Diễn đàn

MobiFone phấn đấu chuyển đổi thành doanh nghiệp công nghệ

Hoàng Linh 13/06/2024 21:41

MobiFone phấn đấu, nỗ lực chuyển đổi từ doanh nghiệp viễn thông thành doanh nghiệp công nghệ, tiếp tục đóng vai trò quan trọng là 1 trong 3 chân kiềng của ngành TT&TT.

Ngày 13/6/2024, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với Tổng công ty viễn thông MobiFone về kết quả sản xuất kinh doanh, lắng nghe các đề xuất, kiến nghị và và cùng gợi mở các giải pháp phát triển.

toan-canh-mobifone-13062024.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc.

Chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp dịch vụ 5G vào đầu năm 2025

Tại buổi làm việc, ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone cho biết nhà mạng này đã sẵn sàng các công tác để triển khai 5G khi chuẩn bị tham giá đấu giá khối băng tần C3.

ong-to-manh-cuong.jpg
Ông Tô Mạnh Cường: MobiFone đã sẵn sàng tham gia đấu thầu khối băng tần C3 và chuẩn bị triển khai mạng 5G.

Khi có tần số, MobiFone sẽ phát sóng thử nghiệm thương mại, sau đó là thực hiện các dự án 5G, thiết bị và dự kiến tháng 2/2025 sẽ công bố dịch vụ 5G. Các dịch vụ dự kiến cung cấp pha đầu gồm có: Các dịch vụ trên nền tảng công nghệ eMBB (gói cước tốc độ cao, video OTT…) và công nghệ NSA (non-standalone), dịch vụ truy cập vô tuyến cố định (Fixed Wireless Access - FWA).

Các dịch vụ tiếp tục cung cấp pha tiếp theo sẽ là B2C (Cloud phone, New calling, cloud gaming), B2B (du lịch thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, cảng biển thông minh, khai thác thông minh) theo định hướng kết hợp công nghệ 5G, AI và điện toán đám mây (ĐTĐM).

MobiFone cũng đã lên phương án đảm bảo vùng phủ sóng khi dừng 2G khi dự kiến trong năm 2025 sẽ bổ sung khoảng 4.000 trạm 4G, bổ sung vùng phủ còn thiếu, triển khai các dự án phát triển mạng sử dụng thiết bị hỗ trợ tối đa công nghệ 3G/4G để dễ dàng chuyển đổi khi dừng phát sóng 2G chính thức…

Tính đến tháng 4/2024, MobiFone đã tắt được 40% số trạm, tương đương 10.000 trạm, dự kiến đến tháng 9/2024 sẽ tắt thêm 1.500 trạm nữa và đến tháng 9/2025 sẽ tắt toàn bộ.

Cùng với việc giữ vững vị thế viễn thông, ông Tô Mạnh Cường cho biết MobiFone đang “tấn công” không gian mới, theo đó, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ Make in MobiFone, thành lập các đơn kinh doanh chuyên biệt như về an ninh mạng, ĐTĐM…

Trên cơ sở thực tiễn hoạt động, MobiFone cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất về rà soát thông tin thuê bao, mô hình mạng riêng ảo (MNVO), cơ chế chính sách, pháp luật…

Trong đó, MobiFone đề nghị Bộ TT&TT xem xét, có phương án hỗ trợ doanh nghiệp (DN) viễn thông có thể chia sẻ hạ tầng mạng 5G tích cực với giải pháp MOCN (chia sẻ chung tần số để phát triển mạng 5G). Đây là giải pháp giúp giảm chi phí đầu tư và vận hành khai thác mạng 5G được khoảng 30 - 40%.

Trước các kiến nghị thực tiễn của MobiFone, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT đã giải đáp và gợi mở các kiến nghị của MobiFone. Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin cho biết MobiFone tấn công vào không gian mới, chủ yếu là chuyển đổi số trên không gian mạng và không gian mạng cũng tấn công ngược lại. Các vụ tấn công gần đây vừa ảnh hưởng đến kinh doanh, dịch vụ, việc bảo vệ dữ liệu cần phải được chú ý khi mạng lưới của MobiFone trải rộng trên toàn quốc. Nếu bị tấn công sẽ rất thiệt hại và lớn.

MobiFone cần chú ý đến các lỗ hổng của hệ thống và lưu ý các văn bản liên quan đến đảm bảo ATTT khi MobiFone thuộc nhóm 1/11 lĩnh vực quan trọng nên cần rà soát và báo cáo Bộ TT&TT về bảo đảm ATTT theo cấp độ. “MobiFone cần quan tâm giải pháp chống tấn công mạng, phương án dự phòng, không mất dữ liệu, không bị mã hoá thông tin”, ông Khoa đề nghị.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết đang nghiên cứu để phê duyệt cấp các băng tần 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết MobiFone lưu ý rà soát và tuân thủ quy định về quản lý SIM rác. Đồng thời, nâng cao chất lượng mạng viễn thông khi sắp tới Bộ TT&TT sẽ phê duyệt kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông.

Về tắt sóng 2G, ông Phúc cho biết Bộ TT&TT đã có thông tư về triển khai dừng công nghệ cũ và đã nhận được báo cáo của MobiFone. Đến tháng 5/2024, MobiFone còn hơn 1 triệu thuê bao 2G và chưa có lộ trình cắt giảm. “MobiFone phải có kế hoạch cắt giảm từng tháng đối với số lượng thuê bao này. MobiFone đã đề xuất thí điểm về thuê bao du lịch và cần báo cáo kết quả để chính thức thực hiện”.

Cục trưởng Cục Viễn thông cũng kiến nghị MobiFone đẩy mạnh triển khai voice brand name nhưng với giá hợp lý vì triển khai việc này để chống cuộc gọi rác và được sử dụng nhiều nhất.

Về xây dựng trung tâm dữ liệu (TTDL), ông Nguyễn Thành Phúc cho biết TP. HCM đang thu hút DN đến đầu tư TTDL quy mô lớn (hyper-scale) cùng với đó là các tỉnh Ninh Bình, Bình Dương, Hải Dương cũng có những ưu đãi về đất để xây dựng TTDL.

Những điểm mấu chốt để MobiFone phát triển

Trước các kiến nghị của MobiFone và trao đổi của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng mong muốn MobiFone phát triển cần chú ý đến điểm mấu chốt là trọng dụng nhân tài, đặc biệt lớp nhân tài thế hệ mới để có thể duy trì cạnh tranh và vươn lên trong tương lai 10 - 15 năm nữa.

“Có nhân tài thì sẽ có tầm nhìn, có tầm nhìn thì sẽ có lợi thế. Trong việc chuẩn bị, ai cũng có lợi thế ngang nhau và thậm chí cao hơn”.

tt-nguyen-huy-dung.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng lưu ý MobiFone về những không gian phát triển mới.

Thứ trưởng cũng đề nghị MobiFone quan tâm đến bộ phận chuyên về chính sách công để góp ý cho các chính sách, đặc biệt là liên quan đến nghị định, các chính sách, thông tư có như thế mới bám sát để xây dựng quy định… đáp ứng cho sự phát triển.

Thứ trưởng ủng hộ và chia sẻ về chiến lược của MobiFone là hướng vào DN với DN (B2B) và DN với khách hàng (B2C), nhưng cần chú trọng DN với chính phủ (B2G) khi đây sẽ là không gian phát triển rất lớn. MobiFone đã có 2 sản phẩm Make in Viet Nam rất nổi bật là MobiFone Meeting và MobiFone Edu khi doanh thu rất ấn tượng trong 5 tháng đầu năm 2024 khi lên tới cả hơn chục tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận.

Thứ trưởng cũng lưu ý MobiFone tập trung cho app MobiFone vì đây là cánh cửa để MobiFone tiếp xúc gần hơn với khách hàng, cung cấp những tiện ích như có thể tích hợp chữ ký số (CKS) cá nhân. Hiện có xu hướng là các ngân hàng đang đề nghị Bộ TT&TT triển khai CKS cá nhân để cho khách hàng thực hiện các giao dịch ngân hàng. Nếu MobiFone làm nhanh, rẻ thì đây cũng là 1 thị trường lớn mà người dùng dùng app và trả tiền cho MobiFone hàng ngày, giống như thoại và tin nhắn.

MobiFone cũng cần nâng cao chỉ số doanh thu trung bình trên một khách hàng (ARPU) mà hiện các nhà mạng Việt Nam chỉ loanh quanh mức 10, mà nhà mang châu Âu là 20 - 25. Đây là không gian lớn cần làm và Cục Viễn thông nghiên cứu để chỉ đạo nâng cao ARPU của các nhà mạng.

MobiFone đã có thương hiệu về loa truyền thanh thông minh, theo đó, IoT và thiết bị thông minh sẽ mở ra không gian lớn. “Đây là mảng mới và MobiFone đã làm tốt và mong tập trung làm tốt hơn nữa trong thời gian tới và trở thành nhà mạng hàng đầu của Việt Nam về thiết bị thông minh và IoT”.

Thứ trưởng cũng nhận định trong 3 - 5 năm tới, AI sẽ là sống còn trong quản trị, vận hành và thông minh hoá các nhà mạng, và MobiFone rất cần 1 đội ngũ chuyên gia về chuyên sâu về AI “có đủ giờ bay” trong lĩnh vực này. MobiFone hình thành bộ phận về AI và tuyển dụng nhân tài từ bây giờ thì 3 năm nữa mới có thể có sản phẩm. AI sẽ làm thay đổi thị trường và thay đổi mô hình kinh doanh của DN.

Thứ trưởng lưu ý MobiFone tuân thủ việc siết chặt quản lý thuê bao, tin nhắn rác, SIM rác, cuộc gọi rác và nhiều chính sách quản lý khác nữa của Bộ TT&TT.

Thứ trưởng cũng cho biết Bộ TT&TT sẽ tổ chức đấu giá khối băng tần C3 còn lại sớm cho 5G trước ngày 10/7 nhưng câu chuyện triển khai thế nào cho hiệu quả mang lại lợi ích cho người dân thì cần MobiFone tập trung và triển khai các điển hình (use case) 5G để đóng góp phát triển kinh tế - xã hội.

ong-do-hong-hien.jpg
Ông Nguyễn Hồng Hiển: MobiFone sẽ chuyển đổi từ DN viễn thông thành DN công nghệ.

Trước các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch HĐTV MobiFone cho biết sự đồng hành và hỗ trợ của Bộ TT&TT trong giai đoạn này cực kỳ quan trọng khi mà các nhà mạng hiện nay đang trong giai đoạn bản lề, khó khăn.

Chủ tịch MobiFone cam kết phấn đấu, nỗ lực chuyển đổi từ DN viễn thông thành DN công nghệ, tiếp tục đóng vai trò quan trọng là 1 trong 3 chân kiềng của ngành TT&TT./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
MobiFone phấn đấu chuyển đổi thành doanh nghiệp công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO