Truyền thông

Để truyền thông chính sách thực sự đi vào đời sống

TS. Nguyễn Nga Huyền - Khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí & Tuyên truyền 15/10/2023 13:35

Năng lực truyền thông chính sách ở Việt Nam vẫn là một trong những chủ đề gây được sự quan tâm sâu rộng của giới nghiên cứu, giới truyền thông và cả các chính trị gia, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội phát triển trở thành một kênh phát tán thông tin dễ dàng và khó kiểm soát.

Tóm tắt:

- Trung tâm của công tác truyền thông chính sách là công chúng, phải gắn lợi ích của người dân vào quá trình hoạch định và truyền thông.

- Tận dụng các công cụ truyền thông hữu hiệu nhất có thể, không phải chỉ truyền hình của nhà nước hay cơ quan báo chí cấp trung ương mới truyền thông chính sách.

- Lắng nghe phản hồi sau từng đợt truyền thông để điều chỉnh
chính sách cho phù hợp và kịp thời.

- Ứng dụng được những thành tựu hiện đại của khoa học công
nghệ để phục vụ hiệu quả công tác truyền thông chính sách.

Nhận định một cách khái quát, công tác truyền thông chính sách tại Việt Nam hiện nay chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Và hơn ai hết, những nhà hoạch định truyền thông chính sách là những người phải nhận thức được những hiệu quả mà công tác truyền thông chính sách có thể mang lại cho bản thân chính sách và cả cộng đồng. Để từ đó, có những thay đổi quyết liệt hơn và hệ thống hơn trong công tác truyền thông chính sách.

Để làm được điều đó, cần xác định trung tâm của công tác này chính là công chúng. Họ phải được gắn lợi ích của mình vào quá trình hoạch định và truyền thông chính sách.

4444(1).png

Theo đó, trước hết, cần gắn việc xây dựng mục tiêu truyền thông chính sách với nhu cầu thực tiễn của công chúng. Bởi điều đầu tiên, chính sách không thực tế sẽ là một chính sách “chết yểu”, nhưng chính sách thực tế rồi, mà công tác truyền thông chính sách lại yếu, thì sẽ khiến nó chậm đi vào cuộc sống.

Thí dụ tiêu biểu cho điều này chính là câu chuyện cải tổ sách giáo khoa. Về nguyên tắc, nếu một chương trình học có nhiều bộ sách giáo khoa, sẽ loại bỏ hình thức độc quyền, tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh thông qua chọn lọc tự nhiên của công chúng, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng sách giáo khoa, từ đó phục vụ đắc lực hơn cho sự nghiệp giáo dục. Vì thế, chủ trương một chương trình học nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ngay bản thân một số thành viên trong Chính phủ và nhiều đại biểu Quốc hội vẫn tranh luận về tính đúng đắn của chủ trương này. Điều đó cho thấy lực lượng truyền thông cho chính sách giáo dục chưa nắm bắt được nhu cầu thực tiễn của công chúng cũng như những quan ngại, trăn trở của họ xung quanh câu chuyện cải tổ sách giáo khoa. Điều này dĩ nhiên sẽ khiến việc chuyển tải những điểm tích cực của chính sách đến công chúng trở nên khó khăn, và chưa thể làm cho chính sách đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả.

Truyền thông chính sách, để gắn với nhu cầu thực tế của công chúng, cần đi vào cuộc sống của nhân dân để tìm hiểu, tương tác, và đánh giá. Nhà truyền thông chính sách nhất thiết phải đặt mình vào vị trí của công chúng ở nhiều trình độ, hoàn cảnh khác nhau để có góc nhìn đa dạng về cách tiếp cận thông điệp truyền thông, từ đó mới có thể lên kế hoạch truyền thông, thiết kế thông điệp phù hợp với nhu cầu, năng lực của đối tượng tiếp nhận.

Thứ hai, cần chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch truyền thông chính sách và đảm bảo công việc này được thực hiện bởi những người làm truyền thông chuyên nghiệp. Đây là nội dung không dễ triển khai đối với bối cảnh Việt Nam, khi các nhân lực truyền thông chính sách chủ yếu là những cán bộ, viên chức thuộc cơ quan soạn thảo, những người có chuyên môn về chính sách nhưng không được đào tạo bài bản về truyền thông. Nói một cách dễ hiểu, chính sách cần được xem như là một “hàng hoá” cần đem bán cho người tiêu dùng (công chúng), và công tác truyền thông chính sách cần được nhìn nhận như việc marketing cho sản phẩm hàng hoá đó, sao cho nó được người tiêu dùng biết đến nhanh nhất, nhiều nhất.

Kế hoạch truyền thông chính sách phải trở thành một nội dung của chương trình làm việc, và cần được diễn ra song song với mọi khâu của quy trình truyền thông chính sách, ngay từ quá trình lên kế hoạch cho chính sách, đến soạn thảo chính sách, lấy ý kiến công chúng, và ban hành.

Lưu ý khi chuẩn bị kế hoạch truyền thông, điều rất quan trọng là xác định được đối tượng tiếp nhận và phân loại các nhóm đối tượng nhỏ theo trình độ, thu nhập, giới tính, vùng miền để từ đó có công cụ và nội dung truyền thông phù hợp nhất có thể.

1.jpg
Công tác truyền thông chính sách cần được nhìn nhận như việc marketing cho sản phẩm hàng hoá, sao cho nó được người tiêu dùng biết đến nhanh nhất, nhiều nhất.

Lãnh đạo cơ quan soạn thảo cần thiết phải xây dựng một lực lượng truyền thông chính sách hiệu quả ngay trong nội bộ đơn vị mình. Nhưng nếu chưa làm được điều đó ngay, việc xã hội hoá công tác truyền thông chính sách là điều cần thiết, nhằm mang lại hiệu quả về mặt thời gian, để rút ngắn khoảng cách đi vào cuộc sống của chính sách. Có điều, để làm được như vậy rất cần ở người đứng đầu cơ quan soạn thảo một tư duy đổi mới so với hiện nay. Thực tiễn truyền thông chính sách tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Hàn Quốc… đã cho thấy tính hiệu quả của việc có lực lượng chuyên nghiệp tham gia vào công tác truyền thông chính sách.

Thứ ba, cần tận dụng các công cụ truyền thông hữu hiệu nhất có thể, không lệ thuộc vào tư duy truyền thống là chỉ truyền hình của nhà nước hay cơ quan báo chí cấp trung ương mới là kênh truyền thông dành cho chính sách.

Mạng xã hội với tốc độ phủ sóng đáng kinh ngạc đã trở thành một kênh thông tin vô cùng hữu hiệu nếu các nhà truyền thông chính sách biết cách tận dụng. Trên thế giới, không hiếm chuyện các chính trị gia, các nguyên thủ có tài khoản mạng xã hội của riêng mình để trực tiếp, hoặc thông qua bộ phận trợ lý truyền thông, giao tiếp với công chúng trên mạng xã hội nhằm phát đi một cách gần gũi những thông điệp liên quan đến cách chính sách. Thậm chí, Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phát biểu rằng: “Thật lòng mà nói, tôi nghi ngờ về việc mình có thể đạt được vị trí như ngày hôm nay (Tổng thống Mỹ) nếu không có mạng xã hội” [1].

Trong khi đó, tính đến tháng 1 năm 2023, Việt Nam có 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% dân số [2]. Thực tế cho thấy rất nhiều phản ứng tiêu cực của dư luận liên quan đến chính sách được lan truyền trên nền tảng của mạng xã hội. Với những tính năng ưu việt của mình, mạng xã hội cho họ quyền phát biểu ý kiến, bộc lộ cảm xúc, tương tác mạnh mẽ và rộng rãi dưới nhiều hình thức, một cách không giới hạn. Vì thế, khi một chính sách được đưa ra, nếu có một thông điệp rõ ràng, đầy đủ, khiến người dân nhận thấy lợi ích của mình trong đó, thì khả năng nó nhận được sự đồng thuận xã hội là rất cao. Tuy nhiên, điều ngược lại cũng hoàn toàn có thể xảy ra, nếu như việc truyền thông cho chính sách không được chuẩn bị kỹ lưỡng, giống như ví dụ đã phân tích ở trên. Tệ hơn, khi đã gây mất thiện cảm trong công luận, chính sách sẽ rất khó được chấp nhận trở lại cho dù về bản chất đó vẫn là một chính sách tốt.

Thứ tư, nhất thiết phải lắng nghe phản hồi sau từng đợt truyền thông để điều chỉnh chính sách cho phù hợp và kịp thời. Điều này thực ra rất nhất quán với nguyên tắc phải gắn chính sách với thực tiễn cuộc sống, lấy lợi ích, nhu cầu của công chúng làm trung tâm. Bởi khi một chính sách ra đời, thì mục đích của nó là phục vụ người dân, tạo ra sự ổn định và phát triển của xã hội. Tuy nhiên, những người làm chính sách, dù có tài giỏi, dày dặn kinh nghiệm đến mấy, cũng khó lòng có thể xây dựng được một chính sách hoàn hảo tuyệt đối. Thực tiễn cuộc sống sẽ luôn luôn đi trước chính sách và đòi hỏi những nhà quản lý, nhà làm luật phải nắm bắt được xu thế của thực tiễn để điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp và kịp thời.

2.jpg
Phải lắng nghe phản hồi sau từng đợt truyền thông để điều chỉnh chính sách cho phù hợp và kịp thời.

Vì lẽ đó, công tác truyền thông chính sách luôn luôn cần đảm bảo việc đánh giá đúng tầm quan trọng của khâu lắng nghe phản hồi sau từng đợt truyền thông. Một chính sách tốt, truyền thông tốt, nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội khi ban hành, nhưng không có những đáp ứng, điều chỉnh sau này trong thực tiễn áp dụng khi nảy sinh những đòi hỏi mới, thì cũng dần trở thành một chính sách tụt hậu, xa rời thực tiễn và thất bại. Chính ở khâu này, tầm quan trọng của truyền thông chính sách lại một lần nữa được khẳng định như là một hoạt động “hình với bóng” của việc xây dựng chính sách.

Và cuối cùng, trong bối cảnh Cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, những nhà hoạch định chính sách và truyền thông chính sách cần ứng dụng được những thành tựu hiện đại của khoa học công nghệ để phục vụ hiệu quả công tác truyền thông chính sách.

Điều này thoạt nghe không dễ hình dung, nhưng thực tiễn đã cho thấy một số quốc gia, như Anh, Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), đã triển khai các chương trình chính phủ dữ liệu lớn (Big Data government programmes). Cuộc khảo sát chính phủ điện tử năm 2012 của Liên Hợp Quốc đã chấm điểm cao cho một số nước châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo đã đưa ra các sáng kiến đa dạng về Big Data và bắt đầu nhiều dự án [3].

Đã có những tổng kết về lợi ích của Big Data đối với việc hoạch định và truyền thông chính sách như [4]:

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ.

Bằng cách chuyển sang dữ liệu lớn trong việc hoạch định chính sách, Chính phủ có thể đưa ra quyết định nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến chất lượng của các quyết định đó. Điều này sẽ giảm khung thời gian theo truyền thống được yêu cầu để tạo, đánh giá và thực hiện chính sách. Chính phủ có thể đưa ra các chính sách có lợi khi công chúng cần nó nhất.

- Lấy công dân làm trung tâm trong hoạch định chính sách.

Dữ liệu lớn mang lại một cái nhìn rộng hơn cho Chính phủ. Các thông tin thu thập có thể thông báo về người dân, cuộc sống hiện tại của họ, nhu cầu của họ và những khoảng trống trong các dịch vụ và nhu cầu. Tất cả những yếu tố này trở thành một thông tin đầu vào hữu hiệu, giúp Chính phủ gây ấn tượng với mọi công dân bằng chính sách hiệu quả. Dữ liệu có thể được thu thập từ các lĩnh vực khác nhau như y tế, tài chính, giáo dục, an ninh và các dữ liệu khác. Chính phủ có thể phân tích các chi tiết đó nhanh hơn với các công cụ phân tích dữ liệu lớn và tận dụng các kết luận để cung cấp các chính sách có lợi hơn cho xã hội.

- Nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn.

Sức mạnh của các doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Chính phủ. Để thực hiện chính sách tốt hơn, Chính phủ yêu cầu thông tin chuyên sâu hơn từ mọi ngành, và điều này trở nên khả thi với dữ liệu lớn. Phân tích dữ liệu thu thập được có thể cải thiện các chính sách kinh doanh và cho phép các Chính phủ thúc đẩy nền kinh tế của họ nhanh hơn và bền vững hơn.

Với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời gian qua và khả năng là cả thời gian tới, công cụ thực hiện truyền thông chính sách trở nên ngày một dễ tiếp cận. Bên cạnh việc mang đến cơ hội, nó cũng tạo ra thách thức cho những người thực hiện. Tuy nhiên, trước khi nhắc đến câu chuyện sử dụng Big Data hay AI như những công cụ hữu dụng, điều cần có trước tiên là một tư duy làm truyền thông chính sách với giá trị cốt lõi lấy lợi ích của người dân, công chúng làm trọng tâm. Chỉ như vậy, chính sách mới đạt được hiệu quả truyền thông và thực sự đi vào đời sống./.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Thành Đạt (22/10/2017), Ông Trump: Mạng xã hội giúp tôi thành Tổng thống, Báo Điện tử Dân trí, https://dantri.com.vn/the-gioi...

[2]. Báo cáo Số 2023 của VIệt Nam (Digital 2023: Vietnam),
https://datareportal.com/repor... digital-2023-vietnam

[3]. LiveMint (19/5/2017), Tác động quản trị lớn của Dữ liệu
Lớn (Big Data’s Big Governance Impact), https://www.livemint.com/Opini...

[4]. Janet Williams (09/3/2018), Dữ liệu lớn ảnh hưởng tới việc lập chính sách của chính phủ như thế nào? (How Government Policy Making will be Impacted by Big Data?), PromtCloud, https://www.promptcloud.com/bl...

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khai trương Trung tâm Báo chí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Trung tâm Báo chí được thành lập nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phóng viên (PV) trong nước, quốc tế đưa tin về Lễ kỷ niệm và chủ động, tích cực cung cấp thông tin của Ban Tổ chức về Lễ kỷ niệm.
  • Khám phá đất và người xứ Nghệ trên không gian số
    Thời gian qua, Bảo tàng Nghệ An đã mạnh dạn đưa công nghệ vào hoạt động trưng bày, để tiếp cận và thu hút du khách. Du khách đến với Bảo tàng Nghệ An từ chỗ "cấm sờ tay vào hiện vật" nay có thể được chạm tay vào hiện vật, cổ vật, được khám phá các danh lam, thắng cảnh, lịch sử, con người xứ Nghệ, thông qua không gian số 3D; khám phá kho dữ liệu lịch sử đã được số hóa... giúp Bảo tàng Nghệ An ngày càng hút khách, nhất là giới trẻ.
  • Báo chí và học giả quốc tế ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Báo Resumen Latinoamericano của Argentina những ngày qua liên tục đăng các bài viết cùng nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, ca ngợi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.
  • Lãnh đạo doanh nghiệp nên làm gì trước “làn sóng” AI?
    Nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI) và ‏‏dữ liệu lớn (big data‏‏). Người tạo thay đổi cho doanh nghiệp (DN) trong ứng dụng AI là CEO, COO và CFO, còn lãnh đạo công nghệ chỉ là người hỗ trợ.‏
  • Tháo gỡ rào cản nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT
    Nhằm tháo gỡ khó khăn trong đào tạo CNTT, Viện Quản trị và Công nghệ ABS (Đại học Thành Đô) ra đời với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo 100% sinh viên đủ phẩm chất, kỹ năng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Để truyền thông chính sách thực sự đi vào đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO