Chuyển đổi số

Nâng cao mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp

Trần Xuân Thanh, Nguyễn Quang Hưng 16:48 24/07/2023

Nhiều doanh nghiệp đang tiến vào chuyển đổi số, cần hơn nữa những giải pháp nhằm gia tăng mức độ sẵn sàng vào quá trình này.

411-202307171522351.jpg

Nguồn: FSI

Theo báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), dựa trên khảo sát 1000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, cho thấy: Có 6,2% doanh nghiệp xác định được mục tiêu chuyển đổi số và 7,6% doanh nghiệp xây dựng kế hoạch ngắn và dài hạn để chuyển đổi số. Trong số liệu báo cáo, có đến 48,8% doanh nghiệp cho biết đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng do giải pháp chưa phù hợp hoặc doanh nghiệp không còn có nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, báo cáo còn cho biết, có 35,3% doanh nghiệp số hoá quy trình, dữ liệu và chỉ có 2,2% doanh nghiệp làm chủ được công nghệ, phần mềm quản lý dữ liệu.

Không những thế, báo cáo cũng cho thấy, có 80% doanh nghiệp có ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số. Trong đó, chỉ có 10% doanh nghiệp luôn ưu tiên đáp ứng đầy đủ khi có nhu cầu, 6,7% doanh nghiệp có ngân sách tương đối và chỉ đáp ứng các nhu cầu khi cần, 20% doanh nghiệp có mức độ đáp ứng trung bình. Ngoài ra, có đến 43,3% doanh nghiệp có ngân sách nhưng hầu như không đủ để thực hiện chuyển đổi số và chỉ có 20% doanh nghiệp tham gia khảo sát hoàn toàn không có ngân sách phục vụ cho chuyển đổi số.

Con số chỉ ra rằng hiện nay, số lượng doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số ngày một gia tăng. Điều này được lý giải do các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng và sự hữu ích của chuyển đổi số. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số trong thời kỳ 4.0 sẽ làm tăng cơ hội dễ dàng tiếp cận được khách hàng cũng như đáp ứng được tốt nhất những nhu cầu của khách hàng, qua đó góp phần làm tăng năng suất, tăng doanh thu. Thêm vào đó, chuyển đổi số giúp cho doanh nghiệp quản lý và vận hành một cách hiệu quả, hạn chế được những tác động xấu. Không chỉ có vậy, chuyển đổi số còn tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, nhất là trong việc vận hành, tinh gọn các đầu việc và bộ máy nhân sự.

Mặc dù cho thấy những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế do các doanh nghiệp vẫn gặp những trở ngại khi thực hiện chuyển đổi số. Điển hình, ngân sách là một trong những yếu tố quan trọng giúp đẩy mạnh quá trình tham gia chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp thiếu hoặc không có kinh phí để đầu tư vào chuyển đổi số. Ngoài ra, vấn đề thiếu nhân lực đáp ứng được yêu cầu để bắt kịp với chuyển đổi số cũng là một bài toán đối với nhiều doanh nghiệp. Phần lớn nhân sự tại các doanh nghiệp chưa thực sự am hiểu về chuyển đổi số hoặc chưa có khả năng để thực hiện tốt những công việc khi được ứng dụng chuyển đổi số. Không những thế, việc thiếu cơ sở hạ tầng để phục vụ cho chuyển đổi số cũng là một trong những rào cản khiến doanh nghiệp khó có thể sẵn sàng để thực hiện chuyển đổi số. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp còn dè dặt trong việc chuyển đổi số do lo ngại về vấn đề an toàn thông tin vì mọi dữ liệu của doanh nghiệp đều được số hoá và mọi hoạt động đều diễn ra trên các nền tảng số. Điều này có thể dẫn đến việc rò rỉ thông tin nếu như có sự cố.

Nâng cao mức độ sẵn sàng chuyển đổi số

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Do đó, để giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phù hợp với xu hướng, cần có những giải pháp nhằm phát huy và nâng cao mức độ sẵn sàng chuyển đổi số.

Thứ nhất, các địa phương cần có thêm những chính sách tuyên truyền về những mặt lợi ích của việc chuyển đổi số nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào chuyển đổi số. Hiện nay vẫn còn nhiều doanh nhiệp chưa nắm rõ hoặc chưa hiểu hết được tầm quan trọng của chuyển đổi số đem lại. Do đó, những thông tin về chuyển đổi số là điều cần thiết giúp các doanh nghiệp nhận thức được những cơ hội khi bước vào quá trình này. Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ trên nhiều phương diện khiến cho việc tiếp cận với các công cụ chuyển đổi số được dễ dàng. Qua đó tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi số.

Thứ hai, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu, tạo ra những sáng kiến để tiến hành tham gia vào chuyển đổi số. Từ những số liệu cho thấy, có những doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng cho chuyển đổi số do chưa xác định được mục tiêu cụ thể hoặc chưa có giải pháp phù hợp để thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ được những thời cơ và thách thức khi tham gia chuyển đổi số, từ đó đúc kết, đưa ra những sáng kiến, giải pháp phù hợp cho việc chuyển đổi số. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tập trung hơn nữa vào việc vận hành bộ máy nhân sự để tháo gỡ những rào cản, khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số. Điều này giúp cho mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp được nâng cao.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần có một lộ trình chuyển đổi số thích hợp theo quy mô và ngân sách. Việc chuyển đổi số tại một số doanh nghiệp không thể diễn ra toàn cục do những trở ngại từ yếu tố vốn có ví dụ như: ngân sách, nhân sự,cơ sở hạ tầng,… do đó các doanh nghiệp thường chọn chuyển đổi số trong một vài phần. Đặc biệt, ngân sách lại trở thành rào cản của những doanh nghiệp đó để sẵn sàng cho chuyển đổi số. Vì vậy, các doanh nghiệp cần cân nhắc, lựa chọn những phần phù hợp với ngân sách để tiến hành chuyển đổi số và từ đó từng bước hoàn thiện tổng thể việc chuyển đổi số.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng là điều thứ yếu trong chuyển đổi số. Điển hình là việc chuyển đổi, lưu trữ dữ liệu, cài đặt vận hành của doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp cần chú trọng ưu tiên hơn nữa vào việc phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí về nhân lực mà còn giúp doanh nghiệp giảm được nhiều thời gian và công sức trong việc vận hành, mang lại nhiều hiệu quả trong hoạt động.

Thứ năm, vấn đề an toàn thông tin cũng là một trong những trở ngại cho việc sẵn sàng tham gia vào chuyển đổi số của doanh nghiệp. Những lo ngại về việc mất an toàn thông tin khi sử dụng các ứng dụng vận hành, trao đổi, quản lý dữ liệu khiến cho doanh nghiệp chưa tích cực thực hiện chuyển đổi số. Do đó, các doanh nghiệp cần trang bị tốt những kiến thức về bảo mật thông tin cũng như những biện pháp để hạn chế tối đa những rủi ro về việc mất an toàn thông tin đem lại. Điều này từng bước giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nâng cao mức độ sẵn sàng chuyển đổi số.

Chuyển đổi số đang là một việc làm cần thiết trong thời kỳ bùng nổ công nghệ hiện nay. Mặc dù những số liệu từ khảo sát cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cho việc chuyển đổi số, tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn doanh nghiệp chưa tích cực tham gia vào chuyển đổi số do những trở ngại như: ngân sách, nhân sự, hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin,… Vì vậy, để nâng cao mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp cần có những giải pháp như: khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, đồng thời các doanh nghiệp cũng cần có những kế hoạch đúng đắn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhân sự, sử dụng ngân sách hợp lý và vận dụng tốt những kiến thức bảo mật thông tin.

Tài liệu tham khảo:

https://vneconomy.vn/nam-phat-hien-chinh-trong-qua-trinh-chuyen-doi-so-cua-doanh-nghiep-nho-va-vua.htm

https://www.vietnamplus.vn/bao-cao-chuyen-doi-so-chi-co-22-doanh-nghiep-lam-chu-cong-nghe/846351.vnp

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/muc-do-san-sang-chuyen-doi-so-cua-doanh-nghiep-viet-nam-co-buoc-truong-thanh-dang-ke-121856.html

https://quanhoa.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2022-7-26/Chuyen-doi-so-la-gi-Loi-ich-tam-quan-trong-cua-chu0ut42r.aspx

https://digital.business.gov.vn/2153-2/

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO