Nâng cao đổi mới hướng tới xây dựng các thành phố bền vững trong tương lai

AD| 07/11/2021 10:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Nâng cao các đổi mới nhằm phục vụ cho các thành phố thông minh (TPTM) và xây dựng cộng đồng được kết nối, an toàn là xu hướng đang được phát triển mạnh mẽ của các thành phố trên thế giới.

Với sự tăng trưởng chung của dân số thế giới, xu hướng di chuyển đến các thành phố dự kiến sẽ làm tăng thêm 2,5 tỷ người ở các khu vực thành thị vào năm 2050, tăng tỷ lệ dân số sống ở các khu vực này từ 55% hiện tại lên 68%.

Từ thực tế này đã đặt ra những yêu cầu đối với các thành phố cần bổ sung những cải tiến và đổi mới được tích hợp tốt hơn để quản lý hiệu quả sự gia tăng dân số trong thành phố.

Không ngừng đổi mới là chìa khóa để xây dựng các thành phố hướng tới tương lai, có khả năng phục hồi và bền vững. Những tiến bộ công nghệ sáng tạo như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), và chuỗi khối (blockchain) sẽ là chìa khóa trong việc xây dựng các thành phố tương lai.

Theo TS. Anas Bataw, Giám đốc Trung tâm xuất sắc về xây dựng thông minh (Centre of Excellence in Smart Construction - CESC) tại Đại học Heriot-Watt (Dubai), đối với các thành phố, đổi mới không chỉ là tiến bộ công nghệ. Lấy con người làm trung tâm, tính bền vững, nhu cầu giải trí là những yếu tố then chốt để xây dựng các thành phố tương lai.

Do đó, các thành phố cần có một cách tiếp cận kết hợp mang lại hiệu quả tốt nhất của quá trình số hóa và các hành động tối ưu dựa trên con người, bao gồm tăng cường sự tương tác giữa chính phủ và người dân, sự kết hợp giữa các nhà cung cấp với nhau.

Theo đó, TS. Anas Bataw đã đưa ra một số xu hướng đổi mới để xây dựng các thành phố hiện đại trong tương lai.

Dữ liệu dưới dạng dịch vụ

Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) của thành phố cần liên tục thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để cải thiện hiệu quả của các công nghệ thu thập dữ liệu.

Bên cạnh đó, khi các thành phố phát triển mạnh mẽ cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề về khả năng tương tác của nhiều công nghệ, giao thức truyền thông tin liên lạc và kiến trúc do nhiều nhà cung cấp phát triển. Một giải pháp đổi mới có thể giúp giảm thiểu tình trạng này bằng cách sử dụng dữ liệu dưới dạng dịch vụ (DaaS).

DaaS giải quyết thách thức về kết nối rộng rãi và các phương pháp hỗ trợ triển khai TPTM thông qua môi trường hợp tác. Đồng thời, dữ liệu cũng có thể cung cấp những hiểu biết quan trọng nhất và hữu ích cho các hội đồng thành phố và các nhà phát triển.

Thành phố 15 phút

Cơ sở hạ tầng của thành phố đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng TPTM. Khái niệm "thành phố 15 phút" là một trong những đổi mới đã được phát triển hướng đến nhu cầu của người dân.

"Thành phố 15 phút" là một khái niệm đô thị dân cư, trong đó người dân có thể thỏa mãn mọi nhu cầu từ văn hóa, giải trí, làm việc, khám chữa bệnh, mua sắm… trong phạm vi 15 phút đi bộ hoặc xe đạp. 

Mục đích của mô hình này là giảm thời gian đi lại, con người sẽ có thêm thời gian để tận hưởng cuộc sống yên bình hơn; cắt giảm việc sử dụng xe ô tô, qua đó giảm lượng khí thải CO2 nhằm phát triển đô thị bền vững và lành mạnh, đồng thời thúc đẩy ý thức cộng đồng mạnh mẽ hơn.

Đây là một ví dụ về sự đổi mới lấy con người làm trung tâm, cho thấy nhu cầu khám phá sự phát triển đã dựa trên nhu cầu thật sự của người dân.

Đổi mới nông nghiệp

Theo TS. Anas Bataw, tính bền vững của nông nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng khi xem xét đến tương lai của các thành phố. Với sự gia tăng dân số và nhu cầu tự cung tự cấp và an ninh lương thực, nông nghiệp cũng đóng một vai trò quan trọng.

Các công nghệ như cảm biến có thể theo dõi sự phát triển của thực vật trong các điều kiện khác nhau cho phép các nhà khoa học sinh học tạo ra các phương pháp điều trị để giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón độc hại.

Hơn nữa, việc tối ưu hóa nguồn lực cũng vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nông nghiệp. Máy bay không người lái cung cấp cho nông dân những dữ liệu chi tiết bao gồm độ ẩm của đất, mức dinh dưỡng, độ mặn, dữ liệu thu hoạch,... 

Đổi mới về giao thông

Giao thông vận tải và các vấn đề khác liên quan là một lĩnh vực trọng tâm chính khác trong phát triển các TPTM. Đẩy mạnh đổi mới trong lĩnh vực này sẽ giúp phát triển hệ sinh thái giao thông bền vững hơn.

Với ô nhiễm, các cảm biến dựa trên IoT có thể giúp phát hiện và giám sát các chất gây ô nhiễm không khí và báo cáo sự gia tăng ô nhiễm. Mạng cảm biến không dây có thể được triển khai trong xe buýt, bến xe buýt, tàu điện, xe cá nhân để theo dõi lượng khí thải, đồng thời hiểu cách để các phương tiện có thể tiết kiệm năng lượng hơn.

Theo TS. Anas Bataw, giảm tắc nghẽn, đảm bảo phản ứng nhanh với các sự cố, mở rộng năng lực cơ sở hạ tầng đường bộ và giảm lượng khí thải carbon là những yếu tố quan trọng đối với các thành phố ngày nay nhằm đạt được một hệ sinh thái giao thông kết nối, linh hoạt và bền vững hơn.

Một nghiên cứu của McKinsey ước tính rằng từ nay đến năm 2025, 100 thành phố hàng đầu thế giới sẽ chiếm đến 35% tăng trưởng GDP toàn cầu. Với khả năng đóng góp to lớn đó, TS. Anas Bataw nhấn mạnh, tương lai của các thành phố nên được gắn với sự đổi mới và mở rộng bền vững./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao đổi mới hướng tới xây dựng các thành phố bền vững trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO