Chỉ biết nghề trồng dâu nuôi tằm ở Hồng Lý đã đạt đến thời kỳ "hoàng kim" khi xã có khoảng trên 250ha dâu, thu hút hơn 1.000 hộ gia đình tham gia sản xuất. Nhưng cũng đi qua giai đoạn khó khăn, điêu đứng khi mất mùa, chất lượng tơ kém và cơ chế hỗ trợ của các cấp, các ngành chưa đầy đủ nên người dân địa phương phá bỏ hàng loạt khiến diện tích dâu giảm xuống hơn chục lần, chỉ còn hơn 20ha.
Trải qua giai đoạn khó khăn, nhờ quyết tâm gắn bó với nghề cha ông để lại mà mấy năm gần đây, sản xuất ổn định, năng suất, thị trường kén tằm bảo đảm đã tạo điều kiện cho bà con Hồng Lý tiếp tục duy trì, phục hưng nghề truyền thống.
Hợp tác xã địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất dâu, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi bảo đảm nước tưới tiêu thuận lợi. HTX tổ chức cho nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu, phòng chống dịch bệnh cho con tằm tại một số vùng sản xuất dâu tằm trong và ngoài tỉnh; phối hợp với các Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ áp dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng kén tằm.
Hồng Lý còn có nghề ươm tơ, cứ 2 - 3 hộ gia đình thường hình thành một tổ ươm tơ, tự quay tơ sau khi sản xuất kén, vì thế làng nghề lúc nào cũng nhộn nhịp, cánh đồng dâu luôn xanh tốt và bếp than ươm tơ lúc nào cũng đỏ lửa, thơm phức, chưa đạt đến giàu có nhưng cũng khấm khá, có bát ăn bát để và hơn hẳn trồng lúa.
Bình quân mỗi năm một tổ quay tơ được khoảng 7 - 8 tấn kén, xuất bán gần 1 tấn tơ, trị giá khoảng 500-600 triệu đồng và khoảng 200 triệu đồng từ bán nhộng tằm, tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động với thu nhập trên 7 triệu đồng/người, Nghề trồng dâu nuôi tằm đã góp phần tích cực đổi thay diện mạo của vùng quê xa trung tâm huyện ngày một khang trang, sạch đẹp, kinh tế khấm khá hơn.
Bộ ảnh được chụp tại làng Thượng Hộ Trung, Xã Hồng Lý, Vũ Thư, Thái Bình, ngày 27/6/2020.