Khó khăn và giải pháp cho DN chế biến và phân phối thực phẩm khi chuyển đổi số
Các yếu tố mà doanh nghiệp (DN) cần cân nhắc khi xây dựng kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) bao gồm tuân thủ quy định của nhà nước và quy định, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; Mở rộng thị trường, thu hút khách hàng; Tối ưu chi phí.
Ngành công nghiệp chế biến và phân phối thực phẩm toàn cầu đang có xu hướng tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây. Theo báo cáo năm 2022 của EMIS, thị trường thực phẩm chế biến toàn cầu được ước tính sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) là 3,8% từ năm 2023 - 2028.
Xu hướng tăng trưởng tương tự cũng được nhìn thấy tại thị trường Việt Nam khi Chính phủ coi đây là một trong những ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển nhằm nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến trong nước.
Tuy vậy, theo Sổ tay CĐS cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm, do Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm CĐS và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phát hành, ngành chế biến và phân phối thực phẩm tại Việt Nam cũng như trên thế giới đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ trước những thay đổi trong thời đại công nghệ, chẳng hạn như những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến (online), quan tâm hơn đến nguồn gốc và an toàn thực phẩm; việc áp dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm…
“Chiến lược” và “tài chính” là 2 trở ngại lớn nhất với các DN ngành chế biến và phân phối thực phẩm khi CĐS
Theo “Vietnam’s digital transformation Outlook 2022” của Source of Asia, lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, trong đó bao gồm chế biến và phân phối thực phẩm được ghi nhận có những bước tiến đáng kể trong việc áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh với khoảng 85% DN sản xuất đã tiếp cận với công nghệ ở các mức khác nhau.
Phần lớn các khoản đầu tư vào công nghệ trong ngành này nhằm tiết kiệm chi phí, thúc đẩy năng suất và cải thiện hiệu quả quản trị. CĐS trong ngành chế biến và phân phối thực phẩm đã đem lại những thành quả bước đầu đáng khích lệ thông qua việc ứng dụng công nghệ để tạo đà phát triển và tăng sự hài lòng cho người tiêu dùng.
Đi cùng với một số bước tiến tích cực, CĐS trong lĩnh vực chế biến thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là với các DNNVV. Theo đánh giá của các chuyên gia, mức độ chuyển đổi trong lĩnh vực chế biến thực phẩm có khoảng cách khá xa giữa DNNVV với DN lớn. DN lớn thường đầu tư máy móc để tự động hóa, tận dụng lợi thế về quy mô trong khi DNNVV đang áp dụng chuyển đổi sang sử dụng máy móc có con người vận hành.
Một số rào cản chính đối với DNNVV ngành chế biến và phân phối thực phẩm trong CĐS được các chuyên gia chỉ ra bao gồm thiếu chiến lược, lộ trình chuyển đổi phù hợp; Việc áp dụng công nghệ cần đi kèm với các chuyển đổi trong mô hình kinh doanh và quản trị; Thiếu vốn để đầu tư, cải tiến, nâng cấp về kỹ thuật cho hệ thống thiết bị, công nghệ hiện tại; Thiếu thông tin để lựa chọn công nghệ phù hợp với quy mô và tiềm lực của DN; Khả năng tiếp thu công nghệ, công cụ mới, nắm vững quy trình của công nhân và DN còn chưa tốt; Thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ để phát triển hoặc tích hợp với các giải pháp công nghệ mới.
Theo nghiên cứu năm 2019 của Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp của khối Thịnh vượng chung (CSIRO) về mức độ nhận thức và sẵn sàng CĐS trong ngành nông nghiệp và sản xuất chế tạo, thiếu vốn đầu tư, kiến thức và thông tin về CĐS là các rào cản chính đối với tiến trình số hóa ở các ngành nêu trên.
Kết quả đánh giá và phân tích của Bộ Khoa học và Công nghệ về Chỉ số Ứng dụng Kỹ thuật số (DAI) ở các DN tiêu biểu đã cho thấy “chiến lược” và “tài chính” là 02 trở ngại lớn nhất cho DN, ngoài ra còn có những trở ngại liên quan đến “liên kết logistics” và “cơ sở hạ tầng”.
Nghiên cứu của các tổ chức lớn (Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á - Thái Bình Dương (ADB), Tổ chức nông lương Liên Hợp Quốc (FAO),…), DN trong và ngoài nước đều nhận định CĐS là một xu hướng tất yếu và quan trọng để tạo ra động lực phát triển cho ngành. DN đặc biệt là DNNVV cần phải đối mặt và vượt qua nhiều thách thức về tài chính, kỹ thuật, con người để đạt được mức độ chuyển đổi cao hơn nhằm gia tăng giá trị sản xuất, hiệu quả về quản trị. CĐS thành công sẽ hỗ trợ DNNVV giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề khó khăn trong hoạt động của DN.
Những điểm cần lưu ý trong CĐS của DN lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm
Trước những khó khăn trên, các DNNVV trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm được khuyến nghị cần lưu ý một vấn đề để triển khai áp dụng hiệu quả và thành công các giải pháp CĐS.
Hiện nay, trên thị trường đã có nhiều nhà cung cấp hệ thống, giải pháp và ứng dụng với nhiều mức chi phí khác nhau. Vì vậy, DN có thể lựa chọn triển khai hệ thống theo 03 giai đoạn hoặc tiến hành sử dụng toàn bộ hệ thống ngay từ đầu, tùy thuộc vào quy mô sản xuất, mức độ quen thuộc của DN với hệ thống, mong muốn của DN về thời gian triển khai… Đối với các giải pháp cần sự tham gia của các bên liên quan (ví dụ như nông dân/hợp tác xã trong giải pháp truy xuất nguồn gốc), DN cũng cần đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích, phổ biến, tuyên truyền về tầm quan trọng và tác dụng của ứng dụng và hệ thống cho các bên liên quan để nâng cao tính tuân thủ quy trình.
Khi triển khai các giải pháp CĐS, tùy thuộc vào yêu cầu của giải pháp, DN cần cân nhắc về việc tổ chức đào tạo cho nhân sự và các bên liên quan để họ có thể sử dụng ứng dụng thành thạo và hiệu quả, bảo đảm tính đầy đủ và chính xác của dữ liệu. DN có thể cân nhắc tổ chức giám sát, đôn đốc việc triển khai CĐS (ghi chép nhật ký, xử lý dữ liệu, tận dụng dữ liệu thu thập được cho các tính năng cao cấp hơn như cảnh báo, đề xuất phương án sản xuất/xử lý).
Tùy thuộc vào nguồn lực sẵn có, DN có thể cân nhắc việc chọn lọc để đầu tư vào các tính năng khác nhau cho các giải pháp CĐS được áp dụng. Ví dụ như đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc, DN có thể lựa chọn chỉ sử dụng ứng dụng và hệ thống để phục vụ việc truy xuất cho các sản phẩm của mình, ứng dụng sẽ không được kết nối với ERP (Enterprise Resource Planning - hệ thống giúp hoạch định nguồn lực) của nhà máy/không được tích hợp công nghệ IoT để đưa ra các đề xuất canh tác, cảnh báo vùng trồng.
2 giải pháp DN chế biến và phân phối thực phẩm cần ưu tiên triển khai sớm
Sổ tay CĐS cho DN tại Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, USAID LinkSME, 2020) đã giới thiệu cho DNNVV nói chung các giải pháp công nghệ theo 3 giai đoạn của CĐS. Thứ nhất là “Doing Digital”, thứ hai là “Becoming Digital” và thứ ba “Being Digital”.
Dựa vào đặc thù của ngành chế biến và phân phối thực phẩm, các giải pháp công nghệ được áp dụng phù hợp vào các khâu khác nhau trong chuỗi giá trị của DN. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ có thể tiến hành tuần tự hoặc song song, tùy vào tiềm lực của DN. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị 2 giải pháp mà DN cần ưu tiên triển khai sớm là giải pháp bán hàng đa kênh và truy xuất nguồn gốc để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi.
Ngoài ra, các DN trong ngành chế biến và phân phối thực phẩm nên ưu tiên triển khai các công nghệ hỗ trợ việc tiếp cận khách hàng, nâng cao độ nhận diện của khách hàng đối với thương hiệu của mình. Một số giải pháp mà DN nên ưu tiên triển khai trong ngắn hạn là quản lý bán hàng đa kênh và nền tảng TMĐT. Đây là các giải pháp có thời gian triển khai ngắn với chi phí thấp, phù hợp với quy mô của DN. Tuy nhiên, DN vẫn nên chú trọng triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, quản lý hàng tồn kho để tối ưu hóa chi phí
Việc xây dựng lộ trình triển khai CĐS của DN trong ngành chế biến và phân phối thực phẩm phụ thuộc vào mức độ ưu tiên của DN đối với các yếu tố về mục tiêu và tính chất của hoạt động kinh doanh. Các yếu tố mà DN cần cân nhắc khi xây dựng kế hoạch CĐS bao gồm tuân thủ quy định của nhà nước và quy định, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; Mở rộng thị trường, thu hút khách hàng; Tối ưu chi phí.
Tùy thuộc vào mục tiêu kinh doanh, các DN sẽ có sự ưu tiên khác nhau. Chẳng hạn, các DN đề cao yếu tố tuân thủ về pháp lý cũng như cung cấp thông tin minh bạch cho người tiêu dùng, DN cần ưu tiên phát triển các giải pháp về truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, các DN đặt mục tiêu tối ưu hóa chi phí hay mở rộng thị trường cần chú trọng phát triển các giải pháp bán hàng đa kênh, phân tích dữ liệu để tiếp cận khách hàng tốt hơn./.