Chuyển đổi số

Tổ công nghệ số cộng đồng: Mắt xích thúc đẩy chuyển đổi số cơ sở

Mai Thanh Hải 25/01/2023 11:00

Sự sáng tạo, nhiệt tình của các Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đã giúp người dân, đặc biệt là những người dân ở nông thôn, hiểu và tin chuyển đổi số (CĐS) sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn cho bản thân họ trong cuộc sống.

1.jpg

Nhằm góp phần triển khai hiệu quả Chương trình CĐS quốc gia và thúc đẩy quá trình CĐS trên cả nước. Năm 2022 được xác định là năm đẩy mạnh CĐS theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về CĐS, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã chỉ rõ, định hướng xuyên suốt năm nay là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp (DN) lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, DN thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của CĐS. Cũng từ đó, sáng kiến thành lập “Tổ Công nghệ số cộng đồng” đã ra đời. Đây là mô hình hướng đến việc giúp đỡ, đưa người dân lên môi trường số, hướng dẫn và hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ số một cách đơn giản, xuất phát từ giá trị thiết thực trong đời sống hàng ngày.

Mô hình hiệu quả thúc đẩy CĐS cơ sở

Xác định mục tiêu CĐS năm 2022 bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện, ngày 5/3/2022 Bộ TT&TT đã ban hành Văn bản hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ CNSCĐ tại các địa phương. Trong đó, Bộ TT&TT đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham khảo Hướng dẫn và tìm hiểu, thí điểm triển khai sáng kiến thành lập Tổ CNSCĐ trong năm 2022.

Năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập và tổ chức công bố quyết định thành lập các Tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư. Mỗi Tổ CNSCĐ có từ 5 đến 9 thành viên. Trong đó, Tổ trưởng dân phố, Công an khu vực, Đoàn Thanh niên và DN công nghệ số là lực lượng nòng cốt trong công tác hỗ trợ người dân tham gia vào CĐS, với 68.933 Tổ CNSCĐ thu hút hơn 320.000 thành viên tham gia; Kênh truyền thông “CĐS quốc gia” như một kênh để cập nhật kịp thời các thông tin mới nhất về CĐS. Đến nay, có hơn 125.000 lượt người quan tâm, trở thành một trong những kênh truyền thông về công nghệ có lượt người quan tâm lớn nhất Việt Nam.

Với sự phát triển mạnh như vũ bão của CNTT và CĐS, mô hình Tổ CNSCĐ ngày càng phát huy được vai trò, giá trị một cách hiệu quả, trở thành cánh tay nối dài của Ủy ban Quốc gia về CĐS và tại địa phương là cánh tay nối dài của chính quyền, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, thành phố thực hiện các nhiệm vụ CĐS của quốc gia, của tỉnh, huyện, xã.

Thành phố Đà Nẵng: Người dân đã hiểu và tin CĐS mang lại giá trị to lớn

Xác định mục tiêu CĐS năm 2022 bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện, ngày 20/4/2022 UBND thành phố đã ban hành Công văn số 2150/UBND-STTTT về triển khai Tổ CNSCĐ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó, UBND thành phố giao UBND các phường, xã thành lập Tổ CNSCĐ đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

Đến giữa tháng 6 năm 2022, 100% phường xã đã ban hành quyết định thành lập và tổ chức công bố quyết định thành lập các Tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư. Mỗi Tổ CNSCĐ có từ 5 đến 9 thành viên. Trong đó, đoàn viên thanh niên và nhân lực DN công nghệ số là lực lượng nòng cốt trong công tác hỗ trợ người dân tham gia vào CĐS. Thành phố Đà Nẵng là 1 trong 10 tỉnh/thành phố đầu tiên hoàn thành việc thành lập tổ CNSCĐ từ Thành phố đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư với gần 2.500 Tổ CNSCĐ thu hút gần 15.000 thành viên tham gia.

2(1).jpg

Với sự phát triển mạnh như vũ bão của CNTT và CĐS, mô hình Tổ CNSCĐ ngày càng phát huy được vai trò, giá trị một cách hiệu quả, trở thành cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo CĐS từ thành phố đến phường, xã.

Bà Lê Thị Hồng (SN 1965, trú tổ 20, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Trước đây, các khoản thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, tôi đều phải đi đến các điểm thu để nộp. Nhờ có các bạn thanh niên hướng dẫn tận tình từng bước để chi trả các hóa đơn qua thanh toán điện tử, đến nay, tôi đã cảm thấy thuận tiện hơn. Dù còn khó khăn trong thao tác, nhưng tôi nghĩ tương lai, việc áp dụng những tiện ích điện tử sẽ giúp cho nhiều người dân”.

Theo chị Võ Thị Quỳnh Dao, thành viên Tổ CNS phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), công việc của các thành viên là hướng dẫn cách sử dụng các ứng dụng hỗ trợ trong cuộc sống, làm cho người dân hiểu và tin vào việc CĐS mang lại giá trị to lớn trong đời sống.

“Việc đưa công nghệ đến gần với nhiều người dân là điều chúng tôi mong mỏi nhất. Trong thời gian qua, Tổ CNSCĐ đã có những buổi tập huấn, hướng dẫn cho người dân tạo tài khoản công dân số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, sử dụng sổ sức khỏe điện tử... tôi tin với những lợi ích mà công nghệ số mang lại người dân sẽ cảm thấy hài lòng và tích cực tham gia hơn nữa”, chị Quỳnh Dao cho biết.

Trong khi đó, tại phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), với địa bàn chủ yếu là lao động tự do, các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ nên việc tiếp cận CNTT còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhằm triển khai kịp thời, thống nhất, có hiệu quả chương trình CĐS quốc gia, UBND phường ban hành kế hoạch CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện CĐS ở khu dân cư.

Phó Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ, Mai Xuân Linh cho biết, trong kế hoạch CĐS, địa phương xác định mỗi đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức là một công dân xung kích, gương mẫu trong thực hiện CĐS để hướng dẫn và lan tỏa; mỗi tổ dân phố là hạt nhân trong triển khai truyền thông, hướng dẫn CĐS. Đến nay, địa phương lập 1 nhóm quản lý CĐS cấp phường gồm 8 thành viên, Phó Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng. Hiện có 43 tổ CNSCĐ, mỗi tổ có 5 thành viên.

Triển khai CĐS, Đảng bộ và Chính quyền nhân dân TP.ố Đà Nẵng đã tập trung cao độ cho việc thay đổi tư duy, nhận thức, đưa con người đến gần hơn với không gian số. Để có được những hướng đi đúng đắn cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn từ chính những người đi đầu thực hiện tốt trong việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, không ngừng nghiên cứu đưa ra những sáng kiến, mô hình hay nhằm chủ động từng bước tham gia vào cuộc Cách mạng CĐS.

Có thể nói rằng, cùng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều thành công trong thực hiện nhiệm vụ CĐS ở địa phương, qua đó cán đích các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của BCH Đảng bộ Thành phố và Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 28/8/2021 của UBND thành phố về Đề án CĐS trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

3.jpg

Đồng Tháp: Sự nhiệt tình của tổ CNSCĐ giúp người dân vượt qua rào cản tâm lý

Đồng Tháp đang từng bước triển khai CĐS trên phạm vi toàn tỉnh với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức, khó khăn. Ngày từ đầu, Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp đã nhận thấy được rằng CĐS bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, cho người dân thấy ứng dụng công nghệ là thứ dễ làm, thiết thực. CĐS nếu tạo giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng, sử dụng thì CĐS sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là người dân còn tâm lý ngại, thiếu kỹ năng khi tiếp cận ứng dụng công nghệ số, nhất là người dân khu vực nông thôn, biên giới; mỗi địa phương có một số đặc thù riêng, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ giữa các khu vực trên địa bàn tỉnh… cần có mô hình, giải pháp riêng cho phù hợp. Chính vì vậy, ngày 30/6/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 692 /QĐ-UBND-HC về Thí điểm thành lập Tổ CNSCĐ để giải quyết vấn đề đặt ra, bảo đảm thực hiện thành công lộ trình CĐS trên địa bàn tỉnh.

Bước đầu, để đảm bảo hiệu quả, Đồng Tháp chỉ triển khai thí điểm thành lập 12 tổ cho các huyện, thành phố trên địa bàn làm cơ sở và đúc kết kinh nghiệm để nhận rộng cả tỉnh.

Đến tháng 8/2022, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành thành lập thí điểm 12 Tổ CNSCĐ với lực lượng Đoàn thanh niên là nòng cốt cùng với thành viên của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, công an viên, đặc biệt là các hội quán; phối hợp cùng các ngân hàng, VNPT Đồng Tháp, Viettel Đồng Tháp, Viettel Post Đồng Tháp...

Ngày 06/09/2022, Sở TT&TT đã tổ chức lớp tập huấn và định hướng các nhiệm vụ chính của Tổ năm 2022 là đẩy mạnh các ứng dụng số như ứng dụng phản ánh hiện trường e-Đồng Tháp, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ công trực tuyến và thương mại điện tử.

Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, Tổ CNSCĐ đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số. Ông Lưu Văn Đệ - Tổ trưởng Tổ CNSCĐ Khóm 2 - phường An Thạnh – Thành phố Hồng Ngự cho biết: “Ban đầu, khi triển khai các hoạt động, Tổ cũng gặp nhiều khó khăn do người dân còn tâm lý e ngại. Tuy nhiên, với quyết tâm để người dân có thể hiểu và thụ hưởng những lợi ích của công nghệ số mang lại, thành viên của Tổ đã kiên nhẫn gặp từng người, gõ từng nhà để giới thiệu, hướng dẫn người dân. Nhìn thấy sự nhiệt tình của các thành viên, người dân cũng bắt đầu quan tâm và tìm hiểu. Cứ định kỳ ngày thứ 5 hàng tuần, người dân lại nhìn thấy những anh chị mặc áo đỏ tập trung lại các chợ, cửa hàng, dịch vụ ăn uống, một số nơi công cộng để hướng dẫn sử dụng công nghệ số…”.

CHUYỂN ĐỔI TƯ DUY VÀ NHẬN THỨC

Thực tế triển khai thời gian vừa qua cho thấy, CĐS chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo để giúp người dân CĐS, trong đó có sáng kiến thành lập Tổ CNSCĐ.

Tổ CNSCĐ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực. Bộ TT&TT đã tổng hợp một số địa phương điển hình qua tổ chức các đoàn công tác đi thực tế để phổ biến và đánh giá triển khai Tổ CNSCĐ, đồng thời chia sẻ các làm hay của các địa phương để học tập, nhân rộng.

Những bài học kinh nghiệm sau 1 năm triển khai

Năm 2022, Bộ TT&TT đã tổ chức các đoàn công tác để phổ biến, tập huấn đến các thành viên Tổ CNSCĐ tại các địa phương, đồng thời rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.

5.jpg

Ban hành văn bản, tài liệu hướng dẫn cụ thể

- Ban hành kế hoạch triển khai thành lập Tổ CNSCĐ, tài liệu hướng dẫn cụ thể đến người dùng cuối và quản lý Nhà nước cần phải ban hành các văn bản đôn đốc là cơ sở để các đơn vị, DN thuận lợi trong quá trình phối hợp công việc.

- Nòng cốt triển khai Tổ CNSCĐ gồm Tổ trưởng dân phố, Công an khu vực, Đoàn Thanh niên, DN công nghệ, đặc biệt Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và Trưởng thôn/xóm truyền thông giúp lan tỏa đến người dân nâng cao nhận thức, tự khám phá và tìm tòi các dịch vụ công nghệ số triển khai trên địa bàn thôn, bản, khóm, ấp và sự đồng hành của các doanh nghiệp sử dụng nền tảng công nghệ Make in Viet Nam.

Cần xác định mô hình hiệu quả thúc đẩy CĐS cơ sở

- Các địa phương triển khai Tổ CNSCĐ cần xác định mô hình hiệu quả thúc đẩy CĐS cơ sở là mô hình hướng đến việc giúp đỡ, đưa nguời dân lên môi trường số, hướng dẫn và hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ số một cách đơn giản, xuất phát từ giá trị thiết thực trong đời sống hàng ngày.

- Các ứng dụng gần gũi với thực tế, những bài toán có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến đời sống hàng ngày để giải quyết, mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thì sẽ được đón nhận, lan tỏa, sẽ tiếp tục thành công sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm. Ví dụ: tạo các nhóm Zalo để trao đổi, chia sẻ các vấn đề cùng tháo gỡ; sử dụng trình duyệt Cốc Cốc chính thức của Tổ CNSCĐ; nền tảng trao đổi công việc Gapo Work để tổ chức họp trực tuyến các cuộc họp của Tổ CNSCĐ.

Chuyển đổi tư duy và nhận thức

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai nền tảng công dân số là một yếu tố rất quan trọng để truyền tải thông tin, nhận thức đến người dân gần hơn và thông qua các Tổ CNSCĐ, người dân đều có thể nhìn nhận và nắm bắt cơ hội tham gia vào quá trình CĐS.

- Biến quá trình CĐS trở nên rõ nét hơn và hiện diện như một lẽ tất yếu trong đời sống, từ đó, giúp nâng cao nhận thức của người dân. Đây được xem là một “vũ khí” chiến lược góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi diễn ra mạnh mẽ.

Trách nhiệm đi đầu và đứng đầu

- Người đứng đầu đóng vai trò quyết định về CĐS của địa phương đó. Lãnh đạo trực tiếp tham gia chỉ đạo, cán bộ được phân công phải có trách nhiệm và đặc biệt thành viên Tổ CNSCĐ tự nguyện, nhiệt tình, có khả năng kết nối với người dân và không cần phải là người thành thạo về công nghệ, nhưng luôn có mong muốn tìm hiểu, học hỏi, triển khai quyết liệt.

- Lấy người dân làm trung tâm trong quá trình CĐS, người dân hưởng ứng, tham gia vào công cuộc CĐS thì khi đấy quá trình CĐS mới được gọi là thành công. Vì vậy, việc thành lập Tổ CNSCĐ là một hướng đi đúng mang tính chiến lược và đột phá. Duy trì hoạt động hiệu quả của Tổ CNSCĐ - CĐS là cả quá trình, không đơn giản là một đích đến. Đó là chặng đường dài cần được liên tục nâng cấp theo sự đi lên hằng ngày của công nghệ. Chính vì vậy, đòi hỏi Tổ CNSCĐ thường xuyên trao đổi, học hỏi để nắm rõ những thông tin nhằm hướng dẫn cho người dân.

- Cần có kế hoạch phát triển các khóa bồi dưỡng, huấn luyện Tổ CNSCĐ theo từng chuyên đề và liên tục.

- Lồng ghép vào hoạt động của các cơ sở (trường học, thanh niên, các chương trình nông thôn mới của tỉnh để tận dụng được nguồn lực).

- Huy động các doanh nghiệp tham gia Tổ CNSCĐ hỗ trợ thành viên Tổ CNSCĐ cước viễn thông.

- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hoạt động của Tổ CNSCĐ và báo cáo hàng quý, có kiểm soát việc triển khai của từng tiêu chí./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tổ công nghệ số cộng đồng: Mắt xích thúc đẩy chuyển đổi số cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO