Mục đích lập thư viện trường là để đọc hay học?

Phượng| 27/11/2022 15:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo quy định của ngành giáo dục, các trường học phải có thư viện. Người Việt vẫn tự hào mình là dân tộc hiếu học. Nhưng tỷ lệ người đọc sách, tỷ lệ đầu sách người Việt đọc hàng năm theo thống kê của ngành thư viện đang rất thấp. Giữa sách và học chẳng lẽ không có mối tương quan nào?

"Thư viện là trái tim của trường học"

Thư viện trường học được đánh giá và kỳ vọng rất cao trong việc hỗ trợ học sinh và giáo viên nâng cao kiến thức, thẩm mỹ, giáo dục nhân cách. Bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc tổ chức Room to Read Việt Nam (một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ, hiện diện tại Việt Nam từ năm 2001, có Chương trình thư viện với mục tiêu giúp trẻ em phát triển thói quen đọc, cùng với việc phát triển kỹ năng đọc để trở thành người đọc độc lập") đánh giá rằng "thư viện là trái tim trường học". Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Trần Huy Hoàng, Phó Trưởng ban Điều phối Chương trình Thư viện Thân thiện trường tiểu học, thì cho rằng: Sách là kho tàng tri thức vĩ đại.

Trong tiêu chí xây dựng các trường học đạt chuẩn quốc gia, các trường phải xây dựng được thư viện. Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Trịnh Hoài Thu nhận định, thư viện trường học được quy định là một bộ phận cơ sở vật chất thiết yếu, trung tâm sinh hoạt văn hóa và khoa học của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy và học, hình thành văn hóa đọc, văn hóa cộng đồng trong trường phổ thông.

Bộ GD&ĐT đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn thư viện cho các trường phổ thông tại Quyết định 01/2003/QĐ-BGDDT và Công văn 11185/GDTH, trong đó liệt kê các mục về sách giáo khoa, sách nghiệp vụ của giáo viên, sách tham khảo. Với sách giáo khoa: Trước ngày khai giảng năm học mới, nhà trường phải có "Tủ sách giáo khoa dùng chung" để phục vụ số học sinh không đủ điều kiện mua sách, đảm bảo cho mỗi em có một bộ sách giáo khoa (bằng hình thức thuê hoặc mượn); cung cấp cho giáo viên trực tiếp đứng lớp đủ sách giáo khoa để soạn giảng.Với sách nghiệp vụ của giáo viên: có đủ các văn bản, nghị quyết của Đảng; văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, tài liệu hướng dẫn của ngành phù hợp với cấp học, bậc học và nghiệp vụ quản lí giáo dục phổ thông. Với sách tham khảo: có danh muc sách tham khảo dùng cho thư viện trường phổ thông" do Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn trong dịp đầu năm học và 2 năm liền kề trước đó; cần bổ sung những sách khác phù hợp với yêu cầu nghiên cứu của giáo viên của mỗi trường (ví dụ: Tủ sách "Giáo dục đạo đức", "Tủ sách pháp luật"…).

Thư viện một trường học ở Hà Nội

Thư viện một trường học ở Hà Nội

Một trường học không thể không có thư viện. Lý thuyết đó đã được thực tế hóa vào các trường học.

Xây dựng thư viện theo phong trào

Để đáp ứng đủ tiêu chuẩn công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, hưởng ứng phong trào xây dựng thư viện, nhiều trường học lập thư viện theo mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh. Thư viện sẽ được lập ở một góc sân trường hoặc không gian mở thoáng đãng, nơi học sinh dễ dàng tiếp cận sách. Không gian đọc sẽ được trang trí bằng cây xanh, những bức tranh tường sinh động, bắt mắt.

Còn sách, linh hồn của thư viện thì sao? Thực tế, nhiều tủ sách được lập cho có, chỉ chứa lèo tèo một ít báo, truyện tranh đã cũ, sách về lịch sử địa phương, tạp chí giáo dục… Thậm chí, trong tủ sách của một trường tiểu học có một chồng "Lịch sử đảng bộ tỉnh". Đáng nói nữa là ngoài chồng sách ấy không có thêm sách gì giá trị liên quan đến lứa tuổi tiểu học. Vậy nên không có gì khó hiểu khi không mấy ai quan tâm đến thư viện, cả giáo viên và học sinh. Thư viện trường trở thành một món trang trí hơn là một công cụ hỗ trợ đào tạo học sinh phát triển toàn diện. Các tổ chức tình nguyện, khi tham gia cải tạo, xây dựng lại một số thư viện cho các trường học đều nhận thấy một vấn đề chung, đó là tính hình thức, đối phó khi xây dựng thư viện trường học.

Kể cả nếu trường học thực hiện đúng quy định của bộ chủ quản thì nội dung thư viện cũng không có gì hấp dẫn. Nhìn lại quy định của ngành giáo dục về tiêu chuẩn thư viện sẽ thấy điều gì được quan tâm khi mở thư viện trong trường học, đó là tập trung vào sự học chứ không phải sự đọc. Quy định này đặt giáo trình và sách tham khảo của học sinh, giáo viên là trung tâm của thư viện. Nó phản ánh tư duy học của người Việt là học để thi cử, học vì bằng cấp, học để tạo công danh sự nghiệp chứ không phải học vì ham hiểu biết. Đó chính là điểm khác biệt trong xã hội Việt Nam và các nước phát triển. Con số thống kê cũng phản ánh điều đó: trong 400 triệu bản sách in hàng năm, thì tới 300 triệu bản là sách giáo khoa. Thư viện nhiều trường học đã và đang trở thành kho chứa sách và giấy báo cũ. Đây là một thực tế đáng buồn xảy ra ở không ít các thư viện trường học, ở nhiều địa phương.

Thư viện trường THCS Trưng Vương, Mê Linh, Hà Nội

Thư viện trường THCS Trưng Vương, Mê Linh, Hà Nội

Làm sao để thư viện hấp dẫn học trò?

Tất nhiên là vẫn có những thư viện hấp dẫn học trò, chỉ không nhiều. Thư viện hoạt động tốt hay không, có nguyên nhân rất quan trọng là ở người lãnh đạo nhà trường và cán bộ thư viện.

Thư viện trường THCS Tùng Thiện Vương (TP. HCM) cũng từng là không gian chán ngắt đối với học sinh, diện tích hẹp, sách lèo tèo. Tuy nhiên, 10 năm trước, thư viện bắt đầu thay đổi kể từ khi trường có thủ thư mới. Ban Giám hiệu nhà trường đầu tư nhiều hơn cho thư viện, trung bình mỗi năm thư viện có thêm 1.000 cuốn sách, phòng đọc được mở rộng gấp đôi. Cô thủ thư Lê Thị Hương tốt nghiệp Khoa Thư viện thông tin trường Cao đẳng Sư phạm TP HCM, đã tổ chức nhiều hoạt động thay đổi diện mạo thư viện với mục tiêu thư viện phải là nơi các em học sinh ghé thăm thường xuyên sau lớp học, và văn hoá đọc phải là cột trụ vững chắc trong hành trình giáo dục toàn diện con người. Cô Hương trích một phần lương mua giấy màu, bảng con, hồ dán... rồi tự tay cắt dán, tạo những tấm bảng trang trí giới thiệu sách theo chủ đề, hoặc trích dẫn những câu hay trong sách để học sinh cảm thấy tò mò, hứng thú và muốn mang sách xuống đọc ngay.

Sau 10 năm, thư viện của trường ngập tràn sắc màu với chi chít những bảng trang trí giới thiệu sách sinh động, tạo thành một không gian hấp dẫn cho các em học sinh đang. Phối hợp với Ban Giám hiệu và các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cô Hương tổ chức nhiều cuộc thi kể chuyện theo sách, thi thiết kế bìa sách, thi viết, trang trí nhật ký đọc sách, thi làm bookmark cho sách... Cô Hương đầu tư nhiều thời gian, công sức cho thư viện trường với khát khao biến thư viện thành một nơi không phải chỉ để đọc sách trong giờ ra chơi, mà còn là một nơi để giải trí, học tập. Theo cô Hương, nhiều em đã xem thư viện như một ngôi nhà thân thuộc, thường xuyên đến đây vào giờ nghỉ trưa để đọc sách hoặc tự học. Phong trào đọc sách ở nhà trường hiện khá tốt, tuy nhiên, phần nhiều các em vẫn còn đọc sách truyện tranh để giải trí và lượng học sinh tìm sách để học tập, tham khảo đa phần là các học sinh giỏi. Số lượng học sinh mượn sách về nhà đọc khoảng 10%. Sự chuyển biến tuy chậm nhưng đã bắt đầu.

Hàng năm, trường THCS Trưng Vương, Mê Linh, Hà Nội, mua bổ sung cho thư viện trường các đầu sách phù hợp chương trình mới, phù hợp với lứa tuổi học sinh THCS; trang thiết bị, kệ sách, bàn ghế được thay mới, không gian thư viện rộng rãi và sắp xếp khoa học… Hiện nay, thư viện nhà trường có hơn 9.000 đầu sách, gồm sách tham khảo 4 khối 6,7,8,9, kho truyện  hơn 500 cuốn, kỹ năng sống hơn 200 cuốn, nghiệp vụ hơn 500 cuốn, sách giáo khoa hơn 700 cuốn, và các sách đạo đức, tra cứu, pháp luật, tham khảo chung… Nhà trường còn có hệ thống thư viện điện tử phục vụ cho học sinh tra cứu sách qua mạng intenet. Mỗi ngày thư viện có từ 60-80 học sinh đến đọc và mượn sách.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Thới 1 (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đọc sách tại thư viện. Ảnh: baocamau.com.vn

Học sinh Trường Tiểu học Trần Thới 1 (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đọc sách tại thư viện. Ảnh: baocamau.com.vn

Để thư viện thực sự trở thành trái tim trường học là một quá trình lâu dài, đòi hỏi ở những người làm giáo dục sự kiên trì, bền bỉ, sáng tạo và thái độ trân trọng với sách. Bởi sách (ngoài giáo trình và sách tham khảo) có thể không có giá trị tức thời với học sinh khi thi cử, nhưng có tác động lâu dài đến cả đời người.

Nữ văn sĩ Thụy Điển Astrid Lindgren từng viết: "Tuổi thơ không có sách - sẽ là không có tuổi thơ. Điều đó giống như bị đuổi khỏi cái nơi thần kỳ mà bạn có thể tới và tìm được niềm vui quý hiếm nhất"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Háo hức khám phá di tích lịch sử theo một cách mới
    Ứng dụng công nghệ số giúp nhiều du khách gia tăng trải nghiệm thú vị khi tới thăm các di tích lịch sử như Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập…
  • Làm gì để phát triển tài năng chuyển đổi?
    Partha Srinivasa, Giám đốc CNTT (CIO) của nhà cung cấp bảo hiểm tài sản và tai nạn Erie có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ đã chia sẻ về cách tiếp cận của ông trong việc xây dựng đội ngũ nhân viên có tinh thần chuyển đổi.
  • Báo chí ở mặt trận Điện Biên Phủ
    Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc “hội quân” của cả nước. Trong cuộc “hội quân” lịch sử đó có sự tham gia và đóng góp không nhỏ của “đội quân báo chí”.
  • Những ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
    Bộ ấn phẩm kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ấn hành, góp phần nhắc nhớ thế hệ trẻ về một thời hoa lửa, tự hào về khí phách Việt Nam, biết ơn các thế hệ cha anh đi trước, và trân trọng nền hòa bình mà chúng ta đang sống hôm nay.
  • Bưu điện Việt Nam - Khẳng định thương hiệu quốc gia
    Trên hành trình dài của mình, thương hiệu Bưu điện Việt Nam (BĐVN) khẳng định vai trò là một doanh nghiệp (DN) phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bưu chính, trở thành biểu tượng tin cậy của khách hàng, người dân và xã hội và được sự công nhận của Chính phủ và chính quyền các cấp.
Đừng bỏ lỡ
Mục đích lập thư viện trường là để đọc hay học?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO