất đánh giá tác động của Luật an ninh mạng đối với việc triển khai IPv6 trong hợp tác quốc tế như Google, Facebook…

Theo nhận xét của Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, hiện Mobifone khá chậm trong chuyển đổi cho mạng dịch vụ di động. Chỉ số IPv6 của Mobifone hiện còn rất thấp (< 1%), trong khi thế giới đang triển khai rất mạnh (Mỹ: 80% thuê bao 4G LTE có IPv6; Ấn Độ: 90% của nhà mạng lớn nhất; Hàn Quốc, Nhật Bản cũng triển khai IPv6 cho di động 4G LTE từ rất sớm). Ban Công tác yêu cầu các doanh nghiệp mở rộng phạm vi chuyển đổi IPv6 cho các thuê bao di động; truyền thông và hướng dẫn người dùng kích hoạt IPv6 trong thuê bao di động 4G LTE.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Giám đốc VNNIC, Phó Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia Trần Minh Tân cho biết, năm 2019 là thời điểm thích hợp để công bố chính thức cho cộng đồng về việc Việt Nam sẵn sàng IPv6. MobiFone cần thúc đẩy triển khai nhanh hơn nữa để cùng với các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức khác công bố sẵn sàng IPv6. Khi nhà mạng triển khai IPv6 tốt thì sẽ định danh địa chỉ IP đến từng khách hàng, theo đó có thể khảo sát nhu cầu, đánh giá, phân tích hành vi của khách hàng đáp ứng sự phát triển, chăm sóc khách hàng.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc cho biết MobiFone triển khai IPv6 cho nhiều thuê bao IoT. Điểm này rất đáng chú ý bởi đây là tiềm năng lớn cho nhà mạng trong tương lai. MobiFone cũng cần lưu ý là theo Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện với trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, các cổng thông tin điện tử khi được triển khai thì phải hỗ trợ IPv6 để thực hiện triển khai dịch vụ liên quan cho cơ quan nhà nước.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Trần Mạnh Tuấn cho biết, các nhà mạng khi đăng ký cung cấp dịch vụ viễn thông mới đều thống nhất cam kết thực hiện triển khai IPv6 vì lợi ích lâu dài, quốc gia trong triển khai IPv6.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đánh giá MobiFone đã xây dựng kế hoạch, triển khai thử nghiệm, đánh giá kết quả thử nghiệm để xử lý các vấn đề phát sinh trong công tác chuyển đổi IPv6. Tuy nhiên, việc triển khai của MobiFone vẫn “âm thầm”, chần chừ và khiêm tốn. Số lượng người dùng IPv6 của Mobifone rất thấp, khoảng 1.140 người sử dụng IPv6, với tỉ lệ ứng dụng chung của mạng Mobifone chưa đạt 1%, trong khi tỉ lệ IPv6 chung của Việt Nam hiện đã đạt 21%. Việc triển khai IPv6 chậm, về lâu dài, sẽ ảnh hưởng, tác động đối với MobiFone.

Thứ trưởng cũng chỉ rõ triển khai IPv6 trong các ứng dụng nội bộ MobiFone vẫn ở giai đoạn thử nghiệm. “Trong nội bộ, MobiFone chưa dám làm thì làm với khách hàng sẽ còn chậm rất nhiều”.

Mạng MobiFone là một trong 3 mạng di động lớn nhất Việt Nam, việc chuyển đổi IPv6 của Mobifone sẽ đóng góp vào kết quả triển khai chung của Việt Nam bởi chính nhà mạng sẽ đưa nhiều lợi ích đến người sử dụng tốt hơn về lâu dài. MobiFone cần phải xác định lại và quyết tâm triển khai trong thời gian tới.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng yêu cầu Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia phải có kế hoạch, đánh giá công tác truyền thông về thúc đẩy IPv6 để truyền thông hữu hiệu nhất. Khách hàng lớn, người sử dụng phải có những cách truyền thông khác nhau. Nhà mạng cũng phải tham gia vào truyền thông để thúc đẩy việc sử dụng IPv6 tại Việt Nam đạt đến tỷ lệ 30 - 40%. Giai đoạn đầu triển khai IPv6 là rất quan trọng. Chúng ta đi đầu trong giai đoạn đầu để có “cơ” ứng dụng nhiều dịch vụ trong tương lai và đỡ vất vả hơn trong giai đoạn sau. “Mobifone không được chần chừ trong triển khai IPv6 nữa”.

Trước mắt, MobiFone cần triển khai 100% IPv6 cho mạng, dịch vụ nội bộ và đặt mục tiêu số lượng người sử dụng IPv6  bên ngoài ít nhất là phải 30%. MobiFone cần tìm hiểu kinh nghiệm tại sao các nhà mạng lớn trên thế giới triển khai IPv6 mạnh mẽ để có kế hoạch dài hơn. MobiFone phải phấn đấu hoàn thành tốt hơn, xứng đáng là doanh nghiệp công nghệ hàng đầu và chuyển đổi số tại Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
MobiFone không được chần chừ trong triển khai IPv6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO