Từ các camera giao thông phân tích các loại hình giao thông trước đây đến các cột đèn đường thông minh hiểu được hành vi của đám đông, công nghệ video đã được sử dụng trong nhiều năm để tăng cường an toàn công cộng và nâng cao nhận thức về các tình huống có thể xảy ra.
Từ những lợi ích mang lại, công nghệ video đã phát triển mạnh mẽ theo thời gian, được cải tiến thông minh hơn và ngoài lĩnh vực bảo mật, công nghệ này cũng đang được mở rộng sử dụng trong các ngành khác nhau như giáo dục, khách sạn và TPTM.
Công nghệ video thông minh giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm của người dùng
Ngày nay, công nghệ video thông minh có thể thu thập lượng dữ liệu khổng lồ dưới dạng hình ảnh và âm thanh chuyển động. Được kết hợp với công nghệ mới nổi, công nghệ video cũng có khả năng phân tích dữ liệu được thu thập và cung cấp cho người dùng thông tin chi tiết ngoài khả năng của các hệ thống phân tích dựa trên quy tắc cũ.
"Trong thời gian không xa, chúng ta sẽ chứng kiến việc công nghệ video tích hợp với các công nghệ mới để mở rộng khả năng của mình và mở ra những tiện ích và cách sống mới cho xã hội, cũng như đảm bảo tính hữu dụng của nó trong các ngành khác ngoài lĩnh vực bảo mật", Malou Toft, Phó Chủ tịch Milestone Systems khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
Theo đó, một số lĩnh vực cụ thể mà công nghệ video thông minh đang đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như trải nghiệm của người dùng bao gồm:
Nâng cao khả năng chăm sóc cho bệnh nhân trong ngành chăm sóc sức khỏe (CSSK): Công nghệ video thông minh đã được sử dụng như một công cụ chẩn đoán và theo dõi thuốc để nâng cao khả năng chăm sóc cho bệnh nhân, đồng thời giúp giảm thiểu khối lượng công việc cho các chuyên gia, điều dưỡng CSSK.
Bên ngoài các cơ sở y tế và bệnh viện, công nghệ video thông minh cũng đã được sử dụng trong việc chăm sóc người cao tuổi để đảm bảo an toàn và an ninh cho những người cao tuổi sống một mình. Công nghệ này được trang bị tính năng phát hiện tiếng ngã và tiếng hét, giúp cảnh báo cho nhân viên y tế bất cứ khi nào người cao tuổi cần hỗ trợ ngay lập tức.
Cải thiện khả năng giám sát an ninh: Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) cũng giúp công nghệ video có thể mở rộng phạm vi khả năng của nó. Bằng cách phân tích âm thanh và hình ảnh bằng AI, công nghệ video có thể nhận dạng con người, phương tiện, đồ vật và sự kiện, thậm chí nhận dạng các kiểu hành vi và ngôn ngữ cơ thể, để đưa ra cảnh báo người dùng về bất kỳ hoạt động bất thường nào. Điều này đặc biệt hữu ích trong việc xác định các cá nhân đáng ngờ trong một khu vực đông đúc bằng cách sử dụng dữ liệu từ hồ sơ tổng hợp về các hành vi phạm tội trước đó.
Cung cấp thông tin chi tiết để cải thiện mức độ tương tác của khách hàng: Kết hợp phần mềm quản lý video và AI có thể nâng cao mức độ tương tác của khách hàng, nâng cao trải nghiệm tổng thể của khách hàng trong các lĩnh vực như bán lẻ.
Chẳng hạn như, phần mềm quản lý video có thể phân tích độ tuổi, giới tính và cảm xúc của khách hàng bằng cách sử dụng các thuật toán học sâu. Với thông tin này, các nhà bán lẻ có thể đề xuất các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất cho từng khách hàng dựa trên dữ liệu trong quá khứ của các hồ sơ khách hàng, từ đó có thể cung cấp cho khách hàng trải nghiệm được cá nhân hóa một cách hiệu quả hơn.
Nhận diện tự động liền mạch và thuận tiện: Công nghệ nhận diện khuôn mặt không tiếp xúc cũng sẽ trở nên phổ biến trong tương lai trong các ngành công nghiệp. Trong ngành hàng không, nhiều sân bay đã triển khai hệ thống nhận diện khuôn mặt để xác minh danh tính của hành khách.
Bản chất cần không tiếp xúc của các công nghệ như vậy là rất quan trọng trong việc quản lý đám đông ở các khu vực đông dân cư, đảm bảo các giao dịch an toàn mà không bị lây nhiễm chéo, đồng thời quản lý hiệu quả những người mới nhập cảnh khi các quốc gia mở lại hoạt động du lịch.
Sử dụng công nghệ video có trách nhiệm
Công nghệ video thông minh ngày càng khẳng định được vai trò trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, tuy nhiên, đi cùng với những tiện ích mà nó mang lại, điều quan trọng đó là người dùng cần phải chú trọng nhiều hơn vào việc sử dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm.
Theo đó, các công ty, tổ chức khi ứng dụng các công nghệ thông minh cần đánh giá lại mục đích của họ và mục đích sử dụng công nghệ là gì; các cam kết của họ nằm ở đâu - trong việc thúc đẩy sự phát triển của các TPTM; sự đánh đổi khi sử dụng các công nghệ hiện đại và đảm bảo tính cân bằng giữa mục tiêu và trách nhiệm.
Theo bà Malou Toft, các tổ chức cần nhận ra rằng trách nhiệm của họ đối với xã hội phải được đặt lên hàng đầu. Nói cách khác, con người là trên hết. Các tổ chức có nghĩa vụ đối với xã hội trong việc sử dụng công nghệ để phục vụ lợi ích lớn hơn cho người dân và không sử dụng nó thuần túy như một công cụ tạo ra lợi nhuận.
Một số giải pháp đơn giản như khuyến khích nhân viên và đối tác áp dụng các phương pháp hay nhất trong việc sử dụng công nghệ có trách nhiệm có thể giúp tạo ra sự khác biệt trong việc tác động đến phần còn lại của ngành làm theo và tạo nền tảng cho việc sử dụng công nghệ video có trách nhiệm phát triển.
Ngoài ra, bà Malou Toft cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với các tổ chức trong việc sử dụng công nghệ có trách nhiệm như tạo ra một chương trình đổi mới có trách nhiệm để áp dụng các nguyên tắc sử dụng công nghệ có trách nhiệm vào việc phát triển sản phẩm; Đào tạo các tổ chức bán hàng và đối tác kinh doanh về các nguyên tắc sử dụng công nghệ có trách nhiệm; Kết hợp các nguyên tắc công nghệ có trách nhiệm trong quy trình thẩm định cho các giao dịch kinh doanh.
"Khi chúng ta tiến tới một tương lai trong đó công nghệ video có thể là một phần của cuộc sống hàng ngày, sẽ mở ra nhiều khả năng hứa hẹn hơn. Để nhận ra lợi ích của những khả năng đó, cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chúng ta phải triển khai công nghệ tuyệt vời này một cách đúng đắn và có trách nhiệm", bà Malou Toft khẳng định./.