Theo kênh truyền hình CNBC (Mỹ), các dự luật trên sẽ khiến các Big Tech khó thực hiện việc sáp nhập hay thâu tóm các doanh nghiệp có xung đột lợi ích rõ ràng.
Đồng thời, các dự luật này thể hiện nỗ lực toàn diện nhất của giới lập pháp Mỹ trong việc cải cách luật chống độc quyền hiện nay của Mỹ.
Theo Hãng tin Reuters, dự luật thứ nhất cấm các Big Tech sở hữu các công ty con hoạt động trên nền tảng của họ, nếu những công ty này cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
Dự luật thứ hai cấm các nền tảng ưu tiên sản phẩm của họ, nếu vi phạm họ sẽ bị phạt 30% doanh thu tại Mỹ.
Dự luật thứ ba yêu cầu các Big Tech cho phép người dùng chuyển dữ liệu của họ sang nơi khác, bao gồm đối thủ cạnh tranh của họ.
Dự luật thứ tư cấm các Big Tech sáp nhập các công ty khác trừ khi chứng minh được công ty họ mua không cạnh tranh với bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào mà nền tảng họ đang có. Dự luật này có mục đích ngăn chặn các Big Tech mua lại đối thủ để loại bỏ việc cạnh tranh.
Dự luật thứ năm nhằm tăng chi phí cho Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ khi xem xét các vụ sáp nhập của các Big Tech.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện cần thông qua các dự luật này trước khi chúng được đưa ra trước toàn thể Hạ viện. Sau đó, Thượng viện phải thông qua các dự luật này trước khi chuyển lên để tổng thống Mỹ ký thành luật.
Các dự luật được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài của tiểu ban tư pháp Hạ viện, liên quan đến các hành vi độc quyền của 4 "ông lớn" công nghệ là Google, Amazon, Facebook và Apple.
Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ cho biết họ "phản đối mạnh mẽ" cách tiếp cận của các dự luật.
"Các dự luật chỉ nhắm đến những công ty cụ thể thay vì tập trung vào hoạt động kinh doanh thực sự là chính sách tồi và có thể bị coi là vi hiến" - quan chức Neil Bradley của Phòng Thương mại Mỹ nêu.