Năm 2021 tiến hành triển khai Chính phủ số

Xuân Tuấn| 29/12/2020 14:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong ngày làm việc thứ hai tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 29/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh chuyển đổi số (CĐS) là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT, nhưng đây là sự phát triển mang tính đột phá.

CĐS đưa mọi hoạt động lên môi trường số, toàn dân và toàn diện

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sự phát triển đột phá thể hiện ở chỗ CĐS đưa mọi hoạt động lên môi trường số, toàn dân và toàn diện, tạo ra một không gian hoàn toàn mới, làm thay đổi cách vận hành công việc và cuộc sống của chúng ta; đồng thời thể hiện ở việc càng dùng thì càng rẻ, càng dùng thì càng giỏi lên.

Năm 2021 tiến hành triển khai Chính phủ số - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 29/12

Tính đột phá, theo Bộ trưởng, còn thể hiện ở việc, các nước đi sau thì ứng dụng mạnh mẽ hơn, nhanh hơn những nước, những người đi trước; nơi nào khó khăn đói nghèo hơn thì ứng dụng sẽ hiệu quả hơn, làm cho người nghèo nhất có thể tiếp cận được với những dịch vụ tốt nhất, với giá cước rẻ.

Đột phá cũng thể hiện ở việc mỗi người dân, mỗi hộ dân, mỗi doanh nghiệp (DN) nhỏ có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, thúc đẩy mọi người phát triển kinh doanh và làm giàu; không bắt buộc chúng ta đi qua giai đoạn bắt kịp, rồi đến tiến cùng sau đó mới là vượt lên mà có thể đi đầu ngay từ đầu, qua đó mới bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng, dẫn dắt địa phương khác, quốc gia khác.

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản trong thời gian tới

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản về triển khai Chính phủ số trong thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, CĐS là một điểm mới, vì vậy, phải có Nghị quyết của cấp ủy Đảng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình CĐS quốc gia là chương trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, là chương trình CĐS đồng thời các ngành và các địa phương. Đây là sự tiếp nối, cụ thể hóa Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cấp Ủy các bộ, ngành và địa phương sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về CĐS, sau đó cấp chính quyền bàn hành chương trình CĐS. Hiện nay đã có gần 30 bộ, ngành và tỉnh thành ban hành Nghị quyết về Chương trình CĐS.

Thứ hai, để đẩy nhanh CĐS thì hạ tầng số phải đi trước, đó là mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang tốc độ cao, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số. Địa phương chỉ đạo và tạo điều kiện cho các DN bưu chính viễn thông thực hiên.

Thứ ba, CĐS cần đầu tư nhưng không nhiều khoảng từ 1-1,5% ngân sách hằng năm, 10% số này dành cho an toàn an ninh mạng.

"Nền tảng nào là hiệu quả, giá thị trường là bao nhiêu có thể tham vấn Bộ TT&TT. Thuê dịch vụ, thuê hạ tầng là cách tiếp cận tốt hơn là tự đầu tư, tự hoàn thành khai thác", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thứ tư, về triển khai, thay vì làm dần dần, làm từng phần thì làm ngay, làm toàn diện, đặt mục tiêu cao và làm nhanh. Đây là sự khác biệt căn bản giữa cách tiếp cận CNTT và CĐS, và cách để làm nhanh là sử dụng các nền tảng số, một nền tảng số có thể dùng chung cho cả trăm triệu người.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong tháng 1/2021, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT và các bộ liên quan, các DN công nghệ số Việt Nam sẽ công bố các nền tảng CĐS cho DN, nhất là các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, cho hợp tác xã, cho hộ nông dân, hộ kinh doanh, cũng như một số nền tảng CĐS ngành, nhất là y tế và giáo dục, và miễn phí từ 6 tháng đến 1 năm.

Về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 thì không làm tuần tự mà hướng ngay đến mục tiêu 100%, chậm nhất năm 2021, phải đạt 100% DVCTT mức độ 4.

Về triển khai chính quyền số, không nhất thiết phải làm chính quyền điện tử mới làm Chính phủ số mà triển khai ngay chính quyền số từ năm 2021. Bộ TT&TT sẽ tư vấn về cách làm nhanh và tiết kiệm.

Năm 2021 tiến hành triển khai Chính phủ số - Ảnh 2.

Các đại biểu dự Hội nghị

Thứ năm, nhân lực CĐS chủ yếu do làm mà ra chứ không phải do đào tạo mà ra. Vì vậy, các tỉnh ưu tiên đổi mới chuyên môn, có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, giao cho Sở TT&TT làm hạt nhân để thực hiện CĐS tại tỉnh. Đồng thời, giao cho Sở TT&TT nhiều việc, nhất là việc khó, để từ đó có giải pháp đột phá tạo nên sự phát triển và tìm người tài cho tỉnh.

Bộ trưởng khẳng định, có việc khó khăn cần tháo gỡ trong lĩnh vực TT&TT thì các địa phương đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ càng nhanh càng tốt. Bộ TT&TT không chỉ hỗ trợ về hướng dẫn, về tháo gỡ chính sách mà Bộ còn có lực lượng phản ứng nhanh có thể hỗ trợ từ xa qua cầu truyền hình hoặc trực tiếp đến tận nơi cùng làm.

Lực lượng gần 60.000 DN công nghệ số Việt Nam có đủ năng lực và sẵn sàng tham gia vào các chương trình CĐS. Các bộ, ngành, địa phương chỉ cần đặt ra các bài toán, các vấn đề của mình cho giới DN công nghệ số Việt Nam có thể trực tiếp hoặc thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT.

Bộ TT&TT khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương trong nhiệm kỳ tới chọn đột phá là công nghệ, nhất là công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế xã hội; Thay đổi mô hình quản trị, mô hình kinh doanh, thực hiện CĐS toàn dân, toàn diện.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra khát vọng phát triển phồn vinh và hạnh phúc, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

"Báo chí truyền thông từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần cho đất nước bứt phá vươn lên. Tất cả các quốc gia đã hóa rồng, hóa hổ đều dựa vào sức mạnh tinh thần là chính", Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Năm 2021 tiến hành triển khai Chính phủ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO