Nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu lao động

Đỗ Thêu| 09/12/2022 16:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm gần đây, công tác đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Bên cạnh đó, thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt, qua đó giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Phần lớn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài chưa qua đào tạo nghề nghiệp một cách chính quy, bài bản. Do đó, lao động của ta còn yếu cả về trình độ chuyên môn, tay nghề và ngoại ngữ. Họ chưa phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế, cả về ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong làm việc công nghiệp, sinh hoạt tại các nước phát triển.

Vì vậy, họ thường làm những công việc giản đơn, mức tiền công không cao so mặt bằng ở nước tiếp nhận. Hơn nữa, vị thế của người lao động chưa cao nên dễ bị tổn thương khi xảy ra khủng hoảng.

Một bộ phận NLĐ thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm hợp đồng lao động và quy định pháp luật ở nước đến làm việc; Tự ý ở lại cư trú và làm việc không hợp pháp khi kết thúc hợp đồng lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) dịch vụ chưa chú trọng đến công tác chuẩn bị và tạo nguồn nhân lực có chất lượng đưa đi làm việc ở nước ngoài một cách bài bản. Họ thường chỉ tuyển chọn lao động nhằm đáp ứng từng đơn hàng cụ thể. Vì thế, việc tổ chức đào tạo NLĐ chỉ mang tính hình thức, không thực chất.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu lao động, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần tiếp tục có những biện pháp hiệu quả nhằm khắc phục kịp thời những điểm yếu của NLĐ của Việt Nam hiện nay thì vấn đề quan trọng không kém hiện nay đó là tăng cường công tác đẩy mạnh tuyên truyền về xuất khẩu lao động. 

Theo nhiều nhận định, nội dung tuyên truyền về xuất khẩu lao động hiện nay chưa phản ánh sinh động thực tế, hình thức chưa phong phú; chưa có những thông điệp cụ thể cho từng nhóm đối tượng, thiếu trọng điểm, thông tin về xuất khẩu lao động, về từng thị trường, các địa chỉ xuất khẩu lao động đáng tin cậy, về văn hóa và phong tục tập quán, luật pháp của nước sở tại, làm cho một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đúng về xuất khẩu lao động.

Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận NLĐ còn thiếu thông tin, khả năng tự liên hệ trực tiếp với DN xuất khẩu lao động là khó khăn; còn có tình trạng DN cần tuyển người thì không có trong khi đó người cần đi xuất khẩu lao động thì không biết ở đâu có nhu cầu để mà đến tuyển nên đã xảy ra các trường người lao động bị kẻ xấu lừa đảo do thiếu thông tin, gây tâm lý hoang mang cho NLĐ và xã hội.

Hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua chưa được thường xuyên, sâu rộng, mới chỉ tập trung chủ yếu vào các thời điểm khi có văn bản mới, hay vào các đối tượng là các cán bộ làm công tác lao động tại các địa phương, DN dịch vụ. Do đó, có một bộ phận người dân và xã hội chưa được tiếp cận đến các chính sách, pháp luật về lĩnh vực này. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả chưa cao, chưa đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung nên chưa thu hút được sự quan tâm của người dân và xã hội.

Từ thực trạng của người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để "hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật và thông tin thị trường lao động ngoài nước như tổ chức thông tin, tuyên truyền về thị trường lao động ngoài nước, chính sách, quy định, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ từ Quỹ cho người lao động, thân nhân của người lao động" (tại điểm a, điều 21).

Nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu lao động - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam chuẩn bị đi XKLĐ ở Đài Loan (Trung Quốc).

Như vậy, công tác tuyên truyền, tư vấn tốt sẽ tạo "cầu nối" giữa DN hoạt động dịch vụ cung ứng lao động và NLĐ, nắm bắt thông tin thị trường lao động nước ngoài, giải quyết việc làm, tạo thu nhập. Đồng thời, tuyên truyền các chủ trương, chính sách hỗ trợ để người lao động nắm rõ, tránh tình trạng làm việc, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài hoặc tham gia qua các công ty môi giới không đúng chức năng, đảm bảo quyền và lợi ích của NLĐ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO