Năm 2021: người dùng dành hơn 4,8 giờ/ngày cho điện thoại di động

TH| 14/01/2022 10:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Mức sử dụng điện thoại di động đã đạt kỷ lục vào năm 2021, với việc người dùng trên toàn cầu dành 3.800 tỷ giờ trên điện thoại di động (ĐTDĐ) của họ.

Do giãn cách bởi đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới vào năm ngoái, phần lớn người dùng đều dành nhiều thời gian hơn cho các loại thiết bị cầm tay. Theo báo cáo "State of Mobile 2022" được App Annie được công bố mới đây, việc sử dụng thiết bị di động đã đạt con số kỷ lục vào năm 2021. 

Nghiên cứu cho thấy tại 10 thị trường di động hàng đầu thế giới (bao gồm Mỹ, Canada, Mexico và Nhật Bản), thời gian trung bình người dùng dành cho thiết bị di động là 4,8 giờ/ngày trong năm 2021, tăng 30% so với năm 2019. Tổng cộng, thế giới ghi nhận con số kỷ lục 3.800 tỷ giờ sử dụng ĐTDĐ cá nhân vào năm 2021. Người dùng cũng tải xuống khoảng 230 tỷ ứng dụng, chi 170 tỷ USD (tăng gần 20% so với năm 2020).

Giám đốc điều hành App Annie, Theodore Krantz, đã gọi điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị cầm tay khác là "các thiết bị tương lai".

Krantz cho biết trong một tuyên bố: "Màn hình lớn như tivi đang chết dần chết mòn khi các thiết bị di động tiếp tục phá kỷ lục ở hầu hết mọi thể loại - thời gian sử dụng, lượt tải xuống và doanh thu".

Nghiên cứu cho thấy trong tổng số thời gian dành cho ĐTDĐ của người dùng, cứ 7/10 phút một lần được dành cho các ứng dụng mạng xã hội hoặc ảnh/video. Cụ thể hơn, thế hệ Z có xu hướng nghiêng về các ứng dụng ảnh/video, trong khi thế hệ Millennials lại thiên về các ứng dụng mua sắm, tài chính và đồ ăn/thức uống. Ngoài ra, thế hệ Gen X và Baby Boomers (thế hệ được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số) đã sử dụng thời gian sử dụng thiết bị của họ để lướt các ứng dụng y tế, tin tức và thời tiết.

Lexi Sydow, Giám đốc marketing tại App Annie, nói với ZDNet rằng cuộc sống hàng ngày của chúng ta đã thay đổi đáng kể với các dịch vụ từ xa và ưu tiên di động.

"Trong 5 - 10 năm tới, thiết bị di động sẽ tiếp tục vượt qua nhân khẩu học, trở thành một công cụ không thể thay thế, đóng vai trò như như trung tâm cuộc sống hàng ngày của chúng ta từ ngân hàng, mua sắm, giải trí, sức khỏe, thể dục, v.v.. Thị trường đã chín muồi và nhu cầu đối với nội dung, dịch vụ và giải trí di động tăng cao khi người tiêu dùng tải xuống kỷ lục 230 tỷ ứng dụng", Lexi Sydow nhấn mạnh.

Đối với người tiêu dùng, dữ liệu này cho thấy chúng ta đã dành quá nhiều thời gian trên điện thoại của mình. Nhưng đối với các nhà phát triển và nhà quảng cáo, những con số này có nghĩa là phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác rộng hơn, khi người tiêu dùng toàn cầu tải xuống 435.000 ứng dụng mỗi giây. Báo cáo lưu ý rằng chi tiêu cho quảng cáo trên thiết bị di động đã đạt 295 triệu USD vào năm 2021 và App Annie dự kiến con số đó sẽ lên tới 350 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Với những thống kê và dự đoán này, việc chúng ta đang bước vào một tương lai chỉ dành cho di động có vẻ không quá xa vời. Sydow cho biết hầu hết mọi ngành đều áp dụng tư duy tập trung vào các thiết bị di động và chúng ta sẽ thấy nhiều điều đó hơn trong tương lai.

"Làm việc từ xa đã dẫn đến việc gia tăng mức độ sử dụng ứng dụng tại nơi làm việc và năng suất sử dụng ứng dụng, chúng ta có thể sẽ thấy xu hướng này tiếp tục khi ngày càng có nhiều người sử dụng lao động chấp nhận một môi trường làm việc kết hợp. Trong bối cảnh đổi mới nhanh chóng, chúng tôi hy vọng thiết bị di động sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong lực lượng lao động như một phương tiện để quản lý các nhiệm vụ và giữ cho lực lượng lao động được kết nối", bà Sydow nói.

Tại Việt Nam, theo báo cáo về "Thị trường ứng dụng di động 2021" do Appota phát hành, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng ĐTDĐ. Lượng người dùng sử dụng Internet qua thiết bị di động chiếm khoảng 95% và trung bình họ dành 3 giờ 18 phút để sử dụng Internet qua di động. Đây là con số khá ấn tượng, chứng minh điện thoại thông minh đang được ưu tiên làm thiết bị kết nối chính nhờ sự tiện lợi và phổ biến. 

Cũng theo báo cáo này, thời gian trung bình mỗi ngày sử dụng di động đã có mức tăng trưởng trong năm 2020 là 25%, từ 4 giờ/ngày lên 5,1 giờ/ngày. Lý do tác động lớn nhất dẫn đến sự gia tăng này là do ảnh hưởng của COVID-19 và khoảng thời gian giãn cách xã hội trước đó đã làm thay đổi thói quen và gia tăng thời gian tương tác với thế giới thông qua smartphone./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khoảng 95% người tiêu dùng mua hàng qua livestream
    Với dân số đông, tỷ lệ sử dụng Internet cao, Việt Nam là thị trường màu mỡ cho thương mại điện tử (TMĐT) phát triển. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong suốt 3 tháng đầu năm 2024.
  • HONOR mở bán X8b tại Thế Giới Di Động
    Thế Giới Di Động (TGDĐ) và HONOR Việt Nam đã ký kết hợp tác kinh doanh, mở bán đặc quyền HONOR X8b với mức giá 7,69 triệu đồng.
  • Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số toàn diện để giải quyết "điểm nghẽn"
    Tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) diễn ra mới đây, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, CĐS nông nghiệp là một bài toán khó nhưng không thể không làm.
  • Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức ra mắt mini app BR-VT Smart trên Zalo
    Từ dịch vụ công (DVC) trực tuyến, giải đáp thắc mắc cho đến các tiện ích như hiến kế phát triển tỉnh, lịch tiếp công dân, thông tin quy hoạch, thông tin đất đai... đều được tích hợp trong mini app “BR-VT Smart” trên Zalo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
  • Số vốn đầu tư cho startup Việt năm 2023 giảm 17%
    Theo báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, năm 2023, các startup Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước, do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế biến động trên toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Năm 2021: người dùng dành hơn 4,8 giờ/ngày cho điện thoại di động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO