Chuyển động ICT

MobiFone, mạng di động đầu tiên ở Việt Nam: Ra đời từ sự quyết đoán đổi mới của ngành Bưu điện

Hoàng Linh 26/08/2024 09:12

MobiFone, mạng di động đầu tiên tại Việt Nam được Tổng cục Bưu điện thành lập hơn 30 năm trước được xem là một trong những bước đột phá của ngành Bưu điện, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày nay.

mobifone-181723-250419-10.jpg

Nhà mạng di động đầu tiên của Việt Nam

Trong những ngày chớm thu Hà Nội, sau nhiều lần thuyết phục, tôi mới gặp được bà Đoàn Thị Ngọc Kiên, một trong bảy cán bộ đầu tiên của Công ty Thông tin di động (VMS) nay là Tổng công ty Viễn thông MobiFone để biết thêm về những ngày khởi đầu của nhà mạng đầu tiên của Việt Nam.

co-kien(1).jpg
Bà Đoàn Thị Ngọc Kiên, một trong bảy cán bộ đầu tiên của Công ty Thông tin di động (VMS) nay là Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Theo chia sẻ của bà, trước khi thành lập Công ty Thông tin Di động vào năm 1993, lãnh đạo Ngành lúc đó rất trăn trở với việc phát triển lĩnh vực viễn thông. Thời điểm đó, Việt Nam vẫn bị cấm vận về kinh tế, lại bị cấm vận về công nghệ, viễn thông nên mã quốc tế của Việt Nam bị khóa.

Lãnh đạo Ngành muốn mở hướng hợp tác, tìm kiếm đầu tư để mua thiết bị, mua tổng đài kỹ thuật, hiện đại hoá hạ tầng viễn thông. Trong hành trình tìm kiếm hướng đi đã có một số công ty nước ngoài đến nước ta, đến với Ngành tìm hiểu và muốn hợp tác, trong đó có các chuyên gia từ Australia, Alcatel của Pháp rồi đến Ericsson của Thuỵ Điển, cả công ty ở Hồng Kông… giới thiệu thiết bị.

Nhiều công ty nước ngoài đã gửi nhiều tài liệu, đến làm việc, trao đổi, chia sẻ về phát triển viễn thông, trong đó có phát triển lĩnh vực thông tin di động với Tổng cục Bưu điện. Tổ giúp việc cho cố vấn Nga làm việc cho Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện thuộc Văn phòng Tổng cục hồi đó được giao nghiên cứu, trao đổi, tìm hiểu và báo cáo.

Từ những tài liệu rồi gặp gỡ, tham vấn, tổ cố vấn (sau này nhân sự tổ cố vấn là thành viên cốt cán của Vụ Hợp tác quốc tế) được thành lập đã nghiên cứu, đề xuất cho lãnh đạo Tổng cục Bưu điện nhiều nội dung về phát triển lĩnh vực viễn thông. Với sự chỉ đạo, đôn đốc, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, Lãnh đạo Tổng cục Bưu điện đã đi tới thống nhất hợp tác với Thụy Điển khi tìm thấy nhiều điểm phù hợp để hợp tác. Thụy Điển cũng là quốc gia có quan hệ hữu nghị thân thiết với Việt Nam.

Bà Đoàn Thị Ngọc Kiên chia sẻ: Vị tư lệnh Ngành, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân là một người luôn có khát vọng Ngành Bưu điện phải đi trước, phát triển trước bởi là ngành thông tin liên lạc nên thông tin liên lạc phải đi trước, thông suốt thì các ngành khác mới phát triển.

Tổng cục trưởng Đặng Văn Thân là người quyết định hợp tác với Thụy Điển thông qua hình thức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với công ty Comvik/Kinnevik, là công ty chuyên về vận hành, khai thác mạng lưới được Ericsson giới thiệu để thực hiện tư vấn, hỗ trợ khai thác, vận hành mạng lưới thông tin di động cho Việt Nam.

Bà Đoàn Thị Ngọc Kiên chia sẻ, Ericsson là một trong những công ty cung cấp thiết bị viễn thông của Thụy Điển và nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam. Ericsson chỉ là nhà cung cấp thiết bị nên sau đó đã giới thiệu công ty khai thác mạng lưới viễn thông Comvik/Kinnevik để cùng hợp tác, tư vấn phát triển mạng di động. Comvik/Kinnevik có kinh nghiệm khai thác, thường xuyên hỗ trợ, trao đổi nên công việc được triển khai nhanh. Nếu không trực tiếp trao đổi thì việc tự “mày mò” sẽ chiếm rất nhiều thời gian và công việc không thể hoàn thành nhanh như vậy.

Trước khi đi đến được việc hợp tác này là cả một khối lượng công việc rất lớn. Tổng cục Bưu điện đã thành lập tổ công tác riêng - có thể gọi là nhóm biệt phái về lĩnh vực này bao gồm một số cán bộ từ các đơn vị của Tổng cục Bưu điện. Đây có thể gọi là tiền thân của Công ty Thông tin Di động.

vms.png

Sau khi đã có chủ trương hợp tác với các công ty Thuỵ Điển để phát triển mạng di động Việt Nam, Tổng cục Bưu điện đã ban hành quyết định thành lập Công ty Thông tin Di động với 7 người. Ông Đinh Văn Phước được bổ nhiệm làm Giám đốc công ty.

Những ngày đầu gian khó với nhiều kỷ niệm

Nhớ lại những ngày đầu về với nhà mạng di động đầu tiên của Việt Nam, khi đó đã hơn 40 tuổi, từng trải qua thời gian công tác tại Bưu điện Hà Nội sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thông tin liên lạc - Bưu điện Moscow, sau đó làm việc tại tổ cố vấn rồi Vụ Hợp tác quốc tế, bà Đoàn Thị Ngọc Kiên cho biết: “Tôi chẳng nghĩ ngợi gì nhiều cả, chỉ đơn giản nghĩ muốn trở lại “môi trường” kỹ thuật khi “gốc gác” là kỹ sư thiết kế hữu tuyến - chuyên ngành tổng đài tự động”.

“Hơn nữa, chuyển về Công ty Thông tin Di động, tôi vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu tài liệu, đàm phán, phiên dịch…". Bảy cán bộ ban đầu của Công ty Thông tin Di động lúc đó phải làm rất nhiều việc. Đối với bà Kiên, việc luôn được tiếp cận, đọc những tài liệu nước ngoài về viễn thông sớm hơn người khác đã hỗ trợ bà và đồng nghiệp có được nhiều thông tin, kiến thức và giúp lãnh đạo Ngành, Công ty Thông tin Di động có quyết sách đúng đắn. Đây cũng là việc làm xuất phát từ trách nhiệm với Ngành của nữ cán bộ.

“Cũng nhờ việc “mày mò” đó cùng với kinh nghiệm làm việc đã giúp tôi rất nhiều trong nhiều công việc hoàn toàn mới mẻ ở một doanh nghiệp non trẻ, sau đó là hướng dẫn các cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp đại học được tuyển dụng về làm việc tại công ty”.

Trở lại quá trình ký hợp tác với Comvik/Kinnevik, bà Đoàn Thị Ngọc Kiên cho biết, ban đầu, Tổng cục Bưu điện đàm phán hợp tác là chính sau đó thành lập Công ty Thông tin Di động để tiếp tục đàm phán và tiến tới ký biên bản ghi nhớ (MoU), mua thiết bị rồi mới bàn đến việc kinh doanh. Nhờ đó, ngành Bưu điện đã tận dụng nguồn vốn và kinh nghiệm của của đối tác nước ngoài trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chiến lược kinh doanh và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển cho giai đoạn sau này.

Bà Đoàn Thị Ngọc Kiên bồi hồi nhớ lại: Công nghệ thông tin di động có nhiều cấp độ nhưng với quyết tâm đột phá của Lãnh đạo Ngành, Ngành đã đi thẳng từ công nghệ mạng analog lên thẳng công nghệ mạng di động tế bào (cellular) và công nghệ này vẫn đang được khai thác cho đến tận bây giờ, bỏ qua công nghệ cấp trung gian, kỹ thuật cấp thấp như nhắn tin (paging)...

Nhớ những ngày đầu xây dựng Công ty Thông tin Di động, bà Đoàn Thị Ngọc Kiên cho biết: “Công ty mới, việc nhiều nên lúc đó làm việc đến “u mê”, đọc tài liệu, bàn bạc, trao đổi với chuyên gia của Comvik/Kinnevik… Làm việc không kể ngày đêm mà lúc đó đã có máy vi tính đâu, có máy chữ thôi, gõ được một chữ chậm lắm. Có lúc chuẩn bị họp, đàm phán cần chỉnh sửa văn bản mà không kịp, lại mất điện suốt nên phải cắt dán chữ thủ công rồi vào họp luôn. Cán bộ lúc đó được bác Thân chỉ đạo sát sao lắm”.

Khi làm việc với Comvik/Kinnevik, các cán bộ thời kỳ đầu của công ty được tiếp cận, tiếp xúc, “ngấm” phong cách làm việc chuyên nghiệp nên công ty đến nay vẫn kế thừa cách làm việc chuyên nghiệp đó.

Khi về công ty, bà Đoàn Thị Ngọc Kiên cũng “bật mí” thêm là bà được giao trọng trách Trưởng phòng Kỹ thuật danh thác gồm cả kỹ thuật, kinh doanh, khai thác, sau đó công ty phát triển dần thì thành lập thêm các phòng, ban đảm nhiệm các nhiệm vụ chuyên biệt và đều được tách ra từ phòng Kỹ thuật danh thác. Công ty ngày mới thành lập được Tổng cục Bưu điện dành không gian ở khu C2 - Láng Hạ, rồi sau đó phát triển lớn dần thì chuyển về đường Giải Phóng. Sau này, Tổng công ty Viễn thông MobiFone được thành lập và “định cư” tại phố Phạm Văn Bạch bây giờ.

Thời gian trước khi nghỉ hưu, bà Đoàn Thị Ngọc Kiên chia sẻ tiếp, bà đảm nhận vị trí Trưởng phòng chăm sóc khách hàng (CSKH), làm cả công tác marketing. Bà kể: “Hồi đó, đã có ai biết về CSKH đâu. Công ty khởi đầu công việc này bằng lập đường dây hỗ trợ khách hàng sau đó xây dựng trung tâm cuộc gọi (call center). Phòng thực hiện các nhiệm vụ như công tác hướng dẫn công tác CSKH, giao tiếp, bảo hành, sửa chữa, kết nối phản hồi ý kiến khách hàng, kết nối với các bộ phận để trả lời khách hàng”.

Sau mỗi tuần, Phòng lại dành thời gian tập hợp các ý kiến khách hàng, gom theo lĩnh vực rồi chuyển bộ phận liên quan trả lời.

Theo bà Kiên, làm công tác CSKH phải nắm bắt được khách hàng mong muốn gì, quản lý hồ sơ khách hàng và nhiều nhiệm vụ khác nữa vì hệ thống phát triển tương đối lớn. Đặc biệt, bộ phận CSKH của công ty lúc đó đã đưa ra được cái có thể gọi là “chiến lược” cho toàn công ty hiểu là công tác CSKH không phải của mỗi đơn vị CSKH. "Khách hàng “kêu” chỗ nọ chỗ kia nghĩa là công ty cần phải điều chỉnh, nâng cao hiệu quả những phần việc liên quan. Từ đó, thông qua khách hàng, công ty nắm bắt được nhiều thứ hơn về mạng lưới để nâng cấp mạng lưới”.

mobifone-cskh.jpg

“Đến giờ, MobiFone vẫn là công ty được đánh giá có công tác CSKH tốt nhất”, bà Đoàn Thị Ngọc Kiên bày tỏ tự hào và cũng cho biết thêm “Ngành ta” lúc đó cũng phát triển nhanh và đời sống cán bộ cũng được cải thiện”.

Những chuyện vui trong quãng thời gian công tác

Không nỡ bỏ phí một cơ hội quý giá được gặp gỡ một cán bộ ngành Bưu điện có nhiều năm tháng công tác trong Ngành, tôi lại “khai thác” tiếp thì được bà tiết lộ thêm những “chuyện vui” như hồi mới về làm việc tại Bưu điện Hà Nội sau khi tốt nghiệp Đại học Thông tin liên lạc ở Nga, thì có một tổng đài của Nga được lắp đặt tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị hỏng, bà đã được “điều” đi sửa.

“Lúc đó tôi nghĩ, mình là kỹ sư thiết kế tổng đài lại được giao đi sửa chữa tổng đài thì cứ đi sửa thôi. Chưa sửa thì lấy khăn lau sạch tổng đài. Rồi vài 'động tác cơ bản' nữa, thì tổng đài 'chạy được'. Tưởng phức tạp hóa ra đơn giản”, bà cười chia sẻ.

Một chuyện khác là: “Tôi được các đồng nghiệp lúc đó và sau này mỗi dịp gặp gỡ luôn gọi là người “đẻ ra” các phòng, ban của Công ty Thông tin Di động khi công ty lớn mạnh, các nhiệm vụ được chuyên môn hoá, nhiều phòng, ban, bộ phận được lập và tách ra khỏi phòng kỹ thuật danh thác. Các cán bộ MobiFone và cả chuyên gia Comvik/Kinnevik cũng đều gọi tôi rất thân thương là “cô Kiên””.

Bà cũng nhớ lại: “Trước khi Vụ Hợp tác quốc tế được thành lập Vụ có tên là Vụ Phát triển kỹ thuật và quan hệ đối ngoại mà mọi người đã “chế” gọi là “Vụ phát quang” hay “Phát triển quan hệ”. Lúc đó, anh Đỗ Trung Tá làm Vụ trưởng”.

Bà tự hào chia sẻ: “Tôi có nhiều "quê" lắm! Bưu điện Hà Nội, Văn phòng Tổng cục Bưu điện, Vụ Hợp tác Quốc tế và Công ty Thông tin Di động. Giờ đi đâu cũng gặp nhiều người quen lắm”.

Rồi bà Đoàn Thị Ngọc Kiên lại chia sẻ rằng: “Bản thân tôi cũng chỉ là cán bộ bình thường, chẳng có gì nhiều để kể. Công việc của mình thì làm tốt nhất có thể. Đóng góp nhiều, tích cực để Ngành phát triển là tinh thần ngày ấy”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
MobiFone, mạng di động đầu tiên ở Việt Nam: Ra đời từ sự quyết đoán đổi mới của ngành Bưu điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO