Youtube được coi là nền tảng hàng đầu về chia sẻ video trực tuyến, là công cụ mà các nhà phát triển nội dung và đơn vị nắm giữ bản quyền hướng tới. Với xu thế truyền hình thế hệ mới, nhiều đơn vị tại Việt Nam đã hướng tới việc cung cấp các nội dung theo nhu cầu (VOD) cũng như phát trực tiếp (livestream) trên nền tảng mạng xã hội này.
Các trận đấu của Đội tuyển Việt Nam trong khuôn khổ Vòng loại World cup vừa qua nắm giữ bản quyền phát trực tiếp trên Youtube thu hút hàng triệu người xem, đồng thời và được coi là kỉ lục về việc phát sóng các trận đấu thể thao tại Việt Nam.
Tuy nhiên bên cạnh trang Youtube của đơn vị giữ bản quyền vẫn còn vô số các kênh Youtube khác cùng phát sóng trận đấu này một cách bất hợp pháp. Không khó để tìm kiếm một đường link dẫn đến một kênh Youtube vi phạm khi trận đấu diễn ra. Thậm chí, sau khi trận đấu kết thúc hàng tuần, hàng tháng các kênh vi phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại.
Trên thực tế tại Việt Nam, các đơn vị có bản quyền truyền hình phát sóng các giải lớn như: Ngoại hạng Anh, La Liga, Serie A, UEFA Champions League… đã gặp rất nhiều bất lợi khi các trang Youtube "lậu" ngang nhiên phát livestream và khai thác tài nguyên của họ.
Về vấn đề này, đại diện một đơn vị uy tín về lĩnh vực bản quyền tại Việt Nam cho biết đơn vị này từ lâu đã là đối tác của Youtube, tuy nhiên việc xử lí, báo cáo vi phạm lại hoàn toàn tự phát do đơn vị này tiến hành thủ công mà không nhận được bất cứ sự can thiệp nào từ Youtube dù đã nhiều lần gửi yêu cầu hỗ trợ.
Việc Youtube vướng phải các vấn đề kiểm soát nội dung không phải chuyện mới. Mạng xã hội này vẫn được cho là nơi phát tán rất nhiều nội dung xấu và độc hại đến với người dùng, đặc biệt là với trẻ em. Hay như mới đây Cục quản lý Phát thanh và Truyền hình đã phát hiện và yêu cầu xử lí đối với rất nhiều quảng cáo của các doanh nghiệp Việt Nam gắn trên các nội dung xấu, độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Việc thiếu kiểm soát nội dung và không hỗ trợ các đơn vị nắm giữ bản quyền cũng được cho là động thái "đánh trống lảng" của Youtube. Vì khi nội dung phát tán tràn lan, tiếp cận dễ dàng thì cũng là lúc Youtube thu lợi nhiều hơn từ các quảng cáo của các nhãn hàng, vốn chỉ dựa vào chủ yếu là số view (lượt xem) để đo đếm.
Những năm gần đây các giải thể thao, bóng đá do các đài truyền hình mua bản quyền phát sóng ở Việt Nam như World Cup 2018, ASIAD 2018, AFF Cup 2018 cũng bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng trên cả hai nền tảng YouTube và Facebook.
Mặc dù cả YouTube và Facebook đều tuyên bố xử lý mạnh tay với các tài khoản vi phạm bản quyền, nhưng cả hai đều chưa thật sự giải quyết hiệu quả vấn đề này. Trên Facebook Watch, người dùng dễ dàng bắt gặp những video vi phạm bản quyền từ phim truyền hình, MV ca nhạc, hài kịch, TV show đến các đoạn kịch ngắn... Nguồn video thường được lấy từ những nền tảng khác như TikTok, YouTube rồi đăng lại trên Facebook với chiến lược "ai đăng trước là của người đó" bất chấp chủ sở hữu video có đồng ý hay không. Facebook chấp thuận chia quảng cáo cho những video này khi đủ lượng truy cập. Điển hình, những page như "Phim ngôn tình", "Phim ngôn tình Trung Quốc", "Tiktok Trung Quốc", "Kinh dị World" là nơi tập trung những video vi phạm bản quyền từ nhiều nền tảng khác.
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ VTV, việc giải quyết vi phạm bản quyền bằng cách báo cáo với YouTube không thể giải quyết được tận gốc nạn vi phạm tràn lan, vào các giờ phát sóng mặc dù có phân công trực nhưng việc đánh chặn của đội ngũ kỹ thuật VTV làm không xuể. Vào giờ phát sóng, hệ thống rà quét tự động để phát hiện các kênh livestream trên YouTube trái phép, nhưng không thể ngăn được triệt để. Có kênh thì hạ ngay được lúc họ đang livestream, có kênh sau đó mới hạ được. Ngoài hành vi livestream trái phép, nhiều kênh YouTube đã up trọn bộ các tập phim để câu view, kiếm tiền từ quảng cáo nhưng cũng không bị YouTube xử lý.
Xu hướng người xem nội dung trên YouTube khá nhiều nên vấn đề bản quyền trên Internet từ lâu đã khó kiểm soát. Cách thủ công nhất mà các đơn vị sở hữu bản quyền hay làm đó là kiểm tra từng tài khoản, sau đó báo cáo với YouTube để gỡ nội dung vi phạm. Tuy nhiên, nhiều tài khoản lập tức xóa nội dung sau khi livestream xong khiến đơn vị sở hữu đành "bó tay".