Bí ẩn nữ tính
Cuốn sách Bí ẩn nữ tính của nữ tác giả Betty Friedan được NXB Phụ nữ ấn hành vào đầu tháng 3/2022 để dành cho những phụ nữ đang loay hoay tìm cách lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn.
Bí ẩn nữ tính của Betty Friedan - một cuốn sách được coi là quan trọng nhất của thế kỷ XX đã phanh phui vị thế của phụ nữ trong xã hội Hoa Kỳ sau Đại chiến II. Theo tác giả, khái niệm "bí ẩn nữ tính" đã được người Mỹ tạo ra và duy trì bằng sách, báo, tivi và các chuẩn mực giá trị thời thượng liên quan đến "tổ ấm gia đình", để bóp nặn cuộc đời người phụ nữ, tạo ra niềm tin rằng những bất công thiệt thòi mà họ đang chịu đựng là gắn liền với ý đồ sáng tạo đầy bí ẩn của Thượng đế chứ không phải do tiến trình lịch sử xã hội tạo ra.
Bí ẩn nữ tính tiếp thêm năng lượng cho sự tái trỗi dậy của phong trào nữ quyền bằng mô tả đúng y "vấn đề không tên": những niềm tin và thể chế âm ỉ, những thứ đã hủy hoại lòng tin về khả năng tri thức của phụ nữ và giữ họ ở nhà. Viết vào thời mà phụ nữ trung bình kết hôn lần đầu ở tuổi thiếu niên và 60% nữ sinh đại học bỏ học để kết hôn - hoặc để ngăn mình khỏi trở nên ế ẩm - Betty Friedan đã nắm bắt được những bực bội, khát khao bị ngăn trở của một thế hệ và cho phụ nữ thấy họ có thể giành lại đời mình như thế nào.
Friedan củng cố nhận thức sắc bén của mình bằng nghiên cứu trên diện rộng, bắt đầu với cuộc khảo sát bạn học ở Đại học Smith của mình 15 năm sau ngày họ tốt nghiệp. Phát hiện thấy nhiều người trong số họ phiền muộn nhưng chẳng thể chỉ ra nguyên do, bà đem nỗi thống khổ của họ bày ra trang giấy.
Vừa là bản phân tích xã hội, vừa là bản tuyên ngôn, Bí ẩn nữ tính chứa đầy góc nhìn phơi bày, những giai thoại và cuộc phỏng vấn hấp dẫn, những cái nhìn sâu sắc, tươi mới, những thứ tiếp tục truyền cảm hứng cho tâm hồn nhạy cảm của phụ nữ.
Cuốn sách của bà thuộc loại bán chạy trên toàn quốc, với hơn 1 triệu bản được bán ra trong vòng 5 năm đầu.
Trái tim mù lòa và Tiền từ Hitler
Cuốn sách Trái tim mù lòa củatác giả Julia Franck, kể về tuổi thơ mộng mơ của Helene trôi qua ở vùng Lausitz trước thềm Thế chiến I. Câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào trong bối cảnh lịch sử đau thương, số phận nghiệt ngã cùng với những bi kịch gia đình giữa hai Thế chiến? Đứng trước chiến tranh, những biến cố trong đời và sự khắc nghiệt của bối cảnh, liệu tình yêu và tâm hồn của một người có còn được vẹn nguyên?
Trong cuốn tiểu thuyết có dung lượng chưa đầy 400 trang nhưng có tầm vóc thực sự đồ sộ này, Julia Franck kể về một cuộc đời bị nghiền nát trong guồng máy của một thế kỷ đáng sợ (Do Thái - Đức Quốc xã) và câu chuyện về một phụ nữ kiên cường và đầy mê hoặc.
Bằng giọng văn giàu hình ảnh và trí tưởng tượng phong phú, nhà văn nổi tiếng người Séc Radka Denemarková đã miêu tả một thế giới bất công và tăm tối trong tác phẩm Tiền từ Hitler. Đó là câu chuyện của Gita Lauschmann, cô gái sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần Do Thái nhưng nói tiếng Đức tại ngôi làng Puklice ở Séc. Sáu chương truyện trong tác phẩm là sáu lần nỗ lực trở về quê hương từng là nơi cô trải qua tuổi thơ hạnh phúc trước khi chiến tranh xảy ra.
Vào năm 1945, thiếu nữ 16 tuổi Gita Lauschmanová rời trại tập trung của Đức Quốc xã và phải đối diện với thực tế phũ phàng đáng kinh ngạc rằng trên thực tế không có nơi nào để về. Trải qua muôn vàn khốc liệt, giờ đây cô gái mồ côi Gita quay trở lại ngôi làng của mình với hi vọng sẽ nhận được sự chào đón của người dân ở nơi cô sinh ra và lớn lên.
Nhưng thứ Gita nhận được chỉ là sự thù ghét từ những người từng làm thuê cho bố của cô, chính họ lúc này đã chiếm đoạt toàn bộ tài sản và nhà cửa của gia đình Gita. Bọn chúng gán cho cô cái mác phát xít, chúng khiến cô một lần nữa sống trong đọa đày và thống khổ cùng cực. Đối với cô, sống không còn là vấn đề đúng hay sai. Gita may mắn trốn thoát và được người dì ở Praha cưu mang.
60 năm sau, vào mùa hè năm 2005, Gita Lauschmannová lúc này đã là bác sĩ về hưu. Bà quyết định quay lại ngôi làng để đòi lại công lý cho gia đình. Nhưng một lần nữa, người dân nơi đây quyết liệt chống đối lại bà, người duy nhất ủng hộ bà chính là con trai của gia đình trước kia từng tống cổ bà khỏi ngôi nhà của mình.
Liệu rằng sau tất cả đau khổ và oan ức mà Gita Lauschmannová phải chịu đựng ngần ấy năm, bà có thể khiến người dân Puklice thừa nhận sai lầm của họ, liệu bà có thể được nhận dù chỉ là một lời xin lỗi trước khi bệnh tật khiến bà gục ngã và từ giã cõi đời???
Tác phẩm đã nhận được giải thưởng Magnesia Litera danh giá của Cộng hòa Séc cho thể loại Văn học Séc ở hạng mục văn xuôi năm 2007; Giải thưởng Văn học Usedom và Giải thưởng Georg Dehio./.