Truyền thông

Nâng cao vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách

Nguyễn Thị Quỳnh Hương, TS. Nguyễn Minh Phong 05/11/2023 06:15

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực” ngày 22/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp: Truyền thông chính sách có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị...

Tóm tắt:

Để làm tốt truyền thông chính sách:

- Cơ quan Nhà nước thực hiện tốt các quy định pháp lý liên quan đến công tác truyền thông chính sách.

- Báo chí chủ động trong công tác truyền thông chính sách.

- Đa dạng hóa và phối hợp hiệu quả các hình thức tuyên truyền chính sách.

- Xây dựng văn hóa báo chí lành mạnh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí về truyền thông chính sách.

Công tác truyền thông chính sách (TTCS) cần bám sát thực tế, tôn trọng thực tế, lấy thực tế làm thước đo, được thực hiện công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời hơn, có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, hiệu quả cao, phù hợp với nội dung tuyên truyền, tình hình, điều kiện và bối cảnh của từng cơ quan, địa phương, đơn vị, góp phần quan trọng đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách, từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

ttg.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, truyền thông chính sách có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị...

Làm tốt công tác truyền thông chính sách là góp phần đưa mọi chính sách đến được với người dân

TTCS là khâu quan trọng của quá trình chính sách và ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của đời sống xã hội và quản lý Nhà nước. TTCS bắt đầu từ khi nhận diện vấn đề chính sách, chứ không phải chỉ đến khi chính sách đã được ban hành. Đó không đơn thuần chỉ là truyền thông điệp chính sách một chiều từ các chủ thể chính sách đến các đối tượng chính sách, mà phải là tổ hợp các hoạt động chia sẻ thông tin về chính sách và quá trình chính sách (cách thức hoạch định, thực thi, đánh giá chính sách...) đến đối tượng chính sách, nhằm thúc đẩy hiểu biết, phản biện, đồng thuận, sự tin cậy và tương tác qua lại, đa chiều giữa các chủ thể chính sách với các đối tượng chính sách liên quan, giúp các bên hiểu biết đầy đủ, kịp thời và tham gia vào quá trình thiết kế, cải thiện chất lượng chính sách và thực thi chính sách công một cách chủ động, tự nguyện và hiệu quả.

Làm tốt công tác TTCS là góp phần đưa mọi chính sách đến được với người dân, với tinh thần lấy dân làm gốc, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; đồng thời, góp phần phản ánh dư luận và sự phản biện về một số nội dung chính sách không phù hợp, giúp các cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh, tránh gây bức xúc trong dư luận và nhân dân... Trên cơ sở đó, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh tổng hợp, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách công.

Theo tinh thần Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác TTCS, TTCS là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc TTCS.

Với chức năng cung cấp thông tin, cầu nối và phản biện, báo chí không chỉ là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, mà còn có vai trò quan trọng, đảm nhiệm vị trí trung tâm trong TTCS nói riêng và trong quá trình hình thành và thực thi, hoàn thiện chính sách nói chung.

Thời gian qua, báo chí đã tham gia tích cực vào công tác TTCS. Báo chí, một mặt, thực hiện các hoạt động truyền tải thông tin chính sách đến với dân chúng, định hướng, làm tăng nhận thức và đồng thuận xã hội về thực hiện chính sách. Mặt khác, báo chí cũng tạo diễn đàn chính sách, kết nối và thu hút trí tuệ xã hội và nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của các đối tượng chính sách vào phản biện chính sách, gia tăng ảnh hưởng tích cực và áp lực xã hội đến yêu cầu và định hướng lựa chọn và hoàn thiện chính sách, góp phần bảo đảm quyền công dân, thúc đẩy công bằng dân chủ hóa xã hội và nâng cao hiệu quả chung của quá trình chính sách...

Đặc biệt, báo chí giúp thu thập và truyền tải thông tin từ đối tượng chính sách để các chủ thể chính sách hiểu biết tốt hơn các nhu cầu, nguyện vọng, các xu hướng phản ứng của đối tượng chính sách, nhất là trường hợp có quyền lợi vật chất bị ảnh hưởng, trực tiếp và gián tiếp cung cấp cơ hội cho quyền biết, quyền bàn và quyền giám sát của nhân dân, các nhóm cộng đồng xã hội trong điều hành quốc gia, địa phương, hướng tới thay đổi thái độ, hành vi của công dân, cộng đồng, xã hội trong tuân thủ và xây dựng pháp luật, đóng góp vào bảo vệ chủ quyền và phát triển quốc gia, địa phương.

Đồng thời, báo chí còn góp phần giám sát thực hiện, phát hiện vấn đề, bất cập, lợi dụng thẩm quyền trong quá trình chính sách, cung cấp thông tin giúp chủ thể chính sách tự rà soát các phương pháp, công cụ, cách tiếp cận và cách hành xử của mình đối với các vấn đề xã hội, hỗ trợ quá trình cải cách thủ tục hành chính, đổi mới bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ, giúp đưa Nhà nước đến gần công chúng hơn, chuyển quá trình chính sách từ độc quyền và một chiều sang thành một quá trình hai chiều, Nhà nước đồng hành cùng xã hội (đồng thiết kế chính sách); từ đó, tạo dựng và duy trì sự tin cậy của xã hội đối với Nhà nước và các chủ thể chính sách, hạn chế sự lan rộng và leo thang của chống đối hay bất mãn xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động TTCS của báo chí vẫn còn không ít hạn chế: Một số cơ quan báo chí thiếu kế hoạch, thiếu chủ động và chưa bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác TTCS; đội ngũ phóng viên, biên tập viên làm TTCS thiếu chuyên trách, chuyên nghiệp; nội dung thông tin chưa đầy đủ, hình thức thông tin còn đơn điệu, chưa hấp dẫn và nhất là chưa tham gia sâu vào khâu phản biện, giám sát và hoàn thiện chính sách...

Theo tinh thần Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ trọng tâm của báo chí trong giai đoạn 2021 - 2025 là thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền Trung ương và địa phương; tuyên truyền về bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương. Đồng thời, tuyên truyền về hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế của đất nước; tuyên truyền khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; công tác phòng, chống, khắc phục thiên tai, hiểm họa, dịch bệnh cho cộng đồng...

internal-communications-technology-1-16469685628511346220420.png

Phát huy vai trò của báo chí trong công tác truyền thông chính sách

Để phát huy vai trò báo chí trong TTCS thời gian tới, cần chú ý nhận diện đầy đủ và làm tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về phía cơ quan chức năng Nhà nước, cần quán triệt, thực hiện và chỉ đạo thực hiện tốt các quy định pháp lý liên quan đến công tác TTCS, trọng tâm là việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí. Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước. Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.

Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các Bộ, ngành, cơ quan để chủ động định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và các phương thức truyền thông khác về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; chủ động, đổi mới việc cung cấp thông tin cho báo chí, thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và nâng cao trách nhiệm giải trình trước các vấn đề và câu hỏi liên quan nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Các cổng thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cần thể hiện rõ vai trò là nơi cung cấp thông tin nguồn và định hướng tuyên truyền chính sách.

Ngoài ra, cần phát triển hạ tầng và thúc đẩy TTCS trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam; sử dụng công nghệ rà quét, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh trong công tác TTCS.

Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội, chủ động đấu tranh, bóc gỡ, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin... Chú ý tăng đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ TTCS phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.

Thứ hai, về phía các quan báo chí, cần coi trọng nội dung TTCS toàn diện về bản thân chính sách và quá trình chính sách; trong đó, nổi bật là thông tin về tổ chức, bộ máy, quy trình, thủ tục, các triết lý, tầm nhìn và các luận cứ, luận chứng, thẩm quyền, trách nhiệm lựa chọn chính sách của các chủ thể chính sách; về ý kiến, các phản ứng chính sách của cộng đồng xã hội và đối tượng chính sách; về giám sát thực hiện, phát hiện vấn đề, bất cập, lợi dụng thẩm quyền và các thông tin liên quan khác để các chủ thể chính sách rà soát xử lý tốt hơn các ý kiến phản biện xã hội và hoàn thiện thêm về chính sách, cũng như kịp thời định hướng thông tin chính sách.

Báo chí cần chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách để được cung cấp thông tin về nội dung của dự thảo chính sách một cách chính xác, kịp thời và chính thức; khai thác nguồn tin về chính sách trên các kênh thông tin chính thức khác của cơ quan Nhà nước, như trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; trả lời phỏng vấn của người có thẩm quyền đại diện cơ quan Nhà nước chủ trì soạn thảo chính sách...

Trong quá trình TTCS, có thể có khả năng các cơ quan báo chí xung đột quan điểm với các cơ quan quản lý khác nhau; hoặc xuất hiện tình trạng báo chí bảo kê cho các lợi ích nhóm và tình trạng tham nhũng chính sách... Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và cơ chế hiệu quả trong việc vừa ngăn chặn tình trạng lạm dụng và tham nhũng chính sách, vừa bảo vệ các nhà báo và cơ quan báo không ngại va chạm, có tinh thần dấn thân vì lợi ích cộng đồng và phát triển lành mạnh của xã hội...

Thứ ba, đa dạng hóa và phối hợp hiệu quả các hình thức tuyên truyền chính sách. Theo đó, cần đa dạng hóa và phối hợp hiệu quả các loại hình và thể loại tác phẩm báo chí; ngày càng sử dụng nhiều hơn các thể loại báo chí hiện đại, áp dụng các thành tựu công nghệ thông tin và CMCN 4.0 vào hoạt động TTCS của báo chí... Coi trọng tổ chức các cuộc thi viết và trao giải thưởng quốc gia và các cấp độ khác về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, trong TTCS cần cân nhắc câu, chữ và diễn đạt ý tứ nội dung sao cho có tính đại chúng, ngắn, mạch lạc và đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, dễ đi vào lòng dân, từ đó, người dân thấm nhuần và tự giác thực hiện chính sách.

Bên cạnh việc thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, thay đổi phương thức vận hành, quản lý quy trình sản xuất và phân phối nội dung, các cơ quan báo chí cũng cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia nối mạng toàn quốc phục vụ công tác TTCS; thường xuyên thực hiện các chương trình chuyên đề, đa dạng thích hợp, kiểu “Hội nghị bàn tròn”, “Diễn đàn khoa học”, “Gặp gỡ hàng tháng, hàng năm” và “Giao lưu”... để tuyên truyền chính sách phù hợp cho từng nhóm đối tượng trong xã hội, phù hợp với chủ trương, chính sách và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước và khu vực trong từng thời kỳ…

Thứ tư, xây dựng văn hóa báo chí lành mạnh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí về TTCS.

Các cơ quan báo chí cần chủ động xây dựng kế hoạch và linh hoạt triển khai hoạt động TTCS từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; xây dựng các tài liệu chuyên đề về chính sách cần truyền thông; biên soạn và thực hiện các quy trình, cẩm nang xử lý thông tin và ứng phó với khủng hoảng truyền thông trên báo chí; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức truyền thông đa phương tiện để tạo hiệu quả TTCS.

Đặc biệt, cần coi trọng tổ chức tốt việc xây dựng văn hóa báo chí lành mạnh; phối hợp, bảo vệ và tôn vinh đội ngũ các nhà báo chuyên trách tuyên truyền chính sách. Theo đó, cơ quan báo chí cần coi trọng bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ phóng viên, biên tập viên làm công tác TTCS phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, hội tụ đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cốt lõi về công chúng và truyền thông; về bối cảnh, sự cần thiết, tính chất, nội dung, mục tiêu và quá trình xây dựng, vận hành và hoàn thiện chính sách, vận động và đánh giá tính đồng bộ và hai mặt của chính sách đến đối tượng chính sách, nhằm hướng tới việc điều chỉnh, phản biện và hài hòa các lợi ích mà chính sách hướng tới.

Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ việc thực thi các chính sách và quy định pháp quy liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ được tiếp cận thông tin, đưa tin và cung cấp thông tin; hài hòa hơn các góc độ thông tin, cân bằng hơn quyền và trách nhiệm của mình đối với bạn đọc và xã hội; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác tuyên truyền và quản lý tăng trưởng xanh; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trao đổi thông tin, khoa học công nghệ và truyền thông về phát triển kinh tế xanh, bền vững; đề cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm chất lượng thông tin truyền tải và thông điệp chuyển giao ra xã hội; không thể vì tiền mà uốn cong ngòi bút, dung túng cái sai và bảo kê tiêu cực; không thể coi nhẹ chất lượng thông tin, tạo dựng và sử dụng thông tin “rác”, méo mó, xuyên tạc.

Đồng thời, cần tránh những ngộ nhận và kiểm soát chặt chẽ sự lạm dụng quyền lực của báo chí, nhất là những biểu hiện “lợi ích nhóm”, “bảo kê”, ngấm ngầm hoặc công khai dùng thông tin và nghiệp vụ để “bắt nạt” hoặc “làm tiền” doanh nghiệp; đưa tin một chiều, thiếu khách quan, thiếu chính xác và thiếu kiểm chứng, thiếu trách nhiệm hay nghiệp vụ yếu, làm mất lòng tin của xã hội vào chính sách.

Việc thiếu kiến thức chuyên môn, hiểu không thấu đáo vấn đề, lại chuộng giật tít sốc, lạm dụng ngôn từ trong phân tích, chứng minh… không chỉ khiến thông tin làm sai lạc bản chất vấn đề, mà còn có thể gây hoang mang dư luận, bất lợi cho xã hội. Việc đưa tin thất thiệt lại kèm sự bình luận, nhận xét thiếu chính xác không chỉ cho thấy sự yếu kém chuyên môn, mà còn bộc lộ những lỗ hổng đạo đức, dù vô tình hay cố ý của người viết; nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây tác hại khó lường cho người khác và xã hội…

Trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo không phải là vấn đề mới, nhưng lại luôn mang tính thời sự, tính thực tiễn và đòi hỏi cách nghĩ, cách làm mới.

Thực tế cho thấy, người làm công tác TTCS phải có khả năng tham mưu cho chính quyền xây dựng các kế hoạch truyền thông bám sát cuộc sống của người dân và doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, phản ánh được ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, chính khách và nhân dân trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách.

Để làm được điều này, người làm TTCS không chỉ có kỹ năng làm báo thông thường, mà phải có kiến thức về chính trị, chính sách công, có phong cách làm việc sâu sát thực tiễn, gắn bó, đồng hành với người dân và doanh nghiệp và có kỹ năng sáng tạo các sản phẩm truyền thông đa phương tiện để thực hiện thông tin hai chiều giữa người dân và Nhà nước một cách hiệu quả nhất. Viết có trách nhiệm, trung thực, công bằng, cân bằng, không thiên vị và thấu đáo, vì lợi ích xã hội ngày càng trở thành thúc giục nội tâm và phẩm chất hội tụ hàng đầu của các nhà báo, dù đưa tin, bình luận, phản biện hay đưa tin kết hợp bình luận và phản biện, trong cả hiện tại và tương lai, để ngày càng có thêm nhiều tác phẩm hay và những bút danh sống mãi với thời gian.

Người làm truyền thông chính sách không chỉ có kỹ năng làm báo thông thường, mà phải có kiến thức về chính trị, chính sách công, có phong cách làm việc sâu sát thực tiễn, gắn bó, đồng hành với người dân và doanh nghiệp và có kỹ năng sáng tạo các sản phẩm truyền thông đa phương tiện để thực hiện thông tin hai chiều giữa người dân và Nhà nước một cách hiệu quả nhất.

Các cơ quan đào tạo cần coi trọng hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp và tăng tính thực tiễn của chương trình đào tạo sinh viên báo chí.

Cần nhấn mạnh rằng, một nền báo chí lành mạnh và các nhà báo sắc sảo, trung thực, thiện chí và dám “dấn thân”, được bảo vệ tốt và được tôn vinh trong một môi trường pháp lý khuyến khích tự do, dân chủ và trách nhiệm cao trong thông tin, phản biện xã hội… chính là điều kiện và hợp lực mạnh mẽ cho việc tập hợp và phát huy các sức mạnh trí tuệ và vật chất, dân tộc và thời đại, vượt qua các sức ép hành chính hay kỹ thuật, để tập hợp, đại diện và khẳng định nguyện vọng chính đáng của công dân và ý chí của đông đảo cử tri, bạn đọc vì phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc và các thế hệ tương lai..../.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

2. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

3. Quyết định 407/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”;

4. Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ;

5. Quyết định số 1497/QĐ-TTg, ngày 8/11/2018 phê duyệt Chiến
lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030;

6. https://vietintravel.com/truye...;

7. https://www.quanlynhanuoc.vn/2..., cập nhật ngày 5/1/2021.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO