Một mình băng qua "Địa ngục Trắng" -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ

Trang Ly| 02/04/2020 15:02
Theo dõi ICTVietnam trên

"Chúng ta là chủ nhân của số phận. Chừng nào chúng ta còn niềm tin cùng một ý chí chiến thắng không gì có thể khuất phục, thì cán đích chỉ còn là vấn đề thời gian" - Winston Churchill.

Một mình băng qua Địa ngục Trắng -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ - Ảnh 1.

Một mình băng qua Địa ngục Trắng -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ - Ảnh 2.

Giữa chốn hư không bất tận, giữa vùng băng tuyết phủ kín mênh mông, dáng người nhỏ bé, cô độc của một người đàn ông hiện lên như một đốm đen lẻ loi. Bốn phương tám hướng đều bị tuyết lạnh bao trùm. Không một dấu chân hữu hình của loài gấu. Không một cánh chim thậm chí bay lạc đàn. Chỉ có ông: Henry Worsley - Nhà thám hiểm, cựu sĩ quan quả cảm của Quân lực Hoàng gia Anh.

Một mình băng qua Địa ngục Trắng -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ - Ảnh 3.

Không một thiết bị hay đội trợ giúp phía sau, Henry Worsley quyết tâm trở thành người đầu tiên trong lịch sử đi bộ xuyên Nam Cực mà không có thêm bất cứ sự trợ giúp bên ngoài nào ngoài ý chí và trái tim dũng cảm.

Giữa cái lạnh âm 40 độ C cắt da cắt thịt ấy, chỉ việc thở thôi cũng đầy khó khăn. Băng tuyết lạnh lùng cướp đi những nhịp ấm nóng mà Henry Worsley nỗ lực lắm mới có thể giúp lồng ngực mình nâng lên-hạ xuống. Hơi ẩm vừa thoát ra đã bị hóa băng đá. Những luồng gió "sát thủ" quất mạnh vào mặt, vào đốm đen lẻ loi đó càng khiến cho ông nhanh chóng mất phương hướng và kiệt sức hơn. Tọa độ vị trí của Henry Worsley lúc đó là ở đỉnh núi Titan Dome, cao 3.100 mét so với mực nước biển. Có hề gì khi ông đã quen với thử thách khắc nghiệt đến kiệt cùng này hơn 2 tháng trời ròng rã.

62 ngày trước, vào 13/11/2015, Henry Worsley bắt đầu chuyến độc hành xuyên Nam Cực. Hành trang của Henry Worsley khi đi là tình yêu của gia đình, sự cổ vũ của đồng đội và khát khao cháy bỏng khi ông còn thơ bé: Viết tiếp giấc mơ của Sir Ernest Shackleton - nhà thám hiểm vĩ đại người Anh từng có chuyến hành trình dở dang băng qua Nam Cực cùng đồng đội 1 thế kỷ trước đó.

Để đi bộ xuyên Nam Cực, Henry Worsley phải hoàn thành hành trình dài hơn 1.600 km tại vùng lãnh nguyên lạnh thấu xương bằng chính đôi chân của mìnhtheo cả nghĩa đen và nghĩa bóngmà không có bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Chưa một ai trên thế giới dám làm điều mà Henry Worsley đang làm khi ấy.

Điều gì đã tôi luyện nên một con người quả cảm ấy, để rồi, đến những khoảnh khắc cuối đời tưởng chừng kéo dài vô tận giữa một thế giới đầy tuyết lạnh, Henry Worsley vẫn mỉm cười?

Một mình băng qua Địa ngục Trắng -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ - Ảnh 4.

Sir Ernest Shackleton (1874-1922) là nhà thám hiểm vĩ đại người Anh gốc Ireland. Ông là nhân vật điển hình của thời kỳ Thời đại Anh hùng trong hành trình Thám hiểm Nam Cực.

Bất chấp nỗ lực phản đối của cha cho rằng con trai phải theo đuổi ngành y, năm Ernest Shackleton 16 tuổi, anh gia nhập đội thương thuyền của Hải quân Hoàng gia Anh và có cơ hội mở mang tầm mắt, du lịch khắp nơi.

Càng đi nhiều, Ernest Shackleton càng thấy miền hoang dã đang vẫy gọi và chờ đợi mình. Năm 1901 đánh dấu bước ngoặt cuộc đời của chàng thanh niên đầy khát vọng khi anh cùng Robert Falcon Scott thực hiện chuyến hành trình về Nam Cực lần đầu tiên. Lần đi này thất bại vì họ gặp vấn đề về sức khỏe.

Năm 1911, giấc mơ trở thành người đầu tiên đặt chân đến Nam Cực của Ernest Shackleton đã tan vỡ, khi nhà thám hiểm người Na Uy Roald Amundsen đến điểm cực nam của Trái Đất thành công. Thành tích này buộc Ernest Shackleton phải đặt mục tiêu của mình cao hơn: Đi xuyên qua Nam Cực qua điểm cực nam.

Vào ngày 1/ 8/1914, cùng ngày Đức tuyên chiến với Nga, Ernest Shackleton rời London trên con tàu Endurance cho chuyến đi thứ ba đến Nam Cực. Đến cuối mùa Thu, đoàn thám hiểm 29 người do Ernest Shackleton dẫn đầu đã đến Nam Georgia, một hòn đảo ở phía nam Đại Tây Dương. Bắt đầu từ đây, Endurance và đội Ernest Shackleton gặp đại nạn, nhưng cũng chính thử thách khắc nghiệt này đã ghi danh Ernest Shackleton mãi mãi, khiến ông được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ (Sir).

Một mình băng qua Địa ngục Trắng -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ - Ảnh 5.

Vào tháng 1/1915, tàu Endurance bị mắc kẹt trong băng, buộc thuyền trưởng Ernest Shackleton và đồng đội phải rời tàu và dựng trại trên tảng băng trôi ở Đảo Voi, sống qua ngày nhờ nguồn thực phẩm dự trữ và chờ băng tan trong nhiều tháng trời.

Do va chạm vào các tảng băng nhỏ, tàu Endurance vỡ và chìm vào đại dương vào ngày 21/11/1915. Thực phẩm dần khan hiếm, tuyết lạnh bao trùm, Ernest Shackleton lập kể hoạch cùng 5 người còn nhiều sức nhất lên thuyền nhỏ tìm về đất liền. Sau vài tháng lênh đênh trên biển cùng với những thử thách khủng khiếp nhất, Ernest Shackleton đã đến đảo Nam Georgia thành công.

Vào ngày 25/8/1916, Ernest Shackleton trở lại Đảo Voi để giải cứu các thành viên còn lại. Điều đáng kinh ngạc là, không một thành viên nào trong đội 28 người của Ernest Shackleton bị chết sau 2 năm lưu lạc trên băng tuyết. Quan trọng hơn hết, không một ai bị bỏ lại.

Khi được hỏi làm thế nào đội của mình có thể sống sót và tránh được kết cục bi thảm hiển nhiên, một thủy thủ đoàn chỉ trả lời vọn vẹn rằng:"Shackleton".

Có thể, chuyến đi xuyên Nam Cực của tàu Endurance còn dang dở, có thể lịch sử chưa thể vang danh Ernest Shackleton và đội của ông là những người đầu tiên đi xuyên qua Nam CựcNHƯNGthứ xúc động lòng người nhất, thứ người ta cảm phục nhất và đáng ngạc nhiên nhất chính là bản lĩnh người đứng đầu của Ernest Shackleton.

Tinh thần lạc quan, ý chí sắt đá về sự sống đến cùng và sự an toàn của đồng đội phải đặt lên hàng đầu đã giúp chuyến thám hiểm Nam Cực tuy nửa chừng của Ernest Shackleton thành công ngoài sức tưởng tượng. Chuyến đi năm 1914 của Ernest Shackleton nổi bật lên chân lý cốt lõi: Hành trình cao hơn đích đến!

Một thế kỷ sau, có một hậu nhân đã thấm nhuần chân lý ấy. Ông chính là Henry Worsley.

Một mình băng qua Địa ngục Trắng -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ - Ảnh 6.

Chưa đầy 1 tháng trước khi thực hiện chuyến đi cuối cùng của mình về Nam Cực, Trung tá Henry Worsley 55 tuổi quyết định rời khỏi quân ngũ sau 36 năm trung thành phục vụ cho tổ quốc.

Sinh ra trong gia đình truyền thống phục vụ trong quân đội, cha của ông là một vị tướng, nghiệp binh của Henry Worsley bắt đầu từ năm 1979 khi đó, ông mới là chàng thanh niên 19 tuổi đầy sức trẻ. Năm 1988, sau khi vượt qua khóa tuyển chọn của Lực lượng Hàng không Đặc biệt (SAS), Henry Worsley gia nhập lực lượng trinh sát đặc biệt chống khủng bố.

Trên chiến trường, ông là một người lính quả cảm. Với tầm nhìn sắc bén và cái đầu lạnh đầy quyết đoán, Henry Worsley được cấp trên tin tưởng và giao phó các sứ mệnh đặc biệt. Ông từng là sĩ quan chỉ huy của Tiểu đoàn 2 thuộc Binh đoàn Áo xanh Hoàng gia (RGJ); Trực tiếp chỉ huy "Chiến dịch Veritas" của Anh chống lại khủng bố Taliban ở Afghanistan năm 2001 - Một năm sau khi Henry Worsley được thăng cấp Trung tá (năm 2000)...

Không chỉ phục vụ cho Quân lực Hoàng gia Anh, Trung tá Henry Worsley còn phục vụ ở Bắc Ireland, Bosnia và Kosovo. Chuyến công du cuối cùng của ông trước khi nghỉ hưu là tại Mỹ. Khi đó ông là sĩ quan điều hành đặc biệt tại Lầu Năm Góc - thay mặt cho Quân đội Anh tham gia lực lượng đặc nhiệm của Mỹ.

Gần 4 thập kỷ trải qua những khói đạn chiến tranh, đối mặt với ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết, Henry Worsley như được tôi luyện để trở thành chiến binh dũng cảm, sẵn sàng đối đầu thử thách khắc nghiệt nhất.

Hình ảnh của nhà thám hiểm vĩ đại Sir Ernest Shackleton mà Henry Worsley ấp ủ không nguôi thời thơ ấu vì thế mà ngày càng lớn dần lên theo năm tháng. Ước mong đặt chân đến Nam Cực thôi thúc mạnh mẽ trong ông.

Một mình băng qua Địa ngục Trắng -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ - Ảnh 7.

Tháng 3/2004, Henry Worsley liên lạc với Alexandra Shackleton - cháu gái của nhà thám hiểm thần tượng trong lòng ông - sau khi hai người có cuộc gặp gỡ đầy tình cờ tại nhà đấu giá Christie ở London (Anh) khi Henry Worsley đấu giá thành công bức tranh có chữ ký của Sir Ernest Shackleton.

Sau khi lắng nghe những chia sẻ về khát khao đặt chân đến Nam Cực, cháu gái của nhà thám hiểm vĩ đại đã giới thiệu cho Henry Worsley một "hậu duệ" của Sir Ernest Shackleton. Người này có tên Will Gow, một nhân viên ngân hàng 33 tuổi.

Trong quán rượu nhỏ ở thành London, Henry Worsley say mê nghe Will Gow kể về cuộc "Thám hiểm Nimrod" - chuyến chinh phục đầu tiên của Sir Ernest Shackleton đến Nam Cực cách đó (thời điểm năm 2004) gần 100 năm.

Dù cuộc "Thám hiểm Nimrod" (đi xa hết mức có thể về phía nam) thất bại nhưng hành trình đến phía Nam của đoàn thám hiểm do Ernest Shackleton dẫn đầu đã đạt đến vĩ độ Nam xa nhất (Farthest South latitude) lúc bấy giờ ở tọa độ 88° 23' Nam, 162° Đông -chỉ còn cách đích 180 km. Ngày 9/1/1909, Ernest Shackleton đã cắm một lá cờ của Anh lên băng, tự hào nói theo cách của mình rằng, nước Anh sở hữu cao nguyên này dưới danh nghĩa của Đức vua Edward VII (1841-1910).

Khi chỉ còn cách đích 180 km, Ernest Shackleton đứng trước 2 lựa chọn: Hoặc đi tiếp (vì ông vẫn đủ sức, trong khi các thành viên còn lại đã kiệt sức) - Hoặc quay về thất bại. Cuối cùng Ernest Shackleton đưa ra quyết định khiến Henry Worsley ngạc nhiên và khâm phục bội phần: Quay về để đảm bảo tính mạng của đồng đội!

Cùng khâm phục Ernest Shackleton, cùng có khát khao đặt chân đến Nam Cực, Henry Worsley và Will Gow lên kế hoạch: Đạt đến điểm xa nhất của Ernest Shackleton vào đúng ngày 9/1/2009 - để kỷ niệm tròn 100 năm chuyến đi của nhà thám hiểm vĩ đại Anh.

Năm 2008, Henry Worsley thực hiện chuyến hành trình lần đầu tiên đến Nam Cực mang tên "Matrix Shackleton Centenary Expedition", đi cùng với ông ngoài Will Gow, còn có Henry Adams - luật sư 32 tuổi, cháu của Jameson Boyd Adams - là chỉ huy thứ hai trong chuyến "Thám hiểm Nimrod".

Một mình băng qua Địa ngục Trắng -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ - Ảnh 8.

Lộ trình kế hoạch của "Matrix Shackleton Centenary Expedition" do Henry Worsley, Will Gow, Henry Adams thực hiện năm 2008 - 2009. Nguồn: The New Yorker

Trong ngày thứ 43 của cuộc hành trình mang tên "Matrix Shackleton Centenary Expedition", đội của Henry Worsley khi leo lên vòm băng Titan Dome cao 3.100m so với mực nước biển, đã phải đối mặt với những điều kiện tàn khốc nhất: Cơn bão mạnh và nhiệt độ gió lạnh âm 60 độ C. Không khí lạnh thổi vào phổi họ như thể họ đang hít thở vào lồng ngực mình ngọn lửa nung.

Khi cả đội gần như sức cùng lực kiệt, Henry Worsley đã mở một phong thư chứa câu nói mà cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill (1874-1965)từng nói: Chúng ta là chủ nhân của số phận. Chừng nào chúng ta còn niềm tin vào sự nghiệp của mình cùng một ý chí chiến thắng không gì có thể khuất phục, thì cán đích chỉ còn là vấn đề thời gian.

Henry Worsley đọc to từng chữ. Từng chữ vang lên như một lời hiệu triệu rồi bất tỉnh vì kiệt sức. Henry Adams thì bắt đầu nôn mửa vì say độ cao. Will Gow cũng chẳng khá hơn. Hai ngày sau đó, cơn bão dịu dần và họ lại tiếp tục hành trình đến điểm mà nhà thám hiểm huyền thoại từng đặt chân đến.

Và rồi thiết bị GPS kết nối vệ tinh trong tay của người lính từng đối mặt với bom đạn chiến tranh bỗng vang lên liên hồi. Màn hình hiện thông số: Tọa độ 88° 23' Nam, 162° Đông.

"Chính là nó" - Henry Worsley dùng hết sức lực để hét lên, thông báo với đồng đội. Nhiệt độ khi đó là âm 30 độ C, quá lạnh để nán lại lâu. Họ sắp xếp chụp lại bức ảnh giống như cách đó 1 thế kỷ Sir Ernest Shackleton đã làm.

Ảnh trái: Nhóm thám hiểm của Ernest Shackleton chụp ảnh tại điểm có tọa độ 88° 23' Nam, 162° Đông. Ảnh phải: Tròn 100 năm sau, nhóm thám hiểm của Henry Worsley cũng cắm quốc kỳ Anh, chụp bức ảnh tại đúng vị trí đó. Ảnh: Photograph from Royal Geographical Society / Shackleton Foundation.

Cùng một tọa độ, cùng một lá quốc kỳ, cùng 3 con người quả cảm... tại cột mốc 156km tính từ điểm xuất phát, đội của Henry Worsley và Sir Ernest Shackleton - 2 thế hệ thám hiểm Nam Cực vĩ đại của Anh - đã gặp nhau sau đúng 100 năm: Ngày 9/1/1909 - Ngày 9/1/2009.

Khi cuộc hành trình đã gần kết thúc, Henry Worsley thấy nước mắt đóng băng trên đôi má mình: Ông đã không được tận hưởng niềm vui và sự nhẹ nhõm như vậy kể từ khi còn là một cậu bé.

Cả đội ôm trầm lấy nhau. Từ những con người xa lạ, họ đã học được cách tin tưởng lẫn nhau, đoàn kết và đã vượt qua thử thách khắc nghiệt kiệt cùng của tự nhiên và sức chịu đựng có hạn của con người. HỌ ĐÃ THÀNH CÔNG!

Một mình băng qua Địa ngục Trắng -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ - Ảnh 10.

Ngày 24/1/2016, Trung tá, nhà thám hiểm Nam Cực người Anh Henry Worsley qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của thân nhân và đồng đội.

Vào ngày đó,New York Timesđã đăng bài viết kể về chuyến hành trình cuối cùng của ông về Nam Cực vào tháng 11/2015: Trong thời tiết khắc nghiệt âm 40 độ C, trước những cơn cuồng phong ở độ cao hơn 2.700 m, Henry Worsley mặc đồ leo núi và kéo theo một chiếc xe trượt để mang tư trang, bao gồm một chiếc lều, thiết bị liên lạc điện tử, dụng cụ leo núi và thức ăn đủ cho 80 ngày - chỗ đồ này nặng hơn 136 kg. Trung bình một ngày trong hành trình, ông đi bộ 13 giờ đồng hồ.

Henry Worsley là người đầu tiên trên thế giới dám thực hiện chuyến thám hiểm băng qua Nam Cực bằng chính đôi chân của mình mà không có bất cứ ai hay máy móc nào hỗ trợ. Mục đích cao cả của người chiến binh quả cảm ấy là gây quỹ từ thiện cho thương binh.

Một mình băng qua Địa ngục Trắng -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ - Ảnh 11.

Túp lều của Henry Worsley những ngày cuối đời trước khi được trực thăng cứu hộ đưa đến bệnh viện thành phố tại Chile. Ảnh: Henry Worsley

Những ngày bị gió bão Nam Cực ghim chặt trong túp lều nhỏ, Henry Worsley viết nhật ký. Ông kể về những vết thương rách toạc trên cơ thể. Kể về những cơn đau từ lồng ngực. Kể về ý chí không chịu khuất phục với những tính từ khiến người nghe phải bật khóc.

Tuy nhiên, sự sống của ông tỉ lệ nghịch với độ dày của những trang nhật ký.

Vào ngày 22/1/2016, sau 71 ngày và một chuyến đi gần 1287 km, Henry Worsley cuối cùng đã nhấn nút và kêu gọi viện trợ. Khi máy bay đến cứu hộ, Henry Worsley vẫn tự hào khi thấy mình có thể tự đứng dậy.

Chiều ngày 23, người theo dõi chuyến thám hiểm của Henry Worsley qua vệ tinh là Steve Jones đã gọi điện khẩn cho Joanna Worsley - vợ của Henry Worsley. Nhưng bà đã không kịp gặp mặt chồng mình lần cuối cùng trong bệnh viện.

Henry Worsley mất ngày 24/1/2016 vì suy đa tạng.

Khi máy báy đáp xuống thành phố Punta Arenas (Chile), bà Joanna Worsley nhìn thấy chiếc quan tài trong một nhà thờ. Bên trong là hình ảnh người chồng thân thương của bà, gương mặt của ông rất yên bình, thanh thản. Bà cúi xuống hôn tạm biệt. Trên làn da vẫn còn vương chút hơi ấm, tựa như những lạnh giá của Nam Cực chưa một lần thấm vào cơ thể của ông.

Dù chuyến hành trình đi bộ xuyên Nam Cực của Henry Worsley chỉ cách đích rất ngắn nhưng câu chuyện của Henry Worsley đã lan tỏa khắp nước Anh. Quỹ Endeavour Fund đã gây quỹ thành công hơn 100.000 bảng Anh, theo đúng nguyện vọng khi còn sống của Henry Worsley, để giúp đỡ những quân nhân bị thương trong chiến tranh.

Khi tin tức về sự ra đi của Henry Worsley đến Vương quốc Anh, Hoàng tử William gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nhà thám hiểm, Hoàng tử cảm nghĩ: "Chúng ta đã mất đi một người bạn, nhưng anh ấy sẽ vẫn là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta. Ngay cả khi rời quân ngũ, anh ấy vẫn hết lòng vì quân nhân".

Một mình băng qua Địa ngục Trắng -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ - Ảnh 12.

Danh thủ bóng đá người Anh David Beckham đã đăng trên Facebook hình ảnh 2 người chụp chung với nhau khi David Beckham đến Nam Cực kèm dòng note để tưởng nhớ Henry Worsley:

"Không có từ nào có thể diễn tả hết nỗi đau buồn về sự ra đi của Henry Worsley. Tôi đã may mắn gặp Henry trên đường đến Nam Cực. Anh ấy là một quân nhân hết lòng phục vụ cho tổ quốc, một người chồng-người cha nói về gia đình với niềm tự hào đong đầy trong ánh mắt."

Báo chí ca ngợi Henry Worsley là "một trong những nhà thám hiểm vùng cực vĩ đại trên thế giới", "một người hùng tái thế".

Ông đã được truy tặng Huân chương Polar, huân chương mà hai nhà thám hiểm vĩ đại Robert Falcon Scott và Shackleton từng vinh dự được nhận.

Nancy F. Koehn, tác giả cuốn sách "Ernest Shackleton, khám phá biệt tài lãnh đạo", viết rằng: "Henry Worsley thần tượng Ernest Shackleton là người hùng của anh ấy. Còn chúng ta xem anh ấy (Henry Worsley) là người hùng trong lòng chúng ta".

Cháu gái của Sir Ernest Shackleton, bà Alexandra Shackleton, nói với BBC rằng: "Sự ra đi của ông là một mất mát to lớn đối với thế giới phiêu lưu mạo hiểm. Chỉ còn cách mục tiêu 48 km ngắn ngủi nữa là Henry Worsley có thể hoàn thành chuyến hành trình huyền thoại của mình."

Paul Rose, cựu chỉ huy cơ sở khảo sát Nam Cực của Anh cho biết: "Henry Worsley không phải là một gã điên tùy tiện tham gia vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm đi xuyên Nam Cực bằng chân không. Ông ấy thực sự đã tính toán mọi việc rất thấu đáo. Thế nhưng, tình cảnh vẫn không thay đổi từ thời nhà thám hiểm huyền thoại Robert Falcon Scott và Ernest Shackleton. Nam Cực vẫn là nơi cực kỳ khắc nghiệt".

Một mình băng qua Địa ngục Trắng -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ - Ảnh 13.

Joanna, Max và Alicia Worsley đã đến đảo Nam Georgia vào năm 2017 để chôn cất phần tro cốt của nhà thám hiểm Henry Worsley. Ảnh: Roger Pimenta

Lễ tang của Henry Worsley được tổ chức vào ngày 11/2/2016, tại nhà thờ St. Paul ở Knightsbridge, trung tâm London. Hàng trăm người đã đến, trong đó có Hoàng tử William, Tướng Nick Carter, Henry Adams và Will Gow.

Trong điếu văn tiễn biệt người đồng đội cũ của Henry Adams có đoạn:

"Tôi không chắc Henry Worsley có thích danh hiệu "người hùng" hay không, nhưng những tháng ngày cùng anh ấy và Will Gow trải qua thách thức khắc nghiệt của Nam Cực, tôi thấy anh ấy đơn gian là một người chồng, người cha yêu thương gia đình hết mực. Ở anh ấy hội tụ nhiều phẩm chất cao quý của một người đàn ông chân chính nhất mà tôi từng gặp. Henry Worsley - một người đồng đội tuyệt vời nhất trong đời tôi!"

Một năm sau ngày hài cốt của Henry Worsley được hỏa táng, vợ và các con của ông (là Joanna, Max và Alicia Worsley) đã mang tro cốt của Henry Worsley lên chôn cất tại đảo Nam Georgia lạnh giá (phía nam Đại Tây Dương, thuộc Anh).

Bài viết sử dụng các nguồn:TheNew Yorker, Biography, Independent

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Một mình băng qua "Địa ngục Trắng" -40 độ C: Đây là nhà thám hiểm khiến David Beckham rất ngưỡng mộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO