Một số cách làm hay, hiệu quả của địa phương về việc thí điểm Tổ CNSCĐ
Đến nay, theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74.422 Tổ CNSCĐ và 348.362 thành viên.
Việc triển khai thí điểm Tổ CNSCĐ, thời gian qua cũng đã cho thấy một số cách làm hay, hiệu quả, điển hình như tỉnh Sóc Trăng, TP. Đà Nẵng, Đồng Tháp, Bình Phước, Yên Bái.
Sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Sóc Trăng
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh, trong đó, việc triển khai thành lập, tập huấn và hướng dẫn hoạt động của Tổ CNSCĐ là nhiệm vụ được Lãnh đạo tỉnh quan tâm. Toàn tỉnh đã thành lập 775 Tổ CNSCĐ khóm, ấp với 5.466 thành viên tham gia.
Nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Tổ CNSCĐ, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đã trực tiếp có các buổi kiểm tra và làm việc với một số Tổ CNSCĐ. Ngày 19/4/2023, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị Sơ kết kết quả hoạt động Tổ CNSCĐ và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TT&TT tham mưu UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Tổ CNSCĐ.
Chỉ đạo, điều hành kịp thời của chính quyền các cấp TP. Đà Nẵng để định hướng hoạt động của Tổ CNSCĐ
Tại Đà Nẵng, từ tháng 4/2022, Sở TT&TT của TP. Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Nội vụ, Thành Đoàn Đà Nẵng và UBND quận, huyện tham mưu UBND Thành phố triển khai thành lập gần 2.500 Tổ CNSCĐ với khoảng 15.000 thành viên tham gia.
Với số lượng thành viên tham gia tương đối lớn, để triển khai, hướng dẫn thành lập Tổ CNSCĐ, TP. Đà Nẵng đã có một số cách làm mới trong triển khai Tổ CNSCĐ.
Đó là, TP. Đà Nẵng đã ban hành 04 văn bản hướng dẫn triển khai hoạt động Tổ CNSCĐ bao gồm: Mẫu Quyết định thành lập, chức năng, nhiệm vụ Tổ CNSCĐ; mẫu Kế hoạch hoạt động Tổ CNSCĐ, hướng dẫn chỉ tiêu, nhiệm vụ Tổ CNSCĐ; mẫu báo cáo hoạt động định kỳ Tổ CNSCĐ; cử danh sách đầu mối và cung cấp các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn CĐS; hướng dẫn tham gia các nền tảng học trực tuyến kỹ năng CĐS.
UBND các phường, xã cũng tổ chức thành lập các nhóm/tổ trực tiếp hỗ trợ Tổ CNSCĐ như: Đội thanh niên tình nguyện CĐS cộng đồng, Tổ công tác hỗ trợ CĐS cộng đồng,...
TP. Đà Nẵng huy động nguồn lực các DN Viettel, MobiFone, VNPT, Momo, Bưu điện, Cốc cốc, MB Bank, SHB Bank,... trong việc đào tạo tập huấn cho các thành viên Tổ CNSCĐ.
Tổ CNSCĐ của Đà Nẵng có sự tham gia lực lượng nòng cốt là Đoàn Thanh niên cơ sở, công chức, viên chức của Sở TT&TT và hơn 500 nhân viên doanh nghiệp (DN) công nghệ số tại địa phương, nơi cư trú.
Các mô hình CĐS mới được triển khai như: Mô hình tuyến phố, Chợ không dùng tiền mặt; Mô hình “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và CĐS”; Mô hình Trang thông tin Chính quyền điện tử phường/xã trên Zalo OA,...; Tổ chức Hội thi tuyên truyền về CĐS “Rung chuông vàng”, “Hội thi CĐS” nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông CĐS đến người dân.
TP. Đà Nẵng cũng đã tổ chức biên tập, đăng tải các tài liệu, infographic, audio, video, …về CĐS dành cho Tổ CNSCĐ trên nhiều kênh thông tin khác nhau như: Cổng CĐS thành phố, Trang web và kênh Zalo OA các quận, huyện, phường, xã.
Chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Tháp phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể và lựa chọn đúng đối tượng nhiệt huyết, đam mê để tham gia Tổ CNSCĐ
Tỉnh Đồng Tháp xây dựng Đề án triển khai thí điểm thành lập Tổ CNSCĐ, trong đó đã xác định vai trò Đoàn Thanh niên là nòng cốt chính trong các hoạt động triển khai của Tổ. Trong đó, Đoàn Thanh niên là lực lượng nồng cốt trong hoạt động phối hợp cùng Tổ Thanh niên CĐS đã triển khai hiệu quả trong việc hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số thông qua nhiều cách tiếp cận khác nhau: Tập trung trước mắt vào Đoàn viên, thanh niên để từ đó triển khai đến từng hộ gia đình; đến từng nhà, đặt các Tổ hỗ trợ CĐS tại bộ phận một cửa; triển khai tập trung tại các buổi họp chi bộ, hội quán, hợp tác xã, các buổi tập trung đông người nhằm tăng hiệu quả số lượng cài đặt e-Đồng Tháp và các nền tảng số khác.
Kết quả ban đầu đạt được theo các chỉ tiêu giao các Tổ CNSCĐ là 1.333 lượt người dân cài đặt ứng dụng e-Đồng Tháp; 986 lượt người dân cài đặt ví điện tử; 210 cửa hàng, dịch vụ sử dụng thanh toán điện tử; 189 sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT); 9.038 lượt hướng dẫn và nộp hồ sơ được hướng dẫn tạo tài khoản và hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT),... Sở TT&TT đã tổ chức Hội nghị sơ kết và khen thưởng cho 03 tập thể và 06 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động của Tổ.
Theo Bộ TT&TT, "Mô hình Tổ CNSCĐ đạt hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn người đứng đầu rất nhiều và đây là một thuận lợi lớn trong triển khai hoạt động Tổ. Các Tổ CNSCĐ có thành tích tốt ban đầu là có các Tổ trưởng năng động và chiếm phần lớn là các bạn Đoàn viên, Thanh niên; Tổ trưởng xây dựng kế hoạch triển khai, chủ động phối hợp với các DN số trên địa bàn và các đơn vị liên quan khác để tổ chức hoạt động cho Tổ mang lại thành tích tốt”.
Chiến dịch 92 ngày đêm - Tổ CNSCĐ đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn từng người sử dụng DVCTT của tỉnh Bình Phước.
Tỉnh Bình Phước đã triển khai thành lập 956 Tổ CNSCĐ với hơn 5.400 thành viên tham gia; thiết lập kênh truyền thông Zalo “CNCĐ Bình Phước” với sự tham gia của 116 thành viên từ cấp tỉnh đến thôn, ấp. Bên cạnh đó, cấp xã cũng thiết lập kênh Zalo riêng cho toàn bộ thành viên trong Tổ CNSCĐ thôn, ấp, tạo nên mạng lưới hỗ trợ đều khắp, sát với thực tế, giải quyết các vướng mắc từ cơ sở. Các Tổ CNSCĐ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia sử dụng các nền tảng số trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, UBND tỉnh Bình phước ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND triển khai chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm (từ ngày 01/6 đến ngày 31/8/2022) nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT và đẩy mạnh CĐS để phát triển chính quyền số, cũng như nỗ lực tạo ra bứt phá, thành công trong thực hiện CĐS theo các mục tiêu của tỉnh Bình Phước đã đặt ra năm 2022.
Kết thúc chiến dịch 92 ngày đêm, tỉnh đã thiết lập tài khoản khai thác sử dụng Cổng dịch vụ công, tập huấn chữ ký số, các ứng dụng số cho 163.410 người dân. Nhờ đó, toàn Tỉnh đã có hơn 220 DN, hợp tác xã đưa 466 sản phẩm lên các sàn TMĐT; ngành thuế đã chuẩn hóa dữ liệu hóa đơn điện tử cho hơn 8.000 DN, hộ kinh doanh.
Chiến dịch 92 ngày đêm của Bình Phước đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc triển khai thực hiện dịch vụ trực tuyến, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh và tạo được sự đồng thuận và triển khai quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã thông qua hoạt động của Tổ CNSCĐ. Đây là cơ hội để thực hiện tốt hơn nữa cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Qua kinh nghiệm thực tiễn này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của Lãnh đạo tỉnh và vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, các Tổ CNSCĐ trong việc hỗ trợ triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy CĐS tại địa phương.
Yên Bái ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời hoạt động của Tổ CNSCĐ
Còn tại tỉnh Yên Bái, trong quá trình triển khai CĐS, tỉnh Yên Bái sớm xác định CĐS bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, tạo nên giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng và sử dụng thì CĐS sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số.
Ngay sau khi Bộ TT&TT phát động mô hình triển khai Tổ CNSCĐ, tại Yên Bái, 100% (173/173) các xã, phường, thị trấn thực hiện thành lập Tổ CNSCĐ cấp xã, với 1.744 thành viên; đối với Tổ CNSCĐ cấp thôn đã có 1.260/1.356 thôn, bản, tổ dân phố được thành lập với 8.526 thành viên, với lực lượng nòng cốt là Đoàn Thanh niên, giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên của các DN bưu chính, viễn thông và ngươi dân đam mê, có khả năng sử dụng các nền tảng số, công nghệ số.
Để phần nào giải quyết những khó khăn từ thực tiễn, ngày 09/12/2022, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022-2025, trong đó quy định hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ tham gia các nhiệm vụ CĐS của tỉnh; tập trung hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ đến cấp thôn tại các xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện chuyển đổi số, CĐS nâng cao.
Mức hỗ trợ xây dựng trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương, kinh phí hỗ trợ được thực hiện để mua sắm, thuê trang thiết bị, phần mềm hỗ trợ nhiệm vụ CĐS, mua gói cước di động, dữ liệu (data)… các nhiệm vụ khác hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ và đây là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành chính sách quy định hỗ trợ cho Tổ CNSCĐ./.