Truyền thông

Truyền thông chính sách cần phản biện đúng để cùng phát triển

Trường Thanh 14:47 18/10/2023

Để truyền thông chính sách hiệu quả, khả thi và tạo thành “đòn bẩy” cho hoạt động báo chí, cần xác định đúng vai trò, vị trí và nhiệm vụ của báo chí và chính quyền. Báo chí và chính quyền xác định tinh thần chủ động “gặp gỡ” để cùng đánh giá, nhìn nhận, thúc đẩy, hỗ trợ nhau.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách.

Ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Thủ tướng yêu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo; Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách.

Đồng thời, quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ...; Xây dựng kế hoạch truyền thông hàng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách...

img_1267.jpg
Diễn đàn Tổng biên tập với chủ đề "Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí" diễn ra mới đây gợi mở nhiều vấn đề, hướng tới hiệu quả trong công tác truyền thông chính sách. (Ảnh: Quang Minh)

Báo chí và chính quyền xác định tinh thần chủ động “gặp gỡ”

Để truyền thông chính sách hiệu quả, khả thi và sớm tạo thành “đòn bẩy” cho hoạt động báo chí, Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân Đoàn Xuân Bộ cho rằng, cần xác định đúng vai trò, vị trí và nhiệm vụ của báo chí và chính quyền. Báo chí và chính quyền xác định tinh thần chủ động “gặp gỡ” để cùng đánh giá, nhìn nhận, thúc đẩy, hỗ trợ nhau.

Trước tiên và quan trọng là từ báo chí. Với báo chí sự chủ động là rất quan trọng. Các cơ quan báo chí phải tìm đến nguồn tin để nuôi sản phẩm của mình, đặc biệt là báo chí thị trường muốn bạn đọc đến với mình, muốn sản phẩm của mình như thế nào, định hướng xã hội ra sao thì chính mình phải chủ động.

Cùng với sự chủ động của báo chí thì các cấp chính quyền cũng phải xác định trách nhiệm của mình. Vai trò của các cấp chính quyền là phải tìm đến báo chí. Đây là một trong những nhiệm vụ của chính quyền bởi muốn cho địa phương, bộ ngành, lĩnh vực mà mình quản lý phát triển tốt, muốn các chính sách thấm vào đời sống, có hiệu quả thực tế thì phải qua các kênh truyền thông, đặc biệt là báo chí.

“Báo chí và chính quyền - hai bên phải xác định tinh thần chủ động “gặp gỡ” chứ không được lẩn tránh... hay tạo lực cản cho nhau. Bởi suy cho cùng chúng ta đều chung một mục tiêu là cung cấp thông tin chính thống cho bạn đọc, là phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”, ông Đoàn Xuân Bộ nhấn mạnh.

Truyền thông chính sách cần tôn trọng tinh thần phản biện

Theo ông Đoàn Xuân Bộ, trong truyền thông chính sách cần đề phòng một khuynh hướng rất dễ mắc phải, đó là không tôn trọng tinh thần phản biện mà chỉ nói mặt tốt, chỉ tô hồng một chiều… Khuynh hướng này dẫn đến báo chí không coi trọng việc góp ý, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại tại bộ ngành, địa phương.

Thậm chí, có quan điểm cho rằng, khi đã cung cấp kinh phí cho báo chí tức là đã góp phần nuôi báo chí thì báo chí có trách nhiệm phải nói tốt cho địa phương, cho bộ ngành, cho nên không cẩn thận báo chí sẽ mất tính phản biện, xung kích và đấu tranh…

“Nếu không có mách bảo của báo chí, dẫn đường định hướng của báo chí thì chính quyền sẽ rất dễ mất niềm tin nơi nhân dân, không đạt được mục tiêu chính trị. Còn nếu báo chí vì nghĩ rằng “đặt hàng” chính sách là chỉ nói cái hay, cái tốt cho chính quyền thì báo chí sẽ dễ mất bạn đọc. Chính vì thế, nên thống nhất rằng: Truyền thông chính sách không có nghĩa là chỉ nói mặt tốt, không có nghĩa chỉ khuyến khích động viên, tô hồng sự thật”, ông Đoàn Xuân Bộ chia sẻ.

Theo ông Đoàn Xuân Bộ, thông tin trung thực vì lợi ích chung của đất nước thì phải nói cả mặt tốt và mặt còn hạn chế, nói cả những suy nghĩ, góc nhìn mang tính phản biện của nhà báo trước các vấn đề xã hội quan tâm. Đấy là cái cần để khẳng định giá trị thực sự của báo chí, nâng cao uy tín của báo chí trong lòng dân.

Tuy nhiên, để làm tốt vai trò phản biện chính sách hiện nay vẫn còn nhiều “điều kiện cần và đủ” đối với báo chí. Phản biện phải trên tinh thần xây dựng, gỡ khó chính là xu hướng của báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp.

“Nhà báo đi khắp cả nước, nghe ngóng dư luận sẽ có những “mách bảo” chính quyền những việc cần làm, những điều thật hữu ích, hiệu quả. Nhà báo là chiếc cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân, ắt sẽ có những kiến giải phù hợp, khách quan. Làm được điều ấy không chỉ cần có tâm mà còn phải có tầm nhìn, có trình độ”, ông Đoàn Xuân Bộ cho biết.

Tuy nhiên, ông Đoàn Xuân Bộ cũng lưu ý, nếu như nhà báo không nâng cao trình độ của mình khi đánh giá, nhìn nhận các vấn đề để phản biện đúng, trúng thì hậu quả cũng rất khó lường.

Trong vấn đề phản biện, ở góc độ chính quyền, địa phương cũng rất cần những tiếng nói thẳng thắn; Phối hợp với những bài phê bình trên tinh thần xây dựng để mách bảo cho địa phương chỗ nào chưa được, chỗ nào cần làm tốt hơn hay cái gì cản trở sự phát triển… mới là thông tin quý và cần thiết.

Xác định tỷ lệ phù hợp cho các vấn đề truyền thông chính sách

Bên cạnh đó, ông Đoàn Xuân Bộ cũng cho rằng, chúng ta phải xác định được tỷ lệ thông tin truyền thông chính sách trong tương quan với các nội dung khác đối với mỗi ấn phẩm báo chí.

Truyền thông chính sách là một mảng, một vấn đề nhưng không phải là tất cả. Bởi trong đời sống xã hội có rất nhiều thông tin, và để phù hợp với thị hiếu của công chúng ngày càng đa dạng hiện nay thì thông tin đó phải phong phú. Do vậy, cần có một tỉ lệ nhất định phù hợp với từng cơ quan báo chí.

Nếu tờ báo chỉ thiên quá nhiều nội dung về chính sách, mà phóng viên lại lười “chế biến” thì dễ trở thành công báo, khô cứng, khó hấp dẫn bạn đọc. Còn nếu tờ báo chỉ đơn thuần giải trí, vô thưởng vô phạt thì thiếu hụt thông tin, không làm tròn chức năng định hướng dư luận xã hội của báo chí.

“Để xác định tỉ lệ như thế nào thì lại tùy vào tôn chỉ mục đích, vị trí chức năng và quan điểm của Ban lãnh đạo tờ báo. Làm thế nào để cân đối hài hòa, để bạn đọc quan tâm tới tờ báo của mình là bài toán không dễ đối với từng đơn vị báo chí trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay”, ông Đoàn Xuân Bộ nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Việt Nam: một trong số ít quốc gia có năng lực sản xuất tấm tấm bán dẫn
    Mới đây, hơn 100 công ty từ Úc và Việt Nam đã hội tụ tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Xanh tại TP. Hồ Chí Minh để thảo luận về năng lượng xanh, công nghệ, giáo dục và tài chính.
  • Các công cụ bảo mật đám mây dựa trên AI
    Ngày nay, AI tiên tiến đang được đưa vào sử dụng ở mọi loại hình doanh nghiệp (AI). Một loạt các nhà cung cấp bảo mật bên thứ ba đã phát hành các công cụ bảo mật đám mây dưới sự hỗ trợ của AI. Dường như đây là một trong những xu hướng nóng nhất trong ngành.
  • Những người làm báo từ rừng về phố
    Ngày 30/4/1975, trong những cánh Giải phóng quân từ khắp nẻo tiến về Sài Gòn, có cả một đội quân nhà báo xuất phát từ các chiến khu hoặc hành quân theo các binh chủng, đã kịp thời có mặt, chứng kiến giây phút trọng đại: Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
  • Oracle đầu tư mạnh vào AI tạo sinh, đáp ứng xu hướng "chủ quyền dữ liệu"
    Nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây của Hoa Kỳ Oracle đang tăng cường các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của mình khi cạnh tranh trên thị trường điện toán đám mây (ĐTĐM) ngày càng khốc liệt và ngày càng có nhiều công ty nhảy vào lĩnh vực AI.
  • Mỹ lập hội đồng khuyến nghị ứng dụng AI an toàn cho hạ tầng trọng yếu
    Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra khuyến nghị cách sử dụng công nghệ AI để bảo vệ các hãng hàng không, dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng trọng yếu khác, đặc biệt là chống các cuộc tấn công sử dụng AI.
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông chính sách cần phản biện đúng để cùng phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO