Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được tập trung triển khai. PV đã ghi lại ý kiến của ông Phạm Lê Cường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) xung quanh vấn đề này.
Một doanh nghiệp muốn triển khai thành công chương trình năng suất chất lượng cần thực hiện những công việc cụ thể gì thưa ông?
Ông Phạm Lê Cường: Tôi cho rằng doanh nghiệp (DN) cần chú trọng và thực hiện các bước sau:
Bước 1: Lập kế hoạch triển khai áp dụng các công cụ năng suất chất lượng, gồm có các nội dung:
a. Phải có cam kết của lãnh đạo cao nhất.
b. Thành lập Ban Điều hành tổ chức triển khai và thực hiện các công cụ năng suất chất lượng.
c. Phổ biến kiến thức chung về đề án và công cụ năng suất chất lượng cho tất cả cán bộ, nhân viên tại doanh nghiệp.
d. Đánh giá thực trạng, đây là một bước rất quan trọng nhằm xác định các quá trình chính của doanh nghiệp để trên cơ sở đó chọn lựa phạm vi áp dụng và thực hiện áp dụng các công cụ năng suất chất lượng đồng thời dánh giá tình hình liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các yếu tố chi phí, năng suất, chất lượng, lợi nhuận để có con số chính xác ban đầu phục vụ cho việc cải tiến sau này.
e. Lập kế hoạch thực hiện, bao gồm: Mục tiêu dự kiến phải đạt được sau khi áp dụng các công cụ năng suất chất lượng (phải đo lường được cụ thể); Xác định phạm vi áp dụng của các công cụ; Phương pháp tính toán năng suất yếu tố tổng hợp (TFP - Total Factor Productivity); Các phương án, những tài liệu cần thiết phải xây dựng.
Bước 2: Áp dụng các công cụ năng suất chất lượng
Bước 3: Đánh giá hiệu quả: Đánh giá các kết quả đã thực hiện sau quá trình áp dụng các công cụ năng suất chất lượng, từ đó đánh giá hiệu quả (phải đo lường được cụ thể) và so sánh với mục tiêu dự kiến ban đầu đặt ra. Kết quả tính toán dựa trên năng suất yếu tố tổng hợp (TFP - Total Factor Productivity)
Bước 4: Hành động khắc phục, cải tiến: Thực hiện hành động khắc phục, cải tiến để có thể đem lại hiệu quả cao hơn (đo lường được cụ thể)
Liên quan đến giải pháp để quản lý năng suất chất lượng thì đâu sẽ là những giải pháp cần phải tập trung nhất, thưa ông?
- Giải pháp Quản lý năng suất chất lượng bao gồm 2 giải pháp. Thứ nhất đó là giải pháp về nguồn nhân lực.
Cần phải có sự cam kết và tham gia của lãnh đạo cao nhất: Các công cụ năng suất chất lượng (NSCL) không chỉ là vấn đề tìm ra các giải pháp kỹ thuật mà còn liên quan rất nhiều các yếu tố khác ảnh hưởng đến việc xác định và thực hiện các giải pháp NSCL trực tiếp và gián tiếp. Chính vì vậy, sự cam kết và tham gia của ban lãnh đạo cao nhất là rất cần thiết - chỉ có thể bắt đầu thực hiện các công cụ NSCL sau khi ban lãnh đạo công ty đã quyết định hành động.
Ngoài ra cần có sự tham gia của nhân viên: Thành công của triển khai các công cụ NSCL phụ thuộc nhiều vào sự tham gia của nhân viên, công nhân doanh nghiệp. Có một điểm lưu ý rằng NSCL được thực hiện thành công hay không phụ thuộc chính vào nhân viên với sự giúp đỡ khi cần thiết từ bên ngoài công ty mà không phải người ngoài công ty sẽ làm nên thành công đó. Nhân viên ở đây là toàn bộ cán bộ công nhân viên trong công ty từ ban lãnh đạo cấp cao đến công nhân.
Bên cạnh đó việc thành lập nhóm/ban cải tiến - nhóm chuyên trách là một trong những yếu tố quan trọng để khởi động, điều phối và giám sát việc thực hiện NSCL mới tại Công ty. Nhóm/ban NSCL được tập hợp từ nhiều đơn vị, bao gồm cả đại diện ban lãnh đạo doanh nghiệp, với sự điều phối của trưởng nhóm/ban để điều phối toàn bộ chương trình đánh giá và các hoạt động cần thiết khác.
Tiếp đến đó là giải pháp về kỹ thuật: Tùy theo đặc thù của mỗi công cụ mà doanh nghiệp sẽ đưa ra các giải pháp về kỹ thuật phù hợp. Các giải pháp kỹ thuật NSCL phải được đo lường, minh họa bằng các số liệu, hình ảnh cụ thể.
Vậy theo ông làm thế nào để DN có được đội ngũ những chuyên gia giỏi về năng suất chất lượng?
- Để trở thành một chuyên gia năng suất chất lượng giỏi có rất nhiều yếu tố đó là:
Có kiến thức sâu rộng và cặn kẽ về những hệ thống, công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng; Luôn cập nhật những thay đổi, tiến bộ về năng suất trên thế giới; Có khả năng quan sát phán đoán, nhận biết, chuẩn đoán đúng được "bệnh" của doanh nghiệp để có thể áp dụng những hệ thống công cụ cho phù hợp cũng như khả năng truyền đạt, làm việc nhóm tốt.
Bên cạnh đó, chuyên gia phải có khả năng tư duy hệ thống, tính logic cao, hoạch định thiết lập mục tiêu công việc. Đồng thời, tính cẩn thận, tỉ mỉ và trung thực cũng rất cần thiết bởi vì nếu như không cân nhắc cẩn thận, đưa ra những quyết định vội vàng hoặc không trung thực sẽ dẫn đến kết quả áp dụng để cải tiến sẽ không hiệu quả.
Khi đánh giá thực trạng doanh nghiệp cũng như áp dụng cải tiến năng suất chất lượng không thể làm ngày một ngày hai cũng như không thể làm một người mà phải cùng một tập thể cùng làm trong một thời gian nhất định, trải qua nhiều giai đoạn mới có được kết quả tốt vì thế một yếu tố làm nên sự thành công của chuyên gia năng suất đó là tính nhẫn nại trong công việc.
Trong tất cả yếu tố trên cái nào cũng là nhân tố quyết định cả nhưng quan trọng nhất vẫn là sự đam mê và tâm huyết với lĩnh vực năng suất chất lượng, đam mê với việc cải tiến thay đổi để ngày càng tốt hơn vì nếu có yêu thích và đam mê thì mọi yếu tố còn lại đều có thể học tập từ từ được.
Xin cám ơn ông!