Nâng cao trình độ, chuyên môn của người lao động đáp ứng yêu cầu chiến lược 4.0
“Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” là chủ đề của diễn đàn số 8 do Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức chiều 30/11, tại Hà Nội.
Tham dự và chủ trì diễn đàn có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Việt Nam. Chủ trì diễn đàn có bà Vũ Thị Giáng Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT.
Cùng dự và đóng góp ý kiến tại diễn đàn có các đại biểu Công đoàn: TT&TT, Cao su, LĐLĐ các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Thanh Hóa, Gia Lai, Cần Thơ, Trà Vinh, Phú Yên, Lào Cai, An Giang và các đại biểu Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh
Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, bà Vũ Thị Giáng Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, tuyên truyền, vận động xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là một nội dung trọng tâm của công tác tuyên truyền, vận động của Công đoàn Việt Nam.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung lý luận chính trị cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động (NLĐ) đã góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, làm sâu sắc thêm niềm tin của đoàn viên, NLĐ vào Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn; là tiền đề để tổ chức Công đoàn thực hiện tốt hơn chức năng chăm lo, đại diện bảo vệ đoàn viên, NLĐ.
“Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, có chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng trong công nhân, viên chức, lao động cả nước”, bà Vũ Thị Giáng Hương nhấn mạnh.
Phát triển nguồn nhân lực có trình độ công nghệ cao và am hiểu văn hóa số
Với tham luận “Đổi mới công tác nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của NLĐ đáp ứng yêu cầu chiến lược VNPT 4.0”, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Ban Nhân lực Tập đoàn VNPT, Phó Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn VNPT cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội.
Không nằm ngoài xu thế chung, ông Minh cho biết từ một nhà khai thác cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống, VNPT đang quyết tâm, nỗ lực chuyển đổi không ngừng để không những trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu cho thị trường mà còn đảm bảo hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS) toàn bộ nền kinh tế xã hội của đất nước.
Tập đoàn VNPT đã xác định 4 đột phá trong hoạt động, trong đó tầm quan trọng của đột phá đầu tiên là đột phá về chất lượng nguồn nhân lực.
CĐS đã và đang chứng kiến sự thay đổi, phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các CNTT hiện đại, dần thay thế các giải pháp và công nghệ truyền thống. Tâm điểm của công cuộc chuyển đổi chính là ở việc điều chỉnh mô hình và nguồn lực để gia tăng hoạt động nghiên cứu, sản xuất, cung cấp các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ CNTT và dịch vụ số bên cạnh các dịch vụ viễn thông truyền thống của VNPT là dịch vụ thoại và Internet.
“Việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của VNPT, vừa phải thực hiện chuyển đổi nguồn nhân lực hiện có, vừa phải xây dựng đội ngũ mới có năng lực, trình độ công nghệ, dịch vụ và phải am hiểu văn hóa số để phục vụ cho khách hàng dịch vụ số”, ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Minh cũng cho biết, xu hướng giải pháp trọn gói, tích hợp dịch vụ viễn thông và CNTT đang đặt ra những yêu cầu “tích hợp” về năng lực trình độ đối với cán bộ nhân viên VNPT. Chuyên môn hóa sẽ phải đồng hành với đa dạng hóa kỹ năng của NLĐ ở một mức độ nhất định trong phân công lao động.
Xác định rõ các yêu cầu chuyển đổi nguồn nhân lực trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay, VNPT xây dựng, phát triển và triển khai các giải pháp đổi mới phát triển nguồn nhân lực. Tập đoàn thực hiện tối ưu hoá nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo, tái đào tạo cho các nhóm đối tượng khác nhau theo các yêu cầu mới cả về số lượng và chất lượng.
Tập đoàn cũng đã tổ chức các khóa đào tạo quản trị nhân sự hiện đại theo chuẩn quốc tế và các lớp tập huấn nghiệp vụ nhân sự đặc thù cho đội ngũ làm công tác nhân lực, nhân sự trực tiếp; chú trọng hướng dẫn các đơn vị tăng cường hàm lượng quản trị số, ứng dụng CNTT, công nghệ số vào công tác giảng dạy và quản trị nhân sự; triển khai đồng bộ mô hình đào tạo trực tuyến…
Ông Nguyễn Văn Minh cho biết thêm, công tác tái đào tạo ở Tập đoàn cũng được quan tâm để thực hiện chuyển đổi nguồn nhân lực viễn thông truyền thống sang nguồn nhân lực số.
“Thời gian qua, VNPT liên tục triển khai các khoá đào tạo chuyển đổi CNTT nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ nhân sự kỹ thuật viễn thông của các VNPT tỉnh, thành phố để tăng cường nguồn nhân lực tham gia phối hợp phát triển, hỗ trợ khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ CNTT”.
Bên cạnh đó, VNPT cũng đã chuẩn hoá năng lực kỹ thuật viên 4.0. Chỉ số bồi dưỡng, đánh giá nhân sự kỹ thuật viễn thông theo chuẩn 4.0 cũng được đưa vào bộ chỉ số giám sát nguồn nhân lực của Tập đoàn đối với các VNPT Tỉnh, thành phố.
Đồng thời, đẩy mạnh việc áp dụng các ứng dụng CNTT, hoàn thiện phần mềm quản trị phát triển nguồn nhân lực để áp dụng đồng bộ và thống nhất trong Tập đoàn, góp phần tăng cường năng lực CĐS trong lĩnh vực nhân lực/nhân sự nói riêng và của Tập đoàn nói chung để xây dựng VNPT là một tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập của nhân viên nhanh chóng, hiệu quả, mọi lúc, mọi nơi.
VNPT đã hoàn thiện xây dựng, quản trị 03 hệ thống chính: Hệ thống HRM quản lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu nhân sự; Hệ thống đào tạo trực tuyến VNPT eLearning quản lý, tổ chức các chương trình, khoá học đào tạo trực tuyến; Cổng thông tin tuyển dụng tập trung (TAMS – Talent Acquistion Management System) quản lý vị trí tuyển dụng, hồ sơ ứng viên và hỗ trợ tổ chức các đợt tuyển dụng trực tuyến.
“Các ứng dụng CNTT giúp đồng bộ, chuẩn hoá dữ liệu và công khai, minh bạch quy trình quản trị nhân sự của VNPT, góp phần tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, từng bước nâng cao hiệu quả trong công tác định hướng chiến lược nguồn nhân lực của Tập đoàn”, ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh./.