Truyền thông

Nâng cao tinh thần "bút sắc, lòng trong" của báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng

TS. Vũ Văn Tiến - Trưởng ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 22:49 09/10/2023

Trong giai đoạn hiện nay, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị. Đây là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” huy động sức mạnh của toàn dân, trong đó, báo chí giữ vai trò rất đặc biệt, trở thành lực lượng tiên phong, xung kích, “góp lửa” đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

Báo chí phát huy vai trò xung kích, “góp lửa” đẩy lùi tham nhũng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi tham nhũng là “giặc nội xâm, giặc ở trong lòng, giặc này không có súng, có gươm nhưng lại có thể phá hỏng tất cả sự nghiệp của ta”.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần chỉ đạo “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” đã tạo ra sự đồng thuận, đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo những chuyển biến tích cực cả về mặt nhận thức cũng như hành động nên nhiều vụ án tham nhũng đã bị phát hiện và đưa ra xét xử công khai, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận xã hội.

Đồng hành với cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, hơn 800 cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình… với vị thế là cơ quan ngôn luận của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn và tiếng nói của các tầng lớp nhân dân đã ý thức được trách nhiệm của mình, đóng vai trò tích cực, quan trọng thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Qua những tác phẩm báo chí được xuất bản, phát sóng, báo chí, truyền thông đã giúp công chúng hiểu rõ những hậu quả, tác hại của tham nhũng đối với xã hội, đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước.

images2531333_anh_1__1_.jpg
Báo chí luôn cần phải giữ ngọn lửa "bút sắc, lòng trong". (Ảnh: Internet)

Nhiều các cơ quan báo chí đã tổ chức xây dựng các chuyên đề, những cuộc tọa đàm, phỏng vấn chuyên sâu, mở các chuyên trang, chuyên mục “Ý kiến bạn đọc”… đây không phải chỉ là những thông tin tuyên truyền đơn thuần mà là nơi bạn đọc tin tưởng gửi đơn thư nêu lên những vấn đề khuất tất, thiếu minh bạch, gây bức xúc nhân dân, phản ánh tệ quan liêu, tham nhũng của cán bộ, công chức ở nơi này hay nơi khác.

Sự dấn thân, không quản ngại hi sinh, vất vả của các phóng viên, đội ngũ người làm báo luôn mang trong mình tinh thần “bút sắc, lòng trong” để làm nên các tuyến bài điều tra công phu, phản ánh toàn diện sự việc, “góp lửa” trừ “quan tham”, phanh phui các vụ việc sai phạm, hành vi phạm pháp gây chấn động xã hội.

Các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên còn dày công phát hiện, điều tra, phanh phui, đưa tin phản ánh rất nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ đại án sai phạm lên đến hàng nghìn tỷ đồng gây lãng phí, thất thoát rất lớn tài sản công, lợi dụng chủ trương nhân đạo của Đảng, Nhà nước để làm giàu bất chính như vụ “Chuyến bay giải cứu”, vụ nâng giá kit test của Công ty Việt Á hay vụ án xảy ra tại Công ty AIC. Trong các vụ án nêu trên, nhiều cán bộ giữ trọng trách lớn trong các Bộ, ngành, địa phương bị cáo buộc nhận hối lộ.

Các cơ quan báo chí cũng đi đầu trong việc lên tiếng nhiều vụ việc “bổ nhiệm thần tốc” gây bức xúc dư luận ở một số ngành, địa phương và nhiều “ung nhọt” trong một số cơ quan công quyền, thông qua những phát hiện của báo chí, không ít trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy dự án, chạy bằng cấp… đã được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời…

Trong những năm qua, ý thức được sức mạnh quyền lực của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo, nhằm động viên, cổ vũ, tôn vinh các cơ quan báo chí và đội ngũ các nhà báo có thành tích đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; Đảng, Nhà nước đã tổ chức nhiều giải báo chí quốc gia như: Giải Báo chí Quốc gia, Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng), Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức… đã đem lại sự tin tưởng cho độc giả, công chúng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan báo chí và một số nhà báo gặp phải không ít khó khăn trong quá trình tác nghiệp để được tiếp cận đầy đủ, chính thống với nguồn thông tin đáng tin cậy từ các cơ quan, tổ chức trong quá trình đưa các vụ việc khuất tất, phạm pháp ra ánh sáng.

Báo chí cần đổi mới phương thức tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng

Để các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo tích cực đồng hành trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, cần hoàn thiện thể chế để các cơ quan báo chí, các nhà báo chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như:

Cần xây dựng cơ chế để các cơ quan bảo vệ pháp luật cung cấp thông tin cho báo chí trong điều kiện cho phép được tiếp cận nguồn thông tin đầy đủ, chính thống đáng tin cậy. Các cơ quan có trách nhiệm, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực; các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành cần chủ động tổ chức các cuộc gặp gỡ với các cơ quan báo chí để trao đổi, đánh giá kết quả báo chí đấu tranh chống tham nhũng.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thông qua giám sát, phản biện Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin cho báo chí. Đặc biệt, các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước cần thiết lập những đường dây để người dân có thể cung cấp các thông tin về tham nhũng cho các cơ quan và phóng viên báo chí.

Trên cơ sở sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng phát triển của báo chí như hiện nay, các cơ quan báo chí cần xây dựng những địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin như các số điện thoại đường dây nóng, tiếp nhận qua thư điện tử và các phương thức giao tiếp trực tuyến thực sự là “tai, mắt” tiếp sức cho các cơ quan báo chí và các nhà báo, nhất là khi hiệu quả đấu tranh của các cơ quan chức năng còn những hạn chế nhất định, thông qua phương thức thuận lợi này, người dân có thể nhanh chóng cung cấp cho báo chí những thông tin liên quan đến các biểu hiện, hành vi tham nhũng của đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật.

Các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo. Đặc biệt chú trọng các kỹ năng về tìm hiểu thông tin, viết bài điều tra vì nếu không có kỹ năng, trình độ, hạn chế về hiểu biết toàn diện các mặt của đời sống xã hội sẽ rất dễ gặp sơ suất trong nghề nghiệp, có thể gặp nguy hiểm.

Trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực báo chí còn có vai trò quan trọng trong việc cổ vũ, hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho nhân dân. Để giữ vững vị trí, vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong thì báo chí và đội ngũ những người làm báo cũng phải tự đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, phương thức truyền tải thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa đa dạng, vừa hấp dẫn. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các ấn phẩm báo chí về những phản ánh, kiến nghị đúng đắn, phù hợp, chính đáng của nhân dân; đề xuất về chính sách, về những quy định pháp luật chưa thật sự phù hợp thực tiễn cuộc sống.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có các biện pháp để bảo vệ các nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng vì đây là mảng đề tài không những khó viết nhất mà còn rất nguy hiểm, có thể bị đe dọa tính mạng. Đồng thời, các cơ quan chủ quản báo chí, ban biên tập các tòa soạn cần đồng hành, bảo vệ, hỗ trợ các nhà báo, phóng viên chân chính trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đi đến cùng sự thật hoặc không may họ bị gặp nạn, bị khiếu kiện vô cớ, sai sự thật.

Hội Nhà báo Việt Nam với vai trò là đại diện của những người làm công tác thông tin, tuyên truyền, cần thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên.

Các cơ sở đào tạo báo chí trên cả nước (các trường đại học, cao đẳng) cần nghiên cứu, xem xét việc mở chuyên ngành đào tạo báo chí chất lượng cao về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, đào tạo có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết sâu rộng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm thực hiện và hoàn thành sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông, đội ngũ người làm báo có chất lượng cao trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bài liên quan
  • Phát huy vai trò của Báo chí trong truyền thông về di sản văn hóa
    Để phát huy hiệu quả của báo chí trong công tác truyền thông về di sản văn hóa thì ngoài việc bản thân các cơ quan báo chí phải không ngừng nâng cao công tác nghiệp vụ chuyên môn cho các phóng viên, biên tập viên mà còn cần có những phương thức đổi mới từ nội hàm cho đến ngoại diên.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao tinh thần "bút sắc, lòng trong" của báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO