Nghề viễn thông đã thay đổi căn bản
Người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhận định viễn thông giờ đây không chỉ giải câu chuyện “alô” mà phải sáng tạo, đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân.
Viễn thông Viettel tại nước ngoài đóng góp lớn cho nhà nước
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân Đội (Viettel) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất đạt 172.500 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, doanh thu nước ngoài của Viettel tăng trưởng 20,5%, duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới. Natcom xuất sắc vươn lên dẫn đầu tại Haiti, đưa Viettel giữ vị trí số 1 tại 6 thị trường nước ngoài (bao gồm: Natcom tại Haiti, Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào, Mytel tại Myamar, Telemor tại Đông Timor, Lumitel tại Burundi).
Trong 3 năm gần đây, năm 2021, tăng trưởng doanh thu là 16,3%; năm 2022 là 20,6% và năm 2023 là 20,5%. Thuê bao di động qua các năm như năm 2021 là 54 triệu thuê bao, năm 2022 là 57 triệu thuê bao và năm 2023 gần 62 triệu thuê bao.
Cũng theo Viettel, lĩnh vực an toàn thông tin do Viettel cung cấp dịch vụ hiện đã mở rộng kinh doanh ra 4 thị trường quốc tế gồm Nhật Bản, Myanmar, Đông Timor và Hong Kong.
Đồng thời, nền tảng tài chính số Viettel Digital Finance đã xuất khẩu ra 7 thị trường nước ngoài, nhiều thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Mozambique (+450%), Lào (+244%), Haiti (+232%), Đông Timor (+139%), Burundi (+91%).
Viettel Global đang vận hành 10 nhà mạng tại 10 quốc gia với tổng quy mô thị trường 270 triệu dân, gần 100 triệu khách hàng, nắm vị trí dẫn đầu tại 6 thị trường. Thành công của hoạt động đầu tư nước ngoài đã góp phần đưa Viettel trở thành thương hiệu có giá trị đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, là thương hiệu Việt Nam và thương hiệu viễn thông duy nhất của Đông Nam Á có mặt trên bảng xếp hạng Global 500 của Brand Finance. Viettel giữ vững ngôi vương tại Đông Nam Á, vị trí thứ 9 tại châu Á và 17 trên thế giới.
Những kinh nghiệm, bài học quý giá từ đầu tư nước ngoài
Theo Viettel, việc sớm đầu tư ra nước ngoài để tạo ra cơ hội cọ sát, hoàn thiện mọi mặt, tăng cường sức cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập toàn cầu. Viettel trưởng thành hơn khi “đối đầu” với các đối thủ lớn. Việc kinh doanh ở nhiều thị trường, có văn hóa khác nhau buộc Viettel phải nghiên cứu, xây dựng mô hình kinh doanh mới. Đó là những kinh nghiệm quý giá.
Có nhiều lý do giải thích cho việc Viettel đầu tư ra nước ngoài. Một trong những lý do chính là để mở rộng thị trường và tăng trưởng doanh thu. Viettel đã đạt đến mức bão hòa thị trường ở Việt Nam, và việc đầu tư ra nước ngoài là cách để Tập đoàn tiếp tục phát triển.
Vào năm 2012, Viettel đạt được hai thành công chính. Đó là Viettel trở thành DN viễn thông lớn nhất Việt Nam, về quy mô hạ tầng, thuê bao, doanh thu, lợi nhuận, đầu tư trong nước và nước ngoài, cung cấp dịch vụ và nghiên cứu sản xuất thiết bị. Ngoài ra, Viettel cũng tham gia tích cực hoạt động xã hội với tổng số hơn 80 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2011.
Thứ hai, trên bình diện quốc tế, Viettel đã quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Viettel trở thành 1 trong 30 DN viễn thông lớn nhất toàn cầu và có thị trường quốc tế hơn 110 triệu dân (gồm Lào, Campuchia, Đông Timor, Mozambique, Cameroon, Haiti và Peru), kinh doanh có lãi ở 4 nước với gần 10 triệu thuê bao.
Một lý do khác là để học hỏi các công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý từ các đối tác nước ngoài. Viettel đã hợp tác với các nhà cung cấp viễn thông hàng đầu thế giới, như Nokia, Ericsson, và Huawei, để học hỏi các công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý.
Ngoài ra, Viettel cũng muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của các quốc gia mà tập đoàn đầu tư. Viettel đã mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia này, bao gồm cung cấp dịch vụ viễn thông chất lượng cao, tạo việc làm, và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Viettel xác định đầu tư ra nước ngoài là chiến lược lâu dài và để duy trì sự phát triển bền vững của Viettel. Có thị trường lớn sẽ tạo ra lợi thế về quy mô, chi phí tối ưu hơn, điều kiện để tiêu thụ nhiều hơn sản phẩm mà Viettel sản xuất. Thị trường lớn giúp Viettel có cơ hội mở rộng các lĩnh vực mới như sản xuất thiết bị, truyền hình…
Đầu tư ra nước ngoài còn làm tăng giá trị thương hiệu của Viettel. Mặc dù ở các thị trường đầu tư, Viettel không sử dụng thương hiệu Viettel nhưng Viettel vẫn được biết đến và đang ngày càng có uy tín.
Mặt khác, việc đầu tư ra nước ngoài cũng giúp Viettel nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, tạo thêm mối quan hệ kinh tế bên cạnh quan hệ chính trị. Thế giới ngạc nhiên khi Viettel đầu tư vào những nước mà họ e ngại như Haiti hay vào nước giàu hơn Việt Nam như Peru.
Những người Viettel đi đầu tư nước ngoài như là những “chiến binh”
Để có được những thành công thì Viettel Global và các chi nhánh tại nước ngoài đã phải vượt không ít gian nan, khó khăn và thử thách. Tại buổi gặp mặt nhân dịp đầu năm 2024 mới đây của lãnh đạo Bộ TT&TT với đội ngũ cán bộ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel hiện đang được giao nhiệm vụ phát triển mạng lưới viễn thông của Việt Nam tại nước ngoài, ông Nguyễn Huy Dung, Tổng giám đốc Natcom tại Haiti đã chia sẻ những người Viettel đi đầu tư nước ngoài như là những “chiến binh”. Câu chuyện Viettel đầu tư tại Haiti có thể nói là một câu chuyện “thấm thía”.
Ông Nguyễn Huy Dung chia sẻ: Tại Haiti thương trường như chiến trường cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Kể từ khi Viettel kinh doanh tại Haiti đến nay luôn chứng kiến quốc gia này luôn ở trong tình trạng khó khăn, bất ổn với những diễn biến ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường.
Tính từ năm 2018 đến nay, tại Haiti khi thì thiên tai như động đất, rồi đến biểu tình, bạo loạn, phong toả… Natcom gặp nhiều khó khăn như bị phá hoại hạ tầng, bị tấn công có chủ đích, rơi tình trạng khan hiếm năng lượng… “Kinh doanh ở nước ngoài không có sự ứng cứu như ở trong nước nên phải tìm cách giải quyết hài hoà và đảm bảo chi nhánh an toàn”, ông Nguyễn Huy Dung chia sẻ.
Với những khó khăn khôn lường nhưng người đứng đầu Natcom cho rằng: “Chủ động, đối diện, vượt qua khó khăn như vậy sẽ trưởng thành hơn, quan trọng hơn là thể hiện được tinh thần, quảng bá được hình ảnh con người Viettel, con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế”.
Natcom ở Haiti đã nỗ lực chiếm lĩnh vị trí số 1 về di động trong năm 2023 nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu và mục tiêu xa hơn là xác định vươn lên vị thế số 1 trên thị trường viễn thông Haiti. “Để đạt được vị trí số 1 thì còn phải rất nhiều nỗ lực cả về thuê bao, doanh thu, đóng góp, vai trò của DN đối với chính phủ, người dân”.
Natcom cũng đã nhìn thấy con đường đi nhưng Haiti có đặc thù là điều kiện rất khó khăn, thường xuyên bất ổn, đặc biệt là hệ thống điện lưới quốc gia kém, chủ yếu vận hành bằng máy phát điện, năng lượng mặt trời. Theo đó, 3 - 7 năm tới, phát triển mạng lưới viễn thông chủ yếu hướng tới 4G, còn 5G là rất khó vì nguồn điện thấp. Cơ hội phát triển 5G là chưa rõ ràng.
Ông Nguyễn Huy Dung đã đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, người từng giữ cương đứng đầu Viettel và đã có những kinh nghiệm, trải nghiệm khi chỉ đạo Viettel kinh doanh tại thị trường nước ngoài chia sẻ những gợi mở và định hướng.
Trước đề nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Nhiều khi chúng ta thường nhìn bất ổn như là một bất lợi. Cứ nghĩ bao giờ ổn định mới phát triển. Thế giới giờ đây đang sống trong bất ổn và không thể dự đoán. Bất ổn ở Haiti thì cần nghĩ ra một cách phát triển trong bất ổn”.
Có cách phát triển trong bất ổn. Cách gì thì phải nghĩ. Nếu bất ổn do chính quyền thì “bám” vào đâu? Bộ trưởng cho rằng đó là phải “bám” vào người dân, cung cấp cho người dân những dịch vụ thiết yếu, không có dịch vụ đó thì việc sinh tồn khó khăn. Lúc đó người dân sẽ bảo vệ DN đã giúp họ.
Bộ trưởng lại đặt câu hỏi nhưng DN đã nghĩ ra dịch vụ thiết yếu đó chưa? Và theo Bộ trưởng, dịch vụ “alô” cũng không còn thiết yếu lắm nhưng dịch vụ thanh toán, chữa bệnh thì thiết yếu. Nếu mình cung cấp dịch vụ thiết yếu mà không có các dịch vụ đó người dân ở đó rất khó khăn. Có cách nào để lực lượng chống đối chuyển hướng thành lực lượng hỗ trợ mình?.
“Hãy nhìn vấn đề lùi và rộng ra. Trong lúc đối thủ cạnh tranh với mình sợ môi trường bất ổn thì người Việt Nam quen “chiến đấu” và Viettel đã có kinh nghiệm về việc này ở thị trường Burundi”.
Khi đảo chính bên Burundi, đối thủ cạnh tranh với Viettel đã chuyển sang Tanzania còn Viettel ở lại. Lần đầu tiên trong lịch sử viễn thông thế giới trong vòng 6 tháng, từ một DN viễn thông đang ở vị trí thứ 3 lên vị trí thứ 1 mà thời gian thường phải mất 5 năm để lên được vị trí thứ 1. “Hãy nhìn ở góc nhìn khác là xây dựng công ty trong bối cảnh bất ổn thì sẽ ra một mô hình mới cùng với việc khai thác công nghệ và nhiều khả năng khác”.
Bộ trưởng cũng chia sẻ câu chuyện 4G trên thế giới phổ biến phải đến khoảng năm 2030, nước nghèo như Haiti, 4G phổ biến cũng phải ngoài năm 2030. 5G chạy ở các tần số cao nên băng thông tốt hơn và 5G cho nhiều bit hơn. 5G cũng không phát công suất ra bên cạnh, không gây nhiễu và vì thế tốc độ tăng lên gấp đôi. Công nghệ anten 5G tốt hơn nên nếu vào thời điểm ít người dùng như ban đêm công suất sử dụng sẽ giảm và “ngủ”. Theo đó, việc cấp nguồn sẽ ít hơn, công suất lúc “ngủ” chỉ còn 5%. “Nếu đầu tư 5G rẻ hơn sao không đầu tư?” Bộ trưởng gợi mở.
Viễn thông đã thay đổi căn bản
Người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Viễn thông bây giờ có thay đổi rất căn bản”. Viễn thông ngày xưa thì gọi là thông tin liên lạc, tức là giải câu chuyện “alô”, giải câu chuyện nhắn tin và câu chuyện truy cập Internet. Bao lâu, viễn thông chỉ có mấy việc đó và không nghĩ ra việc gì mới cả nên nghề viễn thông rất giở, giở ở chỗ là người làm viễn thông không phải sáng tạo gì, không phải nghiên cứu gì.
Bây giờ, theo Bộ trưởng, viễn thông không phải viễn thông nữa mà trở thành hạ tầng của nền kinh tế số. Trở thành hạ tầng của nền kinh tế số có nghĩa là nền kinh tế có cái gì thì sẽ chạy trên viễn thông.
Viễn thông trở thành hạ tầng của nền kinh tế. Hạ tầng kinh tế có bao nhiêu thứ, có đến hàng triệu thứ. Những thứ đó viễn thông nên nắm bắt để làm, như tạo ra những ứng dụng mới, như ứng dụng hỗ trợ khám bệnh từ xa, trợ lý ảo có thể hỗ trợ người cần học đại học không phải đến trường vẫn học được và có thể kinh doanh ứng dụng như thuê bao mỗi tháng, với mức 3 USD/tháng chẳng hạn. Các ứng dụng thanh toán, giải trí Viettel đã làm rồi nhưng ứng dụng bán hàng chưa làm.
Trung Quốc làm ứng dụng bán hàng rất đơn giản, như phát triển ứng dụng mà người dân muốn mua kính mắt có thể gọi đến trung tâm gọi (call center) của một DN bán kính để mua kính. Khi gọi đến trung tâm gọi sẽ có màn hình hiện một trợ lý ảo AI và người mua có thể đưa ra các yêu cầu từ gọng, màu, giá kính và thử kính để rồi thực hiện giao dịch thanh toán. Trung Quốc giờ chủ yếu bán hàng cách này. Viễn thông có thể nghĩ ra vô vàn ứng dụng cho đời sống.
Bộ trưởng chia sẻ viễn thông giờ phải xác định nghề của mình không phải là nghề trèo cột nữa, không phải nghề bán “data” nữa mà nghề chính là sáng tạo ra các dịch vụ, các ứng dụng 3G, 4G, 5G. Nhà mạng China Mobile có 30.000 ứng dụng. Viễn thông thế giới bây giờ thì có tổng số 150.000 ứng dụng các loại, ngoài 3 dịch vụ nhắn tin, alô và data. Nhà mạng giờ nên dành khoảng 0,5% doanh thu để chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để tìm hiểu, phát triển những ứng dụng mới. Trước khi phát triển ứng dụng mới, các chi nhánh nước ngoài của Viettel xem xét những ứng dụng gì đã có rồi thì chi nhánh ở nước ngoài dùng luôn.
“Làm sáng tạo thì thực sự “sướng” bởi vì đúng là nghề chứ trèo cột, đào đất, kéo cáp quang cũng vui nhưng mà không vui lắm, không phải sáng tạo”.
Bộ trưởng nhấn mạnh nghề viễn thông từ năm 2020 trở thành nghề R&D. Phải chuyển nghề một cách căn bản, thay vì đầu tư mạng lưới, khai thác dịch vụ từ mấy chục năm rồi thì sáng tạo dịch vụ mới, cung cấp cho người dân và vì thế có việc làm mới.
Bộ trưởng gợi mở có thể phát triển ứng dụng bảo tàng số cá nhân, thư viện số cá nhân... Mỗi người dùng có một cái bảo tàng số cá nhân, thư viện số. Con người thường sợ bị lãng quên nếu phát triển được bảo tàng số cá nhân thì rất đặc biệt hay mỗi người có một thư viện số thì đi đâu cũng có thể đọc được, chuyển nhà cũng không phải chuyển theo nhiều cuốn sách.
“Nghề viễn thông khác rồi, nếu sáng tạo ra các ứng dụng ý nghĩa thì người dân không thể thiếu DN viễn thông được”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay./.